Venezuela: Trông người lại ngẫm…

Nguyễn Trọng Toàn

Nicolás Maduro, Tổng thống nước Venezuela, đã triệu tập một Hội đồng Lập hiến (Asamblea Nacional Constituyente – ANC) để soạn một bản hiến pháp mới theo chiều hướng chủ nghĩa xã hội của Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (Partido Socialista Unido de Venezuela PSUV) đang cầm quyền. Đây có thể xem là lá bài chót để quyết định thắng thua của Chính phủ Maduro và đảng cầm quyền đối với những cuộc biểu tình của dân chúng do liên minh đối lập MUD tổ chức đòi Maduro từ chức và tổ chức bầu Tổng thống mới.


 clip_image001Venezuela tại châu Mỹ La tinh (hình: Pinterest)

Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Thống nhất PSUV, ông Cabello đã trắng trợn nói rõ mục đích triệu tập Hội đồng Lập hiến ANC: “ANC sẽ bãi bỏ Quốc hội, tước quyền miễn nhiễm của các dân biểu, gội đầu Công tố viện quốc gia và đặt tất cả các cơ chế quốc gia dưới quyền Tổng thống!”.

Nói một cách khác, ANC sẽ hủy bỏ các cơ chế tự do dân chủ tam quyền phân lập để thay thể vào đó một cơ chế độc đảng toàn trị theo như mô hình của Cuba, một mô hình độc tài đi ngược hẳn với trào lưu dân chủ thế giới.

Trước những lời khuyến cáo từ USA và Âu châu, Tổng thống đã khẳng định việc triệu tập ANC là “do ý dân”, mặc dù theo những cuộc thăm dò ý kiến tại Venezuela thì có trên 66 % người dân đã phản đối việc triệu tập Hội đồng Lập hiến ANC rất thiếu dân chủ của Tổng thống.

Ngược dòng thời gian

Lãnh tụ cuộc đảo chánh thất bại năm 1992, ông Hugo Chavez đã đã thắng cử và được bầu làm Tổng thống năm 1998. Với những cải cách xã hội ban đầu thành công, Chavez đã lấy được sự ủng hộ của dân chúng và đã được bầu làm Tổng thống trong những nhiệm kỳ liên tiếp. Trong thời gian cầm quyền, Chavez đã dần dần đưa chính trị và xã hội về khuynh hướng quốc gia khuynh tả toàn trị theo kiểu mẫu Cuba, nhưng sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng trong thời gian ban đầu (2002, Chavez được 60% phiếu) cũng giảm xuống theo với nền kinh tế lạm phát, suy sụp và đặc biệt là nạn tham nhũng tràn lan. Theo thống kê về tham nhũng của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) thì trong năm 2016 Venezuela đứng hạng 166 trong 176 nước (Để so sánh tệ nạn tham nhũng, hàng năm Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho điểm và xếp hạng 176 quốc gia: năm 2016 Danemark và New Zeeland đứng đầu về trong sạch với số điểm cao nhất 90 trong thang điểm 100. Các quốc gia dưới 50 điểm bị xem là có tệ nạn tham nhũng cao, dưới 30 điểm là tham nhũng nghiêm trọng. Venezuela có 17 điểm, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được 33 điểm xếp hạng 113/trong 176 nước).

Năm 2013, ông Chavez qua đời vì bạo bệnh, Phó Tổng thống Nicolás Maduro lên tiếp quyền, kinh tế càng ngày càng bát nháo, lạm phát năm 2016 tăng 800% và dự kiến sẽ còn tăng lên đến 1600% trong năm 2017! Các thực phẩm căn bản như ngô (bắp), gạo, lúa mì đều khan hiếm và đắt đỏ, thuốc men và y tế thiếu thốn, điện và các dịch vụ bị hạn chế… đưa đến những bất an và phẫn nộ trong dân chúng.

Từ một quốc gia có lượng dầu dự trữ lớn nhất nhì thế giới với mức thu có thể đạt 1000 tỷ USD hàng năm, khi giá dầu thế giới xuống giá và sự quản lý kém cỏi của nhà nước, chỉ nhằm phục vụ cho các nhóm quyền lợi, Venezuela đã thiếu nợ hàng trăm tỷ USD, trong khi người dân không đủ sống. (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN cũng bị mất trắng 1,8 tỷ USD khi rót tiền vào Venezuela).

Những thủ đoạn chính trị

Trong kỳ bầu Quốc hội năm 2015, các đảng đối lập đã thắng áp đảo với hơn 2/3 số dân biểu, với tỷ số này, Quốc hội có nhiều quyền hạn hơn trong việc kiểm soát Chính phủ, nhưng Tòa án Tối cao Quốc gia (do đảng cầm quyền PSUV của Maduro chi phối) đã tìm cách phủ nhận và hủy bỏ 3 ghế dân biểu của phe đối lập, để phá tỷ số áp đảo 2/3 trong Quốc hội. Căng thẳng giữa 2 phe càng ngày càng tăng, hỗn loạn về kinh tế và xã hội đã làm bùng nổ phản đối của dân chúng.

clip_image003
Tổng thống Maduro, Chủ tịch Đảng Xã hội Thống nhất:
“Tất cả các cơ chế quốc gia dưới quyền Tổng thống”
(ảnh ARD)

Dân chúng Venezuela thay vì than vãn về nạn tham nhũng, về đời sống cực kỳ khó khăn, họ nhận thức được quyền của người dân, họ bầy tỏ ý kiến của mình bằng cách xuống đường phản đối chính quyền của Tổng thống bất chấp bị đàn áp. Cảnh sát Venezuela không thể phong tỏa đường phố được như ở Sài Gòn hay Hà Nội vì người dân Venezuela xuống đường đông quá.

clip_image005
Biểu tình tại thủ đô Caracas phản đối chính quyền Maduro (ảnh ZDF)

clip_image007
Thời tiết xấu, mưa không ngăn cản được người dân Venezuela xuống đường biểu tình (ảnh ZDF)

Thay vì thẳng thắn đối thoại, Tổng thống đã cho đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình. Riêng trong năm 2017 đã có trên 100 người bị chết vì những đàn áp bằng vũ lực của Chính phủ. Đồng thời, Maduro đưa ra thủ đoạm mới là cho bầu một Hội đồng Lập hiến mà Maduro hoàn toàn kiểm soát.

Năm 2016, phe đối lập xin chữ ký dân tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Tổng thống. Chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã có hơn 1 triệu rưỡi chữ ký. Tiếp theo đó, mùa hè 2017 họ đã tổ chức lấy ý kiến dân với trên 7 triệu phiếu phản đối việc Tổng thống triệu tập Hội đồng Lập hiến một cách thiếu dân chủ. Hội đồng Lập hiến do Tổng thống triệu tập gồm đa số ứng cử viên do Chính phủ đề cử: người dân chỉ có quyền chọn lựa bầu 545 đại biểu trong số 5500 ứng cử viên được đề cử (đến đây độc giả chắc hẳn thấy một điều rất quen thuộc: “đảng cử dân bầu”!), ngoài ra cuộc bầu diễn ra không có sự quan sát của quốc tế. Như vậy, Tổng thống Madura chắc chắn nắm trong tay một Hội đồng Lập hiến dễ sai bảo mà lại có quyền lực rộng lớn, được phép ra luật và giải tán Quốc hội (đang do phe đối lập nắm đa số). Với thủ đoạn chính trị lão luyện này, Maduro sẽ vừa đè ép được phe đối lập trong Quốc hội vừa tập trung được quyền hành độc trị trong tay một cách “hợp pháp”.

Hơn 20 đảng phái trong liên minh đối lập MUD đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu Hội đồng Lập hiến và biểu tình đòi hỏi truất phế Tổng thống, ngược lại, ông này cho huy động quân đội và công an để bảo vệ cuộc bầu cử và sẵn sàng áp chế các cuộc biểu tình.

Tuy nền kinh tế xuống dốc thê thảm và bị dân chúng phản đối kịch liệt, nhưng Madura đã khôn khéo chia chác quyền lợi kinh tế cho phe quân đội để giữ sự phục tùng từ phía quân đội.

Tuy mang danh “lập hiến” nhưng chỉ một ngày sau khi nhóm họp lần đầu tiên, Hội đồng Lập hiến mới đã quyết định cách chức bà Tổng Công tố Luisa Ortega, người từng ủng hộ Hugo Chavez và đồng minh cũ của Tổng thống nhưng trong thời gian qua bắt đầu lên tiếng chỉ trích chính quyền Venezuela. Giữ chức Tổng công tố từ 10 năm nay, bà Ortega tố cáo việc Maduro lập Hội đồng Lập hiến để thâu tóm quyền hành, bà nói bị Hội đồng Lập hiến mới sa thải vì Chính phủ muốn ngăn chặn các cuộc điều tra của bà về tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Bà Ortega cho hay đã bị vệ binh quốc gia ngăn không cho vào văn phòng ở thủ đô Caracas và tuyên bố không chấp nhận sự cách chức đó. Quyết định sa thải bà Ortega đã gặp phải sự sự chỉ trích mạnh mẽ từ các quốc gia châu Mỹ Latin khác như Mexico, Peru và Colombia.

clip_image009
Tổng công tố Luisa Ortega xuống đường tố cáo chính quyền Maduro (ảnh BR)

Nội chiến?

Trong khi Tổng thống tuyên bố cuộc bầu hoàn toàn thành công với sự tham dự của 41% dân và sẽ cho tiến hành nhanh chóng việc sửa hiến pháp thì liên minh đối lập phủ nhận kết quả bầu phiếu vì các công chức bị Chính phủ ép buộc phải đi bầu. Các nước láng giềng ở Nam Mỹ như Colombia, Argentina, Brazil, Mexico, Costa Rica, Chile cũng như USA, Canada, Liên minh Âu Châu EU và Tổ chức các nước Châu Mỹ OAS đều lên tiếng không công nhận kết quả cuộc bầu Hội đồng Lập hiến Venezuela ANC.

Khối Thị trường chung Nam Mỹ Mercosur đã đình chỉ vai trò thành viên của Venezuela “vô thời hạn”, đồng thời tuyên bố Venezuela sẽ không được trở lại khối cho đến khi các tù nhân chính trị được trả tự do và Hội đồng Lập hiến mới bị loại bỏ. Trước đó, vào tháng 12-2016, Venezuela đã bị Mercosur đình chỉ tạm thời vì không tuân thủ quy định của khối này.

Với thái độ cứng rắn không nhượng bộ của cả 2 phe Chính phủ lẫn liên minh đối lập, người ta lo ngại cuộc nội chiến tại Venuela sẽ bùng nổ trong thời gian sắp tới.

N.T.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.