Tương Lai
Trong nguyên nghĩa thì đúng là thiên tài và thiên tai có chung một vần thật nhưng không có mối liên hệ họ hàng hang hốc gì sất. Thế rồi một câu ca dao mới được lan truyền trong dân gian, phản ánh sâu sắc tâm trạng xã hội “Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là tại thiên tài Đảng ta”.
Tốc độ lan truyền của câu ca dao trên tỷ lệ thuận với sự bế tắc về lý luận bảo thủ, giáo điều và sự lừa mị, bịp bợm của hệ thống tuyên truyền dày đặc từ trung ương đến địa phương, xuống tận cơ sở, gắn liền với sự trì trệ, yếu kém của bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội. Đặc biệt là khi cái thể chế toàn trị phản dân chủ ngày càng phơi bày tính chuyên chế, độc tài được bảo kê và thao túng của Bắc Kinh thời Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, đất nước rơi vào tình trạng bế tắc, suy thoái toàn diện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất hết lòng dân mà lý do thì như lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 102 tuổi đời, 78 tuổi Đảng đã vạch rõ ngày 1.10.2017:
1. ĐCSVN đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì!
2. ĐCSVN không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong Đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi ĐLĐVN trước đây nữa!
3. ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990), Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ!
Đó chính là lý do của của sự lan truyền câu ca dao mới, biểu hiện sống động của sự phê phán dân gian chĩa thẳng vào sự trơ trẽn của lối tuyên truyền giẫm đạp lên thực trạng, bất chấp đạo lý. Thế rồi trong những ngày vừa qua, tâm trạng xã hội càng nặng nề trước nghịch cảnh về sự ỡm ờ và bối rối của Nguyễn Phú Trọng sau Hội nghị Trung ương 6 cố đấm ăn xôi trong bối cảnh thiên tai dồn dập gây bao thảm họa cho dân các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là dân nghèo, đẩy tới sự phê phán dân gian hàm chứa trong cặp đôi từ ngữ “thiên tai” và “thiên tài” nói trên!
Ngay tại thủ đô, địa bàn huyện Chương Mỹ bị nước lũ chia cắt, dân đang phải sống trong ngập lụt vì đê bị vỡ. Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 13.10.2017giật tít đậm: “UBND huyện Chương Mỹ nói dối vụ vỡ đê ở Chương Mỹ” đã viết rõ: “Do mưa lũ kéo dài và xả lũ từ hồ thủy điện Hòa Bình nên nước sông Hồng, sông Tích và sông Bùi lên nhanh đã xảy ra số sự cố đê ở huyện Hoài Đức, Quốc Oai và Chương Mỹ (Hà Nội)… Theo thông tin sáng ngày 13-10 từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xác nhận, tại Hà Nội, các tuyến đê dưới cấp III đã bị tràn 11 đoạn với tổng chiều dài khoảng 13.950m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và vỡ đê sông Bùi 2 tại huyện Chương Mỹ”. Bài báo cũng nói thêm là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đang lưu ý “quy trình vận hành liên hồ chứa của thủy điện trên sông Đà, trong đó có thủy điện Hòa Bình” đến vụ vỡ đê này.
Chỉ có điều chuyện nói dối vừa dẫn ra thật ra thì “nó nhỏ như con thỏ”, có những lời “nói dối vĩ đại” hơn vạn lần từ những cấp cao chót vót so với Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ báo cần giật tít đậm hơn. Nhưng làm thế thì Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng toi đời vì sự yếu kém của “tính đảng” trong việc đưa tin: tình hình đang tuyệt vời thế này cơ mà. Xin dẫn lời của ông Tổng Trọng nói với cử tri Hà Nội ngay hôm sau ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 6 do báo “Một thế giới” ngày 21.10.2017 tường thuật: “Chưa bao giờ Mỹ đón Tổng Bí thư của một đảng sang thăm. Hay như Indonesia chưa bao giờ mời Tổng Bí thư sang thăm mà Tổng thống lái xe chở tôi đi”. Tin này mới cần giật tít đậm chứ thiên tai, dân chết, nước cuốn trôi trong chốc lát cơ nghiệp của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân thì biết rồi, khổ lắm, nói mãi làm gì, khác nào tô đậm thêm lên bức tranh đã xám xịt để nó xám thêm nữa à. Định nói xấu chế độ của ta à?
Với cái não trạng tiểu nhân đắc chí từng bật ra câu khoác lác đậm đặc chất AQ “mình có thế nào thì người ta mới mời chứ” đã làm trò cười cho công luận trước đây về cách tự sướng rất hài hước thì ông ta chỉ muốn được rót vào tai những lời tụng ca. Những lời ấy được các cây bút “giàu tính đảng” vốn kiếm chác bộn ân huệ nhờ cái “tính đảng” ấy đã thường xuyên trải đều trên các mặt báo nhà nước những lời tụng ca, khi thì sượng sùng lộ liễu, khi thì kín đáo vuốt ve nhưng hình như vẫn chưa đủ, tự ông phải nói ra để cho đám thần dân chưa từng làm luận văn tiến sĩ Xây dựng đảng hiểu: “Chúng ta từ một quốc gia xe đạp nhưng bây giờ đã phát triển hơn rất nhiều. Nhìn tổng thể thì đất nước đã bao giờ được thế này chưa? Đất nước tiến bộ, chuyển mình rất lớn”.
Lập tức, ông ta nhận được ngay lời phê thâm thúy của ngòi bút có hạng Lưu Trọng Văn trong bài “Vỡ đê, lũ quét… và hoạt động của Tổng Bí thư”. Nhà báo cho rằng đây là một “hành vi phản cảm”: “Lẽ ra nên tạm dừng tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo đất nước trong lúc này. Giữa lúc đất nước tang thương vì lũ quét, 100 người dân chết hoặc mất tích, bao thị trấn, thành phố, làng bản tan hoang, nguồn sống của hàng trăm ngàn người dân bị tiêu huỷ, thì hình ảnh các lãnh đạo đất nước vui cười tiếp xúc cử tri rất phản cảm”.
Ngòi bút sắc lạnh xem ra có vẻ hơi “thiếu thông cảm” đấy, ông bạn của tôi ơi!
Nói vậy vì trong bài “Nho còn xanh” tôi đã mượn chuyện ngụ ngôn Aesop để đề cập đến cái chuyện chẳng đặng đừng vì ông Tổng đã trót lên kế hoạch “ăn mừng thắng lợi” trong cuộc gặp cử tri ngày 12.10.2017 (mà trước đó một blogger đã nhanh nhảu đưa lên mạng) thì dù có ngậm đắng nuốt cay trong chuyện giàn xếp để tránh “vỡ bình” e vẫn cứ phải lên gân lên cốt mà nói ỡm ờ chữa thẹn: “Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”, và “Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm”! Ông ta đã lờ tịt khúc “prelude” dạo đầu để chuẩn bị cho một “oratorio” do ông dàn dựng và nắm chắc phần thắng nên đã cho những cây bút thời thượng đầy “quyền thế” dưới trướng ông khua môi múa mép đe dọa đối thủ trước ngày khai mạc hội nghị.
Vậy thì thảm họa thiên tai dù tàn khốc đối với cuộc sống của dân chứ có tan hoang hơn nữa thì chuyện vớt vát uy tín để còn lo việc lớn trong sự nghiệp thanh toán đối thủ chính trị vẫn là việc ưu tiên hàng đầu trong não trạng “không có tham vọng quyền lực” để giữ vững chế độ toàn trị mà Bắc Kinh ủy thác. Làm trái sự ủy thác này thì cuộc ra đi không kèn không trống sớm muộn sẽ xảy ra. Vậy thì, hãy cố dấn lên, còn nước còn tát!
Bởi vậy, dù sao cũng phải nói một câu vuốt đuôi: “Lò đã nóng lên, tất cả vào cuộc mà đứng ngoài chê là không được, đang tiến bộ phải làm tiếp không được dừng. Nếu mất lòng dân là mất tất cả”. Câu cuối cùng này thì tôi tin là ông Trọng nói thật. Thật nên phải “tính bài lót đó luồn đây”, có người toa rập “việc này mới xuôi”! Được chút nào hay chút ấy chứ ngón đòn lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh phang đau quá. Chỉ có điều, do tầm nhìn thiển cận, tham bát bỏ mâm, nghĩ rằng xuất hiện trước cử tri ngay sau bước lùi ở Hội nghị Trung ương 6 để lên dây cót cho những người đã được chọn lọc, mặc dù “Quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, Tới hay lui cũng ngần ấy mặt người” mà trong bài “Nho còn xanh” đã phân tích, đành cố tình quên đi thảm họa thiên tai đang ập xuống cuộc sống vốn đã quá khốn khó của dân mà chỉ chăm chăm vào cái lò của ông đang có nguy cơ nguội lạnh. Điều này có nguồn cơn của nó đấy, ông bạn nhà báo thân mến của tôi ạ.
Thì cũng chẳng có gì khó hiểu! Đến chuyện làm mất thể diện quốc gia trong quan hệ ngoại giao quốc tế, van vỉ xin không được thì sai người giở thủ đoạn ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật tại một quốc gia văn minh đang hết lòng ủng hộ Việt Nam, gây nên vụ “xì căng đan” chưa có tiền lệ, chỉ cốt sao có chứng cớ để loại đối thủ chính trị! “Thiên tài” bộc lộ ở đây chứ ở đâu nữa.
Chuyện như thế mà ông ta đã dám làm thì thảm họa thiên tai đang như cơm bữa thì có sá gì nào? Xem ra được một câu ông ta nói đúng, thì hành động của chính ông đã sổ toẹt nội dung của nó. Cái đầu hạn hẹp của ông và cả bộ sậu của ông đang quay cuồng trong cuộc “giành quyền lực”, “nhốt quyền lực vào lồng” để tìm cho ra những ai cần thanh lý, giảm biên chế vì ngân sách đang cạn kiệt đã không hiểu được rằng, nếu bây giờ dốc toàn lực của cả đất nước hơn 90 triệu dân với một bộ máy quản lý có hiểu biết và giàu tâm huyết với nước để triển khai có bài bản quy hoạch phòng chống thiên tai xảy ra triền miên do rừng bị hủy hoại, xây dựng thủy điện tràn lan, xả lũ thiếu tính toán và nhiều việc làm tùy tiện dốt nát khác thì phải ít nhất nửa thế kỷ nữa mới bước đầu có kết quả, để rồi sau đó tiếp tục củng cố vững chắc tạo nên tính bền vững!
Thật ra, thiên tai ngày càng dữ dội là mối quan tâm của cả thế giới. Với những nước công nghiệp phát triển có tiềm lực lớn về tài chính, khoa học công nghệ để phòng chống thiên tai, thì thảm họa do thiên nhiên gây ra vẫn là vấn nạn lớn. Vấn đề đặt ra là phải truy tìm cho ra nguồn cơn của thảm họa, để phòng chống thiên tai. Vì vậy mới có những điều viết ở trên.
Vừa rồi, trong cuộc trả lời phỏng vấn của RFA ngày 18.10.2017, tôi có nói thêm một số ý, xin mời NGHE trong audio kèm theo đây.