Nhà cầm quyền đang diễn lại vụ Tiên Lãng ở Đồng Tâm?

Nguyễn Đình Ấm

Sai cả lý lẫn tình

Những năm 2010 giá đất ở thành phố Hải Phòng còn khá cao. Tháng 9/2009 bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng về công tác Hải Phòng, lãnh đạo địa phương yêu cầu chuyển sân bay Cát Bi ra huyện Tiên Lãng vì “Cát Bi hẹp, ô nhiễm…” được bộ trưởng đồng ý dù kế hoạch phát triển ngành HKVN đến 2020, tầm nhìn 2030 không hề có dự án sân bay Tiên Lãng.

Tháng 4/2011 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1448/QĐ-TTg cho phép nghiên cứu làm sân bay Tiên Lãng thuộc các xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Tây Hưng, dẫn đến hai hệ quả:

– Các đại gia bất động sản Hải Phòng, Hà Nội… khu vực sân bay Cát Bi xem bản đồ, thị sát chỉ chỏ chỗ này sân golf, chỗ kia chung cư, biệt thự… làm giá đất xung quanh sân bay tăng vọt.

– Đầm tôm, vườn tược 40 ha của nông dân Đoàn Văn Vươn (ĐVV) thuê cải tạo đất phèn chua, mặn, đầm lầy thành khu sản xuất hỗn hợp có thu nhập khá ở cống Rộc xã Vinh Quang trúng vào khu quy hoạch sân bay, trước triển vọng được bồi thường hàng trăm tỷ.

Năm 2009 huyện Tiên Lãng yêu cầu ĐVV ngưng đầu tư trả đất, ông khởi kiện lên toà án huyện. Tòa xử thua, ông kiện lên thành phố Hải Phòng, toà này khuyên ông rút đơn sẽ “cho thương thảo tiếp tục canh tác”. Ông ĐVV rút đơn, vụ việc kết thúc. Thế nhưng sau khi thủ tướng có quyết định “nghiên cứu sân bay” (nhưng đến năm 2013 nhà nước đã đầu tư 3.600 tỷ nâng cấp, mở rộng sân bay Cát Bi không ai nói đến sân bay Tiên Lãng nữa được dân gian lý giải do “giá đất xuống quá”) thì địa phương “bội ước” lại yêu cầu ĐVV trả đất mà theo dư luận là để giao cho một người có quan hệ mật thiết với quan xã, huyện. Tất nhiên ông ĐVV không đồng ý, và giáp tết nguyên đán, ngày 5/1/2012 đội vũ trang 100 quân gồm bộ đội, công an trang bị “đến tận răng” do đại tá Đỗ Hữu Ca giám đốc CA Hải Phòng chỉ huy ồ ạt “đánh chiếm” khu đầm của gia đình ĐVV. Không chịu cúi đầu, ông ĐVV đã dùng súng hoa cải bắn cảnh cáo làm 6 chiến sĩ bị thương nhẹ. Nhà cửa, lều lán nhà ĐVV bị ủi phá tan hoang.

Ngày 10/2/2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp báo kết luận về vụ Cống Rộc và khẳng định: “Chính quyền sai cả lý lẫn tình” làm dư luận hy vọng ĐVV vô can do tự vệ hợp lý như vụ Nọc Nạn năm 1928 ở Bạc Liêu (nông dân bắn chết quan Pháp làm sai và vô can). Thế nhưng ngày 5/4/2013 toà Hải Phòng xử ĐVV 5 năm tù; các anh, em của ông cũng bị xử tù từ 2-5 năm tù còn tổng tư lệnh “trận đánh đẹp” Đỗ Hữu Ca sau đó được phong tướng như một sự thách thức dư luận.

Phải chăng hành vi “tàn bạo, thất đức” này của nhà cầm quyền không ngoài ý đồ: Răn đe, thách thức những người dân khác là sẽ bị trừng trị thẳng tay nếu dám chống lại kẻ cướp của chính quyền?

…Đang diễn lại ở Đồng Tâm?

Năm 1980 chính phủ giao bộ quốc phòng 208 ha đất làm sân bay, trong đó có 47,6 / 106 ha cánh đồng Sênh xã Đồng Tâm (ĐT), huyện Mỹ Đức thành phố Hà NộI (TPHN). Thế nhưng dự án bị bãi bỏ và 36 năm qua quân đội không trả nhà nước như luật đất đai quy định mà tự giữ rồi cho thuê, bỏ hoang…

Những năm gần đây doanh nghiệp Viettel của quân đội làm ăn ở nước ngoài không được sử dụng đất đai, hạ tầng “chùa” nợ hơn 3.000 tỷ, lỗ 22.000 tỷ VNĐ, có nhu cầu lớn sử dụng đất miễn phí, Bộ Quốc phòng đã tuyên bố khu đồng Sênh dân đang canh tác là “đất quốc phòng” phải thu hồi cho Viettel và TPHN sử dụng. Đây là khu đất phì nhiêu, bằng phẳng, có mặt tiền là tỉnh lộ 429 nối với đường Hồ Chí Minh rất thuận lợi cho việc làm nhà xưởng, sân golf, nhà ở, nếu bồi thường cũng phải hàng trăm tỷ đồng. Bà con ĐT đã gửi đơn khiếu nại lên huyện, thành phố, trung ương từ 5 năm qua nhưng không ai giải quyết.

Theo cụ Kình và dân ĐT, ngày 14/11/2016 huyện Mỹ Đức, TPHN huy động 600 cảnh sát vũ trang, xe cứu thương, vòi rồng, bắt người… về giải tỏa cánh đồng Sênh thuộc đất nông nghiệp bà con canh tác liên tục từ 70 năm qua. Bị phản đối quyết liệt, Viettel chỉ xây được số công trình, tường rào… Quyết lấy bằng được khu đồng Sênh, ngày 15/4/2017 các sĩ quan quân đội Mạc Văn Tin, Nguyễn Văn Tài cùng một số công an về Đồng Tâm lừa bà con ra đồng để “xác định mốc giới” nhưng khi đang “xác định” thì họ khuyên dân về bớt “mới làm việc được” rồi bất thình lình nổ súng uy hiếp, ngay lập tức phó công an huyện Mỹ Đức Trần Thanh Tùng đá cụ Kình văng 2 m, gẫy 2 đoạn xương đùi, rạn xương chậu rồi xốc nách ném cụ lên ô tô và bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo… Rất may, khi bị bắt cụ Kình đã kịp ném tập tài liệu “độc” về vụ việc vương vết máu cho một người dân cầm chạy đi…

Có thể khẳng định trong vụ này, phía chính quyền, quân đội sai từ “A đến Z”, vì:

– Họ vi phạm nghiêm trọng luật đất đai, đất chính phủ giao làm sân bay chứ không giao để họ bỏ hoang, cho thuê từ 36 năm qua rồi nay tự tiện giao cho DN kinh doanh.

– Họ là một bên tranh chấp với dân ĐT nên không có quyền phán xét trong vụ này. vi của họ là lộng hành.

– Trong bản kết luận thanh tra họ không đưa ra được bằng chứng xác đáng nào chứng tỏ tất cả cánh đồng Sênh bà con đang canh tác nằm trong dự án sân bay Miếu Môn mà chỉ nói bừa “là đất quốc phòng” với các thông tin làm “rối trí người đọc” (lời KTS Trần Thanh Vân gửi chủ tịch HN).

– Trên bản đồ thực địa, vệ tinh, mốc giới, quyết định 113 chính phủ giâo đất cho Bộ QP không có yếu tố nào cánh đồng Sênh còn lại nằm trong dự án sân bay Miếu Môn cũ.

– Nếu TPHN, quân đội đúng thì họ sẽ đàng hoàng tranh luận, đối chất, đưa bằng chứng thuyết phục dân chứ không việc gì phải bỏ việc xác định mốc giới, lừa, dùng vũ lực uy hiếp bắt cóc, đánh đập, đưa cả đơn vị cảnh sát vũ trang về uy hiếp để buộc dân phải cầm giữ các chiến sĩ đòi công lý..

– Nếu họ đúng thì không việc gì phải giăng quân khắp các ngả đường hạn chế người nghe kết luận thanh tra, người dự không được nói hết, và chủ tịch Nguyễn Đức Chung đe “được có ý kiến nhưng không nói nhiều”…

Lý không có, tình cũng không.

Người nông dân ĐT chỉ có đồng ruộng để sinh sống nhưng năm 1959 nhà nước đã thu 300 ha làm trường bắn không được đền bù, trợ giúp gì, năm 1980 nhà nước lại lấy 47,6 ha bồi thường được 150.312 VNĐ cho quân đội làm sân bay nhưng không làm và người dân lại phải thuê lại chính đất của mình để canh tác sinh sống vì đồng ruộng còn quá ít. Nay Bộ QP, TPHN lại nhẫn tâm dùng vũ lực định cướp nốt cánh đồng Sênh, nguồn sống quan trọng của dân ĐT?

Như vậy quân đội, TPHN “sai cả lý lẫn tình” như vụ Tiên Lãng. Thế nhưng nay họ lại lờ vụ đánh, bắt cóc cụ Kình, dân ĐT (là nguyên nhân chính dẫn đến dân cầm giữ CSCĐ) chỉ khởi tố dân “bắt giữ người trái pháp luật, huỷ hoại tài sản” và hỗn xược soạn bài vu khống, bịa đặt xúc phạm cụ Kình phát trên mạng loa truyền thanh,liên tục gửi giấy triệu tập bừa bãi đến cụ Kình và rất nhiều người dân ĐT nhằm khủng bố, bắt giữ bỏ tù họ?

Phải chăng, dù biết sai “cả lý lẫn tình” nhưng nhà cầm quyền vẫn quyết trừng trị dân ĐT để răn đe dân cả nước như bắt tù ĐVV ở Tiên Lãng?

Nếu thế vẫn là một toan tính sai lầm, bời vì: Sau vụ ĐVV bị tù oan lại vẫn diễn ra vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình bắn chết 3 cán bộ, vụ Dương Nội (Hà Đông) nhiều người bị tù đày nhưng vẫn không khuất phục, vụ Cẩm Giàng (Hài Dương) dân dùng thân người chặn xe xích (2015), vụ Cây Dương (ở Phụng Hiệp Hậu Giang) dân đưa quan tài ra quyết giữ đất (2015),vụ dân bắn chết 3 người, bị thương 16 người trong đội cưỡng chế ở Tuy Đức Đăk Nông(2016)… Không thể kể hết những vụ chính quyền dùng vũ lực tàn bạo với dân nhưng hết vụ này đến vụ khác dân vẫn không sợ chống đối ngày càng quyết liệt.Bởi vì, ngoài bảo vệ nguồn sống, người nông dân vốn chất phác, cao thượng, tự trọng,khí khái không chịu cúi đầu trước sai trái, lộng hành, bất công dù thế lực trấn áp tàn bạo đến đâu.

Vừa qua, dân ĐT công khai bảo vệ cánh đồng Sênh bằng bất cứ giá nào đang làm những người có lương tri đang phải thót tim.

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.