1. Bị kỷ luật cách chức vẫn làm phó trưởng đoàn kiểm tra Formosa
Hải Ninh
Dù bị kỷ luật cách chức và thuyên chuyển công tác do có những sai phạm liên quan Formosa nhưng mới đây, ông Lương Duy Hanh vẫn tham gia đoàn kiểm tra Formosa với tư cách phó đoàn…
Ngày 11/9, Tổng cục Môi trường ban hành Quyết định 1017/QĐ-TCMT về việc kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với 10 hạng mục công trình của dự án “Khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1” tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Trong Quyết định 1017/QĐ-TCMT của Tổng cục Môi trường, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với 10 hạng mục công trình của dự án “Khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1”. Báo cáo Tổng cục Môi trường kết quả kiểm tra để trình Hội đồng giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung và cam kết thực hiện của công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa; kiểm tra hoàn thành các hạng mục bảo vệ môi trường phục vụ vận hành thử nghiệp của xưởng luyện cốc số 2 (lò cốc số 3 và 4) và xưởng thiêu kết (máy thiêu kết số 1)…
Ông Lương Duy Hanh. Ảnh Vnmedia
Trong Quyết định 2500/TCMT-KSMT của Tổng cục Môi trường nêu rõ thời gian kiểm tra dự kiến 5 ngày từ 15/9 đến 19/9.
Đáng chú ý trong danh sách thành viên đoàn kiểm tra kèm quyết định trên có tên ông Lương Duy Hanh – Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên Môi trường) với vai trò là Phó trưởng đoàn kiểm tra. Trước khi chuyển đến công tác tại Vụ Pháp chế, ông Lương Duy Hanh từng giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tháng 6/2017 vừa qua, Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật ông Lương Duy Hanh bằng hình thức cách chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường và điều chuyển ông Hanh sang Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục công tác.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lương Duy Hanh, trên cương vị Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, đã thiếu trách nhiệm trong thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm của Formosa.
Việc ông Lương Duy Hanh từng bị kỷ luật cách chức do có những sai phạm liên quan đến sự cố môi trường Formosa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Danh sách đoàn kiểm tra có ông Lương Duy Hanh
Để làm rõ việc cử ông Lương Duy Hanh – Vụ Pháp chế (Bộ TNMT) tham gia đoàn kiểm tra tại Formosa vừa qua, PV Kiến Thức đã liên hệ với bà Võ Thịnh Hiền – Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường.
“Kỷ luật trước đây của anh Lương Duy Hanh do thiếu trách nhiệm sát sao với công việc nên bị kỷ luật. Việc đó không liên quan đến công tác chuyên môn của anh Hanh. Hiện nay anh Hanh công tác tại vụ Pháp chế là một thạc sĩ về môi trường. Bản thân anh Hanh có kiến thức rất sâu về môi trường và các vấn đề kỹ thuật. Từ năm trước, khi Formosa nhận lỗi và có một cam kết khắc phục hậu quả trong 3 năm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành quyết định giao cho Tổng cục Môi trường làm đầu mối và các đơn vị trong bộ gồm Thanh tra, Pháp chế, Quản lý tài nguyên nước… tham gia vào tổ giám sát các hoạt động thực hiện cam kết khắc phục hậu quả của Formosa.
Từ quyết định tổng thể đó, có kế hoạch hàng tháng, hàng quý mình làm gì với Formosa. Tuy không chi tiết, cụ thể nhưng có nguyên tắc chung là trong vòng 3 năm, phải giám sát Formosa thực hiện cam kết chuyển đổi công nghệ dập cốc và hoàn thành các công trình xử lý chất thải, đảm bảo không xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Môi trường làm đầu mối, kêu gọi các chuyên gia, mời các đại diện Bộ, ban ngành liên quan, Sở TNMT Hà Tĩnh, các chuyên gia về môi trường tham gia đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện theo cam kết Formosa chủ yếu liên quan đến phần khoa học và công nghệ. Thực ra không phải kiểm tra tính chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Formosa mà là đang cùng họ, hướng dẫn cho họ kỹ thuật để làm tốt cho môi trường Việt Nam.
Trong quyết định thành lập đoàn kiểm tra giao cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức là trưởng đoàn. Nó giống như quyết định cử đi công tác nên trước khi mời phải báo các chuyên gia ai tham gia được thì mới đưa vào danh sách. Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm hết. Đại diện các đơn vị làm phó đoàn thì vai trò chủ yếu về mặt kỹ thuật. Đoàn kiểm tra mang tính chuyên môn rất cao. Anh Lương Duy Hanh bị kỷ luật là do trong quá trình làm việc ngày xưa, anh Hanh làm trưởng đoàn nhưng lại giao người khác đi thanh tra, kiểm tra chứ không phải anh Hanh đi trực tiếp. Bây giờ, anh Hanh tham gia trực tiếp. Về mặt kỹ thuật, anh Hanh là cán bộ có chuyên môn nên vụ Pháp chế đã cử anh Hanh tham gia và các đoàn kiểm tra”- Bà Hiền cho biết.
Hải Ninh
Nguồn: https://www.baomoi.com/bi-ky-luat-cach-chuc-van-lam-pho-truong-doan-kiem-tra-formosa/c/23451072.epi
—————–
2. Nghịch lý trong thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật vụ Formosa?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Ông Lương Duy Hanh. Báo điện tử chính phủ
Tin về một cán bộ bị cách chức vì liên quan thảm họa môi trường Formosa lại được bổ nhiệm làm Phó Đoàn Kiểm tra Formosa lại gây chú ý dư luận trong những ngày qua. Hòa Ái ghi nhận trong phần sau.
Nhân vật được truyền thông trong nước loan tin là ông Lương Duy Hanh, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường kỷ luật cách chức hồi tháng 6 năm 2017. Lý do bị cách chức vì thiếu trách nhiệm khi làm Trưởng Đoàn thanh tra dự án Formosa. Thế nhưng trong tháng 7 ông Lương Duy Hanh được Tổng cục Môi trường bổ nhiệm làm Phó Đoàn thanh tra kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại nhà máy Formosa.
Một người dân tại Hà Tĩnh nói với RFA rằng dân chúng địa phương rất phẫn nộ khi nghe được thông tin vừa nêu:
“Dân rất phẫn nộ bởi vì người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm của mình đã gây thảm họa không chỉ thiệt hại đến tài sản mà còn thiệt hại đến sức khỏe đời sống lâu dài của con người. Cho nên sau khi biết tin ông ta trở lại trong đoàn thanh tra thì chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, rất phẫn nộ. Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ người dân là nạn nhân của thảm họa Formosa phẫn nộ đối với việc thuyên chuyển công tác của hai giới chức chính quyền liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên là ông Võ Kim Cự và ông Lương Duy Hanh, mà dư luận trong nước bày tỏ sự bức xúc, thậm chí có nhiều người cho rằng rất căm phẫn khi Chính phủ thách thức niềm tin của dân chúng trong xử lý hậu quả của thảm họa Formosa cũng như điều hành đất nước.
Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người.
-Người dân Hà Tĩnh
Chúng tôi nêu vấn đề với nguyên Đại biểu Quốc hội, ông Lê Văn Cuông và được cho biết theo thiển ý của ông thì Chính phủ cần lắng nghe phản ứng của dân chúng liên quan việc bổ nhiệm nhân sự này. Ông Lê Văn Cuông chia sẻ:
“Đối với trường hợp này có nhiều người đả kích vì ông này được cho là chuyên gia chuyên sâu trong lãnh vực liên quan đến Formosa nên được cơ cấu vào giúp cho đoàn thanh tra về chuyên môn. Đây là lý lẽ của những người bố trí, nhưng làm như thế gây nên sự phản cảm. Chúng tôi thấy vấn đề này cần phải nghiên cứu để làm thế nào đó tránh những lời dị nghị là ảnh hưởng đến kết quả thanh tra không được khách quan.
Đây là một vấn đề cũng cần phải rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng đã vi phạm trong một thời gian ngắn lại được tiếp tục sử dụng làm cho người dân mất tin tưởng”.
Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh đây là một trong số những trường hợp cá biệt bởi vì Chính phủ trong những năm gần đây đã cố gắng hạn chế tình trạng cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật mà vẫn giữ nguyên chức vụ hay được thuyên chuyển công tác thậm chí ở những vị trí cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện chấn chỉnh bộ máy và phẩm chất của cán bộ, các trường hợp xử lý nhẹ hay “giơ cao đánh khẽ” được giải quyết một cách nghiêm túc.
Mặc dù vài vị Đại biểu Quốc hội chúng tôi tiếp xúc có đồng quan điểm với ông Lê Văn Cuông, tuy nhiên dư luận cho rằng qua việc bổ nhiệm mới nhất đối với hai cán bộ liên quan trong thảm họa Formosa đã phá tan những kết quả đạt được trong chủ trương chấn chỉnh bộ máy chính quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều người lên tiếng việc bổ nhiệm này chẳng khác nào là gáo nước lạnh dội vào cái “lò lửa” chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng lãnh đạo từng tuyên bố “Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy”.
Một số người dân từ Bắc đến Nam nói với RFA nếu Chính quyền Việt Nam không thực tâm giải quyết hậu quả Formosa một cách triệt để cũng như tiếp tục bắt bớ những tiếng nói bảo vệ môi trường như Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì lời hô hào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là vô giá trị.