Nông dân Tây Nguyên “mắc kẹt” với mắc-ca: Trách nhiệm thuộc về ai?

Khánh Vũ

Ở một nước mà hiến pháp ghi rõ Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì câu hỏi trên là thừa, tuy vậy BVN vẫn chọn đăng bài này kèm 2 bài nữa để bạn đọc hiểu cụ thể hơn chứ cứ đổ cho dân “không theo quy hoạch, không qua nghiên cứu, mua giống tràn lan và trồng không đúng đất”, thực không hay, không phải.

Bauxite Việt Nam

Mấy năm trước, người dân Tây Nguyên hồ hởi với dự án trồng cây mắc-ca (macadamia), coi đây là “cây tiền tỉ” giúp họ đổi đời. Hàng chục nghìn hecta mắc-ca được dân trồng, chăm bón. Nhưng trái với kì vọng, sau 5 năm chăm bón, những cây mắc-ca này trơ ra không chịu cho quả. Trước nhiều ý kiến trái chiều, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dè dặt chỉ phê duyệt diện tích trồng 10.000 ha mắc-ca từ nay đến năm 2020, thay cho 200.000 ha như dự kiến. Trong khi đó, nếu được đầu tư bài bản, cây mắc-ca có thể mang lại thu nhập “khủng” cho nông dân.

“Chết” ngay từ khâu giống

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thẳng thắn bày tỏ: Cây mắc-ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kĩ thuật và tìm được đầu ra thì giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà-phê và hồ tiêu, 1 ha cây mắc-ca có thể cho 3-4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán với giá từ 3-4 USD.

Mặc dù cây mắc-ca có giá trị kinh tế như vậy nhưng nhiều năm qua, nông dân trồng nhiều nhưng vẫn chưa thể “đổi đời”, thậm chí có nơi còn phải chặt bỏ trong thua lỗ. Ông Trần Vinh cho rằng đó là do lặp lại các sai lầm kép: Không những bởi đầu tư không theo quy hoạch, không qua nghiên cứu, mua giống tràn lan và trồng “không đúng đất”. Trong khi đó, cây mắc-ca là loại cây khó tính, không phải vùng đất nào của Tây Nguyên cũng thích hợp. “Mắc-ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, đất dày. Cây này đòi hỏi được chăm sóc đúng kĩ thuật. Nhiều nông dân trồng cây này đã thất bại vì không nắm vững đặc tính này” – ông Vinh khẳng định.

Theo ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng thư ký Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, người dân Tây Nguyên vướng phải vấn đề mắc-ca không ra quả là vì ham rẻ, mua cây giống trôi nổi ngoài thị trường với giá 25.000 đồng/cây. Đây là cây giống tự sinh (gieo từ hạt) hoặc được ghép từ các cành không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, giống cây ghép theo tiêu chuẩn đòi hỏi kĩ thuật cao, chất lượng bảo đảm có giá khá cao (70-80.000 đồng/cây). Mặt khác, một số người mua cây giống đạt chuẩn nhưng lại trồng trên đất không thích hợp nên cây đã không cho thu hoạch.

Ông Huỳnh Ngọc Huy cho rằng hiện có 8 tỉnh thích hợp để trồng cây mắc-ca, trong đó có 5 tỉnh ở Tây Nguyên gồm Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và 3 tỉnh ở phía bắc là Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để trồng mắc-ca tại một số vùng của huyện Ba Vì (Hà Nội). “Thực tế là vùng Ba Vì đã có trồng cây mắc-ca nhập từ nước ngoài về nhưng do được chăm sóc không đúng kĩ thuật nên không cho kết quả” – ông Huy nói.

Không thể để nông dân “tự bơi”

Theo ông Trần Vinh, hiện Viện Khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc-ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao. Viện cũng đã trồng thử nghiệm cây mắc-ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị trên địa bàn Tây Nguyên như cà-phê vối, cà-phê chè, ca-cao. Tính đến nay, tổng diện tích mô hình trồng xen là hơn 15 ha. Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc-ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen, sau 4-5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/cây/năm. Bộ NNPTNT đã công nhận 4 dòng mắc-ca gồm 246, 816, OC, 849 là giống tiến bộ kĩ thuật cho vùng Krông Năng – Đắk Lắk.

Chiều 13-9-2017, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – Trưởng ban Chỉ đạo nghiệp vụ và truyền thông mắc-ca chia sẻ: Để giúp bà con đầu tư hiệu quả, nhiều năm qua, Công ty CP Him Lam và LienVietPostBank đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu trồng mắc-ca của người dân, xác định những vùng thích hợp trồng mắc-ca. Đồng thời, LienVietPostBank và Cty CP Him Lam đã tích cực triển khai một loạt hoạt động nhằm phát triển mắc-ca tại Việt Nam như xúc tiến các thủ tục thành lập Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc-ca như Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ… để tìm hiểu kĩ thuật và thăm dò thị trường. “LienVietPostBank cũng cam kết cung cấp gói tín dụng ưu đãi trị giá 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc-ca cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc-ca tại tỉnh Lâm Đồng, đồng thời phối hợp các tổ chức bảo hiểm xây dựng phương án bảo hiểm nông nghiệp đối với cây mắc-ca. Khi có bảo hiểm, người nông dân không lo bị lâm vào cảnh “trắng tay”, “nay trồng mai chặt” vì không có đầu ra cho sản phẩm. Đáng buồn là nguồn tín dụng này vẫn giải ngân chưa đáng kể cũng vì bà con thích đầu tư tự tung, tự tác” – ông Nguyễn Đức Hưởng khẳng định.

Vậy trách nhiệm của địa phương, của cơ quan chức năng ở đâu? Trao đổi với PV Lao Động, ông Huỳnh Ngọc Huy cho rằng trước hết là do Bộ NNPTNT chưa thấy hết giá trị của loại cây này. “Cây mắc-ca vào Việt Nam từ năm 1992, đã gần 20 năm rồi. Vậy Bộ NNPTNT không thể cho rằng thông tin về cây này chưa đầy đủ. Vấn đề là Bộ NNPTNT chưa mạnh dạn, các địa phương, trong đó có các trung tâm khuyến nông và sở NNPTNT các tỉnh cũng chưa quan tâm nên cây mắc-ca chưa phát huy được hiệu quả, người nông dân đi chệch hướng” – ông Huy thẳng thắn nói. Còn ông Nguyễn Đức Hưởng không ngần ngại cho rằng việc cây mắc-ca trồng 5 năm không có quả, lỗi không nhỏ ở cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa quan tâm mà để dân tự trồng theo phong trào, thiếu quy hoạch. Bộ NNPTNT lại “quá bảo thủ”.

Theo ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, để cây mắc-ca thành cây trồng chủ lực giúp nông dân Tây Nguyên vươn lên thoát nghèo, trong thời gian tới, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu tạo ra nguồn giống có chất lượng, khảo sát những địa bàn trồng cho năng suất cao nhất, nghiên cứu ban hành bộ quy chuẩn kĩ thuật canh tác. Các địa phương cần quy hoạch vùng trồng và khuyến cáo bà con không nên trồng ồ ạt để tránh rủi ro… Đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”!

K.V

Nguồn: http://cafef.vn/nong-dan-tay-nguyen-mac-ket-voi-mac-ca-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-2016091914292592.chn

Hội thảo về cây mắc-ca tại Tây Nguyên

Mai Văn Bảo

Sáng 7-2-2015, tại TP Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế trung ương và tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên”. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương chỉ đạo hội thảo.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng: “Tây Nguyên có tài nguyên thiên nhiên phong phú, với 3 triệu ha rừng, 1,5 triệu ha đất ba-zan màu mỡ, chiếm 60% đất ba-zan cả nước, cùng với khí hậu, hệ sinh thái đa dạng hợp thành các điều kiện thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp như cà-phê, cao-su, ca-cao, mắc-ca”.

Theo tài liệu, một cây mắc-ca có vòng đời trung bình khoảng 60 năm. Mắc-ca trồng từ hạt sẽ cho ra trái sau 7-8 năm; trong điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, cây có thể bắt đầu cho thu hoạch sau 5 năm. Chu kì sinh học của cây mắc-ca được tính bắt đầu từ tháng 10, thông thường cho thu hoạch trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Tùy theo loài cây và đặc điểm khu vực địa lí, thời điểm thu hoạch của cây mắc-ca sẽ khác nhau, dao động trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11. Hạt mắc-ca có giá trị dinh dưỡng cao và được mệnh danh là “hoàng hậu của quả khô”. Quả mắc-ca được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe, giá trị kinh tế cao, như dầu ăn, sản phẩm chăm sóc da và tóc, nuôi ong lấy mật xuất khẩu… Hiện có 20 giống mắc-ca phù hợp trồng tại Tây Nguyên và Tây Bắc, với diện tích khoảng 5.000 ha (hơn một triệu cây). Sau 10 năm trồng thử nghiệm, có thể khẳng định lợi thế to lớn của cây mắc-ca tại Tây Nguyên, có thể trồng xen với cà-phê, chè làm cây che bóng, chắn gió; trồng tập trung thành rừng công nghiệp, cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Tại hội thảo, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên, chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung trao đổi, thảo luận nhiều nội dung quan trọng như cơ sở và điều kiện để xây dựng cây mắc-ca thành cây công nghiệp chiến lược mới tại Tây Nguyên, nằm trong hệ thống các cây trồng trọng điểm của Việt Nam; khả năng phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên; quy hoạch phát triển cây mắc-ca nhằm bảo đảm phát triển bền vững; mô hình đầu tư trồng và chuỗi giá trị cây mắc-ca; vùng trọng điểm trồng mắc-ca; thị trường cho các sản phẩm mắc-ca trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế…

Phát biểu kết luận, đại tướng Trần Đại Quang hoan nghênh các bộ, ngành trung ương, các địa phương, nhà khoa học và nông dân đã dành sự quan tâm đặc biệt cho chiến lược phát triển KT-XH Tây Nguyên nói chung và chiến lược phát triển cây mắc-ca tại khu vực này. Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm đề xuất Chính phủ bổ sung mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới, đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm mắc-ca; chú trọng ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ; có chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi nguồn vốn cho việc phát triển cây mắc-ca; tiến hành xúc tiến thương mại, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm mắc-ca ở thị trường trong và ngoài nước… để đưa Việt Nam sớm trở thành một trong những cường quốc về mắc-ca trên thế giới. Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm, nhu cầu trong nước và quốc tế về sản phẩm mắc-ca, chúng ta thống nhất về định hướng đưa mắc-ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, nhằm phát triển KT-XH khu vực Tây Nguyên”.

M.V.B

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/25547402-hoi-thao-ve-cay-mac-ca-tai-tay-nguyen.html

Chủ tịch nước kỳ vọng mắc-ca trở thành sản phẩm quốc gia

Ngày 24-4-2016, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), hàng trăm đại biểu là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng mắc-ca tiêu biểu trong cả nước cùng đại diện các bộ, ngành đã tham dự Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lẵng hoa và thư chúc mừng Đại hội, trong đó lưu ý: “Vai trò của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam là cầu nối giữa các hội viên, doanh nghiệp và Nhà nước, cần chú trọng công tác tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên, tiến hành hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học kĩ thuật và đào tạo, mở rộng thị trường mắc-ca cả trong nước và quốc tế, góp phần đưa mắc-ca trở thành sản phẩm quốc gia và đưa Việt Nam không chỉ có mặt trên bản đồ mắc-ca thế giới mà kì vọng sớm trở thành một trong những cường quốc về mắc-ca”.

Mục tiêu xuyên suốt của Hiệp hội là góp phần cùng đất nước xây dựng ngành công nghiệp mắc-ca hiện đại; khai thác chuỗi giá trị lớn, khép kín; thu hút nguồn vốn, nhân lực, tạo ra những sản phẩm tinh chế, phong phú từ mắc-ca có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao; trên cơ sở mở rộng diện tích trồng hợp lí, mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững; góp phần vào chương trình tái cơ cấu cây trồng ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc trước sự cạn kiệt tài nguyên nước.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, giai đoạn đầu (2016-2020) chủ yếu trồng xen mắc-ca với cà-phê, ưu tiên trồng ở những vườn cà-phê già cỗi để cứu cà-phê, đồng thời phát triển mắc-ca vì mắc-ca chịu hạn tốt, tạo bóng mát, giữ độ ẩm và bộ rễ mắc-ca làm đất tơi xốp.

Ông Martin Novak (Hiệp hội Mắc-ca Úc) cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia có vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp mắc-ca thế giới bởi những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng mà hiếm nào nơi có được. Ông cũng tin tưởng về tương lai của ngành công nghiệp mắc-ca do thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đã bầu ra Ban Chấp hành hiệp hội gồm 13 thành viên, trong đó ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt làm Chủ tịch Hiệp hội, 8 phó chủ tịch và 4 ủy viên.

Nguồn: http://www.baomoi.com/chu-tich-nuoc-ky-vong-mac-ca-tro-thanh-san-pham-quoc-gia/c/19210076.epi

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.