Tương Lai
Tiếp theo bài trước trao đổi về “những lời tâm huyết gửi cho ai”, lần này lại đắn đo mãi khi đặt ngón tay trên bàn phím máy tính để trao đổi về “cảm thán đôi điều” của anh bạn thân quý họ Hạ nói về tôi. Đắn đo là “đắn đo chẳng viết” trong mối u hoài học đòi cụ Yên Đổ “viết đưa ai, ai biết mà đưa”. Anh bạn quý mến của tôi đặt ra một vấn đề phải chăng tôi “muốn gợi lại ánh nắng nồng nàn của một mùa thu năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới hôm nay? Nhưng Mùa thu ấy đã quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần. ‘Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu!’”.
Nhưng trong trí nhớ có phần đã mòn mỏi của tôi không còn sắc bén trẻ trung như bạn, thì ngoài câu bạn tôi vừa trích dẫn hình như Trịnh còn có viết nhiều câu khác nữa đại loại như:
Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao
vừa xa vừa gần…
Để rồi tiếp đó, cũng nói đến “mùa thu” mà bạn tôi cho là “đã quá xa lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần” nhưng với tôi thì cũng mùa thu trong thơ nhạc Trịnh lại dạt dào với một sức sống tươi trẻ mà người nghệ sĩ tài hoa đó thổi vào tâm hồn đã già nua của cái thằng tôi này:
Con sông là thuyền
Mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông.
Chính những giọt sương thu ấy
Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá thay hoa
thay mãi đời ta.
Cuộc hồi sinh vĩ đại do tạo hóa đem lại cho sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng một bản lĩnh sống không bao giờ chịu gục ngã, buông xuôi:
Bên trời xanh mãi
những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu
hình dáng nụ cười.
Thì ra, cách thưởng thức hình tượng nghệ thuật và cảm thụ thẩm mỹ thì tùy theo thị hiếu và tâm trạng của từng người, chẳng ai giống ai. Điều ấy, thú vị thay, càng nâng tính phong phú đa dạng của nghệ thuật khiến cho tính năng thanh lọc tâm hồn của văn học, nghệ thuật theo nhiều chiều cạnh khác nhau thêm phần đa dạng.
Bỗng nhớ lại một ý tưởng rất sâu lắng và thâm thúy của Marcel Proust trong tác phẩm lừng danh Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu) từng in đậm trong óc tôi: “Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”. Mà nói đến “đôi mắt” cũng là nói đến con người, “con người này” (Hegel), không ai giống ai. Chính cái đó làm nên vẻ đẹp của cuộc sống.
Bạn tôi, trước khi đưa bài lên mạng có gửi cho tôi qua email lời nhắn gửi: “Anh xem trước, có điều chi không ổn”. Và tôi đã trả lời bạn quý: “Anh Nguyên ơi. Mỗi người có một cách suy nghĩ, và người văn minh thì phải tôn trọng điều đó. Câu của Voltaire chắc những người văn minh đều nhớ nằm lòng: ‘Tôi không đồng ý điều anh nói nhưng tôi thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của anh’”.
Bằng đôi mắt của anh, anh nhìn vào cuộc sống, và anh mượn hình tượng nghệ thuật trong ca từ và nhạc điệu của Trịnh để diễn đạt ý tưởng của anh. Và tôi cũng vậy. Tôi nhìn đời, nhìn dòng chảy của cuộc sống qua ca từ và giai điệu Trịnh Công Sơn như đang mở rộng tâm hồn mình như “những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi” để được tiếp thêm sức sống đặng vượt qua những nhăng nhít, nhiễu nhương của cuộc sống quá nhiều bụi bặm đang đầu độc não trạng mình!
Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng,
Mặt trời lấp lánh…
Có thể tôi ủy mị và quá nhiều ảo mộng chăng? Cũng chẳng biết nói sao, mà có lẽ có thế! Tôi không được cứng rắn và dứt khoát như anh, người tôi yêu mến, nhưng lại không hoàn toàn đồng tình và chia sẻ với anh về những cảm xúc trước đôi sự kiện, trong vài tình huống. Cẩn trọng khi đưa ra những trao đổi thẳng thắn, tôi tìm đọc lại những bài viết mang tính triết luận có bóng dáng “hiện sinh” dưới ngòi bút họ Hạ mà tôi từng đọc, từng suy ngẫm và lưu lại trong máy tính. Mạo muội dẫn ra đây một trường hợp tôi từng trăn trở về cảm xúc và kết luận của anh vào cuối bài Cuộc thảo luận lãng mạn viết ngày 28.11.2016: “Tôi nhớ hình ảnh những con chim én đang chao lượn trên bãi cỏ trước những căn phòng cấm cố đìu hiu của nhà tù Côn Đảo thuở xưa. Cuộc thảo luận hôm nay lờ mờ như tái hiện trong khung cảnh ấy”. Và anh dứt khoát: “Cũ lắm rồi, những chàng trai và cô gái của nửa thế kỷ trước”!
Cũng về cái nhà tù Côn Đảo ấy thì những điều gợi nhớ trong tôi thì hình như có khác.
Điều này có dịp tôi đã viết ra trên trang giấy: tôi xúc động và tự hào được kết thân tại Sài Gòn này với một số các anh chị là cựu tù chính trị Côn Đảo trước 75, trong đó có tác giả của câu trên, được các anh chị tin yêu và giúp đỡ. Hai chữ “trăn trở” tôi viết ở trên là: khi các anh chị đang bị tù đày tra tấn chết đi sống lại trong nhà tù của chế độ Sài Gòn được xây dựng kiên cố bằng sắt thép Mỹ, thì tôi ngồi nghiên cứu khoa học, lên bục giảng dạy, và cắp cặp đi nước ngoài dự hội thảo khoa học. Giờ đây, sát cánh bên những con người đáng quý đó lại còn được tin cậy, thương mến. Tôi nghĩ, đây là một ân huệ của cuộc đời này dành cho tôi mà tôi luôn trân trọng biết ơn. Mà vì vậy, hình ảnh Côn Đảo của buổi xa xưa chìm sâu trong ký ức tôi, là tiếng hát Quý Dương về Côn Đảo, một nhạc phẩm hay của Đỗ Nhuận
“…Này này đoàn chim kia bay nơi nao?
Về phương xa nào? (Về miền trời nao?)
Có phải chim bay về cố hương? (… hớ… hờ)
Mờ trong hơi sương, (buồn trông quê hương)
Ký ức ấy gắn liền với một nỗi đau riêng: bà chị cả của tôi có người con trai duy nhất là một trong những chàng trai người Huế lên đường Nam tiến cứu nước. Võ Tá Lâm, người đại đội trưởng Vệ Quốc đoàn ấy chẳng may bi địch bắt trong một trận chiến đấu không cân sức, rồi bị địch đày đi Côn Đảo. Đêm ngày bặt tin con, năm tháng trôi qua, nhớ thương con chị tôi khóc đến mù mắt, rồi lên tu trên chùa Giác Lâm đêm ngày tụng niệm cầu cho con tai qua nạn khỏi:
Kìa xa xa nơi Côn Đảo, ơ hờ
Sóng nước muôn trùng…
Đất nước chia cắt, mẹ tôi đau đớn nhận được tin, nhân có sư bà Diệu Không từ Huế theo con đường nào đó tôi không được biết ra Hà Nội thăm gia đình cụ Hồ Đắc Di, mẹ tôi tìm đến hỏi thăm. Chẳng biết làm gì hơn, bà đã tháo chuỗi ngọc bích, kỷ vật quý giá và thiêng liêng của cha tôi trao tặng, mẹ tôi đã đeo trên cổ suốt nửa thế kỷ, bảo vật duy nhất mà bà có, kể cả việc gìn giữ trong suốt chặng đường băng rừng, trèo đèo, lội suối suốt nửa năm trời đi từ Huế ra Việt Bắc theo con đang “đi kháng chiến”. Bà phiền sư bà Diệu Không đưa về Huế, nhờ ai đó bán đi lấy tiền mua thuốc chạy chữa cho chị tôi, mong sao có dịp được nhìn gặp con.
Trong tôi, ký ức ấy không hề cũ.
Trong lòng hai người mẹ tôi vừa kể cũng không ôm ấp một nỗi u hoài tuyệt vọng “Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu”! Đôi mắt mù của bà chị cả tôi nhớ thương đứa con trai duy nhất vẫn “Đêm chờ ánh sáng” cũng như tấm lòng rộng mở của mẹ tôi khi trao kỷ vật quý giá nhất đời của bà để bán đi mà thuốc men chạy chữa cho đôi mắt mù của chị tôi vẫn “Để lại trong cõi thiên thu. Hình dáng nụ cười”.
Ngoài ký ức không bao giờ cũ về Côn Đảo trong hoài niệm đậm sắc riêng tư vừa kể, tôi muốn gợi thêm một kỷ niệm khác về Côn Đảo có đôi phần vượt khỏi chuyện riêng cho dù tôi vẫn nhớ anh bạn thân vừa khuyên tôi đừng cứu vớt những giấc mộng! Nhưng khốn nỗi, những giấc mộng trong hoài niệm lại góp phần cứu rỗi tâm hồn, giúp tôi thoát ra khỏi đám mây mù của dối trá và lừa mỵ đang phủ kín và đầu độc đời sống tinh thần không chỉ riêng tôi. Đến nỗi, cũng như nhiều người đã làm, là phải tắt vội tivi để khỏi phải nhìn gương mặt phẳng lý nhàm chán với giọng lưỡi ê a những lời đường mật quen thuộc, hay hàm răng chắc trắng nhởn nhe ra bên dưới cái đầu chải bóng mượt vẫn không sao phủ kín được nét thương luân bại lý mà bàn dân thiên hạ biết tỏng. Và chắc là các quan thầy của họ cũng thông tỏ mọi điều nên cố tô son điểm phấn nhằm trì kéo để tiện đường sai bảo. Trò đời vẫn thế. Dân càng ghét, xã hội càng tởm thì lại phải bám chắc vào quan thầy để ngồi thêm được ngày nào hay ngày ấy chứ sao giờ? Cùng đường thì may ra còn có nơi lo chuyện hậu sự cho. Thì thân phận Chiêu quốc Vương Trần Ích Tắc đời Trần chẳng thế sao?
Kỷ niệm có đôi phần vượt khỏi chuyện riêng đó như sau: mấy lần cùng đi với ông Sáu Dân ra Côn Đảo, ngoài việc chính là ông Sáu muốn cùng với một số chuyên gia như Nguyễn Trọng Huấn, Lê Hiệp, Nguyễn Văn Tất… suy nghĩ và khảo sát thêm để hình thành một quy hoạch về Côn Đảo với một tầm nhìn mới, ông Sáu nhắc tôi, và chính ông cũng tự đi dò hỏi thêm về hòn đảo nhỏ nào mà thực dân Pháp và lũ tay sai đã giam riêng đồng chí Lê Duẩn.
Chuyện là thế này: Trong một chuyến công tác tại Miền Tây dạo cuối năm 2000, ông bảo tôi đi cùng. Những gì đã có dịp kể xin không nhắc lại nữa chỉ vắn tắt một chuyện, khi tôi đưa một bài viết của tôi về đồng chí Lê Duẩn có liên quan đến điều mà ông Sáu Dân sẽ bàn trong cuộc họp cho một ông bạn quen từng là bí thư một tỉnh ở miền Tây (bài này trước đó hai năm Vietnamnet đã đăng). Trong bài tôi có kể lại một phần những ý Lê Duẩn nói với tôi trong dịp biên soạn một số vấn đề được đặt ra từ Đại hội V khi ông trao đổi về việc không thể thực hành chuyên chính vô sản sau khi cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công, nhân dân đã thành người chủ của đất nước và yêu cầu tôi suy nghĩ thêm để rồi cùng Việt Phương sắp xếp, hệ thống lại những ý tưởng để viết lại cho sáng sủa mạch lạc, có sức thuyết phục.
“Tôi chỉ nghĩ như thế, mà nghĩ lâu rồi, vừa rồi sắp xếp lại trong đầu để nói với anh như đã nói một phần với Việt Phương, không rồi nhiều việc tôi lại quên mất những điều đã nghĩ được, bây giờ các anh phải viết đi thôi, không vội, nhưng thế nào cũng phải viết”.
Ông sôi nổi diễn đạt những ý tưởng ông đã nung nấu từ rất lâu, trong đó câu làm cho tôi xúc động nhất khi ông nhìn thẳng vào mắt tôi: “Anh còn trẻ, không hiểu được rằng khi chúng nó giam riêng tôi trên một hòn đảo nhỏ, cốt cách ly tôi với mọi người, để cho tôi chết dần mà không ai hay biết. Anh có biết vì sao tôi không chết không? Chính tôi cũng không nghĩ rằng tôi còn có thể sống. Mà tôi sống được vì tôi nghĩ lý tưởng của chúng ta không thể chết. Nếu tôi không sống được thì người khác sẽ tiếp tục công việc của tôi, đất nước, dân tộc với truyền thống cha ông truyền lại không thể chết được”. Cho đến tận hôm nay, đối với tôi đây là món nợ tinh thần rất lớn với Lê Duẩn mà tôi luôn day dứt. Anh Việt Phương thì đã viết được rất nhiều những gửi gắm tâm huyết của Lê Duẩn nhưng chưa chịu công bố vì cho là chưa hoàn chỉnh, cần chỉnh sửa. Mấy trang viết tay Việt Phương trao cho tôi và Đức Lượng tuy dồn nén nhiều ý tưởng song vẫn còn quá sơ sài.
Và thế rồi, vào giờ nghỉ trưa, ông bạn gõ cửa phòng đưa trả lại bài tôi đưa cho anh, giọng vẫn còn hồi hộp “Anh cất đi, nguy hiểm lắm, anh cất ngay đi”! Một thoáng giật mình, hơi sững người lại, nhưng rồi tôi chợt hiểu ra ngay. Chiều tối hôm đó trên xe từ Cần Thơ về, thấy ông Sáu Dân có vẻ mệt, tôi cũng ngả lưng vào ghế, lim dim. Khi ông Sáu Dân vươn vai, lấy chai nước, đợi ông uống xong tôi kể lại câu chuyện nói trên. Im lặng một lúc, ông Sáu đột ngột hỏi: “Thế anh nghĩ sao về câu chuyện này?”. Tôi gượng cười: “Tôi muốn hỏi ý kiến anh, sao anh lại hỏi tôi?”.
“Thì tôi muốn biết suy nghĩ và nhận định của anh về câu chuyện không dễ chịu chút nào này”, ông nói. “Vậy thì tôi xin mạnh dạn thưa với anh chỉ một câu thôi”, tôi trả lời: “Cục tình báo Hoa Nam đã thò bàn tay của chúng xuống tận miền Tây của ta rồi anh ơi”!
Hôm sau đến trao đổi tiếp về chuyến đi, ông Sáu Dân trầm giọng: “Chuyện anh kể hôm qua cũng chính là một trong những lý do thôi thúc tôi về miền Tây lần này. Còn quá nhiều chuyện phải nghĩ xoay quanh câu hỏi tại sao lại bùng lên chuyện kể tội, nói xấu và vu khống về Anh Ba Duẩn. Đương nhiên, giữ trách nhiệm Tổng Bí thư một thời gian dài như vậy, qua ba cuộc kháng chiến, qua công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc để dồn sức tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược Miền Nam rồi khắp cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước trong bối cảnh thế giới biến động liên miên, chưa có tiền lệ đặt ra không biết bao nhiêu vấn đề, anh Ba không thể không gánh chịu trách nhiệm nặng nề, không thể phủ nhận những sai lầm, khuyết điểm rất nghiêm trọng và kéo dài. Còn rất nhiều điều mà các anh cũng chưa biết đủ đâu. Cũng đã đôi lần tôi đã gợi ra trong những buổi làm việc với các anh, nhưng cũng chỉ vài điều thôi. Tuy vậy, cái cách vu khống, bôi nhọ một cách có bài bản và cực kỳ thâm hiểm thì phải từ một thế lực biết quá rõ và cũng thâm thù rất sâu ý chí và bản lĩnh của anh Ba, người quyết liệt vạch mặt và đấu tranh trực diện với chủ nghĩa Bành trướng Đại Hán Bắc Kinh”.
Tôi chen vào một ý: “Có cái lạ là Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương cũng như bộ máy an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ không hề có phản ứng đáng kể (hay có mà tôi không được biết!). Có lần tôi đã qua anh Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân trực tiếp nói với Đinh Thế Huynh chuyện này nhưng không thấy có phản hồi gì đáng kể”. (Qua anh Đức Lượng vì anh ấy là người lưu giữ nhiều tư liệu về Lê Duẩn). Thậm chí kỷ niệm Nguyễn Văn Linh, người gắn liền với sự kiện Thành Đô nhục nhã thì được tổ chức rầm rộ, ông Trọng không thiếu lời ngợi ca mùi mẫn, còn kỷ niệm ngày sinh Lê Duẩn thì đưa về Quảng Trị để ông Trọng nhường vinh dự đọc diễn văn cho Bí thư tỉnh nhà! Tôi nhắc lại chuyện này để nói lên một sự thật đau đớn:
Lê Duẩn càng bị bôi nhọ thì Bắc Kinh càng đắc chí vì đã loại bỏ đối thủ đáng sợ nhất của họ, cũng là loại bỏ dần ý chí chống Trung Quốc xâm lược trong nhân dân. Món võ Tàu này thâm hậu và nham hiểm khó lường!
Nhắc lại cũng để nói rằng kỷ niệm xưa đâu có “cũ lắm rồi” như bạn tôi nói. Người tù chính trị Côn Đảo thời thực dân Pháp trước 45 bị đày so với những “chàng trai và cô gái của nửa thế kỷ trước” mà ngòi bút triết luận của nhà văn họ Hạ miêu tả thì cách nhau đến những mấy thập kỷ cơ đấy. Và quả thật, “giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại”. Sống lại như thế nào thì tùy thuộc vào người hoài thai và cưu mang “giấc mộng” của mình, riêng mình và cho mình.
Dẫu từ nay cô đơn giữa khơi bị đày ra nước non xa vời
Thì ta hun cho tim máu sôi
Và anh Nguyên ơi, cám ơn anh đã nhắc lại Erich Maria Remarque: “Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng. Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại. Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người”. Chỉ có điều, theo cảm nhận có phần thô thiển của tôi thì hình như anh quên chưa nói rõ một điều, mà là điều không kém quan trọng: Với tác giả của Một thời để yêu, một thời để chết anh vừa nhắc lại cái điệp khúc mà anh đã viết trong Tản mạn 1 ngày 18.9.2014 lấy nguyên tựa đề nói trên, thì theo tôi: “Văn chương là phương tiện mà thông qua nó, nhà văn thực hiện ‘những cuộc trở về cả trong hiện thực lẫn nơi tâm tưởng’”. Cái hiện thực mà bản thân Remarque đã “từng biết, từng nhìn ngắm và từng trải nghiệm”. Ấy thế mà ở nước Đức, cả sau thế chiến, Remarque một “thiên sứ ghi chép về chiến tranh”, danh xưng mà thế giới phong tặng cho ông, vẫn không được ưa chuộng. Vì, ở nơi này người ta muốn khâm liệm hoàn toàn quá khứ.
Tác phẩm đầu tay lừng danh của ông Phía Tây không có gì lạ từng được đánh giá là “cuốn tiểu thuyết hay nhất về cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất” theo nhà phê bình nổi tiếng đương thời Henry Louis Mencken, còn nhà văn Leonhard Frank thì cả quyết rằng một tác phẩm như vây phải “trăm năm mới xuất hiện một lần”, nhưng rồi Remarque rơi vào nỗi bi kịch khó có lời diễn đạt: cô độc và xa lạ với đồng bào mình. Thế rồi, từ một người từng dõng dạc tuyên bố “chỉ khi con người tự đầu hàng thì bọn phát xít mới thắng được ta”, tác giả của Một thời để yêu, một thời để chết đã lặng lẽ quy thuận những đòi hỏi của nhà xuất bản. Và không ai khác, chính Joseph Kaspar Vich, chủ nhà xuất bản phải thốt lên: “Ông ấy đã lặng lẽ chấp nhận cắt ngắn đi, đến nỗi tôi sợ rằng ông ta làm việc này không tự nguyện”.
Tôi bỗng nghĩ đến một nhận định thâm trầm của Jean-Paul Sartre: “Nhà văn trao cho xã hội một thứ tự vấn đớn đau [conscience malheureuse] và do đó mà anh ta không ngừng phải đối đầu với những lực lượng bảo thủ, đang cố giữ cân bằng xã hội mà anh ta tìm cách chao đảo”.
Nghĩ đến điều đó, tôi tự an ủi rằng, những điều Hạ Đình Nguyên trích dẫn Remarque cũng như dẫn lời Trịnh Công Sơn để dẫn đến những ý tưởng có dáng dấp của sự phủ định mà tôi không muốn chia sẻ, cũng chính là điều anh có quyền làm như vậy nếu anh tự thấy mình đúng. Thì chẳng phải là nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh được trao giải Nobel văn chương nắm 1957, Albert Camus, mà toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông đã dành cho thân phận con người, khởi nguồn từ phi lý, dẫn đến nổi loạn để đến tự do đó sao? Và chẳng phải chính A. Camus viết trong tác phẩm đầu tay Bề Trái và Bề Mặt của mình: “Tôi đã được đặt giữa khốn cùng và mặt trời. Tôi sinh ra giữa ánh dương và cùng khốn”. Vậy thì anh có quyền rung động và tìm thấy ở Trịnh Công Sơn một sự phủ định tuyệt đối: “Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu”. Vì chính Sơn viết như vậy mà, anh đâu có bịa ra. Nhưng rồi, cũng chính Trịnh đã viết và đã hát rất thiết tha bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”:
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…
… Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.
Với tôi, tôi thích ca từ này, giai điệu này của Trịnh Công Sơn. Cũng chẳng phải dài dòng giải thích, trong cảm thụ nghệ thuật chỉ cần trái tim biết rung động. Chính trái tim lại là nơi hoài thai những giấc mộng mà Remarque quyết liệt đòi “không bao giờ nên cứu vớt” như anh đã hào hứng tiếp sức. Anh nhấn mạnh lời Remarque chỉ “Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người”. Vậy mà thật oái oăm anh Hạ Đình Nguyên ơi: “Hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”. Đấy là lời khuyên chân thành của Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, huyền thoại về công nghệ vi tính thế kỷ XXI mà sự ra đi của ông năm 2011 làm cả thế giới sững sờ. Gần gũi hơn là Việt Phương, người bạn lớn, rất lớn của tôi, đã có lần tâm sự: “Cuộc đời với tôi bao giờ cũng cao hơn giấc mộng. Mà đó lại là một mơ mộng, một ước vọng cao lắm, lớn lắm”, câu này vừa rồi được Pierre Darriulat, nhà khoa học Pháp nhắc lại trong bài viết về kỷ niệm của ông với Việt Phương sau khi Anh mất.
Bây giờ thì sao đây? Chẳng sao cả!
Anh thích “ngồi cô đơn trong góc vườn nhà, cạnh dòng sông, tôi nhìn mặt trời chiều đỏ ối như một khối lửa khổng lồ chụp xuống cuối sông, cây cảnh phía dưới bắt đầu mờ dần” để mà suy tư và triết luận. Còn tôi thì ngồi trong hơi sương, nghe tiếng chim bên chòm cây ven bờ sông trước mặt mà ước gì mình được như con chim kia cảm nhận được buổi rạng đông và cất lên tiếng hót chào bình minh khi trời vẫn còn tối. Cả anh và tôi chẳng cùng đang mơ mộng là gì, chẳng phải là giấc mộng này qua đi và giấc mộng khác sẽ đến đó sao, cần gì phải quyết liệt dìm chết những giấc mộng, để không nên và không bao giờ cứu vớt những giấc mộng nhỉ?
Vả chăng, nói cho cùng thì hy vọng chính là giấc mộng khi đang thức đó thôi.
Không có những giấc mộng nuôi dưỡng khát vọng tự do thì làm sao người tù chính trị Côn Đảo kia vượt qua cái chết mà kẻ thù muốn dìm mình xuống để sống khi tưởng rằng mình không thể sống. Cho nên, với tôi, nên đọc trong câu của Remarque mà anh bạn thân quý của tôi dẫn ra “giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại” đã gợi lên “cái khoảnh khắc ngỏ cho thấy vĩnh cửu”. Hình như Jean-Paul Sartre viết như vậy. Mà vì vậy, rất chân thành cám ơn tấm lòng hào hiệp của bạn đã dành cho tôi với những dòng chữ có cánh.
14.10.2017
T. L.
Tác giả gửi BVN