Thiền Lâm
Cali Today
Vietnam – Cali Today News – Phản ứng quyết liệt của dư luận xã hội trước mưu toan đè đầu dân bổ thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính đã mang lại thắng lợi ban đầu: trong cuộc họp thường kỳ vào cuối tháng Tám năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2017”.
Tuy nhiên, thắng lợi trên chỉ mang tính tạm thời. Có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc Chính phủ và Bộ tài chính đã “lùi một bước để tiến nhiều bước” trong các chiến dịch tăng thuế. Chứng cứ mới nhất là chiến dịch tăng “thuế bảo vệ môi trường” từ 3000 đồng/lít xăng lên 8000 đồng/lít xăng do Bộ Tài chính “bảo kê” và phát động. Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, bộ này vẫn âm thầm “dùi” Chính phủ và Quốc hội để mau chóng thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong tháng Mười tới, để nếu mọi chuyện trót lọt thì giá xăng đang từ khoảng 17 ngàn đồng/lít sẽ tăng vọt lên đến 25 ngàn đồng/lít.
Liệu ông Phúc có đủ liêm chính để chỉ đạo các Tổng cục Thuế trả lại núi tiền đã “càn quét” từ việc áp thuế sử dụng đất vô tội vạ đối với dân chúng trong năm 2017? Photo Courtesy: Internet
Và cả mưu toan tăng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% – một chiến dịch cũng do Bộ Tài chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mưu tính mà bị dư luận xem là dã man. Sau quá nhiều phản ứng của dư luận, bộ này đành tạm không nhắc đến việc tăng thuế VAT, nhưng có tin cho biết trong nội bộ thì bộ này vẫn “bảo lưu” quan điểm tăng thuế và sẽ tăng thuế VAT “không khoan nhượng”.
Mặt khác, người ta cũng còn nhớ vào cuối tháng Tám năm 2017, mặc dù có đề cập đến việc chưa tăng thuế, nhưng Thủ tướng Phúc chỉ nói về “chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp” mà hoàn toàn không đề cập gì đến “người dân”. Trong khi đó, nhiều sắc thuế như thuế xăng dầu, thuế VAT, thuế sử dụng đất đã và sẽ đặc biệt quất lên đầu ít ra một nửa trong số gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Những phát ngôn mang tính lập lờ của Thủ tướng Phúc trong thời gian gần đây cho thấy ông Phúc, vì một số lý do mà có thể bao hàm cả lý do “vị thế chính trị”, đã không thể nhắm mắt bịt tai trước phản ứng dư luận, nhưng cũng không hề dứt khoát về quan điểm “không tăng thuế đối với dân” mà vẫn tìm cách “câu giờ” để Bộ Tài chính luồn lách nhằm “thu cùng diệt tận” đối với dân.
Một câu hỏi cần được nêu ra trực tiếp đối với Thủ tướng Phúc và Bộ Tài chính: nếu đúng theo chỉ đạo “chưa tăng thuế trong năm 2017” của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có trả lại hàng núi tiền đã thu từ thuế sử dụng đất từ đầu năm 2017 đến nay hay không?
Cần nhắc lại, từ giữa năm nay nhiều người dân Sài Gòn đã té ngửa khi đến đóng tiền sử dụng đất ở các chi cục thuế mới biết loại thuế này đã tăng đến 3-4 lần – một mức tăng dã man.
Sự thật là, “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ các chiến dịch vận động tăng giá điện và xăng dầu mà vẫn thường bị dư luận phản ứng quyết liệt khi ý đồ tăng giá bị lộ ra, vào lần này chính quyền đã âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Có thể từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Thuế đã thu hàng trăm ngàn tỷ đồng từ thuế sử dụng đất. Tại một số nơi ở Sài Gòn còn xảy ra hiện tượng thu khuất tất của nhân viên thu thuế khi yêu cầu người dân “nộp lại” thuế sử dụng đất của năm 2016. Có những người dân do quên việc mình đã đóng thuế năm trước nên vẫn vô tư nộp tiền cho nhân viên thuế. Nhưng lại có nhiều người dân phát hiện ra rằng mình đã đóng thuế năm ngoái mà năm nay vẫn phải đóng lại nên đã phản ứng. Với những trường hợp phản ứng này, nhân viên thu thuế vội vã xin lỗi và trả lại tiền đã “nhận thêm”…
Hiện tượng trên, tuy có thể xem là “chuyện nhỏ”, nhưng lại khái quát toàn bộ bức tranh được xem là “minh bạch” về thuế, thu thuế cùng “phương thức thu thuế” của chính quyền đương nhiệm.
Trong thực tế nhiều năm qua, đã có không ít trường hợp người dân phải đóng lố tiền thuế, trong lúc cơ quan nhà nước ngậm hột thị nếu bị phát hiện.
Với tiền thuế sử dụng đất, rõ ràng Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính có thể đã “ăn” một số tiền rất lớn của dân, ít ra từ đầu năm 2017 đến nay.
Nguyễn Xuân Phúc lại đang được nội bộ Đảng và báo giới Đảng ca ngợi là đầu tàu của “chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động”. Liệu ông Phúc có đủ liêm chính để chỉ đạo các Tổng cục Thuế trả lại núi tiền đã “càn quét” từ việc áp thuế sử dụng đất vô tội vạ đối với dân chúng trong năm 2017?
T.L.
VNTB gửi BVN.