Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lá cờ xin ăn

Đặng Tuấn Trung

Thần chiến tranh thì không có trái tim. Mạng sống của người lính thì luôn là quý giá nhất bởi họ là Con Người. Lưỡi hái của thần chiến tranh không biết phân biệt chính nghĩa hay phi nghĩa. Ngày 27-7 năm ấy, được nghe câu chuyện của người lính già đầy ám ảnh nỗi tàn khốc của chiến tranh và hệ lụy không thể lí giải của những người còn sống.

clip_image002

Chuyện của ông là câu chuyện của những năm 69-71 thế kỉ trước tại chiến trường miền trung Tây Nguyên, lúc đó như lò lửa thiêu đốt bao nhiêu xương máu hai bên. Nhưng có những vết thương không bao giờ lành và nó còn đáng sợ hơn cái chết. Chuyện về một người lính mà sau này những người lính dưới quyền ông luôn gọi là “thần hộ mệnh”. Nó đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng và nó cũng là bi kịch kéo suốt cuộc đời người lính già.

Trong một cuộc hành quân, trung đội của ông bị bao vây bởi hai đại đội lính Mỹ có cả trọng pháo và xe thiết giáp hỗ trợ. Bốn ngày chiến đấu, đạn sắp cạn, lương khô đã hết và nước cũng đã đến giọt cuối cùng. Không thể ngủ với sự tấn công liên tục và bài bản của phía bên kia. Nhất là phải tiễn từng đồng đội mình gục ngã không kịp vuốt mắt…

Đêm thứ tư đằng đẵng như không bao giờ qua. Thức canh chừng địch, ông đi đến quyết định theo ông là khó khăn nhất cuộc đời mình: Đầu hàng! Đầu hàng để cứu mạng sống cho đồng đội bởi nếu tiếp tục chiến đấu thì cái chết là không tránh khỏi và vô nghĩa. Cũng không còn vũ khí và lương ăn để chiến đấu. Ông lặng lẽ nhìn gương mặt nhem nhuốc của từng người lính của mình dưới ánh trăng nhợt nhạt cuối tháng. Họ còn quá trẻ. Mạng sống là quý giá nhất. Ông và đồng đội được huấn luyện và giáo dục về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hi sinh thân mình, nhất định không đầu hàng giặc. Ông thấm thía lắm, ông không sợ cái chết. Điều ông sợ là nhìn vào mắt những người mẹ của họ, những người lính của ông, nhất là hai thằng em cùng xã mà trước khi nhập ngũ, ông đã hứa với hai bà mẹ là đem chúng nó về. Sau khi nghĩ kĩ, lúc im tiếng súng và phía bên kia đang triển khai xe thiết giáp di chuyển vào trận địa, ông tập hợp những đồng đội còn sót lại. Nhìn họ nhem nhuốc trong bụi khói đạn lẫn máu nhầy nhụa, ông nuốt nước bọt khan và chậm rãi nói:

– Các đồng chí, tôi là chỉ huy. Chúng ta ra hàng. Không bàn cãi và tôi là người duy nhất quyết định và chịu trách nhiệm. Các đồng chí lập tức cởi áo ngoài, phá vũ khí và theo tôi.

Ông không dám nhìn thẳng vào mắt họ, những người lính của ông. Họ biết ông không phải kẻ hèn nhát. Nhưng họ cũng biết cuộc chiến đấu không thể tiếp tục và họ sẽ chết. Chỉ ông biết, khi bị bắt, với bộ quần áo trên người, phía bên kia sẽ hiểu ông là chỉ huy. Mọi an nguy ông sẽ phải lãnh hết.

Sau đó thì một chiếc áo may-ô trắng được dùng làm cờ trắng để ra hiệu cho phía bên kia. Cuộc chiến đấu kết thúc. Sau đó rất nhiều chuyện xảy ra nhưng rồi họ cũng được trở về miền Bắc.

Nhưng không như ông nghĩ khi được trở lại quê hương. Đó mới là lúc bắt đầu cuộc chiến tàn khốc nhất. Cuộc chiến không có tiếng súng, không có máu đổ mà chỉ có những ánh mắt ngờ vực, khinh bỉ dành cho ông, kẻ hàng giặc. Ông phải chịu sự điều tra và quản thúc của từ đơn vị đến địa phương, đi đâu cũng bị nhìn như một con chó ghẻ. Rồi ông ra quân. Ôm bộ đồ nghề bơm vá xe đạp lên huyện kiếm sống. Ở đó không ai biết ông. Bởi ông không thể xin được việc làm ở đâu dù ông có bằng trung cấp cơ khí và là một thợ giỏi cái nghề rất đắt khi đó. Sống không bằng chết khi xã hội không thừa nhận. Ngay cả khi đất nước thống nhất và mãi sau này, ông không được phép đến dự bất cứ ngày kỉ niệm nào về quân đội, không được cấp thẻ thương binh… Ngay một trong hai đứa em mà ông cứu mạng cũng lên án ông trong một hội nghị gì đó của thanh niên, dù sau đó nó lí nhí xin lỗi ông khi đi qua mặt. Ông hiểu và cảm thông với nó.

Nỗi an ủi duy nhất của ông là sự biết ơn của các bà mẹ những người lính ấy. Với ông thật ấm lòng. Chỉ thế thôi, đủ để ông biết ông không sai. Ông nói: “Nếu phải làm lại, tao vẫn làm thế”. Bởi lúc đó, với ông, chủ nghĩa anh hùng cách mạng thật mơ hồ và vô nghĩa. Lúc đó chỉ có mạng sống của những người lính, người anh em, người đồng hương hàng ngày chia cơm xẻ áo là thứ duy nhất đáng để ông suy nghĩ. Họ cần sống! Sinh mạng mới là quý giá chứ không phải cách mạng! Những người dạy dỗ, tuyên truyền, huấn luyện cho ông ở hậu phương có mấy người biết điều đó?

Bất giác, tôi nhớ tới lá cờ xin ăn, hành trang của lính Mỹ mà ngày xưa được coi là minh chứng cho sự hèn nhát của đế quốc Mỹ. Lá cờ in đủ thứ tiếng, nội dung là xin hàng và xin ăn kèm lời hứa Chính phủ Mỹ sẽ trả ơn cho ai cứu sống binh lính của họ. Phải chăng, với họ, sinh mạng con người của họ mới là thứ quý giá nhất? Họ coi việc bảo đảm mạng sống mới là điều quan trọng nhất? Phải chăng vì thế mà họ thua? Thua một đối phương không tiếc máu xương của đồng bào đồng chí, có thể đốt cả dãy Trường Sơn để giành chiến thắng? Phải chăng?

https://www.facebook.com/TuanTrung123

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.