Luật sư của Trịnh Xuân Thanh hé lộ nhiều tình tiết mới

Viễn Đông

clip_image002

Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh trên Truyền hình Việt Nam tối 3/8.

Nữ Luật sư đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức hôm 3/8 cho VOA Việt Ngữ biết rằng thân chủ của mình từng “lo sợ cho tính mạng” và rằng không có chuyện ông “đầu thú”.

Hôm 31/7 chúng tôi nhận được tin ông ấy đã tự nguyện ra đầu thú. Thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật – Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Về sự kiện đang gây căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf kể: “Ông ấy bị những người vũ trang bắt cóc lúc 10.40 phút sáng ở công viên Tiergarten ở Berlin hôm 23/7. Người thứ hai đi cùng với ông cũng bị bắt cóc. Sau này chúng tôi biết rằng người này đã bị thương và xuất hiện tại bệnh viện Việt – Đức ở Hà Nội hôm 25/7. Cảnh sát [Đức] bắt đầu điều tra vào ngày 24/7 để truy tìm hai người đã bắt cóc ông Thanh. Hôm 31/7 chúng tôi nhận được tin ông ấy đã tự nguyện ra đầu thú. Thông tin này hoàn toàn không đúng sự thật”.

Bà nói thêm: “Cảnh sát đã biết danh tính người thứ hai cũng bị bắt cóc cùng với ông Thanh. Họ cũng đang điều tra những người tham gia vụ bắt cóc”, bà nói. Người này, theo báo chí của cộng đồng người Việt ở Đức, là “một nữ cán bộ Bộ Công thương”.

Truyền hình Việt Nam tối 3/8 đã đăng một đoạn video ngắn về ông Thanh kèm theo “đơn xin tự thú”, trong đó ông được cho là đã viết: “… Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

clip_image003

Một góc công viên Tiergarten, nơi Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh.

Bộ Công an Việt Nam cuối tháng trước ra thông báo rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang đã “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú”.

Tuy nhiên, hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một thông cáo cho biết rằng ông Thanh đã bị phía Việt Nam “bắt cóc” và đưa về nước.

… tôi lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức – Nữ phát ngôn viên Việt Nam nói.

Hôm 3/8, sau một ngày im lặng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng. Nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói “lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức”, nhưng không nói rõ vì sao.

Bà Schlagenhauf cho biết đã gặp ông Thanh “ở Berlin trước vụ bắt cóc”, và chưa liên lạc được với người từng bị Hà Nội truy nã gắt gao kể từ khi ông bị đưa về Việt Nam mà “chỉ nắm được các thông tin gián tiếp về tình hình hiện nay của ông”.

clip_image004

Berlin cho biết, tại hội nghị G20 ở Đức, Việt Nam đã yêu cầu cho dẫn độ ông Thanh về Việt Nam. Trong ảnh là Thủ tướng Đức Merkel nhìn Tổng thống Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay nhau.

Nữ luật sư này cho biết sẽ làm việc với các cơ quan của Đức để “đưa ông trở lại Đức để ông được bảo vệ”. Đây cũng là một yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức trong tuyên bố ra ngày 2/8.

Khi được hỏi, trước khi bị bắt, ông Trịnh Xuân Thanh có khi nào lo ngại cho tính mạng của mình hay không, bà nói: “Có, cũng có cân nhắc, nhưng chúng tôi không thực sự tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể làm chuyện này (hành động phạm pháp ở Đức)”.

Việc lo sợ không được bảo đảm về mặt luật pháp là lý do xin tị nạn chính trị ở Đức. Ở đây ai cũng biết rằng Việt Nam áp dụng án tử hình, điều bị cấm ở Đức theo Hiến pháp – Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Về lý do ông Thanh xin tị nạn ở Đức, bà Schlagenhauf nói: “Ông ấy xin tị nạn vì đã biết nước Đức và từng ở đây đầu những năm 90 cũng như từng nhiều lần công cán tới đây. Việc xin tị nạn giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức”.

“Ông ấy lo sợ rằng bất kỳ phiên tòa nào [tại Việt Nam] cũng sẽ không diễn ra theo pháp luật và được đảm bảo về luật pháp. Ông ấy từng viết tường trình lên Ban chấp hành Trung ương đảng để bác bỏ các cáo buộc”, nữ Luật sư nói.

“Việc lo sợ không được bảo đảm về mặt luật pháp là lý do xin tị nạn chính trị ở Đức. Ở đây ai cũng biết rằng Việt Nam áp dụng án tử hình, điều bị cấm ở Đức theo Hiến pháp”.

V.Đ.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-cua-ong-trinh-xuan-thanh-he-lo-nhieu-tinh-tiet-moi/3970590.html

Đọc thêm:

Luật sư của Trịnh Xuân Thanh tiết lộ những tình tiết mới

RFA

 

clip_image005

Hình minh họa ông Trịnh Xuân Thanh trên trang nguyentandung.org Courtesy of nguyentandung.org

 

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, ông Victor Pfaff nói rằng vào ngày 24 tháng bảy vừa qua, ông Thanh đã không đến cơ quan chức năng của Đức để trình bày vấn đề xin tị nạn như đã hẹn trước.

Tin mới nhất do hãng thông tấn Reuters loan đi vào tối ngày 3 tháng 8.

Theo những ghi nhận từ Reuters, một số nhân chứng đã nói với ông Pfaff rằng hôm 23 tháng Bảy, tại công viên trong khu Tiergarten của thủ đô Berlin, một nhóm người có vũ khí đã ép một người đàn ông lên một chiếc xe hơi mang bản số Cộng hòa Séc. Công viên này nằm sát khách sạn Sheraton nơi ông Thanh cư ngụ. Ông Pfaff tin rằng người bị bắt cóc đó chính là ông Thanh.

Từ đó trở đi ông Thanh bặt vô âm tín cho đến khi ông xuất hiện trên đài truyền hình Việt Nam ngày 3 tháng Tám, nói rằng ông tự nguyện trở về Việt Nam để đầu thú.

Hãng tin Reuters cũng trích dẫn đoạn video được truyền hình Việt Nam loan tải nói rằng ông Thanh lo sợ cuộc sống bấp bênh ở Đức. Nhưng theo ông Pfaff, ông Thanh không bao giờ nghĩ như thế, và ông Thanh rất lo ngại về những hậu quả khó lường nếu ông trở về Việt Nam, thậm chí đến có thể bị án tử hình. Ngoài ra, ông Thanh còn có một cuộc sống khá thoãi mái từ khi ông đến Đức từ tháng Tám năm 2016, và ông muốn sống tại Đức và làm việc như là một doanh nhân.

Theo thông tin của ông Pfaff mà Reuters ghi nhận, sau khi truyền thông Việt Nam bắt đầu đưa ra những cáo buộc tham nhũng của ông Thanh ở Tập đoàn Dầu khí, ông đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, và đến Đức bằng một hành trình khá vất vả qua ngả Lào, Thái Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghi vấn ông Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc về Việt Nam đã gây nên căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo cáo giác Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Đức, và trục xuất một viên chức của tòa Đại sứ Việt Nam làm công tác tình báo. Phía Việt Nam trả lời rằng rất lấy làm tiếc về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, nhưng không xác nhận lẫn phủ nhận rằng việc bắt cóc có xảy ra hay không.

Truyền thông Đức so sánh vụ việc với những vụ bắt cóc do cơ quan mật vụ Liên Xô tổ chức ở Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Tuy nhiên các quan chức Đức cũng nói là họ khó kiểm tra các chứng cớ một cách độc lập, nhưng họ tin rằng chuyện bắt cóc đã xảy ra.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trinh-xuan-thanh-update-08032017124710.html

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.