Nguyễn Đình Cống
1- Giới thiệu
Sách phê phán (SPP) là quyển “Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong đảng. Sách do Hội đồng lí luận trung ương đứng tên, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phát hành tháng 8-2017, in 5000 cuốn. Nội dung gồm 36 bài, với các vấn đề như: Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin (CNML) và con đường XHCN; phản bác ý kiến phi chính trị lực lượng vũ trang và xem nhẹ nền quốc phòng toàn dân; bảo vệ đường lối đối ngoại của đảng; phê phán quan điểm đa nguyên đa đảng; phản bác sự hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự; đấu tranh với tự diễn biến, tự chuyển hóa; phê phán quan điểm đảng cộng sản (ĐCS) không thể chống tham nhũng; nền văn hóa, văn nghệ phải do đảng lãnh đạo. Trên 90% tác giả là giáo sư, PGS, TS, Tôi đã đọc cuốn sách và có đôi lời phản biện.
Ấn tượng đầu tiên là sách không bán. Phải chăng vì muốn giữ bí mật, chỉ lưu hành nội bộ? Nếu cần giữ bí mật thì vì lí do gì, hay đây là tài liệu tuyên truyền nên cần phát miễn phí cho những người có quyền đọc và có nghĩa vụ phải đọc.
Sách khá dày (518 trang khổ lớn), một số bài về hậu phương quân đội, quốc phòng toàn dân tôi chỉ lướt qua, không có ý kiến gì. Những bài tôi quan tâm thuộc về CNML, sự lãnh đạo của ĐCS, con đường XHCN. Xem qua, thấy bài nào cũng có vẻ hùng hồn, dùng luận cứ rõ ràng, luận chứng chặt chẽ. Nhưng khi đọc kĩ lại phát hiện ra những thủ đoạn ngụy biện, những lập luận dối trá. Chúng được dùng để bảo vệ hoặc chứng minh những luận đề sai.
Hiện nay trong xã hội VN có mâu thuẫn giữa 2 trường phái, tạm gọi A và B, Trường phái A gồm những người trung thành với chủ thuyết CS, bảo vệ CNML và con đường XHCN. Trường phái B gồm những người thấy được sai lầm của CNML, của CS, của con đường CNXH, muốn làm cải cách hoặc thay đổi thể chế. Ngoài 2 trường phái trên còn có những người khác, trong đó có 2 loại đáng để ý sau: 1- Loại thờ ơ, bàng quan với tình hình đất nước; 2- Loại thoái hóa, biến chất về đạo đức, tham nhũng, cửa quyền. Loại 1 được cả A và B tranh thủ, lôi kéo. Loại 2 bị A, B và cả loại 1 căm ghét, lên án. Quyển sách là một phần trong cuộc đấu của A chống lại B.
2- Cuộc đấu A-B
Trong cuộc này A đang có đủ thế mạnh: chính quyền, mặt trận, công an, tòa án, trường học, nhà tù, hệ thống thông tin công khai. SPP là vũ khí đấu tranh về tư tưởng, về nhận thức. Lướt qua bên ngoài, tưởng như là cuộc bút chiến. Nhưng chắc là không phải. Bài giới thiệu sách cho rằng tranh luận này thuộc lĩnh vực đấu tranh giai cấp. Điều đó thúc đẩy A nhằm vào việc loại bỏ B chứ không phải tranh luận để nhận thức chân lí.
Tạm bỏ qua việc A dùng bạo lực, chỉ xem là tranh luận. Một cuộc tranh luận, muốn đạt kết quả, mỗi bên phải có thiện chí, phải thống nhất các khái niệm, phải bình đẳng về điều kiện và tốt nhất được thực hiện trên cùng một diễn đàn. Hay nhất, có hiệu quả cao nhất là tổ chức các cuộc đối thoại (công khai được càng tốt). Tiếc rằng trong cuộc tranh luận này mỗi bên đang dùng một diễn đàn riêng, mỗi diễn đàn lại có số người theo dõi và ủng hộ riêng, vì vậy tác dụng của việc trao đổi rất ít, bên nào nói chủ yếu bên ấy nghe.
Trước hết cần hiểu rõ về nhau. Trong cuộc tranh luận này có thể B đã khá rõ về A nhưng ngược lại hình như A chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai B. Tuyên truyền của A cho rằng B là những phần tử chống đối, tự chuyển hóa, tự diễn biến nhằm tiến tới lật đổ chế độ, phủ định CNML, xóa bỏ sự lãnh đạo của ĐCS, phản bội lại sự nghiệp của dân tộc, đi ngược lại xu thế của lịch sử. Trong lời tuyên truyền này có phần đúng là B muốn phủ định CNML, muốn xóa bỏ sự độc tài của ĐCS, như vậy là có chống đối. Còn nói họ phản bội sự nghiệp của dân tộc, đi ngược lịch sử là sự suy diễn mang nặng tính vu cáo. Riêng tự chuyển hóa, tự diễn biến mà A cho là tội lỗi thì B lại thấy đó là cần thiết.
Thử tìm xem B là những ai. Phải chăng là tay sai của đế quốc phong kiến, là thế lực thù địch của dân tộc hoặc bị kẻ thù mua chuộc ? Không, ngàn vạn lần không. Họ chống lại độc tài toàn trị để làm gì, phải chăng là nhằm vinh thân phì gia ? Không, ngàn vạn lần không. Tôi nghĩ rằng bài thơ của Trần Độ đã giúp nói lên một phần tâm tư của những người đó: Những mong xóa ác ở trên đời / Ta phó thân ta với đất trời / Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện / Không ngờ cái ác lại luân hồi”. Từ đâu cái ác luân hồi ? Họ cho rằng chính là từ CNML, từ đường lối toàn trị của ĐCS. Họ tự diễn biến, tự chuyển hóa về chính trị chính là nhằm tiếp tục xóa ác ở trên đời. Họ phó thân với đất trời. Họ là những người yêu nước thương dân. Họ đã thoát ra khỏi sự u mê, vượt qua được nỗi sợ để nói lên một phần sự thật, để đấu tranh xóa ác.
2- Ý kiến phê phán chung
Ý kiến phê phán chung là phần lớn quyển sách đầy rẫy ngụy biện mà các tác giả đã cố tình tạo ra hoặc vô tình mắc phải. Được dùng nhiều, phổ biến là kiểu “đánh tráo khái niệm” hoặc “áp đặt”. Đó là việc dùng các khái niệm bị đánh tráo, dùng các phán đoán giả dối, dùng các giả thuyết lập lờ làm căn cứ để suy luận, để chứng minh. Đó là việc biến những điều còn tranh luận thành chân lí phổ biến, là việc ngụy tạo chứng cứ , là việc “dán nhãn”cho đối tượng.
Xin nêu ra một số đánh tráo hoặc áp đặt như sau: CNML là kim chỉ nam; Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo; Yêu nước phải yêu CNXH; Nhà nước là công cụ chuyên chính của giai cấp; Chế độ XHCN dân chủ gấp vạn lần chủ nghĩa tư bản; Cách mạng vô sản là tất yếu của lịch sử; Nhà nước XHCN là kiểu nhà nước cuối cùng của lịch sử nhân loại; Xây dựng CNXH là nguyện vọng của toàn dân; Thể chế đảng lãnh đạo, chính quyền quản lí, nhân dân làm chủ là duy nhất đúng; Nhân dân VN phủ nhận chế độ đa nguyên đa đảng; CNXH là ước vọng ngàn đời của nhân dân lao động; Sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là thất bại tạm thời của một mô hình; ĐCS VN kiên trì CNML, lãnh đạo nhân dân đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác…
Những điều vừa nêu, có điều đã sai rõ ràng, có điều đang còn tranh luận mức độ sai – đúng. Những điều như vậy không thể được dùng làm luận cứ, thế mà người ta cứ dùng bừa, dùng một cách liều lĩnh, mang tính áp đặt.
Dán nhãn là kiểu gán cho B những điều như: bọn phản động, bọn chống đối, bọn tay sai của thế lực thù địch, bị mua chuộc, mất ý chí… Dán nhãn cho người ta rồi kèm theo nhãn đó là những tội trạng phản dân hại nước, rồi lớn tiếng phê phán cái tội được suy diễn đó.
Tuyệt đại đa số B là những người yêu nước, thương dân, có lí tưởng. Họ bị dán nhãn “tự chuyển biến” rồi bị ghép chung vào với lũ người thoái hóa, biến chất về đạo đức. Đó là kiểu lập lờ đánh lận, là thủ đoạn vu khống.
3- Phân tích một bài
Để vạch ra và phân tích tương đối đầy đủ các ngụy biện trong SPP, có lẽ phải viết cả một tập dày vài trăm trang. Với một bài báo tôi chỉ có thể phân tích vài đoạn của bài làm đại diện.
Tôi lấy bài đầu tiên: “CNML không thể lỗi thời” của GS-TS Tạ Ngọc Tấn, gọi đó là “bài luận”. Tôi đoán có thể đây là bài được xếp vào loại quan trọng nhất.
Mở đầu bài luận: “Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu Tây phương và một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nước cho rằng, trong thời đại ngày nay CNML đã lỗi thời”. Nêu ra nhận định như vậy để rồi phê phán, phản bác đó là sai lầm và chứng minh ngược lại là CNML không thể lỗi thời.
Đối với CNML, nhận định trên tuy không sai nhưng chưa thật đúng. Lỗi thời có nghĩa là trước đây có lúc nó đã đúng, bây giờ không còn đúng nữa. Thật ra CNML đã sai ngay từ đầu. Lỗi thời, đó là nhận định của một số người đã nhận nhầm, đã bị mắc lừa, từ trước vẫn cho rằng CNML là đúng, nay tỉnh ngộ ra nhưng còn bị “bệnh sĩ diện” ngăn cản mà không dám công nhận sự kém cỏi trước đây của mình.
CNML chứa đựng cả phần tốt và xấu. Phần tốt đẹp về công bằng, tự do, thịnh vượng, hạnh phúc được phô ra ngoài, phần xấu xa về độc tài, chuyên chế, tham tàn và kém trí tuệ tạm được giấu kín ở bên trong. Những người hiểu biết CNML có 2 phái: ủng hộ và phản đối. Người ủng hộ, cổ vũ, ca ngợi vì thấy rõ mặt tốt mà không thấy mặt xấu hoặc tuy có thấy nhưng nghĩ rằng có thể khắc phục. Người phản đối thấy rõ mặt xấu và cho rằng nó mang lại lợi ít hại nhiều. Xét trên toàn thế giới, số người ủng hộ là đông, trong đó có một số người nổi tiếng nhưng số người phản đối còn đông hơn gấp hàng chục lần, trong đó có rất nhiều nhà khoa học các lĩnh vực (chú ý là tôi nói đến những người hiểu biết rõ về CNML chứ không phải đại đa số quần chúng chỉ nghe nói hoặc được tuyên truyền về nó). Ở VN cũng như vậy. Từ khi CNML được truyền vào, số người hiểu biết tiếp thu và truyền bá nó tuy không nhiều nhưng đã tập hợp thành lực lượng, lập được Mặt trận Việt Minh, đã lợi dụng được khẩu hiệu chống thực dân, giành độc lập nên lôi kéo được số đông đi theo. Số người hiểu biết, thấy được tác hại mà CNML sẽ mang đến cho dân tộc là nhiều hơn, tiếc rằng số này không tập hợp lại được nên bị yếu thế.
Mác đã dựa vào các “hòn đá tảng” sau đây để xây dựng nên lâu đài học thuyết: 1- Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội; 2- Vật chất có trước và quyết định ý thức; 3- Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội; 4- Quy luật biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất; 5-Tư bản bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư. 6- Sự tất yếu công hữu hóa tư liệu sản xuất ; 7- Xã hội CS mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (Lê-nin lại thêm vào các lí thuyết về chuyên chính vô sản, về nhà nước của giai cấp, về tổ chức đảng cách mạng kiểu mới, về điều kiện của cách mạng vô sản).
Tôi thấy rõ phần lớn những tảng ấy chủ yếu là đất sét mà Mác tưởng nhầm là đá, đa số chỉ còn lại dưới dạng các câu sáo rỗng trong sách. Cái lâu đài xây trên các tảng đất sét ấy, gặp mưa bão đã tan rã, sụp đổ dần.Thế mà khổ thay, nhiều người vẫn tin chắc chúng còn vững hơn bàn thạch ( Xin chờ xem những bài viết về tính chất đất sét của các hòn đá tảng ấy).
Tiếp theo, bài luận cho rằng những người phủ nhận CNML dựa vào 4 lí do: 1- CNML ra đời đã lâu; 2- Liên Xô sụp đổ; 3- Điều kiện kinh tế các nước tư bản được cải thiện rất nhiều; 4- Một loạt sai lầm mà các nước XHCN mắc phải. Nêu ra 4 lí do rồi tìm cách phản bác. Tiếc rằng các lí do đó chỉ đúng có một phần rất nhỏ. Tác giả đã bỏ qua những lí do quan trọng hơn, cơ bản hơn, đó là những tác hại của CNML bộc lộ ra rõ ràng khi ĐCS đã nắm quyền thống trị như sự độc tài toàn trị, sự dối trá trong tuyên truyền, sự tàn bạo trong đối xử với bất đồng (các xu hướng, tổ chức và con người). Những điều đó tạo nên nhiều tai họa, nhiều tội ác mà nhân dân phải gánh chịu. Nêu ra 4 lí do, mặc dầu chưa chính xác, rồi phản bác song sự phản bác cũng rất yếu ớt và phạm không ít sai lầm luận lí.
Lí do thứ nhất – CNML ra đời đã lâu:
Để phản bác, bài luận nêu ra các cơ sở của học thuyết Mác, nêu việc Lê-nin và Hồ Chí Minh đã vận dụng rồi khẳng định: “Điều hiển nhiên và không thể chối cãi là dù được hiểu theo nghĩa nào, CNML vẫn là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy”. Hiển nhiên và không thể chối cãi là đối vớimột số người nào đó, còn đối với người khác chẳng hiển nhiên đâu cả, hơn nữa người ta còn phản bác, còn đánh đổ kia mà. Bài luận viết tiếp: “C. Mác, Ph. Ăng-ghen dự báo về một xã hội tương lai như một tất yếu lịch sử sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản”. Về tương lai chỉ có thể dự báo. Đã là dự báo thì có thể đúng hoặc sai. Khẳng định sự tất yếu cho tương lai là sai lầm về suy luận.
Bài luận trình bày một số chuyện như chiến tranh ở I-rắc, Li-bi với hàng ngàn thanh niên bỏ xác một cách vô nghĩa, trong đó không có con cái các nhà tư bản rồi viết: “Từ góc độ nhân văn thì CNXH là ước vọng ngàn đời của tất cả những người dân lao động”. Đây là lối ngụy biện kiểu đánh tráo. Được no ấm, tự do, sung sướng là khái niệm cụ thể. CNXH là trừu tượng.Tuyên truyền cho người ta rằng CNXH là ấm no, tự do, sung sướng rồi hỏi có thích không, có ước vọng không. Mọi người trả lời có. Thế là gán cho người ta thích, có ước vọng XHCN. Không phải! Người ta thích, có ước vọng cái cụ thể là no ấm, sung sướng kia. Ở đây đã dùng mẹo vặt để đánh tráo thành ước vọng XHCN. Những người dân lao động đã thấy, đã biết gì về CNXH mà bảo người ta ước vọng.
Bài luận viết tiếp: “Trong rất nhiều tác phẩm, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, đánh giá, tổng kết thực tiễn để thường xuyên bổ sung, phát triển lí luận… Vậy thì sao có thể nói CNML là lỗi thời. CNML không thể lỗi thời”. Sự nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, đánh giá, tổng kết thực tiễn là đúng, nhưng viết rằng để bổ sung, phát triển lí luận là chưa hoàn toàn chuẩn xác và suy luận rằng CNML không thể lỗi thời là sai cả về luận đề và luận chứng. Nhận thức, đánh giá, tổng kết thực tiễn không chỉ để bổ sung hoặc phát triển lí luận mà quan trọng hơn là để phát hiện ra chỗ chưa hoàn chỉnh, chỗ sai để điều chỉnh hoặc loại bỏ. Chính vì nhờ đánh giá, tổng kết thực tiễn mà các nhà phản biện phát hiện ra những điều xấu xa, độc hại của CNML.
Lí do thứ 2: Sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô.
Trước tiên bài luận cho rằng: “CNXH đã mang lại cuộc sống tốt đẹp cho một phần to lớn của nhân loại. Nó đã tạo nên một sức mạnh mà trước đó không thể tưởng tượng về nguồn vật chất và tinh thần đủ sức để động viên sức người, sức của tạo thành lực lượng chủ yếu đánh thắng cả những lực lượng to lớn của liên minh các thế lực tư bản trong chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như đội quân phát-xít tàn bạo của trục ma quỷ trong chiến tranh thế giới thứ hai”.
Đoạn ngắn vừa trích phạm ít nhất 2 điều sai. Thứ nhất là về cuộc sống tốt đẹp. Đúng là so với miền Bắc VN vào những năm 60 đến 80 thế kỉ trước thì Liên Xô và Đông Âu là tốt đẹp, nhưng đó là sự so sánh quá khập khiễng. Hãy so Đông Đức với Tây Đức, so Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni với các nước xung quanh như Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan thì mới biết thực chất thế nào. Cuộc sống ở Tây Đức, Thụy sĩ, Hà Lan là mơ ước của Đông Đức, Ba Lan, Tiệp, Ru-ma-ni. Hãy xem cuộc sống của nhân dân Trung Quốc trong những năm xây dựng CNXH với Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa (1954-1976) để biết họ sống cực khổ thế nào.Thứ hai, viết rằng nó (lực lượng XHCN) tạo nên sức mạnh đánh thắng liên minh các thế lực tư bản trong Thế chiến I là đã phạm vào lỗi dối trá hoặc ít nhất là lỗi tin vào những tuyên truyền bịa đặt, không đúng sự thật. Sự thật của Thế chiến I là liên minh các nước Anh , Pháp, Mỹ với Nga (Nga Hoàng ) đánh nhau với liên minh Đức, Áo, Hung, trong đó Áo và Hung chỉ là 2 nước bé. Chính quyền Nga hoàng tham chiến từ tháng 8-1914 nhưng đến năm 1917 thì bị Cách mạng tháng 2 lật đổ. Cách mạng tháng 10 xảy ra tháng 11-1917 thì tháng 3-1918 Lê-nin kí hòa ước với Đức. Sau Cách mạng tháng 10, chiến tranh ở Nga chủ yếu là nội chiến. Riêng trong Thế chiến II, sự đóng góp của Hồng quân Liên Xô là rất quan trọng nhưng có 2 vấn đề cần nhận định và đánh giá lại so với tuyên truyền trước đây. Một là vai trò củaquân Đồng minh ở mặt trận phía tây, hai là cái gì quyết định tinh thần của quân đội Liên Xô, lòng yêu nước hay bản chất của CNXH.
Bài luận viết: “Chủ nghĩa xã hội đã là một hiện thực hùng mạnh đủ để những chiến lược gia, các nhà lí luận tư sản phải run sợ, đã đưa ra những dự báo về sự thất bại, kết thúc không thể đảo ngược của chủ nghĩa tư bản. Những thừa nhận đắng cay của Henry Kissinger, của Brzezinski thời kì 60-70 của thế kỉ 20 vẫn còn nguyên đó trong các cuốn sách, bài báo của họ”. Tôi đã đọc sách “Trật tự thế giới” của Kissinger, sách “Thất bại lớn – sự ra đời và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản” của Brzezinski. Hai ông là cố vấn tối cao của nhiều đời tổng thống Mỹ. Qua các cuốn sách, tôi thấy được họ là những người chống cộng nổi tiếng, là những nhà khoa học chính trị tài năng và trung thực. Tôi không phát hiện ra họ run sợ chỗ nào, chỉ thấy họ cay đắng thay cho nhân dân các nước chịu sự thống trị của cộng sản, họ khẳng định sự sụp đổ tất yếu của chủ thuyết cộng sản và nguyên nhân chủ yếu của việc đó là sự thiếu trí tuệ. Về một số người nào đó tỏ ra sợ cộng sản thì đó không phải là run sợ của kẻ hèn yếu mà là lo sợ của người có trách nhiệm trước sự tàn phá của phong trào cộng sản và khả năng lây lan của nó trong một số nước thuộc thế giới thứ 3.
Bài luận viết: “Sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã là một bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản mà còn cho cả nhân loại tiến bộ”, “Sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH cụ thể”. Ở đây có sự lập lờ, đánh tráo khái niệm “nhân loại tiến bộ”. Họ là những ai? Làm sao để biết họ đau đớn hay chỉ là sự suy đoán gán ghép? Không biết nhân loại tiến bộ ở rải rác những đâu chứ phần lớn nhân dân các nước Đông Âu như Đông Đức, Ba Lan, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri… và ở cả Liên Xô rất phấn khởi đón nhận sự sụp đổ của chế độ cộng sản toàn trị. Tại sao cả một phe các nước XHCN lại chỉ được xem như một mô hình? Đây là một ngụy biện nhằm che giấu bản chất.
Bài luận viết: “Các nước ở tây bán cầu kề cận nước Mỹ đang tìm con đường và cách thức để xây dựng CNXH theo một mô hình mới. Nó cũng được minh chứng bởi một loạt quốc gia ở chính châu Âu, nhất là Bắc Âu đã và đang lấy CNXH làm mục đích, làm cảm hứng để xây dựng, phát triển đất nước mình”. Nước kề cận Mỹ ở đây phải chăng là Vê-nê-duy-ê-la đang suy sụp sau nhiều năm theo con đường XHCN? Việc cho rằng các nước Bắc Âu đã và đang lấy CNXH làm mục đích là sự lợi dụng hình thức để đánh lộn sòng. Các nước Bắc Âu có nói đến CNXH nhưng đó là một loại CNXH hoàn toàn khác so với CNXH mà các ĐCS theo đuổi. CNXH ở Bắc Âu là theo Đệ nhị Quốc tế, không chấp nhận CNML, không theo con đường cộng sản. Đem CNXH của Bắc Âu vào đây là một sự lẫn lộn cố ý hoặc là một sự hiểu biết mập mờ.
Bài luận viết tiếp về Brexit của nước Anh, về các cuộc khủng bố để nói rằng các nước tư bản cũng không hề yên ổn. Không thể lấy sự không yên ổn đó để biện minh cho sự sụp đổ của phe XHCN, đó là kiểu ngụy biện “vơ quàng”.
Lí do thứ 3( tôi tạm bỏ qua vì bài đã quá dài).
Lí do thứ 4 – Bài luận viết: ” Phải chăng sự bảo thủ, trì trệ trong nhận thức, những sai lầm, hạn chế và khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN là bắt nguồn từ CNML”. Bài luận tìm mọi cách để chứng minh là không phải vậy. Tuy phải công nhận những sai lầm, những nguyên nhân chủ quan vì không thể giấu đi đâu được) của đảng nhưng lại đổ cho việc: “Chúng ta bắt tay vào xây dựng CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề”. Rồi bài luận kể ra những thành tựu của đổi mới về kinh tế và ngoại giao và cho rằng “Đảng và Nhà nước VN đã có những bước đi dũng cảm về nhận thức, sự đổi mới mạnh mẽ về chính sách kinh tế – xã hội… Từ thực tế ấy không thể có lí để nói rằng Đảng và Nhà nước VN bảo thủ, cố chấp hay định kiến mà không đổi mới nhận thức, đổi mới chính sách…, cũng như không thể đổ cho học thuyết Mác – Lê-nin có lỗi trong những khó khăn, hạn chế, sai lầm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước”.
Trong mục này, bài luận đã dùng lối ngụy biện “che giấu một phần sự thật”. Đảng từng theo đường lối XHCN mà kìm kẹp nông dân trong hợp tác xã, mà cấm chợ ngăn sông, xóa bỏ kinh tế tư nhân rồi vì giương cao ngọn cờ chống đế quốc mà bị cấm vận, đến nỗi đất nước bị kiệt quệ. Rồi phải sửa sai, cởi trói, phải hòa hoãn và hợp tác với Mỹ để được bỏ cấm vận, vì thế mà kinh tế được phát triển. Công nhận việc làm này có sự dũng cảm. Một số người cho rằn”g đó là dũng cảm đổi mới, là dũng cảm trong sự vận dụng sáng tạo CNML. Nhiều người khác lại cho rằng đó là dũng cảm sửa sai, là dũng cảm làm ngược lại CNML để cứu nền kinh tế suy sụp.
Nếu chỉ dựa vào sự đổi mới về kinh tế, mở cửa về ngoại giao thì không thể kết luận ĐCS bảo thủ, cố chấp vì đổi mới kinh tế, mở cửa ngoại giao mới chỉ là một phần sự thật. Còn một phần khác quan trọng hơn đã bị che giấu. Đó là thực trạng của hệ thống cai trị gồm 3 cấp chồng lên nhau (đảng, chính quyền, mặt trận) rất cồng kềnh mà bất lực, là chế độ độc tài đảng trị, đặt đảng bao trùm lên mọi thứ, là sự kiên trì CNML và sự lệ thuộc nhiều thứ vào Tàu cộng nhân danh cùng ý thức hệ. Từ những điều đó mà sinh ra các nhóm lợi ích, nạn hối lộ, tham nhũng, mua quan bán chức, sự hủy hoại tầng lớp tinh hoa và đạo đức xã hội, sự phá nát tài nguyên và môi trường, là nợ nần chồng chất, là oan sai khắp nơi, là vu oan và khủng bố… Đổ lỗi cho việc xây dựng XHCN từ nền nông nghiệp lạc hậu? Hỏi ai bày ra chuyện ấy, ai, dựa vào đâu để bắt ép nông dân lập hợp tác xã? Dựa vào đâu để quốc hữu hóa đất đai? Không dựa vào CNML thì dựa vào cái gì? Nhưng một mình CNML chưa thể gây ra toàn bộ tai họa. Nó được kết hợp với một số thói hư, tật xấu của dân tộc thì mới phát tác mạnh mẽ.
Brzezinski nhận xét rằng chủ nghĩa CS tất yếu phải sụp đổ vì thiếu trí tuệ. Đối chiếu với tình hình thực tế VN, thấy rất rõ ràng. Đảng đã phạm sai lầm chỗ này, bị thiếu sót chỗ kia, không thấy được nguy hiểm ở chỗ nọ. Điều này làm cho Nhân tai vượt quá Thiên tai, Nhân tai cộng hưởng với Thiên tai. Tại sao vậy? Tại vì thiếu trí tuệ (kết hợp lòng tham và sự độc quyền). Tại sao chế độ CS lại thiếu trí tuệ? Nó có gốc gác từ trong CNML.
5-Vài lời cuối
Tôi viết phê phán bài luận của GS Tấn và các bài trong SPP chứ không có nhận xét gì về cá nhân GS và các tác giả khác.Tôi không quen biết họ, không biết trình độ thật sự cũng như động cơ của việc viết bài của họ. Biết đâu GS Tấn và các tác giả khác của SPP có thể có nhận thức không những gần giống với tôi mà còn giỏi hơn nhưng họ phải viết như vậy chỉ vì chịu một áp lực nào đó.
Trong việc tranh luận mà mỗi bên thể hiện trên diễn đàn của phe mình thì khó có được hiệu quả cao. Mỗi bên chỉ cố phô ra cái hay của mình và khai thác mặt yếu của đối phương, thậm chí đánh giá sai đối phươngmà ít có điều kiện hợp tác. Chỉ khi đối thoại trực tiếp trên cơ sở bình đẳng, mới có điều kiện kịp thời đánh giá và điều chỉnh nhận thức, cũng như mới có kết quả tốt, có hiệu quả cao. Vừa qua ông Võ Văn Thưởng đánh lên vài tiếng trống về đối thoại, thế rồi âm thanh của nó tan biến đi. Tôi mong ước những người có thiện chí, những người tử tế, đặc biệt là những người trong Hội đồng Lí luận, Ban Tuyên giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội… tổ chức được những cuộc đối thoại về những vấn đề của đất nước và chế độ.
Riêng tôi, nếu được Hội đồng Lí luận hoặc các tác giả của SPP hỏi đến, tôi sẵn sàng trình bày, trao đổi, đối thoại trực tiếp về các ngụy biện trong các bài khác của sách. Tôi cũng sẵn sàng thuyết trình về tính chất đất sét của các hòn đá tảng của Mác.
N.Đ.C
(Tác giả gửi BVN)