Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc hội kiến tại Phnom Penh, tháng Tư, 2017.
Có một mốc thời điểm trùng hợp đáng chú ý: Tháng Bảy năm 2017 bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt khởi sự từ vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, cũng là tháng mà Tổng bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng thực hiện một cuộc “bình Tây”: chuyến công du mang sắc thái vội vã và cập rập của ông Trọng sang Campuchia khiến nhiều dư luận cho rằng Việt Nam muốn “ve vãn” quốc gia sát biên giới Tây Nam nhằm thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, cũng là nhằm đo đếm xem vai trò và ảnh hưởng của Hà Nội đối với Thủ tướng Hunsen còn giữ được ở mức nào.
25 triệu đô la và 70.000 người Việt
Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 cho đến trước chuyến đi Campuchia của Tổng bí thư Trọng, một số quan chức cấp cao của Việt Nam cũng đã đi Phnompenh, nhưng chỉ đạt được kết quả là chứng kiến một Hunsen càng lúc càng bắt chước Bắc Kinh khi nhìn Việt Nam bằng nửa con mắt. Không có bất kỳ cam kết nào có thể chứng minh được của Campuchia về việc sẽ không khơi lại những xung đột biên giới giữa hai nước, dẫn đến những dấu hiệu về quân đội Việt Nam đã âm thầm gia tăng lực lượng ở biên giới Tây Nam.
Không biết lấy tiền từ đâu và theo cơ chế nào, nhưng chắc chắn không phải là tiền túi, trong cuộc gặp kéo dài 90 phút với Hunsen vào tháng 7/2017, Nguyễn Phú Trọng đã tặng 25 triệu đôla Mỹ viện trợ để xây dựng tòa văn phòng Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia. Báo đảng Việt Nam lập tức tuyên giáo: “hai bên đã ký một số văn kiện quan trọng, như tuyên bố chung về tăng cường hợp tác và hữu nghị, một hiệp định khung về kết nối kinh tế, một nghị định thư về hoạt động cứu hộ thiên tai dọc theo biên giới, biên bản ghi nhớ về việc phát triển nhà máy thủy điện và về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông”.
Truyền thông Việt Nam còn miêu tả chuyến thăm Campuchia của ông Trọng là “một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia”.
Thông tấn xã Việt Nam mô tả cảnh người dân Campuchia tưng bừng đón tiếp người đứng đầu đảng cầm quyền tại Việt Nam: “Dọc hai bên đường từ sân bay quốc tế Pochentong về Hoàng cung, hàng nghìn người dân và thanh thiếu niên Campuchia cầm cờ, hoa, vẫy chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… Từng đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời, trước cửa Hoàng cung – hình ảnh sinh động của hòa bình và hữu nghị”…
Nhưng chỉ hơn hai tháng sau chuyến đi “tưng bừng đón tiếp” trên, “hình ảnh sinh động của hòa bình và hữu nghị” đã bị một cú giáng ngã ngửa: Bộ Nội vụ Campuchia tuyên bố bắt đầu xúc tiến kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân, mà thực chất là thu hồi quyền công dân, của gần 70.000 người, đa phần là gốc Việt, đang sinh sống tại Campuchia.
Bóng ma chiến tranh biên giới Tây Nam?
Kể từ thời điểm năm 1979 khi quân đội Việt Nam “tiếp quản” Campuchia từ Khơmer Đỏ và thay thế chế độ diệt chủng này bằng chế độ của Thủ tướng Hunsen, chưa bao giờ Hunsen lại xa rời tầm tay của Bộ chính trị Hà Nội như lúc này.
Cuộc khủng hoảng Việt Nam – Campuchia có thể đã khởi đi bằng một vấn đề xã hội chứ không phải ngoại giao hay kinh tế, quân sự, nhưng là mâu thuẫn xã hội với một tầm mức đủ gây xáo động mạnh trong dư luận, còn giới chóp bu Việt Nam ăn không ngon miệng.
Ngay trước mắt, bảy chục ngàn người Việt sinh sống ở Campuchia rất có thể sẽ bị Chính phủ nước này tước quyền công dân và đẩy đuổi về Việt Nam. Mặt khác, tương lai có đẩy đuổi hay không cũng có thể được phía Campuchia biến thành một điều kiện tiên quyết để thương lượng với giới chóp bu Việt Nam về nhiều vấn đề trong quan hệ đã không còn cơm lành canh ngọt giữa hai nước như biên giới, bố phòng quân sự, thương mại và đầu tư, quan điểm ứng xử với Mỹ và với Trung Quốc…
Khủng hoảng ngoại giao người Việt ở Campuchia lại kéo theo nguy cơ xung đột quân sự “Mặt trận Campuchia” đang có chiều hướng nóng rẫy. Bóng ma cuộc chiến biên giới Tây Nam nhũng năm 1978 – 1979 đang trở lại.
Từ vị thế một quốc gia được xem là “anh cả” trong khối ba nước Đông Dương, giờ đây Việt Nam có thể còn phải thật sự lo sợ sự thay đổi nhanh chóng của Hunsen – nhân vật đang có nhiều dấu hiệu đi theo khuynh hướng độc tài và độc trị của Tập Cận Bình.
Xung đột quân sự còn tràn ngập nguy cơ ở khu vực Biển Đông gần lãnh hải Việt Nam, và ngay tại biên giới phía Bắc là nơi Trung Quốc luôn lăm le…
Luật Nhân quyền Magnitsky
Đã khó càng thêm khốn.
Chỉ ít ngày trước hành động dự kiến tước giấy tùy thân 70.000 người Việt ở Campuchia mà bị một số quan chức Việt coi là “phản bội Việt Nam”, người Đức đã ra thông báo tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam – một cú giáng thẳng thừng điếng người vào thói dùng luật rừng với cả thế giới cùng thói “kiêu ngạo cộng sản”. Sau đó, Chính phủ Đức đình chỉ luôn hiệp định Đức – Việt về miễn vi sa cho những người dùng hộ chiếu ngoại giao. Cử chỉ đặc biệt tế nhị này có nghĩa là kể từ nay, kể cả Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có muốn đi Đức thì đều phải đến Đại sứ quán Đức tại Hà Nội để xin visa.
Đây cũng là lúc mà bắt đầu là một số và tiếp tới có thể là hàng loạt quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã bị trục xuất và có thể sẽ bị trục xuất, kéo theo giai đoạn hai của khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt: đóng băng kéo dài.
Vẫn chưa hết. Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và có thể cả Nhật Bản, Mỹ dường như không còn muốn tiếp nhận lực lượng lao động thủ công và kể cả du học sinh Việt Nam. Một số thị trường nhập khẩu lao động đang dần đóng cửa. Có thể nhiều du học sinh Việt Nam sẽ phải về nước.
Dân khốn khổ là vậy, nhưng quan chức và giới nhà giàu cũng không thoát. Luật Nhân quyền Magnitsky đã được Mỹ ban hành vào cuối năm 2016 và Quốc hội Canada vừa thông qua vào tháng 10/2017 sẽ góp phần hạn chế đáng kể dòng di trú của giới quan chức và đại gia Việt Nam sang các nước này. Hàng lô hàng lốc quan chức Việt hoặc vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng sẽ phải điên đầu để tìm được “miền đất hứa”.
Sau Đức là ai?
Trong tình thế “thù trong giặc ngoài” như thế, giới chóp bu Việt Nam sẽ đối phó ra sao?
Thật lạ lùng là bất chấp tình cảnh ngày càng trở nên quá nguy hiểm, giới quan chức Việt Nam vẫn không ngớt các cuộc thanh trừng quyền lực và tranh giành lợi ích, vẫn mê muội đu dây chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng lại hầu như không thèm liếc mắt tới thảm trạng dân chúng đang trở về thời lầm than thực dân.
Không chỉ tài nguyên thiên nhiên bị khai thác gần như cạn kiệt cùng một nền kinh tế đã lao vào suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp, cả chính trị và xã hội Việt Nam đang lao đến vực thẳm của tử thần.
Không còn nghi ngờ gì nữa, 2017 có lẽ mới chỉ là năm mở màn của chuỗi khủng hoảng ngoại giao giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Cứ với đà này, năm sau và những năm sau nữa, chính thể Việt Nam sẽ còn phải tiếp nhận không chỉ thái độ thờ ơ ghẻ lạnh từ nhiều nước phương Tây, mà có thể còn xảy ra một cú siết không tuyên bố trước, âm thầm nhưng kiên quyết từ những quốc gia này về bảo hộ thương mại, thuế quan, viện trợ phát triển, đầu tư nước ngoài và cả về ngoại giao, hợp tác văn hóa.
Sau người Đức, những cái tên như Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, Úc, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Na Uy…, và không loại trừ cả người Mỹ và cả người Nhật, có thể hiện ra và “kiến tạo” ấn tượng ghẻ lạnh đủ thấm thía cho giới lãnh đạo Việt Nam về triết lý nhân sinh “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Đã gửi VOA.