Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 19)

Tương Lai

Ấy là muốn nói về chuyện bà Lan Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm bị Đảng của ông Tổng Trọng khai trừ. Theo đường mòn cảm khái xưa cho thân phận người phụ nữ thì có thể lẩy câu Kiều “Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều [oan khốc] có chừa ai đâu. Nỗi niềm nghĩ đến mà đau”. Nhưng với sự kiện bà Lan, người phụ nữ xã Đồng Tâm từng dõng dạc đọc bản cam kết viết tay có chữ ký và điểm chỉ của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối với toàn thể người dân xã Đồng Tâm trưa hôm 22/4/2017 trước sự chứng kiến và reo hò vang dậy của hơn một ngàn người dân có mặt tại Nhà Văn hóa xã Đồng Tâm, nơi đây người dân sẽ thả những chiến sĩ cảnh sát cơ động và công an bị tạm giữ ở đây để làm con tin sau khi tuyên đọc “cam kết” nhằm tránh sự lật lọng quen thuộc, ngón võ sở trường của chính quyền, thì sự cảm khái kia trở nên khập khiễng và lạc lõng!

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Báo Tuổi trẻ ngày 21.4.2017 cho biết bản tường trình của ông Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy được dân Đồng Tâm cho ra khỏi nơi bị tạm giữ ghi rõ: “Trong thời gian ở tại xã, tôi cùng anh em được người dân đối xử tử tế, chăm lo đầy đủ, thay quần áo, tắm rửa, không bị đánh dập, không bị lăng mạ… Đến hôm nay do điều kiện sức khỏe, tôi được nhân dân quan tâm chăm lo cho về dưỡng bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn nhân dân. Tôi xin cam đoan những lời trình bày trên đây là đúng sự thật.”

VnExpress ngày 22.4.2017 tường thuật tỉ mỉ: 14g30, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Lan cầm loa đọc biên bản ông Nguyễn Đức Chung vừa ký với cam kết đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm sau khi xác định diện tích đất tranh chấp là quốc phòng hay nông nghiệp: “không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn thể người dân trong sự việc hôm 15/4”… Ngay sau đó, cánh cửa nhà văn hóa thôn Hoành mở rộng, đoàn công tác của ông Chung cùng 19 cán bộ, cảnh sát cơ động bước ra trong tiếng vỗ tay của dân làng. Nhiều cảnh sát siết chặt tay, ôm người dân. Trung đoàn phó trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội Phạm Văn Trung chắp tay cảm ơn. Về ông Chủ tịch Hà Nội có đoạn: “Ban Bí thư, lãnh đạo Trung ương giao nhiệm vụ cho tôi đối thoại. Chúng tôi kiên trì để đối thoại với bà con, không dùng các biện pháp mạnh. Cảm ơn các cụ đã giúp đỡ để giải tỏa mọi việc. Tôi cam kết sẽ giám sát việc Thanh tra Công an Hà Nội làm rõ việc bắt cụ Kình là đúng hay sai”, ông Chung nói.

Phải dẫn ra một đoạn hơi dài trên là để bàn dân thiên hạ nhớ lại bối cảnh của “sự kiện Đồng Tâm” với những diễn biến lươn lẹo của nó để rồi bây giờ là “lời nói gió bay”, người dân đang thực mục sở thị thế nào là “miệng quan trôn trẻ”, điều mà câu tục ngữ quen thuộc diễn đạt.

Bước vào thế kỷ XXI của cuộc cách mạng công nghệ thứ tư với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội thì không biết sự đúc kết dân gian nói trên có còn đúng nữa không, chứ cái mệnh đề “miệng nhà quan có gang có thép” trong mối tương quan đối nghịch với “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” của cái xã hội nông nghiệp lạc hậu, thì xem ra vẫn còn vương vấn trong cái môi trường xã hội nhiễu nhương và ô nhiễm này vì nó vẫn đang phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật sự tráo trở lật lọng tệ hại của người đang nắm quyền lực trong tay! Thì chẳng phải bản cam kết của ông Chủ tịch Hà Nôi chỉ còn là mẩu giấy bẩn khi cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố, triệu tập người dân Đồng Tâm đến “làm việc”!

Phải chăng đây là ngón đòn tâm lý nhằm khuất phục người dân chỉ mong sống yên bình sau những ngày quyết tử để giữ đất, đòi công lý và hào hứng vây quanh ông Nguyễn Đức Chung biểu tỏ sự vui mừng sau khi bà Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm dõng dạc đọc to Bản Cam Kết có chữ ký và điểm chỉ của ông để rồi cánh cửa Nhà Văn hóa xã được mở ra, trả tự do cho những người bị tạm giữ. Nhưng rồi, tấm màn sân khấu kéo lên cho kịch bản đã soạn sẵn nay đạo diễn hạ lệnh công diễn: khai trừ bà Nguyễn Thị Lan người nữ Bí thư kiên cường từng dũng cảm và sáng suốt, đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến đấu không cân sức với cường quyền bạo lực.

Một bản cáo trạng dài dằng dặc của huyện ủy Mỹ Đức liệt kê miên man tội trạng, tựu trung là: mặc dù văn bản của thành phố Hà Nội đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Nguyễn Thị Lan đã không chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng theo tinh thần trên nên phải bị kỷ luật khai trừ! Thật ra, đây đâu phải chuyện bất ngờ. Đây là cái kết cục tất yếu trong hành xử của chế độ độc tài đảng trị trong cái thể chế toàn trị phản dân chủ do Đảng tạo ra và kiên quyết duy trì với sự quyết liệt bảo kê của quan thầy Băc Kinh.

Thì cứ cho là cách xử lý của ông Nguyễn Đức Chung trong những ngày căng thẳng khi dân Đồng Tâm quyết “Nếu cần chết thì cả làng cùng chết để giữ đất, đòi người bị bắt, đòi công lý” là có chút công tâm và sự khôn ngoan của người đang ở đầu sóng ngọn gió. Thế nhưng đừng quên rằng chủ trương đàn áp và lừa dối là xuyên suốt từ đầu chí cuối. Cứ xem kỹ lời lẽ của cánh tuyên giáo và Phó Giám đốc công an Hà Nội trong các thông báo, trong các cuộc họp báo thì thấy ngay điều đó. Thậm chí khi buộc phải đưa tin “cụ Kình được giữ lại để chăm sóc” đã tréo ngoe với cái chuyện “hủy quyết định giam giữ cụ Lê Đình Kình” đã tự phơi bày bộ mặt thật, giấu đầu hở đuôi của một chính quyền bất chính!

Đứng trước sức ép của công luận trong nước và quốc tế nhà cầm quyền phải “tháo ngòi nổ”! Nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp “xử lý tinh huống”, tạm giấu đi sự gian trá của chủ trương đàn áp và lừa dối không hề thay đổi, điều mà người viết bài này đã vạch ra trong trả lời phỏng vấn của đài VOA ngày 17.4.2017: “Đây là bước phát triển mới chứng tỏ rằng người dân càng ngày càng hiểu rõ nếu họ gắn bó, quyết tâm đấu tranh thì có thể đẩy lùi bạo lực. Nhưng không phải lúc nào diễn biến cũng sẽ đơn giản như thế đâu. Sẽ còn nhiều lươn lẹo, mưu mẹo trong chuyện này lắm. Vì vậy, người dân thừa kinh nghiệm, thừa cảnh giác để đối phó.

Điều này không khó để chỉ ra nguồn cơn của nó. Hãy nghe ông ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nói khá rành rọt: “Gốc rễ chính của sự việc là do chính sách đất đai chưa sửa đổi kịp với những diễn biến của xã hội. Ông đề nghị khi thu hồi đất phải phân loại. Cái nào thực sự cho mục tiêu quốc phòng an ninh thì công khai, dân sẽ tôn trọng. Nếu là mục đích công cộng dân sẽ ủng hộ. Còn thu hồi đất cho các dự án kinh tế có lợi nhuận thì phải có thị trường quyền sử dụng đất, tức là nhà nước đứng ra làm trọng tài, còn doanh nghiệp và người dân thoả thuận trên cơ sở giá thị trường. Chúng ta chưa làm được việc này nên một số nơi, đặc biệt là cá nhân có thẩm quyền lợi dụng chính sách ấy, biến quy định của nhà nước thành có lợi cho mình, trục lợi bằng chênh lệch địa tô trên những mảnh đất màu mỡ, gây bức xúc cho nhân dân, khi họ bàn giao cho doanh nghiệp thì giá rẻ nhưng khi các công trình mọc lên thì giá rất cao, thậm chí có nơi mua lại thửa đất của mình với giá chênh lệch rất nhiều lần”. Và, ông đại biểu Quốc hội hiếm hoi này phấn khích hô hào: “Lãnh đạo thì phải anh tài. Đến Đông, Đông lặng, tới Đoài, Đoài yên. Nếu cần phải thua dân thì rất nên thua và chỉ có bậc đại trượng phu làm được điều đó”!

Chao ôi, có được ý tưởng và lời nói này trong cái buổi nhiễu nhương “người ta ăn không chừa một thứ gì” mà bà cựu Phó Chủ tịch Nước đã lỡ miệng xưng ra quả là hiếm quý cần đưa vào sách đỏ để gìn giữ, nhưng còn chuyện vị đại biểu muốn có “bậc đại trương phu” thì tìm “bậc trượng phu” này ở đâu ta? Liệu vị đại biểu Quốc hội hiếm hoi này có định làm triết gia Diogène thành Sinope trước Công Nguyên thắp cây đèn giữa ban ngày để đi tìm “một con người” không đây!

clip_image008

Chưa đến “bậc đại trượng phu” nhưng có một danh xưng cũng gần gần như thế là “người hào kiệt” thì có chuyện sau đây xin kể. Nguyên là trong một buổi họp mặt thân mật để tưởng niệm ông Sáu Dân nhân ngày sinh 23.11. 2016 của ông, một vị trong “nhóm thứ Sáu” gợi lại tầm vóc và bản lĩnh Võ Văn Kiệt để hào hứng tin rằng tư tưởng và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt vẫn được thực hiện. Để khẳng định niềm tin, ông dẫn lời Nguyễn Trãi “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Trong bầu không khí rộn ràng vui vẻ hẳn lên, thì một nữ nhà báo có hạng, nguyên là Tổng biên tập một tờ báo lớn từng bị treo bút chuyển nghề, đã dội một gáo nước lạnh: “nhưng hào kiệt bị nhốt vào trong tù ráo trọi rồi anh ơi”!

Bầu không khí lắng xuống nhưng rồi nhộn nhạo trở lại với tiếng cười, song là những tiếng cười cay đắng về một sự thật phũ phàng. Thì chẳng thế sao, những Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, những Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, những Trần Huỳnh Duy Thức và bao người khác đang bị bỏ tù với những bản án phi luân đó sao. Và màn dạo đầu cho những bản án mới ở Đồng Tâm là sự kiện người nữ Bí thư Đảng ủy dám kiên cường đứng về phía Dân, bảo vệ Dân, chống lại bọn cướp đất nhân danh Đảng và Nhà nước, bị khai trừ khỏi Đảng.

Chẳng phải là cái “bậc đại trượng phu” mà vị đại biểu Quốc hội quý hiếm nọ mong mỏi đã quay ngoắt 180 đó sao! Sau khi đạt được mục tiêu “giải cứu con tin” thì ông Chủ tịch Hà Nội lật kèo cao giọng “phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng” xóa bỏ cam kết, mà rằng “người dân không được phép đòi hỏi đất quốc phòng sử dụng vào việc gì, vì sao bỏ không, vì điều này thuộc về an ninh quốc gia”. Ông ta dõng dạc tuyên bố “không phải giải thích cho các anh đất làm gì? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia”.

Thế là gọn, chuyện thanh tra là “khách quan” cho nên việc quản lý sử dụng đất quốc phòng không còn là vấn đề nằm trong “cam kết” nữa, vì đất của Viettel đang chiếm dụng thuộc phạm trù an ninh quốc gia”! Có súng, có còng số 8 trong tay cứ thế mà dấn lên. Chưa đủ, Đại tướng Bộ trưởng cũng phải “xuất chinh” nhằm tô son điểm phấn cho Viettel để Công ty này nuốt trọn đất cánh Đồng Sênh của người nông dân Đồng Tâm. Bội ước lòng tin với dân nào có chi đáng sợ. Thì vẫn bội ước dài dài đó thôi, có sao đâu.

Đến sư bội ước lớn nhất là bội ước với Tổ quốc mà người ta vẫn dám làm để thực hiện cam kết với thiên triều Bắc Kinh trong mật ước Thành Đô thì còn sự bội ước nào mà cái đảng của Nguyễn Phú Trọng này không dám ra tay. Họ dám chà đạp lên vong hồn của những người lính và người dân đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Tây Nam rồi ở biên giới phía Bắc. Họ đã ra lệnh đục bia liệt sĩ ở Lạng Sơn, đập tượng nữ anh hùng chống Trung Quốc xâm lược đã được dựng lên tại sân trường học để thế hệ trẻ quên đi nỗi căm hơn quân xâm lược Tàu thế kỷ XX. Họ thẳng tay trấn áp, đánh đập, bỏ tù những người xuống đường biểu thị lòng yêu nước chống quân xâm lược Trung Quốc. Nếu so sánh những sự bội ước họ đã làm thì chuyện bội ước với người nông dân thật thà, chất phác tin rằng “có Đảng là có tất cả” nhưng rồi ngộ ra sự thật, họ đã quyết tử để giữ đất, giữ người, giữ niềm tin vào công lý, thì nào có gì phải ngạc nhiên.

Bởi vậy, việc người nữ Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan được Đảng của Tổng Trọng khai trừ là một kết cục rất logic! Sớm muộn rồi cụ Kình, biểu tượng sống động của trí tuệ, sự quả cảm và bản lĩnh của người lãnh tụ nông dân ở Đồng Tâm cũng sẽ bị trả thù khi những kịch bản soạn sẵn được công diễn theo cái logic đã được đúc kết “hàm răng của quyền lực luôn luôn mở rộng để nhai nuốt, và cánh tay nó luôn vươn ra, nếu có thể”. Cho nên, đúng như Einstein đã cảnh báo “Kẻ ngu xuẩn nào cũng có thể khiến mọi thứ trở nên to hơn, phức tạp hơn và bạo lực hơn”, bởi lẽ “quyền lực luôn thu hút những kẻ không có đạo đức”!

Quen thói độc tôn quyền lực, tâm lý quyền uy được nuôi dưỡng bằng bạo lực của sự ngu dốt và cuồng tín, khiến những kẻ đang nắm quyền lực trong tay không sao chịu đựng nỗi cái nhục “thua dân” như ở Đồng Tâm! Đã thế, bà con nông dân thôn Hoành của cụ Kình, chị Lan không hề đơn độc. Cả nước dồn mắt về thôn Hoành, về xã Đồng Tâm. Nhiều ngòi bút sắc sảo tiếp sức cho bà con bằng lời cổ vũ có sức công phá mãnh liệt như cách nhìn nhận “Bản Cam kết” mà nữ Bí thư Nguyễn Thị Lan đọc trước mặt đương sự hai bên và cả ngàn dân thôn Hoành “ cam kết độc nhất vô nhị của đại diện chính quyền cấp Thủ đô với dân, kể từ năm 1945 đến giờ”. Một lời ngợi ca khác cũng có sức công phạt khó có thể đo đếm: “Các đời sau này, khi đình làng Đồng Tâm thờ thành hoàng làng – Cụ Kình – thì cái này còn quý hơn sắc vua ngày xưa phong”! Còn vị luật sư từng tham gia vào giải quyết nhằm tháo gỡ ngòi nổ ở Đồng Tâm thì viết rõ: “Hãy nhìn cái chắp tay của người mặc đồ cảnh sát cơ động cúi chào nhân dân Đồng Tâm để thấy được sức mạnh của đấu tranh bất bạo động là như thế nào, và quyền lực nhà nước thực chất, cuối cùng, thuộc về nhân dân. Đây là những động thái chính trị chưa từng có trong lịch sử của dân tộc. Đó là điều mà chúng ta vẫn chờ đợi nhưng lại chưa từng nghĩ nó chính là bước ngoặt thực sự của thời cuộc”.

Vậy đó. Làm sao người đang ngất ngưởng trên cái ghế quyền lực lại chấp nhận “bước ngoặt thực sự của thời cuộc” này được! Cái “động thái chính trị chưa từng có” của cuộc “thua” này sẽ tạo nên một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho chế độ độc tài toàn trị của Đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng.

Bởi lẽ khác với những sự kiện từng bùng nổ trước đây xoay quanh mâu thuẫn về quyền sở hữu đất ở nông thôn và lũ cường hào mới dựa thế Đảng để cướp đất như “Sự kiện Thái Bình” năm 1997, trong bối cảnh của cuộc cách mạng thông tin với sự bùng nổ của mạng Internet, sức lan tỏa của sự kiện Đồng Tâm tạo nên phản ứng dây chuyền cực kỳ mạnh mẽ và nhanh nhạy với tốc độ chưa từng có đến cuộc chiến đấu giữ đất của nông dân trong cả nước. Cuộc chiến đấu này lại gắn rất chặt và thúc đẩy làn sóng đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền đang ngày càng dâng lên mạnh mẽ. Cả hai cuộc đấu này đều tỷ lệ thuận với sự khốc liệt của bạo lực và trấn áp. Dù biết rằng dùng bạo lực để xử lý mối quan hệ với dân là cách giải khát bằng thuốc độc, nhưng mọi thế lực cường quyền xưa nay trong cơn hấp hối vẫn buộc phải dùng nhằm kéo dài cơn hấp hối ấy để trông chờ vận may hi hữu.

Sự kiện nữ Bí thư Đảng ủy Đồng Tâm, người kiên quyết không ký vào văn bản công nhận “Đất Đồng Sênh là đất quốc phòng” theo lệnh của Đảng, người phụ nữ can trường bên cạnh cụ Kình và những đồng chí đồng đội kiên trung với Dân “được” Đảng khai trừ cần đặt vào cái khung cảnh xã hội* (social framework) nói trên để thấy rõ cái logic tất yếu của nó. Và cũng chính cái logic đó phơi bày rõ hơn bao giờ hết sự ruỗng nát của Đảng, của tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở dưới sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng. Những người chính trực hết lòng vì dân, vì nước tất yếu sẽ bị đẩy ra khỏi Đảng. Điều này, thật ra chẳng có gì mới.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Milovan Djilas, một trong những nhà lý luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Nam Tư, tác giả của Giai cấp mới, một tác phẩm được viết trong tù và bí mật gửi ra nước ngoài để in ở New York năm 1957, đã phân tích rất rõ chuyện này: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở… Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì phải len vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị… Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”!

Nữ Bí thư Đảng ủy Đồng Tâm Nguyễn Thị Lan là một trong số những người bị đẩy ra đó. Danh sách những người bị đẩy ra cùng với những người từ bỏ đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ ngày càng dài ra nhanh chóng khó cưỡng lại bởi bất kỳ thủ đoạn nào.

Cái gì phải đến, tất yếu sẽ đến.

Ngày 29.10.2017

T. L.

*. Xem nội dung đã phân tích trong bài Những lời tâm huyết nói cho ai trong Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 18.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Bookmark the permalink.