Từ vụ 2 phụ nữ bán tăm bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em: Lo ngại những kẻ dẫn dắt đám đông

Nhật Tân

Nếu nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam vào các năm 19531956, vụ án Nhân văn – Giai phẩm năm 1957, nhìn lại mấy cuộc chiến tranh kéo dài, làm mất bao xương máu dân lành dưới ngọn cờ “giải phóng dân tộc” và “làm nghĩa vụ quốc tế” thì sẽ còn lo ngại hơn nữa.

Bauxite Việt Nam

GiadinhNet – “Không thể để những kẻ coi thường pháp luật dẫn dắt đám đông trong cơn cuồng nộ. Nó tạo ra nỗi đau của những người phải hứng chịu hành vi đáng sợ đó, sự kì thị và làm xã hội bị tổn thương”, TS Phan Hùng Sơn nhấn mạnh.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người dân do nghi ngờ bắt cóc, trộm chó đã cùng nhau phá hoại tài sản, đánh hội đồng kẻ tình nghi khiến nhiều người bị đòn oan. Hiện tượng người đi đường tự cho mình quyền được đánh đập người bị tình nghi phạm tội không chỉ mới xảy ra gần đây. Trên thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng vài lần chứng kiến các đối tượng trộm cắp, cướp giật bị đánh tơi tả trước khi được bàn giao cơ quan công an. Ai cũng sợ rằng sẽ có một ngày, bản thân mình cũng có thể trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn, sẽ bị đè ra đánh thừa sống thiếu chết chỉ vì lời nói vu vơ của một ai đó.

Hôm qua, hôm trước, những hôm trước nữa, tất cả chúng ta đều kinh qua những bản tin, bài báo, hình ảnh liên quan tới câu chuyện 2 người phụ nữ bị hành hung dã man vì nghi bắt cóc trẻ em. Chuyện kể rằng từ lời nói hoài nghi của một cô gái, người dân hô hào kéo nhau đến “xử đẹp” kẻ bắt cóc cùng tòng phạm. Theo cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Ph. (52 tuổi, xã Sơn Công – huyện Ứng Hòa) cùng chị Lê Thị B. (40 tuổi, xã Lê Thanh – huyện Mỹ Đức) lên Sóc Sơn để bán tăm cho Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức. Chỉ vì hành động cho kẹo trẻ con để hỏi thăm phụ huynh mà 2 người phụ nữ này đã bị gắn mác “bắt cóc”, dẫn đến bị đánh hội đồng.

clip_image002

Nhiều người dân vây đánh hai phụ nữ bán tăm nghi bắt cóc trẻ em ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: CTV

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng từ thực tế cho thấy một số người tự cho mình quyền được làm thay cơ quan có thẩm quyền, tự kết tội người khác rồi hành hung bất chấp quy định pháp luật. Việc này không chỉ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe nạn nhân mà còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Luật sư Tiến phân tích, việc người dân bắt giữ người (vì bất kỳ lí do gì) nhưng không dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền mà giữ lại để hành hung, đập phá tài sản, nếu nhẹ thì bị xử lí hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, “Vu khống” hoặc “Làm nhục người khác”. Trường hợp nạn nhân tử vong, có thể bị xem xét về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” hoặc “Giết người”. “Để chấm dứt tình trạng tự cho mình quyền đánh đối tượng tình nghi phạm tội, người dân cần được trang bị kiến thức pháp luật để từ đó biết hành xử đúng luật và có căn cứ. Trong thực tế xét xử đã từng xảy ra nhiều vụ án mà chỉ vì bức xúc, vội vã “đánh cho sướng tay” mà từ phòng chống tội phạm trở thành người phạm tội và phải chịu nhiều chế tài khác” – luật sư Tiến lưu ý.

clip_image004

Chiếc xe ô tô tiền tỉ bị người dân ở Thanh Hà (Hải Dương) thiêu rụi vì hiểu lầm bắt cóc

Ở góc độ chuyên gia tâm lí, TS Phan Hùng Sơn cho rằng cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội, thông tin giả, thông tin bịa đặt cũng gia tăng chóng mặt. Tin giả, tin bịa đặt thực sự là những “nhát dao trên bàn phím”, gây hậu quả thật đến xã hội. Hai vụ việc vừa xảy ra là trường hợp đánh người tập thể vì nghi bắt cóc trẻ em tại huyện Sóc Sơn và một người dùng Facebook tung tin máy bay rơi tại Nội Bài đã một lần nữa đặt ra vấn đề hành xử trước các thông tin giả, tin bịa đặt đang tràn lan… “Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như xã hội bất an, thông tin thiếu kiểm chứng lan truyền qua mạng xã hội. Thậm chí nhiều trường hợp người loan tin thiếu kiến thức xã hội, hiểu sai vấn đề nên đưa tin sai. Ví dụ loan tin chỉ hỏi đường cũng chụp thuốc mê được đối phương trong khi thực tế để đánh thuốc mê, không thể không có tiếp xúc trực tiếp. Ở vùng xa, ngoại thành, nông thôn, tin đồn còn khó kiểm chứng hơn nhưng khi truyền miệng lại có tác dụng rất mạnh do tính chất cục bộ, thói quen hùa theo rất đậm đặc trong cộng đồng người dân. Người loan tin vì vậy cũng được chú ý hơn. Chính vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm của việc chia sẻ trên trang cá nhân những thông tin thiếu kiểm chứng” – TS Sơn chia sẻ.

clip_image006

Sau hàng loạt vụ hành hung do hiểu lầm bắt cóc, một số người đi ô tô đã nghĩ ra cách để có thể hạn chế khả năng bị tấn công

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), bộ này đã và đang triển khai các biện pháp để nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội. Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện theo hướng tăng nặng mức phạt hành chính để có tính răn đe hơn với những đối tượng cố tình câu “view”, câu “like”. Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan công an để xử lí các vi phạm vì có những vụ việc chỉ có nghiệp vụ của cơ quan điều tra mới phát hiện, xử lí được, như trường hợp PC50 Hà Nội đã phát hiện trường hợp tung tin bịa đặt về vụ máy bay rơi tại Nội Bài. “Song về lâu dài cần truyền thông để người dân hiểu, có trách nhiệm với phát ngôn trên mạng xã hội, có trách nhiệm trong chia sẻ lại thông tin trên mạng xã hội (thể hiện sự chính xác, có văn hóa…). Ngoài ra, bản thân mỗi người dân cũng nhận thấy mình có trách nhiệm phản bác lại các thông tin sai sự thật, tránh tình trạng bản thân phán tán tin không chính xác, bị vạch trần, nhưng lại “phủi tay”, không nhận thấy trách nhiệm của mình” – ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

N.T

Nguồn: http://giadinh.net.vn/phap-luat/tu-vu-2-phu-nu-ban-tam-bi-danh-oan-vi-nghi-bat-coc-tre-em-lo-ngai-nhung-ke-dan-dat-dam-dong-20170727170215014.htm

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.