Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú trong dấu [ ]
Hỏi: Về văn hóa thì sao, phải chăng TQ đã tiến sang giai đoạn khoa học?
CHQ: Đặc điểm của thần học là dựa vào “Mệnh trời” [thiên mệnh]. Huyền học thì coi trọng “suy lý”. Khoa học coi trọng “Chứng cớ thực tế” [thực chứng]. Xin nêu một ví dụ: giai đoạn thần học nói mặt trời không chuyển động; về sau thấy mặt trời mọc phía Đông, lặn phía Tây bèn kết luận mặt trời quay xung quanh trái đất – đó là huyền học, không có chứng cớ thực, nhưng vào thời ấy là một tiến bộ lớn. Trong giai đoạn khoa học, người ta đưa ra thuyết trái đất xoay xung quanh mặt trời.
Trên mặt văn hóa, ta có vấn đề rất lớn. TQ là một quốc gia lâu đời văn minh xuất sắc, nhưng lại lạc hậu trong tiến trình hiện đại hóa. Trước thời Văn nghệ Phục hưng, phương Tây lạc hậu, nhưng nhờ Văn nghệ Phục hưng mà trỗi dậy, đi lên hàng đầu về hai chuyện lớn là khoa học và dân chủ. Ta không dám học dân chủ, chỉ học khoa học; về khoa học cũng chỉ nhập khoa học tự nhiên, còn khoa học xã hội thì không mở cửa, trừ kinh tế học; nhiều ngành khoa học cực kỳ lạc hậu. Khởi nghiệp là việc khó nhất. Nước Mỹ có công nghiệp phát triển là nhờ không ngừng đào tạo những nhà khởi nghiệp ưu tú. Quản lý là sức sản xuất quan trọng, ngày nay đã trở thành thường thức được công nhận và phát triển thành nhiều ngành học. Liên Xô tiêu diệt các nhà tư bản, không có người quản lý cho nên kinh tế thất bại.
Tôi có ông bạn làm Giáo sư ở trường Đảng Trung ương [TQ], ông ấy cho tôi xem một cuốn sách giáo khoa của trường này. Tôi xem và cười ha hả. Ngoài bìa viết là kinh tế học Mác-xít nhưng bên trong phần nhiều viết về Keynes. Nên nói như thế là tiến bộ, khoa học xã hội đã đưa kinh tế học tư bản vào, nhưng chúng ta còn chưa thể nói thế. Quan điểm của xã hội học là xã hội loài người không thể không có giai cấp, giữa các giai cấp vừa có mâu thuẫn vừa có hợp tác, không phải chỉ có thể mày chết tao sống. Vì thế xã hội học thừa nhận tính hợp lý của việc có tồn tại giai cấp. Cho nên chúng ta không thích xã hội học, “Chủ nghĩa duy vật lịch sử” bèn phủ nhận sự tồn tại của xã hội học, Liên Xô một thời gian dài không biết học vấn này. TQ thì mãi đến sau Cách mạng Văn hóa mới xây dựng lại môn học này.
Theo lý thuyết mới về chính trị học thì số quan chức trên toàn thế giới chi cần bằng 1% là đủ rồi. Máy tính có thể thay cho nhiều quan. TQ có 70 triệu quan, nhưng nếu theo nghiên cứu nói trên thì 7 triệu đã là quá nhiều. Về giáo dục học thì nền giáo dục của ta tồi tệ quá. Bộ trưởng Giáo dục mới nhậm chức, mọi người đều mong ông ấy làm được chút việc tốt, nhưng ông không làm được. Vì sao vậy? Không phải ông ấy không muốn làm tốt mà là hoàn cảnh quá phức tạp đã kìm chân toàn bộ chế độ ta.
Hỏi: Cụ cho rằng hiện nay ta học phương Tây còn lâu mới đủ?
CHQ: Văn hóa nhất định là hỗn hợp của nhiều dạng văn hóa. Văn hóa đơn nguyên phát triển đến một giai đoạn nhất định rồi sẽ không thể phát triển tiếp mà cần có sự chiết ghép với văn hóa bên ngoài. Văn hóa TQ ở thời Xuân thu đã xuất sắc nhưng sau này bắt đầu suy tàn. Đời Hán có Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang, trải qua mấy trăm năm diễn biến, đến đời Đường thì văn hóa Hoa hạ với Phật học là trung tâm hỗn hợp với nhau, đây là thời kỳ thứ hai của văn hóa Hoa hạ. Có nhiều thứ tốt đều đến từ văn hóa Ấn Độ, ví dụ Trung y, điêu khắc, kiến trúc, ca múa v.v… Đến đời Thanh lại có sự chiết ghép của văn hóa phương Tây, đây là thời kỳ thứ ba. Ngày nay ta học văn hóa phương Tây, bởi lẽ văn hóa của họ cao hơn ta, không đơn giản chỉ vì họ có mức sống cao.
Sau khi tôi sang tuổi 85, mọi người yêu cầu tôi viết chút ít về văn hóa, tôi bèn đưa ra thuyết “Song văn hóa”. Trước hết, văn hóa không phải chia làm phương Đông, phương Tây như thế này, bàn về văn hóa phải căn cứ vào lịch sử. Thời cổ có nhiều cái nôi văn hóa, về sau dần dần hòa nhập thành bốn nền văn hóa truyền thống: văn hóa Đông Á, văn hóa Nam Á, văn hóa Tây Á và văn hóa Tây Âu. Văn hóa Tây Âu truyền sang Bắc Mỹ gọi là văn hóa phương Tây. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, bốn nền văn hóa truyền thống ấy lưu thông với nhau, đại để bắt đầu từ thế kỷ XVIII, vô tri vô giác phát triển thành văn hóa hiện đại quốc tế không chia theo vùng, là do các nước trên thế giới “Cùng sáng tạo, cùng sở hữu, cùng hưởng thụ”. Ví dụ nói đèn điện ngày nay không thể nói là văn hóa Mỹ mà là văn hóa thế giới. Văn hóa phương Tây sớm phát triển dân chủ, sáng tạo khoa học công nghệ nhanh, là dòng chính trong văn hóa hiện đại quốc tế, được gọi là “Tây hóa”. Nhưng các nền văn hóa truyền thống khác cũng đều có cống hiến quan trọng cho văn hóa hiện đại quóc tế, không được đánh giá thấp.
Ngoài ra dòng chảy văn hóa cũng không phải là lúc ở bên Đông lúc ở bên Tây luân phiên nhau mà là chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, lạc hậu đuổi theo tiên tiến. Thuyết “Sông bên Đông, sông bên Tây” là “Sai lầm tự ti” biến thành “Sai lầm tự tôn”, chẳng có căn cứ sự thật nào cả, chỉ là thói lấy can đảm của kẻ nhát gan “Hét to khi đi đêm”. Hiện nay mỗi quốc gia đều sống trong thời đại “Song văn hóa”: văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại quốc tế, đây là dòng chính của văn hóa ngày nay.
Hỏi: Cụ nhìn nhận thế nào về cơn sốt khắp nơi trong nước đều mở Quốc học viện và mở Diễn đàn trăm nhà giảng dạy Quốc học?
CHQ: Trước tiên, hai chữ “Quốc học” là không thông thuận. Trên thế giới chưa từng có “Quốc học”, mọi thứ học vấn đề đều có tính thế giới, không chia theo quốc gia. Nhưng nếu nói cần nghiên cứu các thứ cổ đại thì tôi tán thành. Có một điểm cần chú ý là phục hưng văn hóa Hoa hạ, điều quan trọng không phải là phục cổ về văn hóa mà là đổi mới về văn hóa. Không phải là lấy văn hóa truyền thống thay cho văn hóa hiện đại mà là dùng truyền thống để hỗ trợ văn hóa hiện đại.
Cụ thể làm thế nào, phần đông cho rằng nên phù hợp ba yêu cầu: Nâng cao trình độ – việc chỉnh lý và nghiên cứu phải dùng phương pháp khoa học; Thích ứng với hiện đại – không làm chuyện nói suông huyền học; Mở rộng truyền bá – dùng lời văn hiện đại để giải thích và phiên dịch các tác phẩm cổ đại.
Hỏi: Hiện nay có học giả mượn cơn sốt phục hưng văn hóa truyền thống để kêu gọi khôi phục chữ phồn thể, cụ thấy thế nào?
CHQ: Chẳng khôi phục được đâu. Họ có hỏi tôi vấn đề này, tôi bảo ông đi mà hỏi các thầy giáo tiểu học ấy. Tốt nhất Bộ Giáo dục nên tổ chức điều tra rộng rãi, các giáo viên tiểu học tán thành cái nào thì theo thế ấy. Chắc chắn đa số giáo viên tiểu học đều tán thành chữ giản thể. Hồi thập niên 1950 phải tiến hành cải cách chữ viết bởi vì hồi ấy tỷ lệ mù chữ ở TQ là 85%. Sao có thể hiện đại hóa được cơ chứ? Muốn đông đảo quần chúng học chữ, ở tình trạng một chữ có hai cách viết thì không thể học được, tất phải có tiêu chuẩn thống nhất. Ngoài ra xét theo xu thế của toàn bộ chữ viết, tất cả các loại chữ viết đều bớt nét cho đơn giản, ngày một đơn giản hóa. Xét theo lịch sử, xét theo lý thuyết đều như thế cả. Tôi còn cho rằng đơn giản hóa như hiện nay còn chưa đủ nữa cơ.
Có lần tôi hỏi một nhân viên công tác trong Hội Ngôn ngữ Liên Hợp Quốc rằng sáu loại ngôn ngữ làm việc của LHQ, loại nào dùng nhiều? Ông ấy nói vấn đề này đã có kết quả thống kê, kết quả ấy không giữ bí mật nhưng cũng không tuyên truyền, bởi lẽ nói ra thì sẽ có một số người không vui. 80% văn bản của LHQ dùng tiếng Anh, 15% dùng tiếng Pháp, 4% dùng tiếng Tây Ban nha, còn lại 1% trong đó có tiếng Nga, tiếng A Rập, Trung văn. Trong đó Trung văn chưa đến 1%, sao mà có thể cạnh tranh với tiếng Anh được cơ chứ? Ngày nay người ta học tiếng TQ là để chơi, chẳng khác gì học hát học nhảy, muốn học đến trình độ dùng được thì còn chưa. Cho nên chữ Hán vẫn còn phải đơn giản hóa nữa, phải nghĩ cách để thế giới có thể tiếp thu, như thế mới có thể thực sự phát huy tác dụng. Tôi nghĩ cuối thế kỷ XXI có thể lại tiến hành một đợt giản đơn hóa chữ Hán.
Hỏi: Khi xem xét các sự vật, Cụ đều nhìn từ góc độ thế giới chứ không nhìn từ góc độ quốc gia.
CHQ: Sang thời đại toàn cầu hóa, mọi người cần có thế giới quan khác trước. Trước kia từ trong nước nhìn ra thế giới, bây giờ phải từ thế giới nhìn vào trong nước. Góc nhìn thay đổi, mọi sự vật cần phải đánh giá lại. Ví dụ trước đây tất cả các sách đều nói Thế chiến II do Hitler gây ra. Như thế là không đúng. Trên thực tế là Đức và Liên Xô bí mật xâu xé Ba Lan, từ đó gây ra chiến tranh. Việc lớn thế mà lịch sử còn chưa nói rõ. Ba Lan và Estonia di chuyển Đài kỷ niệm Liệt sĩ Liên Xô từ trung tâm thành phố đến nghĩa trang quân đội Liên Xô. Nga kháng nghị, cho rằng như thế là coi nhẹ công lao quân đội Liên Xô đã giải phóng vùng đó. Dân địa phương thì cho rằng Liên Xô xâm lược nước họ, chớ nên tiếp tục sùng bái Liên Xô. Rốt cuộc Liên Xô là người giải phóng hay kẻ xâm lược? Chúng ta phải nhận thức lại lịch sử.
Hồi những năm 80 thế kỷ trước, tôi có tham gia dịch cuốn “Bách khoa toàn thư Britannica” [Encyclopaedia Britannica], khi dịch đến chỗ nói về chiến tranh Triều Tiên thì khó xử. Chúng ta nói Mỹ gây ra cuộc chiến tranh ấy, người Mỹ thì nói Bắc Triều Tiên gây chiến. Về sau khi xuất bản lần đầu [bản tiếng TQ] đã không viết đoạn ấy. Năm 1999 xuất bản lần thứ hai, chúng ta nới rộng thước đo, đồng ý nói là Bắc Triều Tiên gây chiến tranh. Trước kia ta tuyên truyền cuộc kháng chiến chống Nhật chủ yếu là do chúng ta đánh; hiện nay ta thừa nhận Quốc Dân đảng có khu vực chiến đấu lớn, quân đội nhiều, chống Nhật 8 năm, kiên trì đến cùng, Nhật đầu hàng Quốc Dân đảng, phần lớn lính Nhật bị Quốc Dân đảng tiêu diệt; Bát Lộ Quân là phiên hiệu quân đội của Quốc Dân đảng, huy hiệu trên mũ là huy hiệu Quốc Dân đảng chứ không phải sao đỏ 5 cánh. Cho nên chúng ta đang tiến bộ.
N.H.H.
Nguồn tiếng Trung: 周有光:中国还没崛起—–百岁老学者周有光谈中国
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/10/24/chau-huu-quang-trung-quoc-p2/