Paulus Lê Sơn
Xã hội Việt Nam bây giờ như thế nào? Lại nhớ đến câu phát biểu của ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội: “Thà nghèo mà yên bình” hồi tháng 2 năm 2016 tại Ba Vì, Hà Nội. Những ngày gần đây trên mạng xã hội Facebook lan truyền những cảnh tra tấn, đánh đập giữa người với người một cách hết sức man rợ. Tôi thấy câu nói của ông Ủy viên Bộ Chính trị thật là hàm hồ.
Những gì đang diễn ra ?
Trong bài này tôi chỉ muốn nhắc đến ba hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng và gây ra nỗi bất bình trước tội ác, xáo trộn nhân bản, thương cảm cho một kiếp người, và sự bất lực trước những bất công trong xã hội hôm nay.
Khoảng 23h tối 24/10, tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang xác nhận vụ việc nam thanh niên ở xã Mai Đình trộm chó ở xã bị người dân bắt giữ đánh đập, treo cổ lên cột điện bên cạnh 1 con chó đã chết.
Hình ảnh người thanh niên bị treo cổ máu me đầy người bên xác một con chó đã chết được lan truyền nhanh chóng trên mạng tạo ra một sự tranh cãi của cộng đồng mạng xã hội.
Ngày 26/10, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người mặc cảnh phục CSCĐ có hành động “lên gối” vào bụng một nam thiếu niên mặc đồng phục học sinh tại khu vực bến Vân Đồn, Sài Gòn. Những hình ảnh công an đánh đập người dân thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, hầu như tất cả vụ việc đều bị chìm xuồng.
Bạo lực gia đình đang là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Nó diễn ra bất cứ đâu, trong bất cứ gia đình nào. Việc người chồng sử dụng bao lực với vợ con đã trở thành một “thói đời” của người đàn ông Việt Nam.
Thi thoảng người ta lại rộ lên những vụ trẻ con vô tội bị kẻ xấu bắt cóc đem bán đang diễn ra khắp nơi. Bạo lực học đường dường như đang là một con virut không có thuốc kháng sinh, các nữ sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng và coi đó là một chiến tích.
Có phải bây giờ những sự vụ đau lòng như thế này mới xảy ra? Cách đây gần một thập niên về trước, tôi đã cảm nhận được một xã hội sặc mùi bạo lực. Một xã hội bạo lực thì dẫn đến một xã hội khủng bố.
Nguyên nhân do đâu mà ra nông nỗi này?
“Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt”, đó là một dụ ngôn luôn luôn đúng với thực tại của mọi thời đại, mọi cơ cấu xã hội và con người. Trong một xã hội bị cai trị bởi một thể chế cầm quyền độc tài sử dụng chủ nghĩa bạo lực để cướp chính quyền và giữ chính quyền mà chúng ta mong đợi một xã hội nhân văn là quá ư xa xỉ.
Ông Bình, một người thường xuyên theo dõi hiện tình xã hội Việt Nam nói rằng ông cảm thấy buồn và sợ lòng người tại Việt Nam. Điều ông Bình sợ phải chăng là có cơ sở? Rõ ràng chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn vào sự thật phũ phàng của xã hội và con người Việt Nam mà đổi thay.
Ông Bình nói rằng “trời ơi nhìn hình người ta xử người trộm chó sợ thật, tôi coi film kinh dị Hollywood không sợ mà coi cái đó thật sự sợ vì film thì giả mà cái đó là thật”. Rồi ông tự đặt câu hỏi: “tôi sợ lòng người quá, sự tàn nhẫn đến thế ư, tự bao giờ chúng ta đã ra thế này?”.
Một câu hỏi lớn mà chúng ta cần phải tìm nguyên nhân nó đến từ đâu để trả lời hiện thực xã hội điêu tàn, phi nhân tính đang xảy ra ngày hôm nay.
Kể cũng lạ, con người đối xử với nhau thì bất nhân, nhưng trước bạo quyền, kẻ đã tạo ra một xã hội bạo lực thì sợ hãi, run sợ. Người ta có thể lên án, chỉ trích ném đá nhau nhưng lại chấp nhận bị đàn áp, từ bỏ phẩm giá của mình khi bị nhà cầm quyền tước đoạt.
Chúng ta có thể hay không? mỗi một con người cụ thể cần thiết, khẩn trương chung tay xây dựng một xã hội có được công bằng, dân chủ, văn minh và nhân ái thực sự. Những người cầm quyền cần chấn chỉnh và biết thượng tôn một trật tự pháp định công minh. Có như thế mới có thể mong cho mọi thành phần trong xã hội tranh được những luồng gió độc, nhất là hiện tượng bạo lực đang tràn lan.
28.10.2017
P.LS.
Tác giả gửi BVN