Giảm tải trích đoạn Truyện Kiều vì ‘trọng nam, khinh nữ’?

Trường Phong

Không thể tưởng tượng được thế kỉ này lại có thể tư duy cũ kĩ lạc hậụ kinh hoàng như ông Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Thế mới hiểu vì sao học trò sợ môn văn.

Bộ học ôi là Bộ học!

Nguyễn Quang Lập

Các quan chức TW gần đây phát ngôn gây sốc nhiều vô kể, có lẽ họ cũng muốn xì-can-đan, gây bão mạng để câu view chắc?

Càng nói kiểu “lãnh đạo” họ làm cho XH thêm ngao ngán: dốt như vậy mà ngồi ghế lãnh đạo cấp cao thì họ đưa đất nước này về đâu?

Phan Tường Ngan

Cục phó Cục Nhà giáo không làm đúng nhiệm vụ của mình lại đi thống kê những cái không đâu vào đâu trong SGK, thật là khôi hài. Tôi dạy văn, đặc biệt dạy Truyện Kiều, chưa bao giờ tôi nói với HS là: Truyện Kiều có ý trọng nam khinh nữ. Nói chính xác, trong cái xã hội PK trọng nam khinh nữ thì Truyện Kiều chính là tác phẩm thể hiện được quan điểm hiện đại của Nguyễn Du và Việt Nam, ngay từ thế kỷ XVIII đã có tư tưởng đấu tranh cho bình đẳng giới. (Cục phó làm không đúng nhiệm vụ của Cục, thể nào mà giáo viên chúng tôi khổ thế…). Hết bàn.

Vũ Kết

Sự thiếu hiểu biết về giới dẫn đến những nhận xét ngô nghê máy móc như thế này. Buồn cho các nhà giáo dục VN. GS. Nguyễn Minh Thuyết nói đúng, chúng ta phải tôn trọng lịch sử. Nhưng người thầy phải biết chỉ ra vấn đề và phân tích về những nguyên nhân của bất bình đẳng giới ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Lồng ghép giới không có nghĩa là lược bỏ những bài không nói đến phụ nữ hay [ngay cả] những bài đánh giá thấp phụ nữ. Ngược lại, những bài đó càng phải được đưa vào để chỉ ra nguồn gốc của bất bình đẳng giới ở VN.

Khuat Thu Hong

Không hiểu cái đám cán bộ quản lý giáo dục bát nháo này ở đâu ra lắm thế dưới thời… Tổng trưởng ngọng líu lo. Chán mớ đời văn nhà trường ơi!

Dục Tú Đào

TP – Trong một hội thảo mới đây, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sách giáo khoa dành cho bậc học phổ thông hiện hành còn nhiều yếu tố mang bóng dáng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Có nhiều biện pháp thay đổi điều này, kể cả việc giảm tải, lược bỏ một số tác phẩm, trong đó có trích đoạn của kiệt tác Truyện Kiều.

Trao đổi tại hội thảo, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, SGK dành cho bậc học phổ thông hiện hành còn chứa nội dung, hình ảnh mang tính khuôn mẫu về giới, chưa cập nhật kịp thời những thay đổi theo xu hướng tích cực về vai trò, vị thế, sự tham gia và đóng góp của nam, nữ… trong đời sống xã hội và được xem là yếu tố dẫn đến định kiến về giới. Theo ông Tự, đầu tiên là mất cân đối nam nữ ở số lượng tác giả trong sách; thứ hai là mất cân đối tỉ lệ nhân vật nam, nữ trong sách.

Cùng với đó, hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam, nữ chưa phản ánh kịp thời xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Ông Tự dẫn kết quả rà soát 76 cuốn  sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản, trong đó, nam giới chiếm tới 69%. Trong 7.897 nhân vật trong các hình ảnh, nam giới cũng chiếm 58%. Hơn nữa, những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng thì 95% là nam. Cùng với đó, càng lên cấp học cao, thì sự chênh lệch tỷ lệ giữa nhân vật nam, nhân vật nữ càng lớn.

clip_image002

SGK giảm tải trích đoạn Truyện Kiều vì “trọng nam, khinh nữ”?

Ngoài ra, trong sách giáo khoa, các nhân vật nữ thường làm những công việc về nông nghiệp, chăm sóc động vật, trồng cây cối, làm việc nhà, nấu ăn, mua sắm ở chợ, làm cô giáo hoặc nhân viên bán hàng, trong đó, nam giới đều có nghề nghiệp cụ thể, đa dạng hơn như kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, công an, bộ đội…

Ông Tự cho biết, trong chương trình cải cách phải đảm bảo các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa mới. Một trong những chỉ tiêu đưa ra là nội dung, chương trình sách giáo khoa phổ thông mới được điều chỉnh, loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong phần phụ lục báo cáo ông Tự trình bày ở hội thảo đề cập đến bộ sách Ngữ văn THCS và THPT, liệt kê hàng loạt tác phẩm thời Trung đại phản ánh xã hội phong kiến trọng nam, khinh nữ, có hàng loạt văn bản đọc hiểu đề cập đến thân phận người phụ nữ đau khổ, bất hạnh, đáng thương. Trong đó, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương); Chinh phụ ngâm khúc; Chèo Quan âm Thị Kính; Hịch tướng sĩ; Chuyện người con gái Nam Xương; Truyện Kiều; Sử thi Đăm săn; Độc Tiểu Thanh ký; Tự tình (Hồ Xuân Hương); Tức nước vỡ bờ (Ngô Tất Tố); Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng); Thương vợ (Tú Xương); Vợ nhặt (Kim Lân); Vợ chồng A pPhủ (Tô Hoài); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Theo báo cáo, một số nội dung này đã được cân nhắc và đưa vào nội dung giảm tải như “Sau phút chia ly” (Chinh phụ ngâm); Chèo Quan âm Thị Kính; một số trích đoạn trong Truyện Kiều như Mã Giám Sinh mua Kiều; những câu hát than thân trách phận… Một số tác phẩm đề cao chí làm trai trong thời loạn, đối lập với thói nữ nhi thường tình như Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn); Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão); Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu) được đánh giá là đặc điểm chung của văn học Trung đại, nếu tước bỏ thì học sinh không hình dung được đặc trưng quan niệm, tư tưởng của con người thời này.

Trao đổi xung quanh nội dung giới và bình đẳng giới trong sách giáo khoa, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới cho rằng, quanh vấn đề một số tác phẩm văn học nổi tiếng bị cho là có nội dung mất cân bằng giới, trọng nam khinh nữ và một số đã bị giảm tải, trong đó có cả trích đoạn Truyện Kiều, ông Thuyết cho rằng, không nên loại bỏ, mà phải đổi mới phương pháp dạy học để học sinh phát biểu quan điểm cá nhân về các vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

“Xã hội Việt Nam còn nhiều vấn đề nên người ta phản ánh đúng thực tế. Vấn đề là học sinh mới nhận thức như thế nào. Ví dụ truyện Chiếc thuyền ngoài xa, một người phụ nữ bị chồng hắt hủi thậm tệ lại cố bảo vệ hạnh phúc thì quan điểm của học sinh như thế nào? Các em phải phân tích nguyên nhân và nên làm như thế nào cho đúng?”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết cho rằng, nhìn nhận theo hướng “trọng nam, khinh nữ” là theo hướng nghiên cứu, còn khai thác tác phẩm thì học sinh thế hệ bây giờ phải có quyền phát biểu ý kiến. “Chỉ thấy tác phẩm như thế, không thể kết luận sách giáo khoa chênh lệch về tỷ lệ nam, nữ”, ông Thuyết nhấn mạnh.

T.P.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/giam-tai-trich-doan-truyen-kieu-vi-trong-nam-khinh-nu-1182942.tpo

Đọc thêm:

VN: Nhiều người không tin vào cải cách giáo dục

clip_image004

Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images

Một chuyên gia của Bộ Giáo dục Việt Nam bình luận với BBC rằng nhiều người ở Việt Nam hiện nay “không tin tưởng vào cải cách giáo dục” đang được đề xuất.

TS Mạc Văn Trang thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một hội nghị ở Budapest rằng nhà nước Việt Nam năm nay lại đưa ra một cải cách đổi mới chương trình giáo dục, nhất là sách giáo khoa và tập huấn giáo viên.

“Tuy nhiên, rất nhiều người không tin tưởng [vào đề án cải cách này] vì cách làm vẫn như cũ, hướng đi vẫn như cũ và tư duy và thể chế không có gì thay đổi”, TS Mạc Văn Trang nhận định.

Video TS Mạc Văn Trang nói về cải cách giáo dục VN

Theo TS Trang, có nhiều bài báo đưa tin chi phí để làm chương trình sách giáo khoa mới là khoảng 70-80 triệu USD. Nhưng ông nói có “ít hy vọng là nó sẽ tốt hơn” vì “toàn bộ hệ thống bị sai lệch hết cả và không vượt lên được”.

Ông cho rằng vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam là phát triển số lượng rất lớn nhưng chất lượng thì không đảm bảo, không đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như như cầu của xã hội.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là “trì trệ quá và rất khó thay đổi”, TS Trang kết luận.

Theo truyền thông Việt Nam, lộ trình triển khai thực hiện áp dụng thay sách giáo khoa mới cho tất cả các lớp của Bộ Giáo dục sẽ được tiến hành từ năm 2018 và hoàn tất vào năm 2023 theo hình thức cuốn chiếu.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu: “Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”.

Cụ thể dự kiến lộ trình triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới như sau:

– Năm học 2018 – 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10

– Năm học 2019 – 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11

– Năm học 2020 – 2021: Lớp 3, lớp 8 và lớp 12

– Năm học 2021 – 2022: Lớp 4, lớp 9

– Năm học 2022 – 2023: Lớp 5

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41134922

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.