Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – EVN: Mối quan hệ đáng ngờ

Phạm Chí Dũng

Tới giờ phút này, đã có thể kết luận rằng có một mối quan hệ đáng ngờ, rất đáng ngờ giữa Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bản đề án dung dưỡng độc quyền

Vào cuối Tháng Sáu vừa qua, ông Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN nhưng lại không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu “cậu ấm hư hỏng” này.

Trong đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh”.

Cũng trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…

Lịch sử độc quyền kinh doanh lại hết sức môi-răng với thâm niên độc tài chính trị.

Từ nhiều năm qua, EVN đã tạo dựng được một bảng thành tích “nối giáo cho giặc” khi mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến ba lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009.

Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là càng về sau này, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam.

Những năm 2007-2009, EVN cũng là tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30,000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Các nhà máy thủy điện của EVN còn xả lũ lên đầu dân chúng vào năm 2013 mà gây ra đến hơn 50 cái chết của dân nghèo… Nhưng tất cả những tội ác đó đã không bị một cấp nào giải quyết.

Không những không giải quyết mà còn bao che. Năm 2016, cú xả lũ của thủy điện Hố Hô đã giết sống hơn 20 người dân Hương Khê ở Hà Tĩnh, rốt cuộc đã được Thủ tướng Phúc cho “chìm xuồng”. Đây là một trong những bằng chứng sống động nhất, lộ diện nhất và tàn nhẫn nhất từ một chính phủ vẫn đang tự tôn “liêm chính, kiến tạo, hành động”, ở ngay dải đất miền Trung cùng cực của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Chính phủ “tiếp tay” cho “cá mập”

Dung dưỡng độc quyền đã “nối giáo” cho chuyên chế tăng giá điện.

Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính Thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017, thay thế quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực từ ngày 15 tháng Tám, 2017.

Quyết định trên cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.

Nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế!

Cùng với Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của “cá mập” EVN, sự nghiệp “lobby tăng giá” của EVN đã thành công bước đầu.

Có thể không cần đến trường hợp phải tăng giá điện trên 10% mà do đó Bộ Công Thương phải xin ý kiến Chính phủ, vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ Công Thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là “nhóm cá mập” hay “bạch tuộc”, chỉ cần được Chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm đã đã đủ để “bù giá vào dân”.

Theo đó và trong trường hợp “nhân đạo” nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá diện dưới 5% và được tăng hai lần một năm, nghĩa là giá điện ngay trong năm 2017 sẽ tăng khoảng gần 10%.

Còn kém “nhân đạo” hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công Thương sẽ “trảm” dân. Nối tiếp truyền thống “đi đêm” và “bảo kê” từ thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đương kim Bộ trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này – nhân vật suýt thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong Dự án thép Hoa Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để “kết quả dân chúng” bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20%!

Quyết định tăng giá điện mà Thủ tướng Phúc vừa ký lại xảy ra trong bối cảnh một khoản nợ khổng lồ lên đến 9.3 tỷ đô la của EVN vừa được báo cáo. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh.

Nhưng 9.3 tỷ đô la chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7.1% so với cùng kỳ năm 2015.

Chỉ mới vào năm 2015, một quan chức cao cấp của ngành Công Thương đã phải tán thán rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN sẽ có nguy cơ bị… phá sản.

EVN lại là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi “thú tính” tăng giá điện bất chấp dân sinh. Chỉ riêng năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, khiến doanh thu của Tập đoàn tăng đến 18.5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm được một phần lỗ của mình.

Nếu lấy lợi nhuận trước thuế năm 2016 của EVN vào khoảng 5,000 tỷ đồng để tính mức bình quân cho các năm, để trả hết nợ hiện thời, EVN sẽ phải liên tục tăng giá điện như thiêu thân hàng trăm năm nữa!

Tương lai nổi loạn?

Một lối thoát đơn giản nhất để Chính phủ không phải gánh núi nợ của EVN là xóa bỏ cơ chế độc quyền của tập đoàn này, cổ phần hóa triệt để EVN, cho các doanh nghiệp điện khác tham gia vào thị trường bán lẻ, thậm chí quyết định cho EVN được phá sản nếu tập đoàn này không bảo đảm cân đối tài chính.

Nhưng thay vì chấp nhận để EVN rời xa môi trường độc quyền hay chịu phá sản, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc lại đang thể hiện sự ưu ái một cách kỳ lạ với “cậu ấm hư hỏng”, để khó có thể hiểu khác hơn là đang có những cú “đi đêm” với nhau.

Song cơ chế tăng giá điện lại ập đến trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái và đang lao đến khủng hoảng, một bộ phận lớn trong dân chúng đang cạn nhanh túi tiền, thậm chí một số gia đình đang cạn nhanh dự trữ đã tích lũy trước đó.

Việt Nam 2017. Ngày càng hiện rõ bóng ma tăng giá đang đẩy xã hội vào giai đoạn khốn quẫn cuối cùng trước khi từng tế bào bị tan vỡ.

Giá điện sắp tăng vọt, cùng với cơn tăng giá điên loạn của viện phí và thuế “bảo vệ môi trường” được hứa hẹn tăng từ 3,000 đồng lên đến 8,000 đồng/lít xăng, đang đẩy xã hội và đời sống người dân vào cảnh bất an và phản ứng chưa từng thấy.

Hiện tượng dân chúng nổi lên chống lạm thu phí và lệ phí dần lan rộng ra nhiều địa phương là một bằng chứng hiển nhiên cho sự đổ vỡ cuối cùng.

Việt Nam 10 năm sau thời hoàng kim kinh tế và cơ hội làm ăn của các thị trường đầu cơ, giờ đây, tài nguyên thiên nhiên đã gần như cạn kiệt, các dòng “ngoại viện” – từ vốn ODA đến kiều hối và cả đầu tư nước ngoài – đều từ giảm đến giảm hẳn.

Trong lúc đó, nợ công và nợ xấu bùng lên ghê gớm, dẫn đến tình trạng ngân sách phục vụ cho bộ máy có “ít nhất 30% công chức không làm gì cả mà vẫn lĩnh lương” cũng rơi vào tình trạng có thể “sụp đổ tài khóa quốc gia” (như một cụm từ cực kỳ nhạy cảm chính trị được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thốt ra vào đầu năm), nguồn tiền gần như duy nhất để duy trì ngân sách và chân đứng chế độ chỉ còn là thuế bổ đầu dân.

Nhưng không có gì bảo đảm là dân chúng Việt Nam sẽ đủ sức chịu đựng sự hành hạ của EVN trong 10 năm tới.

EVN đang nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh mà có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Còn hẳn nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Phúc đang “tiếp tay” cho tương lai nổi loạn rất cận kề đó.

P.C.D.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/chinh-phu-nguyen-xuan-phuc-evn-moi-quan-dang-ngo/

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.