FB Le Dung
Ông Hồ biết rõ “nhân sinh thất thập cổ lai hi” nhưng vẫn chẳng thể ngăn đám đông sùng bái cá nhân hô mình “muôn năm”. Đám hậu bối của ông thấy rõ Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết rộng hơn 22,4 triệu cây số vuông, thành trì của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới tan như bong bóng xà-phòng chỉ sau có 74 năm tồn tại mà nay vẫn ca bài “quang vinh muôn năm”, “vô địch muôn năm”. “Những kẻ khi cuốn mình vào trong vòng xoáy đó, đều không bao giờ nghĩ rằng nó có thể dừng lại, có thể đứt nhanh thế, có thể lụi tàn”, ừ nhỉ…
Bauxite Việt Nam
Các tác phẩm sáng tác dựa trên nền lịch sử đều luôn ca ngợi Gia Cát Lượng như một đấng thiên tài vì nước vì dân thương yêu binh sĩ, trung quân ái quốc và so với ông, Tư Mã Ý chỉ như một anh hàng thịt suốt ngày bị công an trật tự là Gia Cát Lượng xua đuổi, bê thớt bôn ba khắp chợ. Có điều là chưa bị thu thớt.
Nhưng thực tế thì sao?
Lượng tiên sinh cái gì cũng giỏi, nhưng cái giỏi cần nhất, quan trọng nhất, khẩn thiết nhất của một người ở vị trí như ông, đó là thế hệ kế cận, ông đã không làm được. Ông chỉ Tưởng Uyển, chọn Khương Duy, nhưng Duy chỉ là tướng đánh trận. Vậy ai giúp vua quản lí đất nước, ai tổ chức sản xuất cho dân an cư lạc nghiệp và tích trữ lương thảo cho chiến trận của họ Khương?
Ngày Lưu Bang thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Hán, có hỏi rằng:
– Tại sao ta lấy được thiên hạ? Tại sao Hạng Vũ mất thiên hạ?
Quần thần đều không trả lời được. Bang nói:
– Phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng; trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà; nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định được thì ta không bằng Hoài Âm Hầu. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng cho nên bị ta bắt.
Thục chủ thì thực thà và u tối, đúng ra thông minh sáng suốt như Lượng thì tâm huyết lớn nhất đời ông là phải tìm lấy 3 người như thế, thay ông để vun đắp cho chủ chứ không phải suốt ngày lao tâm khổ tứ, vừa đánh trận vừa quản đất nước. Chết cái y rằng nát tan.
Còn Tư Mã Ý? Ừ thì ông ta không thắng được Gia Cát Lượng trong những trận đánh nhưng ông ta thắng cả cuộc chiến, cả đời người. Ông ta chết, con cái ông ta kế thừa, em trai ông ta phù giúp. Đến đời cháu ông ta là Tư Mã Viêm thống nhất Trung Quốc, lên làm vua, lập ra nhà Tấn.
Vậy ai hơn ai? Thứ mà Gia Cát Lượng hơn Tư Mã Ý ấy, cũng chỉ là thời khắc, còn ở tầm vóc của họ, hơn nhau phải ở người kế cận. Anh có là vương là tướng nhưng người kế cận không ra gì thì dẫu xây dựng, kiến thiết đến mức nào, sự nghiệp dẫu huy hoàng đến đâu cũng bỏ đi, hay bị đời sau của chính họ đạp đổ.
Tuy thế, nếu nhìn rộng dài ra trong suốt lịch sử của Trung Quốc, cái mà Tư Mã Ý đạt được cũng chỉ là kéo dài thời khắc “đau đớn” trước khi chết của dòng tộc Tư Mã mà thôi. Cháu Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm lập ra nhà Tấn, khép lại bức tranh Tam quốc của Gia Cát Lượng vẽ trong lều tranh. Cứ ngỡ Tư Mã Viêm kiến lập nên một triều đại huy hoàng, nhưng không, chỉ vì một lựa chọn sai lầm của ông ta, đã đẩy con cháu ông ta vào cảnh nồi da xáo thịt, làm nên loạn bát vương (8 vị vương gia họ Tư Mã đánh nhau giành quyền thế), góp phần đẩy lịch sử Trung Quốc vào 300 năm loạn lạc từ năm 291 cho đến khi nhà Tùy thống nhất vào năm 581, và chính thức ổn định vào năm 619, khi nhà Đường lập quốc.
Con trai của Tư Mã Viêm là một kẻ ngờ nghệch, ngu dốt đến mức khi nghe ếch kêu bèn hỏi quần thần rằng:
– Ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?
Lúc nghe tin dân bị đói, đến gạo cũng không còn để ăn, lại buột miệng hỏi:
– Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?
Người cháu thông minh mà Tư Mã Viêm hi vọng kế nghiệp được mình đã không thể được sống như ông ta mong muốn. Sau loạn bát vương, 300 năm Trung Quốc hết Tây Tấn đến Đông Tấn, đến thập lục quốc (16 nước), đến Nam – Bắc triều với gần chục ông vua lớn nhỏ xâu xé, chém giết nhau. Thời này sau trong chuyện Kim Dung có nước Yên mà Mộ Dung công tử đau đáu ấy.
Xét như vậy thì cái “thành công” của Tư Mã Ý rồi cũng chẳng hơn gì của Gia Cát Lượng. Rốt lại chỉ hơn nhau mấy lời kể mà thôi.
Tuy thế, có một dấu ấn mà chúng ta khó quên trong thời Nam – Bắc triều, đó là ông Nhan Chi Thôi (531-591) trở thành người đầu tiên trên thế giới đưa ra vấn đề sử dụng giấy vệ sinh. Nhưng chính thức sản xuất thì phải đến cuối đời Chu Nguyên Chương nhà Minh, năm 1393, triều đình đặt làm tới hơn 720.000 cuộn giấy, mỗi cuộn giấy dài tới 60-90 cm, tổng cộng tương đương gần 70.000 km. Chương là người rất kĩ tính trong việc sử dụng giấy vệ sinh. Ông ta đã đặt 15.000 cuộn giấy siêu mềm và ướp thơm để sử dụng cho riêng mình.
Cho đến bây giờ, nếu nhìn lại, mỗi triều đại Trung Quốc dẫu uy danh hay nhỏ nhoi tàn lụi, lâu dài hay ngắn ngủi, rồi cũng chỉ như cuộn giấy vệ sinh dùng để chùi đít, làm điểm tựa cho hậu thế, hay thêm bớt mấy lời kể mà thôi.
Giấy có thể tốt, có thể bình dân như chúng ta đang dùng, nó cũng chỉ có một công năng công dụng. Triều đại có thể dài ngắn, nhưng cuối cùng thành quách lâu đài, cung vàng điện ngọc đều theo thời gian phai tàn với cát bụi, và vó ngựa trường chinh của hậu thế sẽ dẫm đạp lên nó rồi kiến tạo một huy hoàng mới.
Vậy vạn tuế, muôn năm để làm gì? Chỉ cần một Viên Thế Khải, muôn năm của nhà Thanh qua biến loạn đã đến tay Mao Trạch Đông.
Nhưng những kẻ khi cuốn mình vào trong vòng xoáy đó, đều không bao giờ nghĩ rằng nó có thể dừng lại, có thể đứt nhanh thế, có thể lụi tàn. Hết đời này qua đời khác, nhà này qua nhà khác. Họ luôn thích muôn năm.
Hãy chỉ coi nó như cuộn giấy vệ sinh, hết cuộn này sẽ có cuộn khác. Lịch sử đôi lúc cũng chỉ có thế, dài hơn nhau đôi dòng mô tả mà thôi.
https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155446325697221