Thủ tướng: Thế giới bảo vệ rừng, còn chúng ta phá rừng nham nhở

Anh Thư

Câu nói trên đúng sự thật nhưng hình như nói thật không phải là thói quen của ông Phúc bởi khi ông chuyển sang câu khác, ý sau đã lại đè ý trước: “Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng và quyết tâm chỉ đạo của tỉnh uỷ, uỷ ban rất lớn nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép mà cấp uỷ, chính quyền chưa đề cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo trong vấn đề này”. Ông quên câu “con dại, cái mang” rồi sao, mà bao nhiêu tội nợ cứ đổ hết cho cấp dưới thế?

Bauxite Việt Nam

Sáng 14-10-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lí, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nước ta chỉ có 3 tỉnh không có rừng, 60 tỉnh có, kể cả TP HCM và Hà Nội. Vì vậy, cần đánh giá đúng thực trạng của công tác này, nhất là những hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, khả thi để bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên. Thủ tướng yêu cầu phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lí, bảo vệ, phát triển rừng. Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng và quyết tâm chỉ đạo của tỉnh uỷ, uỷ ban rất lớn nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép mà cấp uỷ, chính quyền chưa đề cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo trong vấn đề này. Để việc này ngấm vào hệ thống, coi phá rừng là việc vi phạm pháp luật, là nghiêm trọng, phải nghiêm trị. Chính từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương. “Chứ không phải xảy ra trên địa bàn anh, xã, huyện, tỉnh anh mà trách nhiệm không rõ. Làm việc lớn này thì trách nhiệm của cơ quan đơn vị, người đứng đầu rất quan trọng. Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà chúng ta không biết chuyện này” – Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần xác định lại kỉ cương, kỉ luật, không có vùng cấm trong xử lí vi phạm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng. Bên cạnh các giải pháp bảo vệ rừng, cần nâng cao cuộc sống của người dân, tránh cuộc sống bấp bênh, để họ có trách nhiệm và gắn bó với rừng hơn. Đồng thời, các địa phương phải quản lí việc di dân tự do, làm sao để không có di dân tự do lên Tây Nguyên phá rừng. “Không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, phải nhìn tổng quát để có giải pháp căn cơ hơn” – Thủ tướng nói.

Để xảy ra phá rừng, bí thư, chủ tịch bị xử lí

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải nhận thức rõ rừng là vàng. Vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng. “Rừng là lá phổi, thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta phá nham nhở” – Thủ tướng nói và khẳng định rừng thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lí tốt.

Thủ tướng nêu thực trạng những năm vừa qua, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được xử lí, một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không theo quy hoạch, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu những địa phương để phá rừng lớn phải xử lí người đứng đầu như bí thư, chủ tịch xã.

Thủ tướng yêu cầu các dự án phải được quy hoạch từ hội đồng nhân dân các cấp rồi trình Chính phủ khảo sát, xem xét cụ thể. “Không phải chủ trương cực đoan giữ rừng ven biển nhưng nếu phá hết thì đô thị không còn màu xanh tối thiểu, ven biển trơ trụi hết. Như Phú Yên, quy trình này không được kiểm soát tốt” – người đứng đầu Chính phủ nói.

Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải có các quy hoạch xanh, như nước Pháp quy hoạch rừng xung quanh Chính phủ, hay Ba Vì (Hà Nội) không được phép chặt cây. “Như Sơn Trà là lá phổi của Đà Nẵng, tàn phá như thế làm sao chấp nhận được. Phải thanh tra, xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm như vậy. Cần bảo vệ, phát triển vốn rừng, đa dạng sinh học” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải có phân công, phân cấp trách nhiệm quản lí nhà nước về bảo vệ rừng, trách nhiệm rõ ràng chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc. Bên cạnh đó, kiên quyết dừng hoạt động dự án thuỷ điện nhỏ không thực hiện trồng rừng thay thế, nhất là các dự án ở Tây nguyên.

A.T

Nguồn: https://www.baomoi.com/thu-tuong-the-gioi-bao-ve-rung-con-chung-ta-pha-rung-nham-nho/c/23567749.epi

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.