Khánh Bằng
Truyện cổ tích VN có câu chuyện vợ khôn lấy phải chồng đần, một lần chán đời quá nàng định ra bờ sông tự tử, thì gặp một kẻ còn đần hơn chồng mình (do ông thầy dạy khôn cho chồng đóng giả kẻ ấy). Nhìn thấy trên thế gian này hóa ra có loại người còn ngu ngốc hơn cả người chồng đần ngốc, nàng đành bỏ ý định tự tử, trở về sống tiếp với chồng!
Các cô vợ khôn lấy phải chồng đần thời nay không cần phải ra bờ sông nữa. Hãy chịu khó đến Hàng Trống vào trụ sở báo Nhân dân của đảng ta mượn chồng báo, tìm cho được bài này mà đọc (phải đến trụ sở tòa báo vì báo ấy dân chúng chẳng ai mua nên ở các sạp ngoài chẳng có nơi nào bán đâu). Hoặc nếu không thì cứ đến trụ sở Viện Hàn lâm khoa học Xã hội ở số 2 Liễu Giai, Hà Nội cũng được. Đến đấy xin gặp ngài Chủ tịch (nhớ là phải chào Chủ tịch kèm thêm cả học hàm học vị, vì ngài ấy có cả hàm Giáo sư và bằng Tiến sĩ đấy). Chỉ cần gặp vị Chủ tịch có hàm và vị đó dăm bảy phút thôi để nghe ông nói cho nghe về quá độ tiến lên CNXH là tất yếu khách quan của… cái đảng của cụ Tổng, là các chị tất sẽ sáng mắt lên về một đỉnh cao trí tuệ của đất nước đang hiện diện ngời ngời trước mặt, và sau đó thì… “dầu lòng vậy”, yên tâm trở về bên đức ông chồng lâu nay mình vẫn cho là đần nhất thế gian.
Hiếu Trần Nguyễn & H.T.
NDĐT – Ngày 26-9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “100 năm chủ nghĩa xã hội hiện thực và lý thuyết văn minh hậu tư bản (kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại)”.
Trong hơn bảy thập kỷ tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều hạn chế, khiếm khuyết đã dẫn tới sự trì trệ, khủng khoảng và sụp đổ. Hội thảo này được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi mới để tồn tại, phát triển vững chắc tại các nước xã hội chủ nghĩa.
Theo GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại phát triển mới, cứu nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa phát xít, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ nền hòa bình thế giới… Tuy nhiên, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết chứa đựng nhiều hạn chế, khiếm khuyết dẫn đến sự trì trệ, xơ cứng, khủng hoảng và sụp đổ. Sự tan vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết chứ không phải là sự lỗi thời, đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý tưởng về một xã hội tốt đẹp và với tư cách là một học thuyết khoa học. Mặc dù chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có nhiều sự thay đổi, đạt được trình độ phát triển cao về kinh tế, năng suất lao động…, song bản thân nó vẫn có những mâu thuẫn không thể tự giải quyết. Thực tiễn ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển không thể chứng minh được xã hội tư bản là nền văn minh cuối cùng mà lịch sử biết đến.
Tương lai không thuộc về chủ nghĩa tư bản mà sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội của nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa đang phát triển mạnh mẽ. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang tiến hành công cuộc cải cách đổi mới nhằm phát hiện, tìm tòi và sáng tạo những phương thức, biện pháp phù hợp xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Đổi mới để tồn tại và phát triển vững chắc trở thành một nhu cầu nội tại của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI. Nhất là với giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ở giai đoạn đầu, được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc cách mạng lần thứ 4 tạo ra những thuận lợi, những thách thức không nhỏ với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, các nước cần lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo những mô hình khác nhau phải có sự chuẩn bị để có thể tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức đưa đất nước phát triển. Thông qua đó, hội thảo sẽ làm sáng những giá trị của Cách mạng Tháng Mười, chỉ ra những thành công, hạn chế và bài học kinh nghiệm của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, các mô hình chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.
Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết và phương pháp nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội hiện thực, tương lai phát triển của nhân loại thông qua một số vấn đề: Cách mạng Tháng Mười Nga: bài học lịch sử và ý nghĩa hiện thời; Công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Mô hình xã hội chủ nghĩa thế kỷ XX và bài học kinh nghiệm cho tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội XXI…
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các học giả quốc tế, tạo ra những gợi mở, hướng nghiên cứu mới, đóng góp vào quá trình phát triển về lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và tương lai của văn minh nhân loại.
K.B.