”Nước nhỏ phải hành xử như một nước nhỏ”?!

LS Nguyễn Văn Thân

Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống,

Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn

(Tố Hữu)

Hai câu thơ trong bài Hãy đứng dậy của Tố Hữu (1) viết từ thuở đi làm cách mạng, trớ trêu thay hình như lại đang là câu hỏi nhức nhối mà từ Cõi Âm ông Lành gửi trở về cho cụ Tổng và bộ phận thân Tàu đang ngày càng trở thành phe số đông trong ĐCSVN, khiến trước mắt dân chúng, cụ và cả một lũ bầy tôi tình nguyện ôm khư khư “bốn tốt” của họ Tập cứ như mắc nghẹn trong cổ họng từ nhiều năm nay, muốn lờ đi chẳng được – “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào”.

Thì hãy nhớ lấy làm lòng 5 nguyên tắc căn bản mà ông Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu lên làm nền tảng cho chính sách ngoại giao của nước Singapore bé nhỏ: “Thứ nhất là Singapore phải xây dựng một nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Thứ haikhông bao giờ được hành xử như là một chư hầu. Một khi đã bán rẻ linh hồn thì sẽ mất uy tín và thế đứng trên trường quốc tế. Thứ ba là cố gắng làm bạn với tất cả và không là kẻ thù của ai. Thứ tư là cổ xúy cho một hệ thống trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế mà theo đó các quốc gia lớn nhỏ được đối xử như nhau. Sau cùng, Singapore phải nhận thức rõ quyền lợi lâu dài của mình và có can đảm đối diện với những thách thức để tranh đấu cho những quyền lợi đó”.

Bauxite Việt Nam

Vào đầu tháng 7 vừa qua, tờ báo The Strait Times của Singapore đã đăng tải một bài viết mang tựa đề ”Qatar: những bài học lớn cho một quốc gia nhỏ” (Qatar: big lessons for a small country) của Giáo sư Kishore Mahbubani Trưởng khoa Trường Công chánh Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore. GS Mahbubani từng là một nhà ngoại giao kỳ cựu làm việc cho Bộ Ngoại giao Simgapore hơn 33 năm. Bài viết này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi và mạnh mẽ trong giới tinh hoa, trí thức của Singapore về chính sách ngoại giao của đảo quốc sư tử này trong thời gian gần đây trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

GS Mahbubani rút ra 3 bài học từ Qatar. Bài học thứ hai và thứ ba thì không có gì đáng tranh cãi, đó là các nước nhỏ nên trân quý và tích cực yểm trợ các cơ chế đa phương, chẳng hạn như ASEAN hoặc Liên Hiệp Quốc trong quan hệ quốc tế. Nhưng bài học thứ nhất là “nước nhỏ phải hành xử như một nước nhỏ” tạo ra một làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ từ những nhân vật cao cấp nhất vì đụng chạm đến chính sách ngoại giao của Singapore hiện nay.

Trong tháng 6 năm nay, một số nước Ả Rập gồm có Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, United Arab Emirates bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, viện dẫn lý do là Qatar ủng hộ tổ chức Muslim Brotherhood mà họ cho là khủng bố, duy trì quan hệ tốt với Iran và can thiệp vào việc nội bộ của họ. Qatar đã phủ nhận các cáo buộc này.

Qatar là một quốc gia nằm trong vịnh Persian chỉ có biên giới đất liền với Saudi Arabia. Diện tích của Qatar là 11,500 cây số vuông với dân số khoảng 2.6 triệu so với Saudi Arabia là 2,150,000 triệu cây số và 33 triệu dân. Tuy là một nước nhỏ nhưng Qatar có GDP mỗi đầu người cao nhất thế giới, hơn 66,000 Mỹ kim, nhờ có mỏ dầu hỏa. Qatar cũng cho phép Mỹ duy trì căn cứ hải quân lớn nhất trong Vùng Vịnh với hơn 10,000 lính Mỹ đóng quân thường trực tại căn cứ Al Udeid Air Base. Nhà nước Qatar lập ra Al Jareeza là một cơ quan truyền thông quốc tế phát hình và xuất bản trên mạng bằng hai thứ tiếng Ả Rập và Anh ngữ, có văn phòng đại diện trên 80 quốc gia khắp thế giới.

GS Mahbubani cho rằng Qatar đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng đó là không nhận thức được họ là một nước nhỏ và hành xử như một trung cường trên trường quốc tế. Vào năm 2011, Qatar quyết định cấm vận Syria để trừng phạt chế độ Bashar al-Assad. Ngạc nhiên hơn là vào năm 2014, Qatar tham gia liên minh gồm có Mỹ và các quốc gia trong Liên hiệp Ả Rập đánh bom tấn công Syria. Theo Mahbubani, Qatar đã quên một nguyên tắc vĩnh cửu của chính trường quốc tế là ”nước nhỏ phải hành xử như một nước nhỏ” như nhà sử gia lừng danh Thucydides từng nói: “lẽ phải là chân lý của những kẻ mạnh. Kẻ mạnh sẽ làm những gì họ muốn và kẻ yếu sẽ gánh chịu những gì họ phải chịu”. (Right, as the world goes, is only in question between equals in power, while the strong do what they can and the weak suffer what they must).

Vào tháng 11 năm 2016, Hồng Kông dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh đã giữ lại 9 chiếc xe thiết giáp của Singapore để bày tỏ thái độ bực mình với quan điểm của Singapore liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Đường 9 đoạn. Singapore cũng không nhận được thiệp mời của Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn Đới Lộ vào tháng 5 năm nay tại Bắc Kinh. Mahbubani cho rằng lãnh tụ của Singapore hiện nay không có tầm vóc của Lý Quang Diệu. Do đó Singapore không nên quá tích cực trong việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, đặc biệt là khi chính nguyên đơn Phi Luật Tân dưới thời của Duterte không muốn nhắc tới nó. Đúng là Singapore nên theo đuổi một lập trường “nguyên tắc và nhất quán”, nhưng không nên lên tiếng bảo vệ nguyên tắc khi hai siêu cường đang trong tư thế gườm nhau. Trong một khu rừng, không có con vật nhỏ nào đứng ra cản đường một con voi đang lồng lộn trừ khi con voi đó xông vào lãnh thổ của nó.

Rõ ràng là Mahbubani nhìn thấy một vài điểm tương đồng giữa Singapore và Qatar. Cả hai đều có GDP mỗi đầu người nhất nhì thế giới nhưng là nước nhỏ dựa trên kích thước diện tích và dân số. Cả hai đều có theo đuổi một chính sách ngoại giao tích cực và năng động. Và theo Mahbubani, nếu không thận trọng thì Singapore có thể gặp khó khăn như Qatar.

Thoạt nghe qua thì những lời khuyến cáo này có vẻ khá hợp lý nhưng lập luận của Mahbubani đã gặp phải sự phản ứng và phản đối mạnh mẽ từ nhiều nhà trí thức và quan chức cao cấp gồm có Bilahari Kausikan cựu Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao, Đại sứ lưu động Ong Keng Yong và Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ K. Shanmugam. Họ khẳng định là Singapore không thể tồn tại và phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay nếu theo đuổi chính sách ”ngoại giao nước nhỏ” theo công thức của Mahbubani. Họ cho rằng đánh đồng Qatar với Singapore là một sự so sánh khập khiễng vì tuy kích thước tương tự nhưng hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Singapore có quan hệ khá tốt và chặt chẽ với các thành viên quốc gia trong khối ASEAN, khác với quan hệ giữa Qatar và khối Ả Rập. Tỷ  lệ giao thương so với GDP của Singapore cao nhất thế giới, chẳng hạn như GDP 2015 trị giá khoảng 300 tỷ Mỹ kim nhưng xuất nhập khẩu lên tới hơn 900 tỷ. Có nghĩa là giao thương cao hơn GDP gấp 3 lần. Do đó, tự do lưu thông hàng không và hàng hải dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế trong một hệ thống trật tự toàn cầu là quyền lợi cốt lõi nếu không muốn nói là sống còn đối với Singapore.

Trong phiên họp ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010, Dương Khiết Trì lúc đó là Ngoại trưởng đã nói với các Ngoại trưởng ASEAN là ”Trung Quốc là một nước lớn, quý vị chỉ là những nước nhỏ” rồi nhìn chòng chọc vào mắt của George Yeo Ngoại trưởng Singapore thời bấy giờ. George Yeo đáp lễ bằng cách nhìn chòng chọc lại vào mắt Dương Khiết Trì. Các nhà ngoại giao Singapore nhận thức được rằng một khi họ để cho quốc gia của họ bị bắt nạt thì quốc gia của họ mãi mãi sẽ bị bắt nạt.

Dĩ nhiên là không có ai ngu dại đi kiếm chuyện với một gã khổng lồ. Thật ra, tất cả các quốc gia trong khối ASEAN chỉ có thể tự vệ trước sự xâm lấn và hiếp đáp của Trung Quốc. Lịch sử Hy Lạp cũng có bài học về chính sách ”trung lập” của nước nhỏ. Melos là một nước nhỏ. Khi hai cường quốc lân bang là Athens và Sparta chuẩn bị đánh nhau vào năm 416 trước Công nguyên, Athens gửi sứ giả đến Melos yêu cầu họ phục tùng. Tuy cùng chung sắc tộc với Sparta, Melos chọn lập trường trung lập và đáp rằng họ không ủng hộ Sparta và Athens hãy để cho họ đứng ngoài vòng chiến. Sứ giả Athens lập luận rằng nếu làm vậy thì Athens sẽ mất đi uy lực của một nước lớn. Thái độ dật dờ của Melos dẫn đến hậu quả là họ bị Athens tiêu diệt. Tất cả đàn ông Melos bị hành quyết. Phụ nữ và trẻ em thì bị bán làm nô lệ.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng đã lên tiếng xác nhận rằng, là một nước nhỏ Singapore không thể để bị bắt bạt. Ông đưa ra 5 nguyên tắc căn bản trong chính sách ngoại giao. Thứ nhất là Singapore phải xây dựng một nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Thứ hai là không được hành xử như là một chư hầu (chẳng hạn như trường hợp của Cam Bốt và Lào). Một khi đã bán rẻ linh hồn thì sẽ mất uy tín và thế đứng trên trường quốc tế. Thứ ba là cố gắng làm bạn với tất cả và không là kẻ thù của ai. Thứ tư là cổ xúy cho một hệ thống trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và tập quán quốc tế mà theo đó các quốc gia lớn nhỏ được đối xử như nhau. Sau cùng, Singapore phải nhận thức rõ quyền lợi lâu dài của mình và có can đảm đối diện với những thách thức để tranh đấu cho những quyền lợi đó.

Thật ra, bài viết của Gs Mahbubani cũng như những đợt phản ứng sau đó là một dấu hiệu tốt. Trong một thể chế tự do, dân chủ, tất cả mọi người nhất là thành phần trí thức đều có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến về những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích và tương lai quốc gia. Những cuộc tranh luận như vậy sẽ giúp giới lãnh đạo có được cái nhìn đa dạng và cân bằng để họ có thể lèo lái chính sách ngoại giao có lợi nhất cho đất nước.

Trong khi đó thì ở Việt Nam khi chủ quyền lãnh hải bị thách thức nghiêm trọng qua quyết định ngưng khai thác đầu khí tại Lô 136-03 vì Trung Quốc hăm dọa tấn công, giới trí thức vẫn còn đang ”say ngủ” và người dân thì quá bận bịu đương đầu với sưu cao, BOT nặng, môi trường nhiễm độc trong một xã hội đầy dẫy gian trá, bôi trơn và tham nhũng dưới một thể chế độc đảng. Trong khi GDP của 5.5 triệu người Singapore là 300 tỷ Mỹ kim thì dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của Đảng CSVN, 95 triệu người dân Việt Nam chỉ làm ra GDP 200 tỷ. Khác với Ban Tuyên giáo và hệ thống tuyên truyền của Đảng, đây là những con số không biết nói láo. Và nếu thể chế độc đảng này tiếp tục thì trong một ngày không xa, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn toàn đánh mất chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải tại Biển Đông.

3/9/2017

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

(1) Hai câu thơ trên đây, lâu nay dư luận vẫn cho là Tố Hữu dịch ý tứ câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat  (1743-1793). Năm 2008, trong bài Trước tết Mậu Tý, nghĩ về Hoàng Trường Sa (DCVOnline. 23-01-2008), cũng nhằm phê phán và khuyên nhủ những người cộng sản quá yếu hèn, nhà văn yêu nước Hoàng Tiến đã viết:

Người ta lớn, bởi vì anh quỳ xuống

Ai nói thế nhỉ? Chảy trong máu huyết tôi một luồng khí hổ thẹn làm đỏ da mặt. À, ông Marat, một vip trong cuộc cách mạng Pháp 1789. Vẳng lên bên tai câu nói của ông ghi bằng tiếng Pháp chúng tôi được học khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thời Pháp thuộc:

On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux

[…]


Nhún nhường không phải là phương cách tốt nhất để bảo vệ địa giới non sông. Nhất là nhún nhường với người hàng xóm từ lâu đã có dã tâm bành trướng.

Vậy phải làm thế nào?

Marat kêu gọi dân chúng Pháp:

Hỡi đồng bào! Hãy đứng thẳng người lên

(Citoyens ! Levez – vous droitement)

Nhưng sau đó, vào năm 2012, nhà nghiên cứu Trần Giao Thủy đã tiến hành một công cuộc khảo cứu công phu và cho biết, trong những tác phẩm Marat từng công bố, được Khoa Sử Đại học Darmouth số hóa, không thấy có một câu nào tương tự câu Hoàng Tiến trích dẫn ở trên. Trái lại, ông tìm ra một câu tương tự đăng trên trang bìa sau của tờ báo Les Révolutions de Paris, “Do sieur Prudhomme xuất bản từ ngày 12 tháng Bảy, 1789”: Les grands ne nous paroissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons nous [Vĩ nhân chỉ trở thành lớn với chúng tachúng ta đang quỳ gối. Nào chúng ta hãy đứng lên!] mà không ghi ai là tác giả.

Nhà nghiên cứu phán đoán:

“Chữ paroissent, một dạng của chữ paraissent, là tiếng Pháp cổ. Vẫn theo tài liệu của Khoa Sử, ĐH Darmouth thì số báo đầu tiên của tờ Révolutions de Paris xuất hiện ở Paris chiều ngày 14 tháng Bảy, 1789 sau khi ngục Bastille bị tấn công.

Đây là tài liệu đã số hóa duy nhất mà người viết tìm được gốc chính của câu văn “Les grands ne nous paroissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons nous” đăng từ số đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris và là biểu tượng của tờ báo trong suốt thời gian xuất bản từ 12 tháng Bảy 1789 đến 28 tháng Hai 1794.

“Tài liệu này có thể xác định được câu văn nổi tiếng từ thời Cách mạng Pháp đến nay đã xuất hiện từ giữa tháng Bảy, 1789 trên số báo Les Révolutions de Paris đầu tiên – hai tháng trước khi Marat xuất bản số đầu tiên của tờ L’Ami du Peuple. Như thế, tác giả thực của câu văn nổi tiếng này có thể là một trong hai người, Louis-Marie Prudhomme, chủ nhân nhà xuất bản, hay Alexandre/Antoine Tournon, người viết số đầu tiên và là chủ bút 15 số báo”. Xem: http://tran-giao-thuy.blogspot.com/2012/10/nguoi-ta-lon-boi-vi-nguoi-quy-xuong.html

Vậy xin cung cấp phát hiện đáng quý này để bạn đọc cùng tham khảo (Bauxite Việt Nam).

 

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.