Quế Chi
Đọc bài này, nhớ ngay tới lời Quốc tế ca: Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn… Quyết phen này sống chết mà thôi!
Bauxite Việt Nam
Lao động (LĐ) và tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp (DN) là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học quốc gia “Xu hướng phát triển của LĐ trong các loại hình DN ở Việt Nam” do Viện Công nhân – công đoàn (Viện CNCĐ – Tổng LĐLĐVN) phối hợp Tạp chí Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia – Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tổ chức sáng 14-9-2017. Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật và Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia Mai Thị Thu chủ trì hội thảo.
Nhiều DN coi làm thêm giờ là chuyện hiển nhiên
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CNCĐ, kết quả khảo sát của Viện CNCĐ cho thấy ngoài tiền lương cơ bản, người lao động (NLĐ) còn có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kĩ năng, nhà ở, xăng xe, hỗ trợ đời sống… (không kể tiền ăn ca chủ yếu phục vụ trực tiếp). Các khoản này chiếm từ 20-25% thu nhập của NLĐ, tùy từng vùng. Đối với tiền làm thêm giờ, thực tế ở Việt Nam, các DN thâm dụng LĐ như dệt may, da giày, điện tử lại coi đó là chuyện hiển nhiên, không tuyển thêm LĐ và luôn muốn tăng thời giờ làm thêm ở mức cao, vin cớ “NLĐ muốn được làm thêm giờ”.
“Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy 57,6% NLĐ được khảo sát cho biết, trong tháng 3-2017 họ có làm thêm giờ, mức trung bình là 33,7 giờ/tháng, với số tiền gần 1,2 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập đáng kể để NLĐ trang trải cho cuộc sống đang thiếu thốn của họ. Trong số này, 84,4% NLĐ cho biết “muốn” đi làm thêm là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, số còn lại phải làm thêm theo sắp xếp của DN” – PGS-TS Vũ Quang Thọ cho biết.
Vẫn theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, hầu hết các khoản thu nhập NLĐ phải trang trải cho cuộc sống hằng ngày, chủ yếu là phục vụ đời sống vật chất mà chưa có điều kiện chăm lo về đời sống tinh thần. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía DN thì tiền lương của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Họ phải tiết giảm chi tiêu một cách tối đa thì mới có thể bảo đảm cân đối tài chính cho gia đình. Cụ thể, theo kết quả khảo sát 816 hộ gia đình 4 người, có 2 vợ chồng là công nhân và 2 người ăn theo, trung bình một tháng chi tiêu hết 9.038.000 đồng (tức mỗi NLĐ nuôi một người thì mức chi tiêu là 4.519.000 đồng, trong khi thu nhập trung bình của nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng). Trong đó, tiền ăn trung bình hết 3,3 triệu đồng; tiền thuê nhà trọ 995.000 đồng; tiền điện, nước, gas 624.000 đồng; xăng xe, đi lại, điện thoại 593.000 đồng; chi phí học tập của con cái (tính người có 2 con đi học) 1,34 triệu đồng; khám – chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ 760.000 đồng; đồ dùng cá nhân, trang phục 702.000 đồng; các khoản khác khoảng 750.000 đồng.
Tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người
Theo TS Trần Thị Minh Phương (Đại học Lao động – xã hội), tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân NLĐ, gia đình của họ và tái sản xuất sức LĐ cho họ. “Khi đời sống của NLĐ được bảo đảm, NLĐ sẽ yên tâm làm việc và cố gắng làm việc một cách hiệu quả, do vậy, năng suất lao động (NSLĐ) sẽ tăng lên. NSLĐ cá nhân có vai trò rất lớn trong quá trình sản xuất. Việc tăng hay giảm NSLĐ cá nhân phần lớn quyết định sự tồn tại và phát triển của một DN. Do đó, hầu hết DN chấp nhận bỏ chi phí LĐ tương xứng để trả công theo NSLĐ cá nhân” – TS Minh Phương cho biết.
Vẫn theo TS Trần Thị Minh Phương, về nguyên tắc, tiền lương được trả phụ thuộc kết quả đầu ra và gắn với năng suất của NLĐ, tăng lương phải dựa trên tăng NSLĐ. Tuy nhiên, tiền lương cũng cần bảo đảm đủ sống và kích thích tăng NSLĐ; tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. “Tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp. Điều này một mặt tạo ưu thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng tạo nên nhiều vấn đề trong quan hệ LĐ. Tranh chấp LĐ chủ yếu là về vấn đề tiền lương (hơn 80% các cuộc đình công là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm thêm giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca…)” – TS Trần Thị Minh Phương nói.
Theo TS Minh Phương, chính sách tiền lương, thưởng để trả công cho NLĐ trong quá trình sản xuất mà phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy NSLĐ trong các DN. Việc trả lương thấp, thiếu công bằng, không dựa trên NSLĐ cá nhân có thể dẫn đến xung đột giữa NLĐ và chủ sử dụng LĐ. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong nền kinh tế. “Sự điều chỉnh chính sách tiền lương của Nhà nước cũng như của DN cần phải xem xét đến lợi ích của NLĐ nhằm xác định được mức lương xứng đáng với đóng góp của NLĐ, đó là động lực để NLĐ cống hiến, góp phần thúc đẩy NSLĐ chung trong nền kinh tế” – TS Minh Phương nhận định.
Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật, những kết quả nghiên cứu và đóng góp trong hội thảo sẽ là luận cứ quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nói chung, cụ thể hóa chính sách phát triển DN và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nói riêng.
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, thị trường LĐ vẫn còn bấp bênh, biến động nhiều. Hiện có gần 98% DN là nhỏ và vừa, trong đó 72,8% là siêu nhỏ, sản xuất thiếu ổn định, cạnh tranh kém nên số lượng thành lập lớn song giải thể, phá sản cũng nhiều. Số lượng LĐ hưởng lương trong các ngành công nghiệp tăng nhanh nhưng tỉ lệ LĐ di chuyển, tìm kiếm việc làm mới cũng tăng.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2014-2016 trung bình là 540.000 mỗi năm; số người chấm dứt quan hệ LĐ (vì nhiều lí do) trong các lĩnh vực sản xuất để hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng tăng đáng kể.
Q.C
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-khong-the-co-tich-luy-vi-tien-luong-thap-564656.ldo