Tiếng nói sinh viên: Cử nhân không hơn gì Tú tài

Sáng mở báo ra, thấy tờ báo nào cũng chạy tin trang nhất về chuyện hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi rất quan trọng mà báo Tuổi trẻ ra ngày 01.06.2010 gọi là “vượt vũ môn”.

Tôi lại nhớ đến 4 năm trước, năm 2006, khi tôi còn là học sinh lớp 12. Cũng như các bạn học sinh lớp 12 bây giờ, tôi cũng phải học tối tăm mặt mũi, học đến mất ăn mất ngủ, học phờ phạc đến rạc cả người để cố gắng cho qua kỳ thi tốt nghiệp và đại học.

Lớp tôi là lớp chọn, học chuyên về ban D, nghĩa là Toán  – Ngữ  – Anh văn. Tôi rất thán phục những bạn học ban C là Văn – Sử – Địa. Năm ấy thi tốt nghiệp 6 môn là Văn – Hóa – Sử – Địa – Toán – Anh.

Tôi rất sợ môn Sử nên chọn ôn đầu tiên. Ngơi tay phút nào là tôi ôm cuốn sách giáo khoa ngồi “tụng” (kinh) lúc đó. Chưa hết, tôi còn liệt kê những trận đánh quan trọng vào tờ giấy ticke rồi dán khắp phòng để nhìn đâu cũng thấy Sử. Mẹ tôi thấy tôi học môn Sử khổ quá bèn bày cho tôi “chiêu” ghi âm. Nghĩa là ghi âm bài học vào một cuốn băng rồi mở nghe cả ngày kiểu như… nghe nhạc vậy. Tôi nghe được một ngày, sang ngày thứ hai thì muốn tẩu hỏa nhập ma bởi… nhức lỗ tai quá. Thấy vậy, bố tôi gọi tôi vào phòng, đóng cửa lại, và bắt đầu kể chuyện lịch sử để tôi dễ… liên tưởng mà thuộc bài. Bố tôi đi bộ đội gần 10 năm thời chống Mỹ nên biết khá nhiều chuyện chiến trường. Chuyện của bố hấp dẫn thật nhưng càng ngày, bố càng la đà vào những chuyện riêng tư, mà thi tốt nghiệp thì có ai hỏi chuyện cá nhân đâu.

Tôi quay lại cách học truyền thống và bắt đầu nhồi vào sọ những tháng ngày quá vãng, những sự kiện chưa một lần trải qua, những tên tuổi, con người chưa một lần gặp mặt. Nhiều đêm ngồi ê a những con chữ vô hồn mà tôi ước gì không có… lịch sử. Những buổi sáng tinh mơ còn đang ngủ vùi bị mẹ gọi giật dậy học Sử tôi thấy sợ như sợ một oan hồn.

Rồi kỳ thi ấy cũng qua, tôi được 5 điểm môn Sử, vừa đủ để qua rào. Tôi sút mất 3 ký. Và đó là kỳ thi hãi hùng nhất đời tôi, tính tới bây giờ. Tuy nhiên, khi đọc báo Sài Gòn tiếp thị ra ngày 31.05.2010, tôi biết mình vẫn còn “phúc” lớn. Báo viết: “Trường hợp của học sinh N.V.Đ quận Thủ Đức mà chúng tôi ghi nhận được tại phòng khám bệnh viện Tâm thần là một ví dụ. Đều là giảng viên đại học, tiêu chuẩn của cha mẹ Đ. là muốn con phải đậu đại học Bách khoa hạng… thủ khoa và sang Úc du học. Để đạt được điều đó, đòi hỏi Đ. phải thi tốt nghiệp đạt loại giỏi. Và đó có thể là nguyên nhân làm nên bộ dạng của cậu học trò này: nước da nhợt nhạt, xanh xao cùng một chiếc mắt kiếng dày cộp, đôi mắt lờ đờ. Từ đầu tháng Tư đến nay, mẹ Đ. luôn phải đưa cậu đến khám ở bệnh viện Tâm thần”.

“Mẹ Đ. cho biết thêm, có những đêm Đ. ngủ say nhưng miệng vẫn đọc bài thành tiếng! Bác sĩ phê vào sổ khám bảo hiểm: “Điều trị loạn thần”.

Học đến loạn óc loạn trí thì thủ khoa sao được hả trời!

Rồi tôi vào đại học, học ngành báo chí. Vào ngày thi môn cuối cùng, một người thầy hỏi tôi rằng: “Suốt 4 năm đại học, có bao nhiêu người thầy dạy em mà em cho là được?” Được ở đây nghĩa là người thầy đó dạy đúng trọng tâm môn học, truyền đạt cho sinh viên những kiến thức cơ bản về môn học đó và nhất là dạy cho họ những kỹ năng kèm theo để “tiêu hóa”  mớ kiến thức đã học. Rất nhanh chóng, tôi trả lời ngay: “Thưa thầy, chỉ có hai người”. Thầy tôi trố mắt nhìn tôi hỏi ngược lại, giọng chua chát: “Hai người thôi sao?”

Tôi mài đũng quần suốt 4 năm trên ghế nhà trường, học 60 môn đủ các loại với trên 50 thầy cô đủ mọi bằng cấp nhưng tôi chỉ thấy có hai người xứng đáng gọi là Thầy. Hai người Thầy của tôi ngoài việc dạy học, còn dạy cho sinh viên cách phân tích, tư duy và phản biện một vấn đề. Đó là kỹ năng quan trọng nhất mà bất kỳ một nhà báo nào cũng cần có trong khi tuyệt nhiên các thầy cô khác không đả động tới. Nhưng quan trọng hơn, đó là hai người duy nhất dạy sinh viên viết báo phải có chữ “Nhân”. Tôi không biết những bạn học cùng khóa với tôi “chấm” được bao nhiêu ông Thầy, nhưng với tôi, chỉ có hai người. Một tỉ lệ quá khiêm tốn và xấu hổ. Cha ông có câu: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.  Tôi chỉ có hai, vườn cây thì cũng không đúng mà núi cao thì càng không phải. Có lẽ chỉ ở lưng chừng, một cái gò.

Cho nên, không có gì lạ nếu một ai đó cầm trên tay tấm bằng Cử nhân mà lại tính toán phần trăm không được, viết sai chính tả hay chẳng tỏ tường lịch sử như bài báo “Vài góp ý về giáo dục đại học” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn đăng trên tạp chí Tia sáng ngày 22.12.2006: “Tôi đã có dịp chứng kiến nhiều sinh viên Đại học xuất hiện trên tivi trong một chương trình có tính “đố vui để học” làm một con toán theo quy tắc tam suất hay tính toán phần trăm chưa rành, còn ở những sự kiện văn học quan trọng, không viết nổi những câu văn cho đúng ngữ pháp, hay thậm chí viết sai chính tả… Tôi tin rằng trình độ và kiến thức của các cụ Tú tài ngày xưa (thời Pháp thuộc) chắc chắn cao hơn phần lớn các anh chị Cử nhân ngày nay”.

Chẳng riêng gì tôi 4 năm trước đây, bây giờ, hơn 1 triệu em học sinh lớp 12 cũng đang trầy da tróc vảy cố “vượt vũ môn” thành công để tìm một chỗ ngồi trên ghế giảng đường đại học. Đành rằng học phí Việt Nam là thấp nhất thế giới (khoảng 150.000USD/năm, 2007) theo phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhưng nếu suốt 4 năm đại học chỉ được học có hai ông thầy hẳn hoi thì mức học phí này quả là quá đắt. Thà rằng, học ở một trường quốc tế với mức học phí cao mà thâu lượm được những kiến thức, những kỹ năng hơn hẳn học sinh tốt nghiệp cấp 3 và xứng đáng với hai chữ “Cử nhân” thì cũng bõ. Đằng này, học với mức học phí “bể” trần mà chẳng khác gì “cụ tú ngày xưa” thì học đại học làm gì không biết.

TV

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.