Hoa mắt với “ma trận” trạm thu phí khắp cửa ngõ đông bắc Sài Gòn

Văn Dũng

Các trạm BOT ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn thì “ma trận”, “dày đặc”, “bủa vây”, “chi chít”, “hút máu”, “mức phí… cao ngất ngưởng”, mạng nhện… càng dày hơn”. Người dân thì “ngày càng khốn đốn”, “than trời”, “khó thoát khỏi”, “nai lưng”, “kêu than”… Có vẻ dòng văn học hiện thực phê phán xã hội chủ nghĩa đang phát triển mạnh.

Bauxite Việt Nam

Đồng Nai và Bình Dương là hai tỉnh nằm ở phía đông bắc của TP HCM, nơi đây là cửa ngõ để đi vào Sài Gòn. Tuy nhiên, tại hai địa phương này, các trạm thu phí “mọc” lên dày đặc với khoảng cách gần nhau. Không chỉ vậy, nhiều trạm đã tăng giá vé khiến nhà xe ngày càng khốn đốn.

Nhiều năm qua, nhiều tài xế than trời vì mạng lưới trạm thu phí bủa vây tại cửa ngõ đông bắc của TP HCM. Theo các tài xế, để chạy xe vào được TP HCM, họ phải đi qua quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 1K hoặc cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, khi muốn đi qua các tuyến đường này thì các phương tiện phải qua các “cửa ải” là nhiều trạm thu phí được đặt với khoảng cách gần nhau. Dù tài xế có đi đường nào thì cũng khó thoát khỏi việc phải trả tiền phí khi qua trạm.

Tại Đồng Nai, các trạm thu phí được đặt chi chít trên quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 1K với hệ thống trạm thu phí đường bộ, cầu đường theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, quốc lộ 1 qua tỉnh này được Bộ GTVT cấp phép 2 trạm BOT là trạm quốc lộ 1 – tuyến tránh TP Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa – huyện Trảng Bom) và trạm thu phí cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa).

Anh Trần Anh Tuấn (tài xế xe tải) nói rằng quãng đường từ ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất – Đồng Nai) đi TP HCM chưa đến 80 km nhưng phải qua 2 trạm ở Đồng Nai và một trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ở quận 9 (TP HCM). “Mỗi lần qua trạm, tôi phải bỏ 75 nghìn đồng mua vé. Như vậy, mỗi chiều đi với quãng đường gần 80 km, tôi phải trả hơn 225 nghìn đồng” – anh Tuấn nói.

Còn theo ông Đặng Văn Điềm, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Biên Hòa, quãng đường trên áp dụng thu phí cả chiều đi lẫn chiều về nên tài xế phải chi một khoản phí không nhỏ mỗi khi vượt trạm. “Tôi có xe đầu kéo vận chuyển hàng từ Biên Hòa lên Sài Gòn và mỗi trạm đều phải mua vé với giá 120 nghìn đồng. Từ cầu Đồng Nai lên Sài Gòn có 2 trạm và cả đi lẫn về đoạn này ngốn mất 480 nghìn đồng. Mỗi tháng, tiền phí xe không dưới 10 triệu đồng” – ông Điềm cho biết.

Trong khi đó, quốc lộ 51 nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai cũng được tài xế mệnh danh là tuyến “hút máu” khi có đến 3 trạm thu phí. Trong đó, 2 trạm đặt tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và một trạm đặt tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành – Bà Rịa – Vũng Tàu). Một tài xế cho hay: “Từ Vũng Tàu đi TP HCM kiểu gì cũng tốn tiền qua trạm. Nếu lên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây ở thị trấn huyện Long Thành để về Sài Gòn thì tránh được trạm thu phí số 1 ở Tam Phước (Biên Hòa) nhưng lại phải mua vé trạm cao tốc”.

Theo Sở GTVT Đồng Nai, tỉnh này có 6 dự án BOT do Bộ GTVT cấp phép là BOT đường tránh TP Biên Hòa, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 51, quốc lộ 20 và dự án cầu Đồng Nai mới. Ngoài ra, tỉnh này còn có 4 dự án BOT khác thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép đã hoạt động và đang triển khai gồm BOT đường 760 (tỉnh lộ 16 cũ, nối TP Biên Hòa với Bình Dương), BOT đường 768 (nối TP Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai), BOT đường chuyên dùng vật liệu xây dựng Tân Cang (xã Phước Tân – TP Biên Hòa) và BOT đường 319 nối dài thuộc huyện Nhơn Trạch.

Từ TP HCM, để đi đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước), chỉ có con đường thuận tiện nhất là quốc lộ 13. Khi lưu thông trên tuyến đường này, các phương tiện đều phải qua các “cửa ải” là các trạm thu phí của BOT như Lái Thiêu, Suối Giữa (của tỉnh Bình Dương), Tân Khai (Hớn Quản, Bình Phước). Với trạm thu phí đang được xây dựng tại Bình Long – Bình Phước thì tuyến quốc lộ 13 lại tiếp tục “nai lưng” gánh thêm một “cửa ải” nữa.

Nhiều phương tiện đi từ các tỉnh Tây Nguyên về TP HCM luôn kêu than khi phải đi trên một con đường duy nhất nhưng có quá nhiều trạm thu phí. Chỉ tính riêng quốc lộ 14 sẽ phải qua 6 trạm thu phí tại Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước với mức phí của trạm nào cũng cao ngất ngưởng. Chưa hết, khi qua ĐT 741 (nối Bình Phước – Bình Dương), chủ xe còn phải đóng thêm 2 trạm thu phí trên tuyến đường này.

Tại Bình Dương, chỉ trong bán kính 30km khu vực thị xã Thuận An – Dĩ An (giáp Đồng Nai và TP HCM), chúng tôi đếm được 5 trạm thu phí. Cụ thể, tuyến đường ĐT 743 (nối TP Thủ Dầu Một – Bình Dương và TP Biên Hòa – Đồng Nai) chỉ dài khoảng 20 km nhưng lại phải “gánh” 4 trạm của Bình Dương và Đồng Nai. Còn tuyến đường ĐT 743A và ĐT 743B có đến 3 trạm thu phí được đặt trên đoạn đường dài chưa đến 15 km là BOT Lái Thiêu, BOT Bình Thung (đặt cách trạm BOT Lái Thiêu 10 km) và BOT Bình Thắng (đặt cách trạm BOT Bình Thung chỉ… 2,5 km).

Ngoài ra, Bình Dương còn đang triển khai hàng loạt dự án giao thông theo hình thức BOT: đường Mỹ Phước – Tân Vạn (nối Bình Dương và TP HCM), 3 tuyến đường ở Tân Uyên là ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 742 với tổng chiều dài 57 km. Như vậy, khi các dự án này được hoàn thành sẽ làm “mạng nhện” trạm thu phí của Bình Dương càng dày hơn.

V.D (Theo Đời sống & Pháp lý)

Nguồn: http://vietnammoi.vn/hoa-mat-voi-ma-tran-tram-thu-phi-khap-cua-ngo-dong-bac-sai-gon-46027.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.