Mường Thanh
Tác giả gửi tới Dân Luận
Chúng ta phê phán ĐCS về độc quyền lòng yêu nước: “yêu nước là phải yêu XHCN” nhưng chính sự cực đoan và lòng định kiến, sự nôn nóng muốn “phủ định sạch trơn”… đang ru êm dẫn dắt chúng ta đi theo lối mòn tư duy của CS lúc nào mà chẳng hay!
Giáo sư Tương Lai.
GS Tương Lai, một trong những nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBMTTQ VN ,vừa tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Ðảng Cộng sản Việt Nam ngay vào ngày Quốc khánh của Việt Nam, 2/9/2017.
Theo lời ông: “Tôi dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa, để tiếp tục chiến đấu với tư cách là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của Hồ Chí Minh”. (https://www.voatiengviet.com/a/dagn-vien-ky-cuu-tuyen-bo-bo-dang-cong-san-viet-nam/4016301.html)
Tuyên bố của GS Tương Lai đã tạo ra dư luận trái chiều trên “báo lề trái” và mạng xã hội. Ngạc nhiên là trong số những chỉ trích ông bao gồm những người lâu nay trực tiếp hay gián tiếp thông qua phát biểu, việc làm của mình thông tri ra xã hội xác lập tư cách là một nhà bất đồng chính kiến có số má. Những ngôn từ chỉ trích khá nặng nề và trịch thượng đã được đem ra nhằm vào vị lão giáo sư, như “thảm hại”, “cơ hội”, “không biết suy tưởng”…
Tôi không “đủ tuổi” bàn chuyện đúng sai việc làm của ông Tương Lai, cũng không phải là người thân cận gần gũi để hiểu hết thâm ý của ông nên không dám đưa ra nhận xét. Ở đây, qua theo dõi quan sát thực tế xin ghi nhận công lao với những việc làm và sự dấn thân bền bỉ của ông đối với phong trào dân chủ Việt Nam trong gần 20 năm qua. Nếu “thảm hại”, “cơ hội”… thì với những gì đang có, chỉ cần ông đứng hẳn về một bên chắc chắn GS Tương Lai sẽ thủ đắc những điều mình mong muốn! Nhưng không, ông đã đứng về phía nhân dân kiên trì nêu yêu sách, đấu tranh cho sự công bằng cho lẽ phải cho những giá trị tiến bộ xã hội… ông không ngậm miệng ăn tiền mà thể hiện đúng vai trò của một trí thức chân chính gặp thời đất nước nhiễu nhương: “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”!
Chúng ta đều biết ở Việt Nam, ngoài những đảng viên ĐCS ở trong hàng ngũ lãnh đạo các cơ quan công quyền thuộc khuôn khổ quản lý của Đảng CS, tự cho mình là những nhà chính trị “chính danh”, thì ngoài ra ai có ý kiến phản biện lại đường lối chủ trương của ĐCS, những sai lầm của các cơ quan nhà nước… đều bị hăm he dồn vào cực đối lập gọi là “bất đồng chính kiến”, bị vu vạ là “đồ phản động”, chịu những đòn “đánh dười thắt lưng” của những thế lực công khai hoặc không công khai mà ai cũng biết họ là ai… khiến cho cuộc sống công ăn việc làm của rất nhiều người dấn thân gặp khó khăn áp lực nặng nề… thậm chí nhiều người bị chiếu theo những điều luật nghị định mập mờ phi lý như 79, 87, 88, 258 mà phải chịu cảnh tù đày. Có thể nói đời sống những người dấn thân, ngoại trừ vài vị nổi tiếng có tiền hô hậu ủng thì hàng vô danh tiểu tốt là rất cô đơn lặng lẽ bị xa lánh và nguy hiểm.
GS Tương Lai là một trường hợp như thế. Ông không phô trương nổi bật nhưng ông luôn luôn được bạn bè thân hữu quý kính coi như là một thủ lĩnh. Ông và nhóm hoạt động bạn bè của ông đã tạo thế đối trọng đối kháng hiệu quả. Nhiều bài phản biện của ông, nhiều yêu sách kiến nghị của nhóm ông chủ trương thu hút hàng chục ngàn người ký tên ủng hộ trong đó có rất nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng trong và ngoài nước. Ông vạch ra cho công luận nhân dân thấy rõ những chính sách và chủ trương sai trái của ĐCS của chính quyền trong nhiều quyết sách của đất nước đánh động nhận thức số đông nâng cấp ý thức quyền và trách nhiệm công dân đối với hiện tình đất nước.
Để sống hoạt động và tồn tại được trong một hoàn cảnh đầy bất lợi như thế, những tưởng người cùng phe “bất đồng chính kiến” đứng chung về một bên tạo thành khối đoàn kết kề vai sát cánh làm được những điều khả dĩ cho đất nước, chí ít cũng xây dựng lý tưởng sống nhân bản cho giới trẻ nương neo khi niềm tin và các giá trị đạo đức xã hội đang lộn tùng phèo… thì thực tế không được như vậy. Uy tín và khả kính như ông giáo sư còn chịu gạch đá như thế của những người đồng đội ông sá chi là hạng tép riu! “Thế” vốn yếu vì vậy càng thêm yếu, làm cho người hậu học vừa nhen nhóm lòng dũng khí đã cảm thấy hoang mang, niềm tin không biết bám víu vào đâu.
Cùng đa nguyên tư tưởng cùng đấu tranh đề cao phẩm giá người Việt Nam cùng ủng hộ tam quyền phân lập, cùng chống chính trị Bắc thuộc cùng chống độc tài độc quyền tham… có rất nhiều lý tưởng chung như thế, thay vì tìm gặp nhau những điểm tương đồng thì không ít người khoét sâu điểm dị biệt? Đó là câu hỏi mà lâu rồi không biết giải thích làm sao, đâu đó đã vang lên tiếng thở dài chấp nhận buông xuôi, cho rằng “số phận của dân tộc mình nó thế”!
“Mục đích biện minh cho phương tiện”, trang nhà của LS Trần Đình Triển khi ông trương tấm hình nền Hồ Chí Minh mang phong thái bình dân và khi ông viết tút ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng thì nhà ông đã nhận được vô số gạch đá kẻ cả những ngôn từ tục tĩu xúc phạm… Ông Triển ngây thơ hơn những người ném đá ông chăng? GS Tương Lai kém cỏi hơn chúng ta chăng? Tại sao không ghi nhận HCM trên trang nhà ông Triển là một HCM đã từng nuôi mong ước “ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được cắp sách đến trường” và NPT trên trang nhà ông Triển là một NPT đang “nhóm lò đốt củi” và “bắt nhốt quyền lực vào cái lồng của lập pháp”? Tại sao lòng chúng ta tràn đầy định kiến? Khi chưa thay đổi độc quyền thì nhân danh HCM bắt nhốt bọn tham nhũng lợi ích nhóm, những BOT… đang ngày đêm nhơn nhơn thách thức nhân dân chẳng phải là điều tốt?
Chúng ta phê phán ĐCS về độc quyền lòng yêu nước: “yêu nước là phải yêu XHCN” nhưng chính sự cực đoan và lòng định kiến, sự nôn nóng muốn “phủ định sạch trơn”… đang ru êm dẫn dắt chúng ta đi theo lối mòn tư duy của CS lúc nào mà chẳng hay!
“Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”, những nhà dân chủ chính hiệu hơn ai hết phải là những người khiêm tốn lễ phép lịch thiệp mềm mỏng, biết mở tấm lòng yêu thương bao dung tất thảy. Đức khiêm tốn và bao dung… tạo ra sức mạnh lòng kiên định và sức cuốn hút chính trị. Còn ai say mê giật tút “độc”, câu view đếm like, xây ghế làm “bang chủ”… thì hãy tiến hành dưới cái mác khác danh nghĩa khác nơi chốn khác.
Nghe phát biểu của cô bé 22 tuổi Nancy Nguyễn trong Đại hội Giới trẻ Thế giới về đề tài làm sao để vượt qua nỗi sợ hãi: “đừng đánh giá thấp bất kỳ một nỗ lực nào”; “hãy thôi đừng chỉ chỏ ngón tay về phía người khác, mà hãy quay ngón tay chỉ vào chính mình rồi tự hỏi: “what can I do”?
M.T.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20170913/mot-tieng-tho-dai-cua-phong-trao-dan-chu