Việt kiều đang đóng góp 7% GDP mỗi năm

Phương Dung

4 triệu Việt kiều đóng góp 7% GDP nhưng 338 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công “ăn theo” Đảng Cộng sản tiêu tốn khoảng 1,7% GDP, tức là gần 3 Việt kiều làm cật lực mới đủ nuôi một kẻ “ăn theo” Đảng Cộng sản. Khiếp chưa!

Bauxite Việt Nam

Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) với tên gọi “Di cư tìm cơ hội”, hiện tượng di cư nội khối ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1995-2015 và đã biến Malaysia, Singapore và Thái Lan trở thành trung tâm di cư trong khu vực với 6,5 triệu dân di cư, chiếm 96% tổng số lao động di cư trong khối.

Các nước ASEAN nhận 62 tỉ USD kiều hối

Trong năm 2015, các nước trong khối đã nhận được tổng cộng 62 tỉ USD kiều hối. Kiều hối chiếm 10% GDP tại Philippines, 7% GDP tại Việt Nam, 5% GDP tại Myanmar và 3% GDP tại Campuchia. Riêng với Việt Nam, với GDP khoảng hơn 200 tỉ USD, kiều hối tương đương khoảng 14 tỉ USD được chuyển về vào năm 2015.

Theo báo cáo của WB, đối tượng lao động tay nghề thấp và ít được thống kê trong khu vực sang các nước khác tìm kiếm cơ hội việc làm trong các ngành xây dựng, trồng trọt, làm việc tại gia. Các công việc được trả lương cao hơn cũng có nhưng người lao động thường không nắm bắt được các cơ hội này.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thực hiện một số bước nhằm tạo điều kiện cho lao động di chuyển trong khu vực nhưng các quy định thường chỉ điều chỉnh một số việc ngành, nghề có kĩ năng như bác sĩ, nha sĩ, y tá, kĩ sư, kiến trúc sư, kế toán, nhân viên du lịch… chỉ chiếm khoảng 5% số việc làm trong khu vực.

“Nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ được lao động của mình. Và nếu phối hợp tốt chính sách nhập cư với chính sách kinh tế, các nước tiếp nhận có thể bù đắp được thiếu hụt nhân công và thúc đẩy phát triển kinh tế. Các nước trong khu vực có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội” – ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB nói.

Nhìn chung, quy định nhập cư trong khu vực ASEAN còn hạn chế. Các rào cản di cư như quy trình tuyển dụng mất thời gian và tốn kém, quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài, chính sách việc làm ngặt nghèo… đã và đang hạn chế cơ hội của người lao động và tác động lên phúc lợi của họ.

Những chính sách hạn chế này bắt nguồn từ suy nghĩ rằng lao động nhập cư có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên các nước nhận lao động. Nhưng bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Kết quả tính toán cho thấy nếu con số tăng thuần lao động nhập cư là 10% thì sẽ kéo theo GDP tăng 1,1%. Tại Thái Lan, nếu không có lao động nhập cư, GDP sẽ giảm 0,75%.

“Dù đến nước nào trong khối thì lao động cũng phải chi một khoản chi phí bằng vài lần lương trung bình cả năm. Nếu cải tiến thủ tục nhập cư thì sẽ giảm được các khoản chi phí đắt đỏ cho người lao động trong tương lai và giúp các nước đáp ứng được đòi hỏi trên thị trường lao động của mình” – ông Mauro Testaverde, chuyên gia kinh tế, Trưởng ban An sinh xã hội và việc làm toàn cầu của WB, chủ biên báo cáo, nói.

Tác động tích cực nếu lao động được tự do di chuyển

Theo WB, nếu lao động được tự do di chuyển thì tác động của nó lên phát triển kinh tế khu vực sẽ rất lớn do người lao động từ các nước thu nhập thấp sẽ có thêm cơ hội tăng thu nhập của mình. Lượng kiều hối so với GDP cũng rất đáng kể. Nếu cắt giảm các rào cản này đối với lao động tay nghề cao thì phúc lợi người lao động sẽ tăng 14% và nếu áp dụng đối với toàn bộ lao động thì phúc lợi của họ sẽ tăng 29%.

Các nước có thể áp dụng nhiều chính sách khác để tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn cho người lao động. Các nước cần tăng cường giám sát các cơ quan tuyển dụng lao động. Philippines đã có một hệ thống hỗ trợ lao động rất phát triển và các nước khác có thể học tập mô hình này. Indonesia cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan và đơn giản hoá thủ tục.

“Việt Nam có thể cần phải xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động quốc gia trong quá trình cải cách. Lao động ra nước ngoài làm việc có thể phải chịu chi phí rất cao tại các nước thu nhập thấp như Campuchia, Lào và Myanmar. Nếu các nước này đơn giản hoá thủ tục thì người lao động sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí” – báo cáo của WB đánh giá.

Bên cạnh đó, các nước tiếp nhận cũng có thể áp dụng các biện pháp để tận dụng tối đa quá trình di cư lao động này. Malaysia có thể điều chỉnh chính sách nhập cư theo nhu cầu kinh tế của mình, ví dụ sửa hệ thống thuế hiện nay và phối hợp theo chiều sâu hơn nữa với các nước xuất khẩu lao động. Trong khi đó, Thái Lan cũng sẽ có lợi hơn nếu chính thức ghi nhận lao động nhập cư trái phép hiện nay và tìm cách giảm chi phí nhập cư cho lao động nước ngoài. Singapore đã thiết lập một hệ thống về nhập cư hiện đại và hoạt động tốt nhưng vẫn cần tiếp tục chú ý đến bảo đảm phúc lợi cho lao động nhập cư.

P.D

Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-kieu-dang-dong-gop-7-gdp-moi-nam-20171010083036037.htm

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.