Thế nào SANG, thế nào SẾN?

Đinh Phương

Ca sĩ, cựu Thứ trưởng Trung Kiên cực lực chê các bài hát bolero, xếp nó vào thứ mà ở miền Bắc 1954-75 bị chính quyền coi là “nhạc vàng” và ra tay cấm đoán. Người ta nhớ, ông Trung Kiên đã thành danh với dòng nhạc mà hiện giờ gọi là “nhạc đỏ”, nếu không có thành tựu ca hát nhạc đỏ, ca sĩ Trung Kiên đã chẳng thể nào được cất nhắc vào chức quan kể trên.

Nhưng để nói về tác dụng xã hội của dòng nhạc đỏ VN, các ông như ông Trung Kiên nên nghĩ đến ý nghĩa của dòng nhạc đỏ, như đã có người nghĩ về dòng thơ đỏ VN. Một viên tướng tầm cỡ của “thơ đỏ” VN là Chế Lan Viên đã ngẫm lại về nghệ thuật của mình:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong

Nói trắng ra, ca hát của loại ca sĩ như ông Trung Kiên những năm 1960-75 cũng chỉ là cổ võ người ta ra trận và sẵn sàng hy sinh không tiếc mạng mình, cho cái gì và cho những ai, thì nay đã rõ…

Cho nên hãy suy nghĩ cho kỹ: bên trong các danh hiệu mà đám nghệ sĩ thành công như ông Trung Kiên, bên dưới cái ghế quan chức của ông ta – là có máu dân thường đó.

Gần đây, những lúc nghe một vài ông nhạc sĩ lên đài vẫn lấy giọng say sưa sung sướng kể đã viết những bài nhạc trong có những câu… đồi A đồi B xác Mỹ xác Ngụy chất đầy… – ta bỗng cảm thấy đang nghe những tay thợ cả của Thần Chết cao giọng về thành tựu chế ra vũ khí giết người hàng loạt…

Lại Nguyên Ân

Trước hết, để định nghĩa được „nhạc sang“ thì dĩ nhiên người ta phải có loại nhạc khác gọi là „không sang“. Thay vì định nghĩa nhạc sang, chúng ta định nghiã nhạc „không sang“.

Nhạc „không sang“ hiểu ra là nhạc bình dân, còn gọi là nhạc „mùi“, rồi theo định kiến được/bị gọi là nhạc „sến“. „Nhạc sến“ là loại nhạc thường được viết theo thể điệu slow hay Habanera, Bolero, đặc sản của miền Nam, xuất hiện sau năm 1954 từ khi có cái gọi là tân nhạc, là luồng nhạc „ăn theo“ cải lương và dân ca miền Nam, chất phác, thật thà và gần gũi. Nói không ngoa thì nhạc „sến“ là dân ca miền Nam. Còn dân ca miền Bắc là ca trù, hát chầu văn v.v…, và dân ca miền Ttrung thì có các bài hò, lý… v.v….

Người ta đang tách tân nhạc dân ca miền Nam ra và quy thành loại nhạc „sến“ với ý miệt thị. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có tân nhạc dân ca miền Nam, tức „nhạc sến“ mới bị quy chụp là „sến“, còn các loại dân ca khác thì tại sao lại không „sến“ không „sùi“?! Thời trước năm 1975, chữ „nhạc sến“ là một từ để „nựng yêu“ chứ không như ngày nay, kỳ thị và sân si!

Một thực tế nữa là doanh thu „nhạc sến“ chiếm 70% thị trường băng dĩa ca nhạc. Câu hỏi chưa có được câu trả lời cho đàng hoàng là tại sao ca trù, chầu văn, hò, lý, v.v… cũng là dân ca mà còn được nâng đỡ bảo tồn, được ghép chung vào với loại „nhạc sang“, trong khi người ta chỉ nhắm vào „nhạc sến“ để miệt thị vả giới hạn? Phải chăng „nhạc sến“ không phải là văn hoá của người Việt? Có phải vì sức hút của nó đối với quần chúng làm „ngứa mắt“ những ai đó?

Một điều chắc chắn là cái đầu tiên mà các nhạc sĩ phải định hình khi sáng tác một bài hát mới đó chính là thể điệu. Và cũng có thể khẳng định rằng các nhạc sĩ viết „nhạc sến“ đã không tự chọn thể điệu bolero (hoặc habanera, slow) cho loại nhạc này, mà do họ nắm bắt được cảm xúc của đa số (70%) khán thính giả hướng về những loại thể điệu này nên họ đã dựa theo đó mà sáng tác. Còn nếu bảo 70% dân tôi „sến“ và „ngu“ thì chúng tôi cam chịu.

Dù không được khuyến khích – kể cả bị cấm đoán – thì „nhạc sến“ đã và đang đi đến tận cùng ngõ nghách của quê hương sứ xở, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây, trong khi các loại dân ca khác cũng chỉ quanh quẩn trong vùng miền của mình, còn được bộ này bộ kia bảo trợ. Để tự sướng chăng?

Người ta cho rằng „nhạc sến“ uỷ mị. Thực chất mà nói rằng tình yêu thì đẹp nhưng con người càng yêu nhiều càng yếu đuối nhiều, và nhạc sến cũng chỉ thể hiện đúng tâm lý tình cảm ở mọi mặt một cách bộc trực và chân thật: „Hồn lỡ sa vào đôi mắt em…“, hoặc „Hẹn chiều nay mà sao không thấy em…“, hoặc „Năm 17 tuổi em đi lấy chồng…“, hoặc „Đôi khi trộm nhìn em, xem dung nhan đó chứ bây giờ ra sao…“, v.v…

Và nhiều bài hát còn thể hiện tính nhân văn trong đó như: „Tiền khô cháy túi có ai hiểu cho…“ hoặc „Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó…“ hoặc „Đập vỡ cây đàn, giận đời, đập vỡ cây đàn…“, v.v….

Trong khi nhạc sến thánh thiện (chứ không phải vàng vọt). Một ví dụ: „Sến“ mà sang…

Xin xem ở đây:

https://www.youtube.com/watch?v=AxeMwgXxZtk&list=RDAxeMwgXxZtk#t=3194

clip_image002

(Hình 1 – Ca sĩ Bolero Quỳnh Trang)

…thì ngược lại có một dòng nhạc khác ma mị đang tìm cách luồn lách vào đời sống của thế hệ trẻ, núp bóng dưới cái tên „Dân gian đương đại“, còn được cả đài truyền hình cấp nhà nước VTV3 pro cho chương trình biểu diễn. Từ bản chất nó đã không đưa ra được một thông điệp văn hóa văn nghệ khả dĩ nào, trái lại còn làm cho giới trẻ yếu bóng vía không những mất phương hướng, bị trụy lạc, mà còn nuôi cấy sự ma mãnh và ác tính vào con người:

Xin xem ở đây (và xin tự bình phẩm):

https://www.youtube.com/watch?v=3Kw5fZjIAvY&sns=fb

clip_image004

(Hình 2: Thảm hoạ âm nhạc)

Đây nữa! Mồ chôn một số „Diva“ và „Divo“:

https://www.youtube.com/watch?v=x1yR17AVeVU&sns=fb

clip_image006

(Hình 3: Tùng Dương+Thanh Lam+ Nguyên Thảo: Bài ca con nhện)

Và cũng thật khó hiểu khi một số „người lớn“ có „số má“, là „cây đa, cây đề“ lại tỏ ra muốn giới hạn món ăn tinh thần được ưa thích của ít nhất 70% công dân:

Xin xem ở đây:

http://soha.vn/nsnd-trung-kien-toi-khong-ung-ho-va-nghi-khong-nen-phat-trien-manh-nhac-bolero-20170823094223412.htm

clip_image008

(Hình 4: NSND Trung Kiên: Tôi không ủng hộ và nghĩ không nên phát triển mạnh nhạc Bolero!)

Và cuối cùng, những ai thích „nhạc sến“ thiết nghĩ cứ mạnh dạn thích, không phải ngại ngùng hay tự ti che giấu bởi nó không có ác tính. Cái „Đương đại“ kia mới cần phải che mặt. Bótay.com

Đ.P.

Tác giả gửi BVN

Đọc thêm:

Hai bài viết cách đây 7 năm (đăng BVN ngày 15/8/2010):

Ám ảnh nhạc vàng trong đời tôi

Nguyễn Huệ Chi

clip_image009

Bài viết của Nguyễn Tuấn Ngọc “Yêu nhạc vàng: Máu và nước mắt” tình cờ đến với tôi gần đây làm cho tôi rất đỗi bàng hoàng. Bởi tôi là một kẻ yêu nhạc vàng từ bé. Các chị Táo Hương, Cần Hương con người bác ruột từ Trường Đồng Khánh Huế tản cư về Chi Gia Trang năm 1946 đã đem về cho anh em chúng tôi cả một trời mơ mộng qua rất nhiều bản nhạc mà các chị hát: Thiên Thai, Giọt mưa thu, Chùa Hương, Cô láng giềng, Biệt ly, Đàn chim Việt… và cả những bài hát Hội Hướng đạo mà các chị có tham gia, trong khi trong tôi thuở đó cũng đã đầy ắp âm hưởng thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can, Nguyễn Bính… mà tôi nhập tâm trên giá sách Mộng Thương thư trai từ lúc mới lớn lên.

Suốt trong kháng chiến chống Pháp chúng tôi vẫn hát nhạc vàng trên đường tản cư cùng bố tôi khắp những nơi cơ quan ông đóng. Tôi không thể quên một buổi chiều mùa thu năm 1949, ba bố con đi chơi thị trấn Nam Đàn trở về ngôi nhà mình ở nhờ tại làng Vân Diên, khi qua cái barrage trên con sông đào trong vắt nhìn thấy lướt qua mặt mình là một người trai trẻ có hai công an đi kèm. Tôi còn nhớ như in dáng anh ta mảnh khảnh thư sinh, mặc bộ quần áo tây màu tím gụ, mặt trắng, đôi mắt sáng nhưng buồn rười rượi. Bỗng nhiên khi đi sát thành barrage anh ta vụt chồm người lên nhảy một cái. Và chúng tôi nghe dưới sông một tiếng khô khốc dội lên không phải là tiếng ùm của nước. Ba bố con cùng chạy tới nhìn xuống, kinh hãi thấy dưới sâu kia anh ta nằm duỗi thẳng trên tấm bê tông đúc dài theo mặt nước nối với hai bờ sông đào mà hàng ngày người dân vẫn xuống đấy ngồi giặt giũ quần áo, đầu ràn rụa những máu, chân đang giãy những cái cuối cùng. Một cái gì đắng ngắt ứ lên trong cổ, ba bố con lầm lũi đi về không ai nói với ai một lời. Tối hôm ấy không người nào ngủ được, cái chết như một cái gì bí hiểm lần đầu tiên ám ảnh tôi ghê gớm, và những số phận oan khuất như anh Tịnh ở cơ quan bố tôi, cả nhà bị chết khó hiểu ngay từ đầu cuộc cách mạng tháng Tám mà tôi nghe bố tôi và các chú trong cơ quan thầm thì kể chuyện, lần lượt diễn ra trong óc. Bỗng bố tôi cất tiếng hát, hát đi hát lại chỉ một đoạn:

Qua lá cành
Ánh trăng lan dịu dàng
Ru hồn bao nhớ nhung
Đêm lắng buồn
Tiếng thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ
Làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta phiêu diêu theo mây trắng trôi lơ lửng
Ngàn muôn tiếng réo rắt côn trùng như than như van mơ hồ theo gió lan.
Trăng xuống dần
Cỏ cây thêm âm thầm
Đông buồn trong ánh sao
Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng
Lay hồn ta rồi tan…”

Tôi và em tôi nằm im thin thít, cảm được trong tiếng hát của bố có tiếng lòng của chính bố mình tuy không hiểu ông đang nghĩ gì.

Sang năm 1950, một trận bom do Pháp oanh kích Nam Đàn thảm khốc đúng lúc chớm vào hè, địa điểm trường tôi là nơi tuyển lục quân nên cũng là mục tiêu của máy bay Pháp. May chúng tôi đều đã học xong vừa về đến nhà nên cả mấy anh em đều thoát chết trong gang tấc, chỉ phải một ngày nằm bẹp dưới hào giao thông và nhịn đói lép ruột. Bố tôi thì thay mặt cơ quan đi dự một phiên tòa cách Nam Đàn 12 cây số từ sớm. Khi nghe tiếng máy bay rồi tiếng bom ông biết Nam Đàn đã bị oanh tạc liền cấp tốc đạp xe về. Ông vượt qua giữa biển lửa, nấp tránh nhiều đợt bom và đạn dum-dum của máy bay làm tung quán xá, nhìn thấy những xác người cháy, những thây người bị hất lên không, cuối cùng về đến nơi chúng tôi ở an toàn làm mấy mẹ con đang khiếp hãi bỗng mừng rỡ như có cứu tinh. Nhưng sau 8 đợt quần thảo, máy bay ngừng, ai nấy trở lên nhà lấm láp phờ phạc, không còn buồn ăn uống. Tối đó sau khi ổn định xong nhân số, gói buộc hết đồ đạc tài liệu, cả cơ quan lại phải thuê đò di chuyển suốt đêm xuống xã Hùng Tiến dưới Rú Ghềnh. Chúng tôi đều mệt rã rời. Vậy mà giữa mặt sông Lam mênh mông, trong màn sương rất dày, ánh trăng vẫn hiện lên chiếu xuống nước thành những vệt lấp lóa. Bố tôi và các chú trong cơ quan ngồi trên mui mấy con thuyền đi sát nhau thốt nhiên cùng cất lên tiếng hát, hát bất kỳ bài nào, toàn là nhạc vàng quen thuộc: “Đêm nay thu sang cùng heo may / Đêm nay sương lam mờ chân mây / Thuyền ai lờ lững trôi theo dòng…”; “Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh / Dưới trăng giữa mùa thanh bình… / Đưa chân dồn bước bên cầu… giã từ mấy câu…”; “Ai về thành đô tôi gửi vài lời / Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó / Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà / Đi học về qua luôn hát vui ca…”; “Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước / Hy sinh ta quyết mong báo đền ơn nước / Dù thân này tan tành giữa sa trường cũng cam / Nguyện trung thành với sơn hà nước Nam”… Tiếng hát rạo rực như muốn giãi bày những cảm xúc buồn vui xen lẫn đang trào dâng của hơn chục con người hòa vào nhau, âm vang cả mặt sông khiến cho ấn tượng về một cuộc ra đi sau một ngày bom đạn chết chóc găm chặt vào tâm hồn tuổi trẻ mấy anh em tôi không thể nào quên.

Năm 1951 tôi ở trọ tại xã Hùng Tiến để học trung học ở Trường Tân Dân Nam Đàn. Là một học sinh giỏi, quanh tôi có rất nhiều bạn, nhiều nhất là các bạn nữ đồng tuổi mà tôi chỉ gọi tên hoặc hơn tuổi thì gọi bằng chị. Các bạn và các chị thường đến dạy cho tôi hát, tôi nhớ nhất là chị Diệu Khanh có giọng hát rất hay. Khi lớp học kết thúc, nhà trường cho đốt lửa trại suốt đêm. Rồi gần sáng chúng tôi bịn rịn chia tay. Trước lúc tôi quay về Hà Tĩnh không bao giờ trở lại, nhóm bạn nữ tập hợp nơi tôi trọ, tôi và Diệu Khanh cùng hát với nhau bài Nụ cười sơn cước, nước mắt thầm chảy trong lòng: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi / mây mờ buông xuống núi đồi / và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời…”.

Đến khi ra Hà Nội học Trường đại học Tổng hợp (1956), ở trọ tại xóm Thanh Nhàn Ô Đống Mác, bắt đầu biết yêu, tôi vẫn thường được nghe qua hàng rào dâm bụt giọng ngân rất vang của cô bạn hàng xóm mà mình thầm nhớ và hình như cũng nhớ trộm mình nhưng không ai chịu thổ lộ, hát bài Ngậm ngùi do Phạm Duy phổ nhạc thơ Huy Cận: “Sợi buồn con nhện giăng mau / Em ơi cứ ngủ anh hầu quạt đây…

Rồi về Viện Văn học tôi lại vẫn hát nhạc vàng trong khi bạn bè tôi ở Viện hát các bài hát Nga du dương và tất nhiên tôi cũng rất thích các bài đó, nhất là trong tốp hát có người yêu của tôi. Tôi hát mà các vị lớn tuổi vẫn nghe, vui vẻ nghe, không ai tỏ ý ngăn cản cả.

Cuối năm 1968 trong đêm bế mạc Lớp đại học Hán học tại nơi sơ tán, tốp ca của chúng tôi lên trình diễn bài “Chỉ còn đêm nay đôi ta sẽ chia tay / Đường ven lối vắng sánh bước tay cầm tay…”. Bài hát vốn nghe từ Đài Sài Gòn, chúng tôi học thuộc và tập cho nhau, chẳng kể không ghi lại được nhạc để hát thật đúng nhịp. Trong tốp ca này có tôi cùng với người tôi yêu – một tình yêu câm lặng tuy cả hai đều biết rõ những gì không nói thành lời.

Cuối những năm 70 lại một tình yêu sét đánh mà tôi không cưỡng được, một tình yêu đã để lại một món nợ lớn trong đời khiến tôi không bao giờ trả hết. Chúng tôi, mấy anh chị em trong Ban văn học Cổ cận thường mở những băng nhạc vàng để nghe chất giọng trầm ấm của Sĩ Phú: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu…”; hay tiếng hát lanh lảnh quyến rũ nhưng hơi sến của Giao Linh: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu ?/ Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu / Kìa rừng chiều âm u rét mướt / Chờ người về vui trong giá buốt người về bơ vơ…”. Nhưng tôi có một bài hát riêng không băng nhạc nào có mà nàng lại rất thích vì mấy chị em trong nhà nàng từng hát từ nhỏ, còn tôi thì nhập tâm ngay từ trước 1945: “Bao tháng ngày xa vắng trôi còn đây nếp trường xưa / Xa vắng càng thiết tha mong bên mấy khung song thưa / Say ngắm từng gian lớp xinh lòng xao xuyến tình thơ / Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười / Cây bàng xưa đây lá tốt xanh tươi / Trạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi / Trông khắp trường thấy khác xa từ hiên trước tường sau / Nay biết tìm bóng ai kia trong trí tôi in sâu / Ngao ngán thời gian khác xưa ngày nay biết tìm đâu…”.

Vậy là trên cả chặng đường dài của cuộc đời tôi, dù sống giữa miền Bắc cách mạng, mọi tình cảm lãng mạn bị triệt tiêu tận gốc, không hiểu sao nhạc vàng vẫn tự do theo tôi trên suốt mọi hành trình. Không chỉ có tôi mà anh tôi, Từ Chi, cũng vậy. Hồi trẻ anh ấy hát rất hay, đã từng dạy cho lũ trẻ chúng tôi ở Mộng Thương thư trai vào khoảng năm 1952 nhiều bài hát vàng anh đem từ mặt trận về khiến chúng tôi mê đắm: “Mời anh vệ quốc dừng chân bên quán / Từ miền chiến chinh bụi đường nhuốm tấm áo nâu…

Đến năm 1977, lúc đó nhạc vàng vẫn bị cấm rất ngặt, một hôm anh đến nhà tôi, lôi từ trong túi ra một băng cassette bảo tôi mở cho anh nghe. Thì ra một băng nhạc tiền chiến của miền Nam, nghe đi nghe lại có đến hàng trăm lần nên âm thanh đã rão hết. Nhưng tôn trọng anh tôi vẫn ngồi cùng anh để anh say sưa đắm chìm vào mộng tưởng, trong khi tôi có hai băng Sơn ca giọng hát Khánh Ly và Lệ Thu trong vắt, đêm đêm vẫn cùng vài bạn ở Viện như Phúc, Huấn cùng mở ra nghe mê mệt, vậy mà không dám đem ra trình anh, sợ anh cụt hứng với băng nhạc cũ kỹ của mình. Anh nói với tôi: “Nhạc vàng là musique d’Or, không phải musique jaune như bọn Maoiste nói bậy. Chính bọn ấy truyền tư tưởng này sang ta khoảng năm 1953 làm cho ông Lành lên án nhạc vàng và từ đấy không ai dám hát nữa” (một người anh vợ của tôi gần đây cũng nói với tôi những điều hệt như vậy).

Đọc bài viết của Nguyễn Tuấn Ngọc tôi cứ tự hỏi: Không hiểu sao tôi lại không rơi vào tấn thảm kịch mà cùng một thời gian tôi đang hồn nhiên hát hoặc nghe hát nhạc vàng ở Viện thì các anh Nguyễn Thắng Toán, Nguyễn Văn Đắc và Nguyễn Văn Lộc cũng hát và đã phải hứng chịu những đòn trừng phạt cay đắng? Ví thử chỉ một tình cờ nào đó thôi khiến tôi rơi vào cảnh ngộ các anh thi biết đâu sau mấy năm đi tù tôi cũng đã bỏ thân bên vệ đường không khác gì anh Toán – một cái chết tức tưởi chỉ vì một niềm đam mê không cưỡng được nó là cái quyền được bộc lộ thế giới sâu kín bên trong, một thứ đam mê không hạ thấp con người xuống mà nâng tâm hồn con người lên, có sức thanh lọc cho người ta trong trẻo hơn, giàu có hơn. Mà đam mê là một cái gì gắn với tạng mỗi người, cũng do từ truyền thống gia đình để lại, tù đày làm sao thay đổi được thứ thiên tính ấy? Cứ nghĩ thế lại thấy số phận mình còn may mắn và trên đời này, giữa cái xã hội đầy đủ nhân quyền như ông Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng nói, thì ra vẫn có nhiều oan trái đến lạ lùng.

Nhưng suy xét cho hết lẽ, tôi càng thấy biết ơn một môi trường như Viện Văn học mà tôi được sống ngày ấy (những năm 60-80 thế kỷ trước), một môi trường thật hiếm có, không hề xét nét khắt khe quyền tự do cá nhân của mỗi con người, miễn anh là người làm việc chuyên môn hết mình. Chúng tôi được quyền đọc và tự do trao đổi về các tác giả và tác phẩm bị Ban Tuyên giáo cấm lúc bấy giờ, chẳng hạn như Aimatov là một một nhà văn Kyrgyzstan rất hấp dẫn với tuổi trẻ nhưng báo chí được lệnh lên tiếng phê phán nặng nề và cấm đọc. Chúng tôi thảo luận Aimatov đến mấy ngày, tranh luận cả với vị Chi ủy viên là ông Hoàng Phê được cử đến tham dự và ông cũng chỉ đưa ra một vài gợi ý chứ không hề ép chúng tôi phải nghe theo luận điểm của ông. Có lẽ dưới con mắt trải đời và giàu lòng nhân ái của các vị lãnh đạo Viện có tri thức rất uyên bác thuở đó là Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, những người đầy kinh nghiệm trong việc xây dựng nhân cách lớp trẻ để họ trở thành những người có bản lĩnh học vấn và tư tưởng, chúng tôi đã có được cái may mắn không phải làm một loại “cây thế” giam chân trong chậu cảnh và chịu uốn tỉa rất nghiêm khắc, trái lại ngay từ đầu đã được dạn dày sương gió, được dành một mép lề phóng khoáng cho khoảng trời của những buồn vui, đau khổ riêng mình, và cho cá tính của mình dễ dàng trỗi dậy. Cũng vì thế, thế hệ chúng tôi không những được các vị chọn thầy chọn thợ đào tạo đến nơi đến chốn (nào Pháp ngữ, nào Hán học, nào lý thuyết và phương pháp văn học Tây Âu… ai học không nên thì người ấy chịu) mà nhờ được bảo lưu thiên tính, trong các biến động xã hội về sau, trừ một đôi trường hợp cá biệt, không thấy ai chịu “đánh mất mình”.

Tiếc thay, trong cơn đại hồng thủy của những “thoái trào” không thể cưỡng từ vài thập kỷ lại nay, đời sống tinh thần của ngành khoa học xã hội nói chung cũng như học phong của một Viện Văn học nói riêng, với không khí phóng khoáng và truyền thống khoa học nghiêm cẩn thuở xưa hình như đang bị hụt hẫng. Giới hạn của tự do tư tưởng đang bị thu hẹp lại và cách nghĩ giáo điều, nói theo một kiểu, trở lại thịnh hành. Có phải tôi đã quá già nua để trở nên lẩn thẩn chăng? Có phải đến một tuổi nào đấy người ta chỉ biết quay lại đằng sau với muôn vàn mặc cảm tiếc nuối mà quên mất ánh dương vẫn bừng lên phía trước theo cái lẽ tre già thì măng mọc? Thôi thì hãy cứ coi là như vậy.

NHC

Yêu nhạc vàng: Máu và nước mắt

Nguyễn Tuấn Ngọc

Với nhiều người Hà Nội, ‘vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước’, họ vẫn chưa quên được.

Người đàn ông Nguyễn Văn Lộc năm xưa trong vụ án này bây giờ là chủ quán Lộc Vàng tại ven đường Hồ Tây (Hà Nội).

Hồi đó anh Lộc và những người bạn vì quá mê nhạc tiền chiến nên đã thành lập nhóm nhạc để tụ tập hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong,… và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…

Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh bị bắt và tạm giam ở Hỏa Lò 3 năm. Vào các ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử gồm 7 thành viên. Tòa tuyên án Toán ‘xồm’ 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù… sau khi Hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù. Năm 1976 anh ra tù.

Anh Lộc thương nhất là anh Toán ‘xồm’ ra tù, mất hết tất cả, không nơi nương tựa, sống nhờ cậy bàn bè và sau đó anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.

clip_image010

Anh Lộc châm thuốc cho anh Phan Thắng Toán (Toán ‘xồm’) trước khi anh Toán mất. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Ra tù anh Lộc đi làm phụ hồ, nhưng tình yêu nhạc vàng, nhạc tiền chiến không hề nguội lạnh.

Anh quyết định mở quán Lộc vàng để hát dòng nhạc một thời được coi là ‘phản động’, nhưng anh coi đó là những tác phẩm quý hơn vàng. Bây giờ quán luôn đông khách và hằng đêm 3, 5, 7 dòng nhạc này vẫn cất vang với giọng hát đã đi qua âm nhạc Việt Nam với biết bao khổ đau. Máu và nước mắt.

clip_image011

Anh Lộc tại quán Lộc Vàng, nhớ lại một thời khổ đau của mình.

Khi nhắc đến người vợ mình, anh Lộc đã khóc. Người vợ đã mất vào năm 2002 và để lại cho anh 2 đứa con tiếp tục theo nghiệp âm nhạc. Người vợ đã yêu anh trước khi anh bị bắt và chờ đợi anh trong 8 năm ngồi tù để cưới anh. Anh Lộc nói anh phải đi vào Quy Nhơn để làm thuê kiếm tiền về cưới vợ. Anh nói không bao giờ anh gặp lại được một người phụ nữ như thế: hy sinh cả cuộc đời cho một người đàn ông như anh. Anh coi vợ anh là ‘người hùng’.

Vợ anh luôn thích anh hát bài ‘Niệm khúc cuối’ của Ngô Thụy Miên, và bây giờ anh không thể hát được bài hát đó nữa, vì khi anh cất lên thì anh lại vỡ òa khóc nức nở.

clip_image012

Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin ‘Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội: truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước’

Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm ‘Gửi người em gái’ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh hay bằng anh. Một giọng hát quá trữ tình và sâu lắng. Anh đã hát đúng bản gốc của tác phẩm này, vì anh cho biết nhạc phẩm đang được thu âm và hát lại bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát.

Hàng ngày, người đàn ông này vẫn hát lại những ca khúc cũ của một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao trầm luân. Nó cũng giống như số phận của anh Lộc khi trót mang kiếp cầm ca.

Tôi tự hỏi trong đám văn nghệ tào lao và khoe mẽ trên truyền thông hôm nay, có mấy ai có được phẩm giá và đam mê âm nhạc như anh Lộc?

(Người Việt / blog Face Book Nguyễn Tuấn Ngọc)

Ba Sàm xin mời bà con thưởng thức tuyệt phẩm “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên (http://anhbasam.com/)

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.