Sa Huỳnh
Thành thật mà nói, từ thâm tâm, tôi rất mến ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong những ngày sóng gió này
Lý do cũng dễ hiểu, xin được trình bày câu chuyện sau.
Trong những năm từ 1987 đến 2003, tôi có vài lần làm việc với các Viện Khoa học và Đại học, tại Hà Nội và Sài Gòn.
Ngày đó, tôi là chuyên gia trẻ người Việt tại Đức, trong ngành Viễn thông Quang học (Optische Kommunikation), kỹ sư nghiên cứu, kiến tạo máy phát tia Laser bán dẫn.
Những năm 80 – 90 là thời kỳ thế giới đang phát triển mạng Internet. Vận tốc truyền, bằng điện qua dây cáp đồng, lúc ấy chậm chạp đến thật… buồn cười, nên nhu cầu tăng vận tốc vô cùng thiết yếu. Giải pháp cho vấn đề đó là phát triển công nghệ ngành Viễn thông Quang học, dùng kỹ thuật truyền bằng tia hồng ngoại Laser, qua cáp quang.
Đó là kết quả mà ngày nay chúng ta được sử dụng, tận hưởng với niềm hạnh phúc.
Vì có công nghệ này, tôi được mời về chủ trì Sê-mi-na đôi ngày. Trao đổi với các kỹ sư và cán bộ trẻ, những kinh nghiệm thực tiễn, những lý thuyết phức tạp, của phương pháp truyền ánh sáng qua cáp quang.
Đó là vài lần đầu, khoảng thời gian từ cuối 80 đến những năm 90, tôi làm việc với nhiều thích thú tại Hà Nội và Sài Gòn. Giúp những người say mê khoa học như tôi, có được những kiến thức cận đại, về một ngành kỹ thuật mới.
Sau này, khi công nghệ điện thoại di động và kỹ thuật truyền hình số phát triển, tôi được hãng giao thêm trách nhiệm nghiên cứu công nghệ này. Vì thế lại được mời về thêm đôi lần, khoảng những năm 2000. Kết hợp với một công ty trong nước, chào hàng các sản phẩm của hãng, về mạng di động và máy đo tín hiệu truyền hình số.
Chúng tôi cũng đã có dự định thiết lập mạng điện thoại di động, cho các tài xế xe hơi sử dụng, khi lái xe ngang qua đường hầm dài 6200 m, xuyên dưới chân núi đèo Hải Vân, ở Thừa Thiên – Huế.
Tôi phải kể chi tiết một chút như vậy, vì đây là những công trình khoa học kỹ thuật thú vị, giữa Đức và Việt Nam, có được là nhờ vào sự phối hợp, làm việc thân thiết và hiệu quả, giữa chúng tôi với anh Tiến Sĩ Đặng X.C. – con rể của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Và ông Nguyễn Cơ Thạch – tên thật là Phạm Văn Cương – là bố của ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bây giờ.
Tôi không biết anh Đặng X.C. là anh, hay là em rể, của ông Phạm Bình Minh. Vì tôi chưa bao giờ hỏi, khi làm việc với nhóm cán bộ của anh ở Hà Nội, cả khi anh ghé thăm gia đình tôi ở Berlin.
Có lẽ điều đó đối với tôi chưa bao giờ quan trọng. Mà quan trọng đối với tôi ngày ấy, rằng anh là một người rất dễ mến, say mê khoa học như tôi. Anh cũng rất điềm đạm và tử tế trong cuộc sống. Yêu chuộng sự chính xác của khoa học, nhưng cũng rất hết mình thoải mái trong lúc giải trí, vui chơi.
Bởi thế, khi nghe tin ông Phạm Bình Minh làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đầu tiên tôi đã rất mừng. Một phần vì sự quí mến, cảm tình đã có với người em (hay anh) rể của ông ấy. Một phần vì thấy tướng mạo ông cũng… bảnh, hiền lành, trí thức, có nét chân thật.
Ngoài ra, ông bố Nguyễn Cơ Thạch là một người luôn coi lợi ích dân tộc trên cả lợi ích về ý thức hệ, không ngần ngại phản đối đường lối ngoại giao của Tàu. Trung Quốc rất ghét và muốn loại bỏ ông. Vì vậy mà ông mất chức, khi không được Bộ Chính Trị giới thiệu tiếp tục để bầu chọn ở Đại Hội năm 1991.
Thế nhưng hiện nay, nhiều người đang thất vọng với ông Phạm Bình Minh.
Nguyên nhân là sự im lặng bất thường của ông, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Việt-Đức, qua vụ điệp viên Việt Nam tung hoành phi pháp, trên lãnh địa nước Đức, bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Công viên vườn thú Berlin.
Việc đó, chẳng những đã xúc phạm danh dự, vi phạm luật pháp nước Đức, mà còn vi phạm luật pháp và công ước quốc tế. Trong một thời gian ngắn, đã phá tan mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nhà nước – mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của kiều bào.
Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông chưa có một lời giải thích cho người trong nước, và kiều bào bên ngoài. Đặc biệt là cho cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.
Và một khi ông không có ý kiến minh bạch đúng sự thật, cho kiều bào và cho chính quyền Đức, thì cũng dễ hiểu rằng, nhân viên thuộc cấp của ông, cụ thể là ngài Đại sứ Đoàn Xuân Hưng ở Berlin, đang hết sức bị động, loay hoay và lúng túng.
Điển hình mới đây, khi phát biểu trước đồng bào mình, trong một cuộc gặp mặt bà con, ông Đoàn Xuân Hưng vẫn thản nhiên không ngượng ngùng, kêu gọi kiều bào giúp sức, tạo quan hệ tốt đẹp giữa Đức và Việt Nam. Đối với người nghe, có lẽ nhiều bà con phải hậm hực… nuốt cay đắng vào lòng.
Lại càng thất vọng hơn nữa, qua truyền thông báo chí, toàn dân đã sững sờ, khi nghe tin, trong Hội nghị Trung ương 6 của ĐCSVN, bắt đầu họp từ hôm 04.10.2017 tại Hà Nội, thay vì ông Phạm Bình Minh trình bày những thông tin về chuyên ngành Ngoại giao của mình – trong đó có vấn đề khủng hoảng Việt-Đức, mà mọi người sốt ruột, quan tâm chờ đợi nhiều nhất, như… ngồi trên đống lửa – thì ông lại “được”, hay “bị” phân công, đọc bài tường trình kế hoạch về… dân số, chẳng dính dáng chi đến nghiệp vụ chuyên môn, khiến dư luận có thêm cơ hội để bàn tán tùm lum, thêu dệt đủ màu.
Nhưng mà nghĩ cho cùng, thật ra cũng khó cho ông, và những ai làm việc trong nhà nước CHXHCN Việt Nam hôm nay.
Bởi cách làm việc chưa theo kịp sự tiến bộ, minh bạch và dân chủ của thế giới hiện đại. Tư duy còn là tư duy cũ của thời chiến tranh. Còn bưng bít thông tin, còn dùng chiến thuật du kích trong tất cả mọi ban ngành. Còn dùng mưu mẹo để đối phó và giải quyết vấn đề, hơn là dùng khoa học và trí tuệ. Bất cứ nơi đâu cũng còn nhìn ra là kẻ thù, để đề phòng và trấn áp, thay vì xem nhau như bạn bè, để cùng hợp tác, cùng chia sẻ và cùng tiến lên.
Để ví von một chút, tôi có thể so sánh, hình tượng hóa, rằng tình hình đất nước Việt Nam hiện nay, giống y chang như tình hình khoa học, mà tôi và anh Tiến Sĩ ĐXC bắt đầu hợp tác, từ những năm 80-90. Khi vận tốc Internet còn bò như con rùa, ì ạch trong dây cáp đồng lỗi thời, dễ dàng bị nhiễu làm cho sai lệch, nên thông tin không mấy đáng tin cậy cho người sử dụng.
Còn thế giới ngày nay, họ đã chuyển hết qua môi trường cáp quang hiện đại. Tín hiệu bằng tia Laser hồng ngoại, chạy nhanh chóng mặt, lên đến cả trăm triệu lần. Nguồn tin tức truyền đi kịp thời và nhanh chóng. Và chính vì khó bị nhiễu làm sai lệch hay bóp méo, nên độ chính xác và trung thực của thông tin rất cao, đem đến hạnh phúc và tin tưởng cho người sử dụng trong xã hội.
Lâu rồi, kể từ ngày không còn trẻ để miệt mài với khoa học, hay bận tâm với các phương trình toán học và vật lý lằng nhằng, tôi không còn dịp liên lạc với anh Đặng X.C., nên không biết anh có thường xuyên gặp người anh (hay em) vợ của mình – đang làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước CHXHCN Việt Nam – hay không?
Nếu gặp – và đọc được bài viết này của tôi – nhờ anh nói cái đoạn hình tượng hoá… ví von ấy, cho Bộ trưởng nghe. Cũng như nói về tình hình nhấp nhỏm, như ngồi trên… đống lửa, vì sự sốt ruột của bà con trong và ngoài nước, cho Bộ trưởng hiểu.
Đặc biệt Việt kiều tại Đức, đang trông chờ sự lên tiếng minh bạch của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, về sự việc đã xảy ra tại Công viên vườn thú Berlin. Một thông báo rõ ràng về lộ trình, nhằm giải quyết hữu hiệu cuộc khủng hoảng Việt-Đức. Để bà con an tâm sống và làm việc. Góp phần tăng cường sự hiểu biết, giữa hai dân tộc và hai nhà nước với nhau.
Vì do tình hình “mờ-ảo” hiện nay từ phía Việt Nam, sự xúc phạm không có tiền lệ vào nước Đức, niềm tin đã đổ vỡ, chính quyền và người bản xứ nhìn cộng đồng người Việt, với ánh mắt không còn nhiều thiện cảm như trước đây…
Hình ảnh trong lần về Việt Nam công tác của tác giả – Kỹ sư. Sa Huỳnh (người đeo kính)
Berlin, 10.10.2017
S.H.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đọc tờ trình của Bộ Chính trị về Đề án công tác dân số:
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất tiếp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong vòng 4 tuần
Khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Lời tâm huyết của Phó Đại sứ Đức tại Hà Nội bị kiểm duyệt ở Việt Nam
Lên tiếng cho sự thật – Đại sứ Đoàn Xuân Hưng có thể cứu uy tín cho Việt Nam tại Đức
Nguồn: http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11468/bo-ngoai-giao-viet-nam-im-lang%252c-kieu-bao-sot-ruot.htm