Phương Nhung
Thoạt nghe thì thấy dùng từ “trấn lột” trong bài viết này có vẻ không chính xác vì theo từ điển tiếng Việt, “trấn lột” là “đe doạ trực tiếp, làm cho khiếp sợ để cướp của”, nhưng nhớ tới những việc như Trưởng Công an xã Phú An – huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang ném đá phóng viên ở trạm thu phí Cai Lậy, Công an huyện Văn Lâm – tỉnh Hưng Yên triệu tập nhiều lái xe để xét hỏi việc dùng tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí Quốc lộ 5, rồi hàng loạt máy quay của công an chĩa vào những lái xe đang làm cái việc không hề vi phạm pháp luật này, mới thấy TS Lê Đăng Doanh và PV Phương Nhung ít nhiều có lí.
Bauxite Việt Nam
Trước kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT giao thông lên 14%, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng BOT hay làm gì khác cũng phải theo quy luật thị trường.
* Phóng viên: Vừa qua, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT giao thông lên 14%. Theo ông, mức đề xuất này có hợp lí?
– TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay, có những điều hoàn toàn không bình thường. Ví dụ, cứ nói đấu thầu công khai các dự án BOT nhưng không thấy kêu gọi đấu thầu; còn nói công khai nhưng chỉ có một phía biết, đó chính là doanh nghiệp trúng thầu. Rồi không có ai giám sát chất lượng đường, không rõ dựng chốt có hợp lí không, thu phí như thế trên cơ sở nào…; để đến lúc thanh tra vào cuộc thì mới phát hiện ra lạm thu rất nhiều. Vậy để giải quyết thì vấn đề tiên quyết là công khai, minh bạch đã. Khi công khai xong, có giám sát thì mới thực sự cạnh tranh và lúc đó mới có thể ngồi lại với nhau, xem mức lợi nhuận bao nhiêu là hợp lí. Nếu không công khai, minh bạch thì lợi nhuận có thể nói là vô cùng, đúng như có ý kiến nói đây là “trấn lột người ta chứ kinh doanh gì đâu”.
* Nếu đã công khai, minh bạch mọi thứ thì chúng ta tính toán mức lợi nhuận cho doanh nghiệp theo cơ sở nào là hợp lí, thưa ông?
– Thực tế là mức lợi nhuận 11%-12% cũng là hợp lí rồi vì mức này cao hơn lãi suất gửi ngân hàng. Quan điểm của tôi là làm BOT hay làm gì khác cũng phải theo thị trường. Từ quan điểm này, với BOT giao thông, sẽ phải tính toán, xem xét mật độ xe cộ lưu thông ra sao trên tổng vốn đầu tư để từ đó quy định mức lợi nhuận phù hợp chứ không thể áp cứng mức lợi nhuận theo kiểu thoát li khỏi thực tế. Nếu quy định áp đặt cứng như vậy là trấn lột rồi. Phải trên quy luật thị trường, phải có sự giám sát, phải có sự cạnh tranh.
* Trong bối cảnh câu chuyện BOT đang gây bức xúc với người dân mà một lãnh đạo cấp vụ của Bộ GTVT là ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư, lại “hồn nhiên” nêu ra đề xuất này. Ông có bình luận gì?
– Đúng là trong khi BOT còn nhiều vấn đề như không công khai, không minh bạch, chỉ định thầu 100%, không có giám sát chất lượng… mà không thấy Bộ GTVT trả lời gì cả, ngược lại còn đề xuất nâng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT, đây không phải là câu trả lời người dân mong chờ. Bộ GTVT nếu cầu thị thì nên và phải tổ chức một cuộc đối thoại lại để trình bày các lập luận của mình, đồng thời cho các bên khác có ý kiến lại để làm rõ ràng vấn đề. Còn bằng cách nêu ra đề xuất tăng lợi ích cho nhà đầu tư ngay trong bối cảnh này thì khác nào Bộ GTVT không lắng nghe ý kiến người dân và chỉ ủng hộ lợi ích của nhà đầu tư.
* Ông có ủng hộ hình thức BOT nói chung không bởi thực ra, BOT cũng có những ưu điểm nhất định?
– Về nguyên tắc, chúng ta ủng hộ BOT và triển khai các dự án BOT là chủ trương đúng vì có thể thu hút được nguồn vốn xã hội để tăng thêm tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân. Nhưng phải làm trong cơ sở khuôn khổ pháp luật chứ không thể làm thành ra một miếng đất màu mỡ cho các lợi ích nhóm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Tỉ suất lợi nhuận không phải là vấn đề.
Hiện nay, có mấy chuyện quan trọng nhất liên quan BOT, đó là giá trị thật của dự án, vị trí đặt trạm và công khai, minh bạch trong thu phí. Từ những cái đó mới có thể dẫn chiếu ra tổng thời gian thu phí và quyết định mức phí. Giải quyết những bất hợp lí của BOT là phải tập trung vào những vấn đề đó chứ không phải tỉ suất lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận được tính trên vốn mà một khi giá trị dự án không chuẩn xác thì tất cả vô nghĩa. Để xác định chuẩn phải áp dụng biện pháp đấu thầu nhằm tìm ra được nhà thầu có nhiều ưu điểm nhất. Nhưng vấn đề là cơ chế đấu thầu chưa hoàn thiện, phải tìm được phương án hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam): Phải đấu thầu!
Có một số điểm cần phải sửa đổi để BOT giao thông trở nên tốt hơn, trong đó có việc phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tiêu chí đấu thầu cơ bản nhất là mức lợi nhuận mà nhà đầu tư muốn thu được và ai có mức lợi nhuận thấp nhất thì thắng. Cần bỏ mức quy định về lợi nhuận định mức của nhà đầu tư bằng 1,5 lần lãi suất đấu giá trái phiếu Chính phủ trong 3 phiên gần nhất (như hiện nay là quanh quanh mức 11%-12%/năm), bởi kết hợp với đấu thầu, việc này sẽ khiến lợi nhuận của nhà đầu tư có thể lên đến 20%-25%/năm, thậm chí cao hơn.
P.N
Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/ap-dat-loi-nhuan-bot-la-tran-lot-20170917232753743.htm