Tường An
Diễn đàn 2000 tại Prague Cộng hòa Séc. RFA
Từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 10 vừa qua, một diễn đàn thường niên có tên Forum 2000 được tổ chức tại Praha (Cộng hòa Sec) để thảo luận về các đề tài Dân chủ, Nhân quyền, tôn giáo, chính trị và xã hội. Forum quy tụ nhiều diễn giả là các chính trị gia, các nhà họat động xã hội nổi tiếng quốc tế. Đặc biệt năm nay có sự tham gia của một nhà họat động từ Việt Nam. Từ Praha, thông tín viên Tường An có bài tường trình sau đây
Những ảnh hưởng của Forum 2000
Forum 2000 là một diễn đàn thảo luận về các vấn đề liên quan đến Nhân quyền, dân chủ, được thành lập năm 1996 từ sáng kiến của cựu Tổng thống Cộng Hòa Sec Václav Havel, nhà hoạt động xã hội người Nhật Yohei Sasakawa và giải Nobel Hòa bình 1986 Elie Wiesel.
Diễn đàn 2000 công khai thảo luận mỗi năm một lần tại thủ đô Praha của Cộng Hòa Sec, nhằm hỗ trợ các giá trị của dân chủ và tôn trọng nhân quyền, giúp đỡ phát triển xã hội dân sự và khuyến khích sự khoan dung tôn giáo, văn hoá và sắc tộc, cung cấp ý tưởng cho các nhà lãnh đạo thế giới về quan điểm, đường lối họat động.
Rất là đáng tự hào lần này có một diễn giả từ Việt nam qua, diễn giả lần này là tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự Forum 2000 chia sẻ những vấn đề liên quan đến Dân chủ, Nhân quyền.
– Đinh Phương Thảo
Đây là lần thứ hai tham dự Diễn đàn 2000, cô Đinh Phương Thảo, một người họat động trong nước, hiện giữ vai trò điều hợp hoạt động của tổ chức Voice tại Âu châu cho biết những lợi ích khi có cơ hội khi tham dự sự kiện quốc tế này:
“Đây là một cơ hội rất lớn để có cơ hội kết nối với những người quan tâm đến những vấn đề dân chủ, Nhân quyền trên tòan thế giới. Quả như là trải nghiệm lần đầu, lần này cũng đã học hỏi rất nhiều, từ bài học, từ những quan điểm, kiến thức của những người lên chia sẻ ở Forum 2000. Và đồng thời kết nối được với những người trẻ, những người quan tâm đến Dân chủ, Nhân quyền ở các quốc gia khác nhau. Hy vọng trong tương lai sẽ có cơ hội để tham dự được những sự kiện tương tự như vậy”.
Forum kéo dài 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10/10/2017. Một số người Việt Nam thuộc nhiều tổ chức khác nhau đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Bỉ, Na Uy, Phi Luật Tân, Đài Loan, Thái lan, v.v. cũng có mặt. Đặc biệt lần đầu tiên có sự tham gia của một nhà họat động đến từ Việt Nam: tiến sĩ Nguyễn Quang A. Cô Đinh Phương Thảo cũng đã từng họat động cùng tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ niềm tự hào về sự tham gia của một nhà họat động Việt Nam trong vai trò diễn giả:
“Rất là đáng tự hào lần này có một diễn giả từ Việt nam qua, diễn giả lần này là tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự Forum 2000 chia sẻ những vấn đề liên quan đến Dân chủ, Nhân quyền. Khi mà được nghe bác chia sẻ cũng học hỏi thêm được những quan điểm, những góc nhìn của một người đấu tranh trong nước về những vấn đề của các quốc gia láng giềng“.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A và đề tài thảo luận của ông tại Forum 2000
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham gia thảo luận về 2 đề tài: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước thềm Đại Hội 19; Mở rộng bên ngoài và xiết chặt bên trong” và “Chế độ Dân chủ và Độc đoán ảnh hưởng như thế nào đến Nam Á nói riêng và Thế giới nói chung”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thảo luận đề tài của ông tại Diễn đàn 2000. RFA
Ngoài ra, trong buổi gala diner gồm những vị khách mời đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có một bài phát biểu với đề tài: “Các di sản của Phan Châu Trinh và Václav Havel trong quá trình Dân chủ hóa ở Việt Nam”.
Trong những người cộng sản Việt Nam vẫn có thể có những đóng góp đáng kể cho việc chuyển đổi Dân chủ … vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam đã hết từ lâu rồi
– Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhân dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói chuyện trước công chúng tại quảng trường Václav Havel và tại phân khoa nghiên cứu Viễn Đông của trường Đại học Charles (Praha) về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam. Nhận xét về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ với đài Á Châu Tự Do:
“Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nói chung là rất xấu, nhưng mà trong 18 tháng trở lại đây thì lại càng xấu hơn nữa.
Sau Đại hội thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc tôn trọng Nhân quyền bị xấu đi một cách rất là đáng kể. Rất nhiều cuộc bắt bớ, đàn áp những người họat động đã xảy ra, nhưng đồng thời, bất chấp những sự đàn áp như thế, thì phong trào họat động của người dân Việt Nam, của xã hội nói chung trong thời gian vừa qua lại có sự phát triển rất là sôi động, nhất là đối với những dân oan bị thu hồi đất đai như ở Đồng Tâm hoặc sự phản đối của người dân đối với các doanh nghiệp về ô nhiễm môi trường, nhất là Formosa và phản đối các chính sách thu phí BOT, ví dụ như vậy…“.
Forum 2000 lần thứ 21 với chủ đề «Phát triển Dân Chủ trong giai đọan bất ổn» được tổ chức tại Praha và các thành phố khác của Cộng Hòa Czec với sự hiện diện của vua Monaco Albert II, nhiều nhà lãnh đạo tư tưởng cũng như hoạt động Nhân quyền ở các quốc gia trên thế giới. Trong giai đọan có nhiều sự bất ổn về kinh tế, chính trị, an ninh… tại các quốc gia có một nền dân chủ lâu đời. Sự quan tâm của họ đối với Việt Nam có phần suy giảm, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng là một điều dễ hiểu, ông nói:
“Trong cái bối cảnh như thế thì các nước phải lo các vấn để của họ nhiều hơn như vấn đề kinh tế, vấn đề dân nhập cư, những vấn đề chính trị nội bộ của họ… thì đó là một điều dễ hiểu. Cho nên việc quan tâm đến phong trào hay hoạt động Nhân quyền tại Việt nam cũng bớt đi một chút. Đó là một điều đáng tiếc, nhưng mà hòan cảnh quốc tế là như vậy. Tôi nghĩ đối với những người Việt nam trong nước cũng như ngòai nước cũng vẫn phải tự mình làm là chính và vận dụng tối đa sự ủng hộ cũng như giúp đỡ từ bên ngòai”.
Bên cạnh vận động sự ủng hộ của quốc tế để thúc đẩy cải thiện Nhân quyền tại Việt Nam. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh nội tại vẫn là chính, một trong những phương pháp đó là lên tiếng đòi hỏi, tự thực thi những quyền mà hiến pháp Việt Nam và quốc tế đã quy định. Ông chia sẻ:
“Trong thời gian vừa qua thì sự cất lên tiếng nói của người dân đã có hướng phát triển rất mạnh, nhưng tất nhiên so với nhu cầu thì vẫn còn thấp, còn yếu. Muốn để cho người dân cất lên tiếng nói của mình phê phán những sai trái, những vi phạm Nhân quyền, đưa ra những kiến nghị, đưa ra những giải pháp mang tính xây dựng đối với xã hội và góp phần gây ra sức ép liên tục 24/7 đối với chính quyền để buộc chính quyền phải thay đổi thì tôi nghĩ rằng không có một cách gì khác là thực hiện những chủ trương mà cụ Phan Châu Trinh đã đặt ra cho chúng ta từ 111 năm trước, đó là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí và cải thiện đời sống dân sinh. Nếu chúng ta làm tốt 3 chủ trương đấy thì nó sẽ là động lực để thúc đẩy cho người dân cất lên tiếng nói của mình, và không những chỉ có cất lên tiếng nói của mình mà còn thực thi những quyền của mình, nhận ra những quyền của mình và thực thi những quyền đó. Quyền của chúng ta, chúng ta cứ thực thi, thì đó là áp lực mạnh nhất để buộc chính quyền phải hòan thiện khung pháp lý để giúp chúng ta thực thì quyền của mình, ấy là cách thực tiễn nhất, dễ nhất và hữu hiệu nhất để thúc đẩy Nhân quyền cũng như thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam”.
Ngoài hai yếu tố vừa kể: áp dụng sức mạnh của chính mình, vận động sự ủng hộ của quốc tế, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, vai trò của những đảng viên Cộng sản đang làm việc trong hệ thống là một yếu tố không thể bỏ qua trong tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam, ông nhấn mạnh :
“Giới đương quyền có vai trò rất quan trọng, tất cả những cuộc chuyển đối thành công đều có vai trò đóng góp của giới đương quyền. Tôi nghĩ rằng ở trong những người cộng sản Việt Nam vẫn có thể có những đóng góp đáng kể cho việc chuyển đổi Dân chủ. Tôi nghĩ rằng vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam đã hết từ lâu rồi, nhưng những thành viên của đảng cộng sản Việt nam có thể có vai trò lớn”.
Theo cô Đinh Phương Thảo, các diễn đàn quốc tế này là một cơ hội để thúc đẩy sự quan tâm của quốc tế về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam, cô nói :
“Cơ hội để một diễn giả từ Việt nam qua nói trong các diễn đàn quốc tế là một cơ hội tuyệt vời để mọi người quan tâm, chú ý nhiều hơn về các vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam và hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những diễn giả nói về Việt Nam hoặc những diễn giả từ Việt Nam đi đến những diễn đàn quốc tế như thế này để chia sẻ về tình hình Việt Nam hoặc những vấn đề Dân chủ, Nhân quyền nói chung”.
Forum 2000 là nơi tập hợp hàng ngàn tư tưởng khác nhau nhưng cùng chia chung một lý tưởng xây dựng một thế giới nhân bản, nhân quyền và dân chủ. Những tâm hồn Việt Nam gặp nhau tại đây đều mong rằng sẽ có một diễn đàn như thế ở Việt nam một ngày không xa.
T.A.