Tham nhũng ở Việt Nam vẫn lan tràn?

Thưa bà Lê Hiền Đức, cả nước biết thầy giáo Khoa đã phải ra khỏi ngành giáo dục. Bà lại phát hiện ra thầy giáo Hướng cũng đã phải nghỉ dạy. Mọi việc ở Việt Nam là như thế đấy. Cho nên việc mấy ông Hiệu trưởng hay Bí thư Quận ủy mà bà nói bị chuyển chỗ ấy, thực ra cũng chỉ là hiện tượng “chạy vòng quanh” của mấy cây đèn cù, rồi đâu vào đấy cả thôi, có khi còn lên chức nữa là khác. Còn lời ông Bí thư Thành ủy trả lời bà “Bác ạ, bác cứ yên tâm. Bất cứ cấp nào, chức vụ gì, nhưng nếu sai phạm thì Đảng cũng xử lý” xin bà hãy cứ tin và hãy cứ soi xét với thực tế, cho đến khi nào không tin nổi nữa – chắc cũng chẳng lâu la gì – thì bà cũng chớ có tuyệt vọng. Tuyệt vọng bây giờ hẳn là điều sung sướng cho mọi “cái ghế” đấy bà ạ, chẳng có “cái ghế” nào sạch hơn cái nào đâu!

Bauxite Việt Nam

Bà Lê Hiền Đức được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh vì cố gắng chống tham nhũng.

Bà Lê Hiền Đức được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh vì cố gắng chống tham nhũng.

[Bà Lê Hiền Đức (tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, sinh năm 1932), là nhà giáo hưu trí tích cực đấu tranh chống tham nhũng, sống tại quận Đống Đa (Hà Nội), là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế[1] – Theo Wikipedia]

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương của Việt Nam hồi giữa tháng này nói rằng ‘tham nhũng được kiềm chế và giảm’, theo truyền thông trong nước.

Nhưng các con số cũng do truyền thông trong nước trích đăng nói số vụ tham nhũng tăng gần 2,5% và số người nghi tham nhũng tăng gần 1,5%.

Bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, là người đã được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh vì có công chống tham nhũng. Bà nói chuyện với Nguyễn Hùng khi được biết các thống kê mới về tham nhũng:

“Theo tôi thì con số đó là do các vị ở trên nghe báo cáo rồi tổng hợp, đúc kết thôi. Còn sự thật nếu quý vị trực tiếp lắng nghe dân, mà cụ thể tôi là người thay mặt dân tôi xin gặp chỗ nọ, xin gặp cơ quan kia, cán bộ cấp này, cấp khác để báo cáo kiến nghị những việc tham nhũng, tiêu cực của các ngành, các cấp kéo dài bao nhiêu năm nhưng không được giải quyết, tôi xin gặp nhưng rất khó khăn.

“Chỉ có một số ông cán bộ nghiêm túc, liêm khiết lắng nghe. Còn số lớn, các cấp, đặc biệt là các cấp trung gian thì nó bao che cho nhau, nó bảo kê cho nhau, không thể nào cựa được… Bởi vì há miệng mắc quai, bởi vì chính họ cũng dây chuyện này, dây chuyện kia”.

Nhân dân hỏi bà chống tham nhũng thế nào mà chẳng thấy lay chuyển gì cả…

Bà Lê Hiền Đức

“Hiện nay trong nhà tôi đơn từ của nhân dân 63 tỉnh thành phố đầy đủ các mặt, đất đai, nhà cửa, các ngành, các cấp, ngành nào tôi cũng nhận được đơn tố cáo hết, hàng không, bưu điện…

Bà Lê Hiền Đức. Ảnh: BBC

Bà Lê Hiền Đức. Ảnh: BBC

“…Vụ PCI thì hiện nay cứ chìm vào im lặng. Nhân dân hỏi bà chống tham nhũng thế nào mà chẳng thấy lay chuyển gì cả, nhưng bà con không hiểu cho tôi rằng một mình cái bà già này lên tiếng thì rất khó.

“Tôi là một trong 10 người được nhà nước vinh danh chống tham nhũng nhưng bây giờ gọi đến đâu (người ta) cũng trốn tôi.

“Tôi gọi cho ông Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền thì ông Truyền bảo tôi là ‘cơ quan chúng tôi làm việc theo sự chỉ đạo của Chính phủ vậy thì cái gì cũng phải qua báo cáo lên Chính phủ cả’.

“Trong nhà tôi hiện nay có nhiều vụ, hàng mấy trăm vụ, thì Thanh tra Nhà nước cũng đã đến nhà tôi chở đi hồ sơ của 214 vụ rồi, tôi vẫn đang theo dõi nhưng chưa thấy thông báo nào gửi tôi là việc này, việc kia đã được giải quyết.

“Có những việc dân đi kiện, người ta đi kiện từ năm 27 tuổi và bây giờ là 54 tuổi rồi, quá nửa đời người. Thế mà dân vẫn kiên trì nhưng vẫn không được giải quyết”.

Đất đai và giáo dục

Bà Lê Hiền Đức. Ảnh: tuanvietnam.net

Bà Lê Hiền Đức. Ảnh: tuanvietnam.net

“Hiện nay nặng nề nhất là vấn đề đất đai và nữa là tiêu cực nhiều nhất là trong ngành giáo dục. Về đất đai, có những vụ nhân dân đã gửi tới hàng ngàn lá đơn chưa được giải quyết. Hôm tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, bà con nông dân Long An, cái tỉnh có rất nhiều chuyện về đất đai, người ta mất bao nhiêu công khai hoang (từ) cái thời mới giải phóng Miền Nam, bao nhiêu năm trồng cấy, sinh sống, bây giờ thu hồi và đền bù với giá rất rẻ. Nói là dự án này, dự án kia, nhưng không phải dự án gì hết mà họ chia lô, họ bán cho nhau.

“Tôi đã đi vào một vài tỉnh miền Nam tôi điều tra thì nó như vậy đấy. Dân khổ quá mức rồi. Có những người gọi điện thoại cho tôi 12 giờ đêm nói ‘Cụ ơi, cụ cứu chúng con với, ngày mai họ đến họ cưỡng chế rồi’. Nhưng thưa anh có dự án gì đâu, toàn chia lô bán cho nhau thôi.

“Về giáo dục thì tiêu cực kinh khủng. Những người họ có quyền, có chức, Trưởng phòng giáo dục còn cầm đầu đường dây chạy trường.

Họ còn bảo nếu thích đi kiện thì ‘sẽ chỉ đường cho đi kiện’, thích thì kiện lên Obama.

“Rồi thậm chí còn đưa việc chạy trường này ra bàn tập thể với nhau. Điều này do một ông Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Đảng của thành phố Hồ Chí Minh đã gặp tôi hôm 19/11 trao đổi và thông tin cho tôi nên tôi mới biết vấn đề này. Ông nói và tôi đã ghi lại ‘thành phố Hồ Chí Minh có hơn 20 quận huyện, chỉ có sáu huyện xa xôi quá không có trường hợp chạy trường’. Vậy thì chạy trường này nó trở thành chuyện đương nhiên, không ai giải quyết được hết.

“Một thầy giáo, đứng ra tố cáo đường dây chạy trường, hàng ngàn đô để vào một suất học… bị cấp trên của anh ấy không phân công đứng lớp, nói một cách vui đùa là ‘mất dạy’, không được dạy nữa. Trong khi đó 28 năm người thầy này dạy tốt, học sinh thi đỗ kết quả cao, là đảng viên tốt.

“Nay mai sắp tới đây có thể phải đuổi ra khỏi ngành, bị trù dập và thi hành kỷ luật đảng nữa.

“Đó là thầy giáo Phan Văn Hướng, giáo viên Trường phổ thông trung học cơ sở Hồng Bàng, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã tố cáo đường dây chạy trường từ niên học 2004-2005.

“Có danh sách trong tay tôi đây này, toàn con ông, cháu cha và mấy chục triệu vào một suất cả, hơn 200 suất tất cả,… nếu chạy như thế thì con em nhân dân nghèo làm gì có chỗ học nữa.

“Tôi đã phải cắn răng mua vé máy bay bay vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu trường hợp này và thực chất cho đến bây giờ thì thầy giáo tố cáo này không được dạy nữa… và thầy ấy đang khiếu nại. Như thế nó bất công quá.

“Họ còn bảo nếu thích đi kiện thì ‘sẽ chỉ đường cho đi kiện’, thích thì kiện lên Obama”.

‘Gian dối

Tối nay (15/1/2010), lúc 8 giờ thì có một cháu sinh viên đến khóc lóc với tôi: ‘Bà ơi bà, cháu biết chuyện này và định tố cáo từ cách đây hai năm, nhưng cháu đang là sinh viên của Đại học Ngoại thương nên cháu không dám nói sợ bị ảnh hưởng đến kết quả của cháu.

Bà Lê Hiền Đức nói bà không hài lòng với cách giải quyết của Thanh tra Hà Nội và Bộ Giáo dục.

Bà Lê Hiền Đức nói bà không hài lòng với cách giải quyết của Thanh tra Hà Nội và Bộ Giáo dục.

“Nhưng hôm nay cháu đến cháu trình bày với bà, bây giờ mỗi một học kỳ là Trưởng lớp phải đứng ra thu mỗi người mấy chục nghìn, mấy trăm nghìn để gom lại, đưa cho thầy giáo dạy bộ môn này hay Chủ nhiệm Khoa kia để xin điểm. Thế thì thưa anh thì còn gì là chất lượng nữa.

“Rồi một viên Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ mà gian dối về bằng cấp…  nhưng bây giờ vẫn nhơn nhơn, vẫn là Hiệu trưởng, mặc dù tham ô, tham nhũng của học sinh rồi, nhả tiền ra trả rồi nhưng kỷ luật thì tôi nói là chỉ là phủi bụi.

“Từ Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc quận Cầu Giấy chuyển sang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, vẫn là quận Cầu Giấy.

“Cái Quận Cầu Giấy, ông Bí thư Huyện ủy biết bao tội trong quận, tôi báo báo với Thành ủy từ ba năm nay rồi nhưng tháng Tám vừa rồi, nhân dân thanh niên hay dùng từ là ‘đã bị bật bãi’, tức là chuyển đi nơi khác rồi.

Bí thư Thành ủy nói với tôi một câu qua điện thoại ‘Bác ạ, bác cứ yên tâm. Bất cứ cấp nào, chức vụ gì, nhưng nếu sai phạm thì Đảng cũng xử lý.

“Tôi nói với Bí thư Thành ủy rằng nếu những cán bộ Thành ủy viên hay cấp nọ, cấp kia có sai phạm mà các đồng chí lãnh đạo Thành ủy không xử lý thì chính các đồng chí bôi nhọ vào mặt Đảng đấy.

“Thì anh Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy nói với tôi một câu qua điện thoại ‘Bác ạ, bác cứ yên tâm. Bất cứ cấp nào, chức vụ gì, nhưng nếu sai phạm thì Đảng cũng xử lý’. Tôi rất tin tưởng câu nói ấy của đồng chí Bí thư.

“Tháng Sáu tôi gọi điện hỏi đồng chí Bí thư thì tháng Tám cái ông Bí thư Quận ủy ấy đã được chuyển đi nơi khác. Tôi gọi đây là một kẻ bảo kê cho chuyện tham nhũng, cụ thể là bảo kê cho cô Hiệu trưởng đó. Vậy tôi nói bất cứ cấp nào tham ô, tham nhũng nó cũng có ô dù cả.

“Ở đây là Bí thư Quận ủy và cả Chánh Thanh tra Hà Nội nữa, hàng bao nhiêu cú điện thoại gọi nhưng không bao giờ tiếp tôi. Và thực tế thì Thành ủy cũng đã chuyển chỗ (Chánh Thanh tra Trần Văn Trực) rồi.

“Hôm nọ tôi có nói với Thứ trưởng Bộ Giáo dục, những chuyện về cái cô Hiệu trưởng gian dối bằng cấp này, một trẻ con lớp một cũng có thể hiểu được. Hai năm đang làm Hiệu trưởng, suốt cả thời gian ấy…, có làm mới chỉ đạo ăn bớt tiền ăn của học sinh, có ăn bớt thì mới có chuyện nhả tiền ra trả, rồi có tội mới bị kỷ luật, chứng tỏ đang làm Hiệu trưởng suốt hai năm liền. Mà chính hai năm ấy lại đang đi học cao học (tập trung) để lấy bằng cao học”.

“Chuyện này là chuyện nhỏ thôi, nhưng nó thể hiện sự bao che. Đã tham nhũng, đã tiêu cực thì bất kể chuyện gì tôi đã nhúng vào là tôi phải tìm ra lẽ phải”, bà Lê Hiền Đức nói.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_anti_corruption.shtml

This entry was posted in Giáo dục, tham nhũng. Bookmark the permalink.