Giới chuyên gia phản bác ‘kích tín dụng’ của Thủ tướng Phúc

Thiền Lâm

clip_image002

Huy động bằng cách nào? Hay là đến lúc cùng thì cho Hội cờ đỏ đi… cướp, cũng gọi là “Cách mạng văn hóa mang đặc thù CSVN”? – Chú thích ảnh của BVN

Dân tởn món da lừa dưa bở rồi ông ơi

Nguyễn Quang Lập

… “nàm” không chịu “nàm”, không nghĩ cách kiếm tiền, mà cứ nhòm vào túi người dân rồi há miệng xem… nó có rơi [vào miêng mình không] … đến thế là cùng!

Trần Thanh Thủy

Chủ trương được hiểu là “tăng trưởng bằng kích thích tín dụng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang bị chính giới chuyên gia ngân hàng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, phản bác.

Một trong số chuyên gia phản bác như thế là tác giả Phạm Xuân Hòe (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), viết trên tờ Lao động, nêu quan điểm: “Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu…”.

Tác giả Phạm Xuân Hòe cũng nhắc lại một bài học đắt giá về kích tín dụng:

“Những năm thập niên 80 là thời kỳ siêu lạm phát (1986-1989). Có năm chỉ số CPI trên 800%. Phát kiến “sai lầm” trong việc in tiền thực hiện bù giá vào lương gây ra lạm phát phi mã, Ngân hàng Nhà nước lúc đó buộc phải đẩy lãi suất huy động lên 9-12%/tháng để hút tiền về (tương đương khoảng 108-144%/năm).

Kết quả, giảm lạm phát nhưng gây ra hệ lụy khoảng 68 ngàn doanh nghiệp nhà nước phá sản, trên 60 vạn lao động mất việc làm…

clip_image004

     Ảnh: Soha

Ở thời kỳ đó, Việt Nam nâng mặt bằng giá lên 10 lần, nhưng phần chênh lệch giá vật tư nguyên liệu tăng lên 9 lần được bóc ra chênh lệch đưa hết về ngân sách để chi tiêu, phần doanh nghiệp nhà nước giữ lại chỉ là 1. Đó là căn nguyên làm cho gánh nặng vay nợ của doanh nghiệp nhà nước gia tăng…

Tín dụng ngân hàng chính là rốn đựng cho số thiếu vốn này; Cái giá phải trả về rủi ro lạm phát ở thời kỳ này rõ nhất là người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc gửi là cả con bò đến khi rút ra không mua nổi bát phở.

Toàn cảnh về chủ thể vay vốn ngân hàng trong nước hầu như còn đang ốm yếu như vậy nếu cứ thúc đẩy bơm tín dụng thì cuối cùng vốn sẽ chảy vào khu vực luôn “ngốn tiền” nhiều nhất là bất động sản và chứng khoán. Xin hãy thận trọng đừng để loại “bong bóng” này tái phát, và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng…”.

Vì sao lại có những phản bác của giới chuyên gia về “kích tín dụng”?

Gần đây, Thủ tướng Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng “Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm” để “hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra”. Theo đó, khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.

Vậy tiền ở đâu để đẩy ra thị trường?

Hãy nhớ lại vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây?

Trong khi đó, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Phúc là người… khoái thành tích và hình ảnh.

Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, phía Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã tung ra bản báo cáo với thành tích tăng trưởng kinh tế quý 3/2017 lên đến 7,46%, và còn dự kiến quý 4/2017 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,31%, để tính chung cả năm 2017 có mức tăng trưởng là 6,7%.

Từ tháng Bảy đến nay, sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Phúc trên mặt báo chí nhà nước là dày đặc hơn hẳn, không mấy kém thua “hiện tượng ồn ào Đinh La Thăng” vào năm 2016. Một trong những xuất hiện dày nhất của ông Phúc là đi thăm các tỉnh thành cùng phát ngôn lặp đi lặp lại về “đầu tàu kinh tế” dành cho nhiều địa phương.

Sau vụ cả hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đều thình lình “bị bệnh”, danh sách ứng cử viên cho chức vụ Tổng bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ đã rút ngắn hẳn. Theo đó, Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ vị trí cố định và được xem là “đầy tiềm năng”.

Hẳn nhiên có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ Thủ tướng mà còn ứng cử viên Tổng bí thư.

Nếu khả năng in tiền ồ ạt là có cơ sở, lẽ đương nhiên thị trường tín dụng phải tràn ngập tiền, để nguồn tiền quá dư dả nhưng khó có lối thoát này lại trở thành “động lực kiến tạo” khiến GDP quốc gia tăng vọt trong các báo cáo của Chính phủ, dẫn đến phản ứng của chính Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 10/2017: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?…”. Còn Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì cảnh báo “Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện”.

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/gioi-chuyen-gia-phan-bac-kich-tin-dung-cua-thu-tuong-phuc.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.