Những người ngoài trụ sở đều đã được loại bỏ là nghi phạm gây ra cái chết của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung.
Bởi vậy, với vết thương là chấn thương sọ não, 09 vế bầm tím ở cơ thể, thì cái chết tức tưởi của sinh viên này do bàn tay nào gây ra?
Hai bảo vệ trong lúc truy đuổi Nhung thì không gây ra những vết thương này (có camera quay lại). Và hai người này đã bị bắt tạm giam, khởi tố rồi lại được thả tự do và đình chỉ do không có hành vi “vô ý làm chết người”.
Hay cậu thanh niên trẻ này tự té ngã trong trụ sở? Nhưng thực nghiệm hiện trường không cho thấy Nhung bị té ngã trong suốt thời gian bị bắt vào trụ sở.
Công an TP.HCM là nỗi khiếp sợ của tội phạm đâu, sao không ra tay thật sự để có thể tìm ra sự thật vụ việc nhằm giải toả những nghi vấn của dư luận và bức xúc của gia đình?
Thì BVN đã nói trong một bài viết hôm qua rồi mà lại, cơ quan chức năng của Đảng CS Việt Nam tài tình lắm, nắm trong tay một thứ luật gọi là luật phù thủy nên việc gì cũng xử lý rất cao cường, tội được bày ra ngay từ trước khi phạm nhân bị khởi tố. Xin đọc lại nhé:
“Cũng chẳng cần đem các điều khoản luật pháp ra đối chiếu để chứng minh việc CA quận Thủ Đức tự tiện bắt hai cô gái đi uống café không có giấy tờ mang theo đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để “hỗ trợ” trong suốt 10 ngày là hành vi trái luật đâu. Nói thật, xứ mình luật đầy ra đấy nhưng đội quân chức năng chỉ dùng có đúng một thứ luật thôi: luật phù thủy. Làm sao nói vậy? Hai chữ “phù thủy” dùng cho luật Việt Nam là để nói về mặt hiệu quả, nó được thực thi một cách cao tay, đến mức thần kỳ.
Này nhé! Đa số các vụ bị CA quây bắt về đồn, chưa kịp khởi tố thì chỉ qua một đêm, người bị bắt đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ, hay đâm dao vào bụng, tự lấy gậy đập cho nát đùi, hoặc dập lá lách. Rõ là “quân tội phạm không khảo mà vội xưng” chứ còn gì nữa. Không có tội thì chúng chết thế làm quái gì cho khổ cái thân. Hay như mới đây, ở chốn trời Âu, kinh đô một nước luật pháp nghiêm minh nổi tiếng, thế mà Nhà nước ta cho mật vụ âm thầm mang luật nước mình sang tuyên cáo với TXT, lập tức Thanh biến mất, rồi mấy ngày sau hiện ra trước tòa án CHXHCN Việt Nam nộp đơn đầu thú ngay. Nếu chẳng phải luật phù thủy thì làm sao ẩn hiện như thần được thế?
Đến luật phù thủy mà chúng ông còn sử dụng thành thạo tận cấp trung ương, thế thì cái luật rừng ở một quận xó xỉnh như Thủ Đức chưa là mùi mẽ gì sất. Có Đảng thì luật nào chúng ông đây cũng chơi được tuốt. Đừng có giở luật ra với giai cấp vô sản chúng ông, chẳng ăn thua đâu” (Xem ở đây).
Thấy chưa? Cậu sinh viên Nhung vừa bị CA đuổi bắt đưa về đồn thoắt cái đã đưa đi cấp cứu và… tử vong, thì chắc chắn cậu ấy sợ cái luật phù thủy của CS rồi. CA Hồ Chí Minh thì cũng như CA khắp các tỉnh trên cõi Nam này, đều dùng một thứ luật phù thủy của CS hết, rồi sẽ đâu vào đấy cho mà xem.
Bauxite Việt Nam
Nam thanh niên thiệt mạng “bí ẩn”: Chưa tìm được hung thủ, đã thêm một vụ án oan?
Bà Ái bên di ảnh con
(PLO) – Chín tháng qua, vụ án rơi vào bế tắc khi không tìm ra được người gây ra cái chết cho nạn nhân. Nhưng lại có thêm một vụ án oan, khi hai bảo vệ bị khởi tố, tạm giam nhiều tháng qua vì cho rằng vô ý làm chết nạn nhân.
Cái chết nhiều nghi vấn
Liên quan tới cái chết của anh Phạm Ngọc Nhung (SN 1991, là nhân viên kỹ thuật Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM), cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã có thông báo đến gia đình và các luật sư bảo vệ cho anh Nhung về việc VKS cùng cấp đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “vô ý làm chết người” đối với Võ Hữu Tài và Lê Ngọc Thạch.
Trước đó, ngày 15/1, anh Nhung bị Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 tạm giữ tại trụ sở để điều tra trong vụ đánh nhau mà anh Nhung được cho là có liên quan. Sau đó, anh Nhung nhập viện trong tình trạng thương tích nặng và tử vong.
Thông tin ban đầu công an cung cấp cho gia đình anh Nhung, vào khoảng 9h30, ngày 15/1, anh và nhóm bạn có xảy ra đánh nhau với một người dân. Bị lực lượng công an đuổi bắt, anh Nhung bỏ chạy trèo lên mái nhà nhưng bị té xuống đất và bị bắt giữ tại số nhà 117 đường Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh. Anh Nhung được đưa về trụ sở tạm giữ để làm việc.
Công an tạm giữ anh Nhung chung với Lâm (bạn anh Nhung đã bị bắt trước đó trong cùng sự việc) cùng một phòng và toàn bộ các phòng của công an phường đều có camera theo dõi.
Cùng ngày, công an phường tiến hành tạm giữ và có lấy lời khai anh Nhung. Lúc này, công an thấy anh Nhung có dấu hiệu mệt mỏi nhưng vẫn bình thường. Vì anh Nhung có hành vi đánh người nên phường phải chờ người bị đánh (được xác định tên là Ẩn) lên khai báo để giải quyết.
Đến khoảng 8h30 ngày 16/1, phía công an thấy anh Nhung có những biểu hiện khác thường như nôn ói, tiểu ra quần, ngất xỉu nên đưa đến bệnh viện Sài Gòn cấp cứu. Tuy nhiên, do anh Nhung bị thương quá nặng nên tiếp tục được chuyển đến bệnh viện 115 để điều trị. Đến khoảng 22h50 cùng ngày, anh Nhung tử vong.
Phía công an TP HCM trả lời với người thân về nguyên nhân cái chết của anh Nhung là do bị chấn thương sọ não do vật tày gây ra. Ngoài ra, trên lưng nạn nhân có 9 vết thương, gãy 2 xương sườn, gãy xương quai hàm dưới bên trái. Tuy nhiên, do chỉ được nghe công an đọc chứ không được nhận biên bản liên quan nên người thân anh Nhung không biết rõ chi tiết.
Gia đình cho biết cái chết của anh Nhung khá bí ẩn. Và việc tạm giữ cho đến khi anh Nhung nhập viện, tử vong đến 2 ngày sau gia đình mới biết được tung tích.
Bà Nguyễn Thị Ái (SN 1971, quê Nghệ An, mẹ anh Nhung) nói: “Chưa rõ ai đã gây ra cái chết cho con tôi nhưng với những gì xảy ra, tôi có quyền đặt những câu hỏi liên quan để cơ quan chức năng trả lời thấu đáo. Con tôi bị bắt trong tình trạng như thế nào? Tại sao con tôi có đầy đủ giấy tờ tùy thân, thẻ nhân viên nơi công tác nhưng công an không liên hệ để thông báo việc bắt giữ và tử vong? Thứ 3, sau khi con tôi chết 2 ngày, công an mới mở nguồn điện thoại. Thứ 4, việc khám nghiệm tử thi có chính xác hay không?”.
Thông báo về việc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Hữu Tài
Thêm 1 vụ án oan
Trao đổi với PV về vụ việc, LS Phương Văn Thêm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Ái và anh Nhung ngay từ đầu vụ án, cho hay: trước đây, Công an TP. HCM đã từng đề nghị khởi tố với hai bảo vệ, người đã bắt giữ Nhung trên đường khi Nhung bị truy đuổi. Hai người này bị đề nghị khởi tố về tội “vô ý làm chết người” và bị đề nghị bắt khẩn cấp, tạm giam. Tuy nhiên thời điểm đó, VKS cùng cấp không phê chuẩn đề xuất này.
Sau nhiều lần khiếu nại, yêu cầu làm rõ cái chết của anh Nhung, đến ngày 31/5, công an TP. HCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Ngọc Thạch và Võ Hữu Tài về tội “vô ý làm chết người”. Trong đó, Tài bị bắt tạm giam ngay từ ngày 31/5.
Tuy nhiên, đến ngày 16/8, VKS cùng cấp lại ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thạch và Tài. Tài được trả tự do. Gần 1 tháng sau, công an TP. HCM mới ra thông báo cho bà Ái và các LS được biết.
LS Thêm nói: “Nguyên nhân cái chết của Nhung là do chấn thương sọ não. Vậy có 3 khả năng, một là Nhung tự té, hai là bị Thạch và Tài gạt chân té ngã khi truy đuổi hoặc thứ 3 là bị đánh. Với việc hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “vô ý làm chết người” của VKS cho thấy khả năng thứ 2 đã không có.
Về khả năng thứ nhất, trong quá trình dựng lại hiện trường, Nhung không hề bị té ngã nên cũng bỏ qua. Vậy còn một khả năng duy nhất là Nhung bị đánh chết. Vậy ai đánh, đánh ở đâu, thời điểm nào? Cơ quan chức năng cần điều tra một cách nhanh chóng, trả lời rõ để tránh những hoài nghi của dư luận. Bởi lẽ, Nhung nhập viện sau khi bị tạm giữ trong đồn công an”.
Còn theo LS Nguyễn Duy Bình, người bảo vệ quyền và lợi ích thứ hai cho bà Ái và anh Nhung cho biết: “Tôi có tìm hiểu tại hiện trường vụ án thì người xung quanh kể lại rằng khi bị công an truy đuổi, Nhung chạy vào một trường học và nhảy từ lầu 1 xuống nhà kho của trường và leo qua mái nhà một người dân rồi nhảy xuống đất đi bộ. Lúc đó có người thấy anh Nhung từ mái nhà leo xuống, nghi ngờ là kẻ trộm nên dò hỏi. Nghe hỏi, anh Nhung liền bỏ chạy khỏi hẻm ra đường Nguyễn Thái Học. Phía sau, một số người dân đuổi theo và hô “cướp”.
Anh Nhung chạy được một đoạn thì bị hai bảo vệ (chính là Thạch và Tài) tại một siêu thị nhỏ ngáng chân và xông đến giằng co, bắt giữ. “Tôi được xem đoạn camera ghi lại cảnh Thạch và Tài ngáng chân Nhung. Theo đó, tôi thấy Nhung té ngã đập lưng xuống đất, chân và đầu giơ lên cao, không chạm đất. Vì vậy, không thế nói rằng hành vi ngáng chân của Thạch và Tài dẫn đến việc chấn thương sọ não của Nhung. Tôi từng phản đối, góp ý về việc khởi tố tội “vô ý làm chết người” của Thạch và Tài tới cơ quan công an TP. HCM sẽ gây ra một vụ án oan sai nhưng không được chấp nhận. Đến nay, lời tôi nói đã thành sự thật”.
Theo LS Bình và LS Thêm, sau khi VKS hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan cảnh sát công an TP. HCM lại phải điều tra từ đầu, xác định người nào hoặc lý do nào gây ra cái chết cho anh Nhung. “Sau khi bị bắt về đồn và tử vong đã xảy ra ở một số nơi. Điều đó gây hoang mang cho chính người dân và cũng làm cho dư luận đặt những vấn đề không hay về lực lượng công an. Chính vì vậy, công an TP. HCM cần sớm làm rõ vụ án, càng kéo dài càng gây dư luận không tốt”, LS Thêm nói.
Được biết, bà Ái đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng, yêu cầu vào cuộc làm rõ sự việc.
Theo LS Thêm, việc cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. HCM nóng vội, chưa đánh giá hết được mức độ nghiêm trọng của vụ án đã khởi tố Thạch và Tài gây ra một vụ án oan. Trong lúc những bức xúc của bà Ái về cái chết của Nhung chưa được giải tỏa. Nay lại thêm một bức xúc khác là thời gian tới sẽ phải xin lỗi công khai, bồi thường oan sai cho Thạch và Tài.