Nguyễn Tường Thuỵ
(VNTB) Giáo sư Tương Lai chọn ngày ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra “Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam”. Đồng thời, ông cũng công bố bản trình bày theo yêu cầu của cấp ủy đảng nơi ông sinh hoạt đảng.
Cảm nhận của tôi về Giáo sư Tương Lai là một trí thức giàu tâm huyết, rất nặng lòng với vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Bản Tuyên bố và nhất là bản trình bày khá dài – có lẽ như thế mới tạm đủ để nói lên những suy tư, trăn trở của ông trước hiện tình đất nước. Ông rất thẳng thắn khi chỉ ra rằng “những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, với sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng thì không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa”.
Ông cũng chẳng phải né tránh khi nhắc đến Nông Đức Mạnh, đến mối quan hệ gia đình đáng xấu hổ của ông ta với những lời kết án gay gắt: “Liệu có sự trơ tráo, nhẫn tâm nào hơn nữa không từ miệng một người đã từng 8 năm làm Chủ tịch Quốc hội, 8 năm làm Tổng Bí thư? Đấy là chưa cần nói đến nhân cách vô luân, cướp bồ của con trai, bị con gái gửi thư lên Bộ Chính trị và các cấp kiện vì bố đã chà đạp lên phong tục tập quán của dân tộc, dùng quyền Tổng Bí thư để đưa vợ vừa cưới nhằm thoát khỏi phá sản, chẳng những thế ả ta lại được “bầu” làm đại biểu Quốc hội”.
Những dòng viết của Giáo sư Tương Lai cho thấy khí phách và nhân cách của ông thật đáng trân trọng.
*
Tuy nhiên, trong Tuyên bố của ông, nếu không có mệnh đề thứ hai “để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động Việt Nam” hoặc thay mệnh đề thứ hai bằng “để tiếp tục chiến đấu cho tự do, dân chủ” thì có lẽ cũng chẳng có gì phải bàn cãi – đó là bản tuyên bố toàn vẹn. Vì vậy, nhiều người khen ngợi tuyên bố của ông, nhưng những người phản đối thì nhiều hơn. Họ không đồng ý với ông khi ông khẳng định tính đúng đắn của Đảng CSVN dưới sự dẫn dắt của ông Hồ Chí Minh trong giai đoạn còn mang tên Đảng Lao động Việt Nam. Ông tự hào và bằng lòng về những gì Đảng của ông Hồ Chí Minh đã làm được.
Thực ra thì giai đoạn mang tên Đảng cộng sản VN chỉ là bước tiếp nối logic của giai đoạn mang tên đảng Lao động, bởi cái nền tảng tư tưởng, nguyên lý vận hành của Đảng mà Đảng Cộng sản Đông Dương thiết lập ngay từ đầu. Cái tên dù là Lao động hay Cộng sản không quan trọng. Việc tan rã của hệ thống XNCN vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước cũng là một tất yếu chứ không như các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ ra do thiếu dân chủ, độc tài, do khủng hoảng kinh tế xã hội; còn thiếu dân chủ, độc tài, khủng hoảng từ đâu ra thì họ “không nhìn thấy”. Cũng giống như ông Nguyễn Phú Trọng đang hăng hái diệt tham nhũng mà không biết tham nhũng từ đâu ra. Điều đó có nghĩa là họ chỉ nhìn thấy cành, ngọn mà không biết đến gốc rễ của vấn đề. Một cây sâu từ gốc, không thể cứ cắt cành sâu đi là được. Điều này, chính ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội đã đề cập là “lỗi hệ thống” nhưng chỉ khẽ chạm đến rồi bỏ đấy. Cũng có thể họ biết nhưng giả vờ như không biết vì họ không muốn chặt cái gốc mà mình đang bám vào thân của nó.
Mặt khác, đường lối và tổ chức thực hiện của Đảng giai đoạn mang tên Đảng Lao động liệu có gì được coi là đúng đắn hay có phần còn tệ hơn giai đoạn sau này. Những sai lầm nối tiếp sai lầm như những vết chém vào lịch sử không bao giờ gột rửa được như Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống đảng, cuộc sống lầm than đói khát bởi sự áp đặt quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là cuộc chiến tranh 1954-1975 gây nên bao tang tóc đau thương, kéo cả nước tụt hậu hàng trăm năm so với khu vực và thế giới.
*
Tôi có biết đến ý tưởng tách đảng cộng sản ra làm hai của Giáo sư Tương Lai và một bộ phận đảng viên cao tuổi để có cạnh tranh chính trị và trở lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu được như thế chắc chắn có rất nhiều người hoan nghênh, nó làm phân hóa và làm giảm đi sức mạnh độc tài của Đảng CSVN nhưng rõ ràng đây không phải là hình thái chính trị đa nguyên, không thể thoát khỏi độc tài, không có tam quyền phân lập hay nhà nước pháp quyền và vì vậy không thể có dân chủ. Nếu chỉ có hai đảng cộng sản mới và cũ với nhau thì bản chất nền chính trị vẫn là độc tài. Nên nhớ thời VNDCCH có hẳn ba đảng, nhưng đảng Dân chủ và đảng Xã hội chỉ là vật trang trí. Những bức điện mừng, những cuộc gặp gỡ giữa các đảng này, họ vẫn gọi nhau là đồng chí và hai đảng trang trí ấy vẫn xác định đảng mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Chế độ vẫn là độc tài, không khí sợ hãi lo âu bao trùm lên xã hội mà nhà văn Vũ Thư Hiên gọi là “đêm giữa ban ngày”. Sau khi đã hết sứ mệnh lịch sử thì Đảng CSVN cho hai đảng này giải thể cùng một lúc vào năm 1988. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị và xu thế toàn cầu hiện nay đã khác rất nhiều so với thời kỳ tồn tại đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Vì vậy, rất có thể việc tách Đảng CSVN làm hai (hoặc hơn hai) là bước đột phá cho lộ trình tiến tới nền dân chủ đa nguyên.
*
Đảng CSVN dù như hiện nay hay trở về giai đoạn đầu không bao giờ có khả năng đưa đất nước phát triển. Nay Giáo sư Tương Lai viết những lời rất mặn mà ca ngợi Đảng của ông Hồ Chí Minh, đề cao cái tư tưởng khiên cưỡng là Tư tưởng Hồ Chí Minh và “đe” sẽ “tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam” làm nhiều người ngỡ ngàng. Có lẽ vì vậy nên Nhà báo Nguyễn Phú Khải mới chơi chữ “Giáo sư Tương Lai đang “đi giật lùi đến tương lai”. Còn Nhà báo lão thành Bùi Tín cho rằng Giáo sư Tương Lai “ngoái cổ về quá khứ”, đã “lẩm cẩm rồi”. Ông phản ứng khá gay gắt về việc sùng bái Hồ Chí Minh và muốn khôi phục Đảng Lao động Việt Nam của Giáo sư Tương Lai.
Tù nhân Lương tâm Phạm Thanh Nghiên thì hài hước: “Chắc là ông Giáo sư chọn thời điểm này để ra tuyên bố cá nhân, tuyên bố chính trị với ý nghĩ việc ông làm sẽ như một cú đá vào lịch sử, một quả vả trời giáng vào giữa mặt ông Trọng và đồng bọn của ông… Nhưng nó làm tôi – một con bé từng làm nghề quét rác – không kìm được nụ cười nhạt và tiếng thở dài ngao ngán trước suy nghĩ này của ông Giáo sư nổi tiếng”.
Ngược lại, cũng có số ít hơn hoan nghênh hoặc ủng hộ Tuyên bố của Giáo sư Tương Lai. Luật sư Lê Công Định với cách nhìn tích cực hơn đặt câu hỏi: “Nếu hành động và suy nghĩ của giáo sư Tương Lai giúp hàng ngàn người cộng sản phản tỉnh rời bỏ hàng ngũ đảng cầm quyền để lập nên một đảng đối lập, khiến có thể làm suy yếu và phân liệt đảng độc tài hiện nay, tại sao chúng ta không ủng hộ dù không đồng tình?”. Trong khi nhà báo Bùi Tín cho rằng, đây là “một quyết định nửa vời đáng tiếc”, thì cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang đánh giá đó là “một quyết định đúng đắn”. Ông cho rằng việc chưa dứt khoát với Đảng CSVN của Giáo sư Tương Lai có thể chỉ là “chiến thuật”. Nếu thế thì tôi yên tâm nhưng rồi lại tự đặt câu hỏi: nếu chỉ là chiến thuật thì tại sao Giáo sư Tương Lai lại nói về giai đoạn Đảng Lao động và ông Hồ Chí Minh với những lời tâm huyết đến như thế?
Tôi có cảm giác Giáo sư Tương Lai vẫn mang một mẫu trí thức xã hội chủ nghĩa. Tôi khác ông ở điểm là tôi không tin vào đảng cộng sản ở bất cứ thời điểm nào kể từ khi thành lập đến nay. Những cái được coi là thành công của họ thì cái giá phải trả quá đắt mà không mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước, cho nhân dân. Sự nhập khẩu chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam trong những năm 1925-1930 là một tai họa cho đất nước. Cho đến nay, không có một đảng cộng sản nào trên thế giới đưa đất nước đến tương lai tươi sáng cả và vì thế nó mới sụp đổ một cách có hệ thống. Ở các nước đã từng trải qua chế độ cộng sản, hai chữ cộng sản trở thành một nỗi ám ảnh, là ác mộng, còn ở nước ta, đó là sự lo sợ của những người không cộng sản.
*
Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn cảm phục lòng nhiệt huyết, thái độ thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm với non sông đất nước của Giáo sư Tương Lai. Lòng yêu nước của ông thật dạt dào. Tôi đã theo dõi những phát biểu dõng dạc, hùng hồn và đầy phẫn nộ của ông khi phản đối Tập Cận Bình, khi vạch thái độ nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam, hay đầy khát vọng dân chủ, tự do trong buổi lễ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba do ông đứng ra tổ chức. Ông nói như muốn rút hết tim gan ra cho mọi người đều thấy. Trong khi giới trí thức VN hiện nay phần lớn nếu không háo danh, hám lợi thì cũng hèn yếu, cầu an mà có người làm và nói được như Giáo sư Tương Lai là một điều rất quý, đáng trân trọng. Nhưng dù sao, với tinh thần cầu toàn, tôi thấy tiêng tiếc với ý nghĩ “giá như…”.
N.T.T.
VNTB gửi BVN