Hồi tháng 1/2007, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Quân đội đã nói về hoàn cảnh lịch sử để “Quân đội cũng như công an cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại” nay đã không còn phù hợp: “Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Nhưng nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia”.
Vào thời điểm đó, ông Lê Khả Phiêu nói “dứt khoát năm 2007 phải làm những khâu cơ bản” trong việc chuyển giao các doanh nghiệp quân đội, công an sang cho Nhà nước.
Hơn 10 năm sau khi ông Phiêu phát biểu, vấn đề này không chỉ vẫn còn đó mà còn lớn hơn trước.
Công binh dựng và duy trì cầu phao qua sông Hồng – ảnh tư liệu. Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Truyền thông Việt Nam đã và đang có nhiều bài về chủ đề được bàn thảo trên mạng và đưa ra cả các hội thảo chính thức về vai trò của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc làm kinh tế.
BBC Tiếng Việt giới thiệu các bài nổi bật cùng những quan điểm đa chiều về chủ đề này vốn bùng nổ trở lại sau vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm và chuyện sân golf cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.
Hoạt động đa ngành
Trang VnExpress điểm ra các lĩnh vực kinh tế mà Quân đội Việt Nam đang hoạt động:
“Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Do đặc thù hoạt động, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng – bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp”.
“Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc…”
Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất tốt, giá cả hợp lý, bán ra thị trường được dân tin
Tướng Võ Hồng Thắng
“Đứng đầu trong danh sách này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Dù chỉ là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc phòng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nhưng Viettel lại là đơn vị đang giữ vị thế lớn nhất trên thị trường và tạo sự cách biệt lớn với hai nhà mạng đứng sau là VinaPhone và Mobifone”.
“Năm 2016, Viettel đạt hơn 226.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 10 tỷ USD và hơn 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng doanh thu của Viettel cũng gấp gần ba lần doanh thu của VinaPhone và Mobifone cộng lại, đồng thời là đơn vị đang đóng góp vào ngân sách lớn nhất trong số các doanh nghiệp quốc phòng, đạt trên 40.000 tỷ đồng”.
Cũng báo này đã phỏng vấn hôm 06/07 với Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế, Bộ Quốc phòng và được ông xác nhận:
“Ở nhiều vùng biên giới trên bộ có tình trạng trắng bản, trắng dân nên quân đội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định cho đầu tư xây dựng 33 khu kinh tế quốc phòng dọc biên giới quốc gia. Hiện nay đã triển khai 28 khu, 5 khu đang triển khai…”.
Một toà nhà của Viettel. Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Tuy nhiên, ông Võ Hồng Thắng cho rằng cách nói “Quân đội làm kinh tế là không đúng”. Theo ông, cần hiểu rõ rằng đó là việc “quân đội tham gia sản xuất, lao động, xây dựng kinh tế”.
Ông cũng thách thức các doanh nghiệp dân sự về giá:
“Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất tốt, giá cả hợp lý, bán ra thị trường được dân tin”.
Hôm 09/07, VnExpress có bài phóng sự video nói “Dù số lượng không nhiều nhưng các doanh nghiệp quân đội đang giữ vị thế lớn ở nhiều lĩnh vực với lợi nhuận vài trăm đến chục nghìn tỷ đồng”.
Khi các sỹ quan cao cấp làm giám đốc
Trang CafeF.vn thì nêu ra một loạt “hàng nóng” tức các công ty quân đội mà theo họ được nhà đầu tư nhắm tới trong quá trình Chính quyền Việt Nam cho cổ phần hóa các công ty quân đội.
Bài hôm 04/07 khẳng định “Quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội đã và đang được tiến hành”, và đặt câu hỏi: “Những doanh nghiệp quân đội nào sẽ được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi sắp tới chỉ còn 29 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý?”.
Trang báo nêu rằng “Viettel, Tân Cảng Sài Gòn là hai cái tên đứng đầu danh sách”.
Đặc biệt bài báo còn nhắc lại một nghị quyết đã có từ năm 2012 để cho rằng con số các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng đang nắm đã giảm nhiều:
“Quân đội còn sở hữu nhiều doanh nghiệp nhưng số lượng đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo số liệu được báo Quân đội Nhân dân công bố, số doanh nghiệp quân đội đã giảm từ 300 xuống 88 doanh nghiệp. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội theo tinh thần Nghị quyết 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012”.
Hồi tháng 1/2007, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói cần “dứt khoát” chuyển doanh nghiệp quân đội và công an sang cho Nhà nước quản lý. Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Bài báo cũng nêu hiện tượng “một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm có tên Quân đội nhưng lại do người ngoài quân đội sở hữu phần lớn là Ngân hàng TMCP Quân đội”.
“Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của MB đạt tới 2.884 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước đó. Tại MB, Viettel chiếm tới 15,79% cổ phần và là cổ đông tổ chức lớn nhất. Thượng tướng Lê Hữu Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Chủ tịch HĐQT MB; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel là Phó chủ tịch. Còn Thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn là thành viên HĐQT”.
Một doanh nghiệp quan trọng của Bộ Quốc phòng là Tổng Công ty Xây dựng 319 cũng được tờ báo nêu tên.
Hồi tháng 11/2016, các báo Việt Nam cho biết “Đại tá Phùng Quang Hải đã bàn giao chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty 319 cho Đại tá Trần Đăng Tú, Tổng giám đốc tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng này”.
Ông Phùng Quang Hải là con trai của Đại tướng Phùng Quang Thanh, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng gần 10 năm, cho đến tháng 4/2016.
Trong làm kinh tế của quân đội, yếu tố sản xuất là chính, làm kinh doanh thấp hơn.
Ông Vũ Khoan
Các ý kiến đa chiều
Trong một không khí cởi mở hiếm có, cuộc tranh luận về chuyện Quân đội nên làm kinh tế hay không và nếu làm thì làm gì, được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi, với quan điểm nhiều chiều, từ cả các tướng lĩnh, cựu lãnh đạo.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, được trích lời tại Tọa đàm do Quân đội Nhân dân tổ chức hôm 7/07 nói rằng quân đội làm kinh tế là chuyện “không còn phải bàn” nhưng cho rằng:
“Trong làm kinh tế của quân đội, yếu tố sản xuất là chính, làm kinh doanh thấp hơn. Đặc biệt, quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được”.
Tuy vậy, ông cảnh báo:
“Cũng giống như các thành tố trong xã hội, lực lượng làm kinh tế của quân đội không thể không có tiêu cực xảy ra. Công tác đấu tranh để làm trong sạch đội ngũ quân đội không thể không làm, thậm chí phải làm nhiều hơn. Vì, tai tiếng của quân đội sẽ ảnh hưởng đến an nguy của quốc gia”.
Vấn đề nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội nêu ra là nghi ngờ về sự ưu tiên về thuế, quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp quân đội, tạo vị thế cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp dân sự.
Nhà báo Trần Tiến Đức cho rằng Việt Nam cần minh bạch về các hoạt động ‘làm kinh tế’ của quân đội. Bản quyền hình ảnh FB TRAN TIEN DUC
Một Nghị định của Chính phủ Việt Nam hồi 15/10/2015, có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong Điều 6 ghi rõ về ưu tiên này:
“Được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao quản lý và sử dụng phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Tuy nhiên, văn bản này cũng ghi “Định kỳ 03 năm một lần, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh”.
Còn trên trang BBC Tiếng Việt, trả lời một chương trình Toạ đàm hàng tuần hôm 06/07, nhà báo Trần Tiến Đức từ Hà Nội nói vấn đề làm không phải Quân đội Việt Nam làm gì mà là cần minh bạch về thu nhập:
“Về ngân sách như thế nào, tôi phải nói rằng chúng tôi không biết rõ được ngân sách quốc phòng của Việt Nam là bao nhiêu và ngân sách đó có đủ để chi cho những nhu cầu quốc phòng hay không. Cái đó người dân chúng tôi không được biết”.
Ở đơn vị cũ của tôi, họ cho dân thuê để kinh doanh, hát karaoke… Mỗi tháng thu tiền tỷ. Đơn vị không làm gì cả, mấy ông đại tá với đám sĩ quan chỉ ăn chơi rồi chờ ngày lĩnh lương…
Thái Lai, bạn đọc BBC
“Qua các con số dẫn ra về các doanh nghiệp quân đội, thì chắc chắn họ có đóng góp phần nào cho quốc phòng, nhưng vấn đề như tôi muốn nói là tính minh bạch của các thông tin đó như thế nào? Vấn đề minh bạch và trung thực về tình hình tài chính như thế nào?”.
Còn trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt chủ đề này cũng được nhiều sự chú ý.
Bạn Thái Lai viết: “Ở đơn vị cũ của tôi, họ cho dân thuê để kinh doanh, hát karaoke… Mỗi tháng thu tiền tỷ. Đơn vị không làm gì cả, mấy ông đại tá với đám sĩ quan chỉ ăn chơi rồi chờ ngày lĩnh lương…”.
Còn bạn Huyen Luongthanh thì viết: “Nên nhớ chính sách Ngụ nông ư binh không phải như kiểu lấy đất sân bay để làm sân gôn, tụ điểm ăn chơi…”.
Có ý kiến nói chiến sỹ không làm kinh tế nữa sẽ có nhiều thời gian để luyện tập quân sự. Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Nhận thức khác nhau
Có vẻ như ngay trong quân đội cũng có nhận thức khác nhau về việc Quân đội nên làm kinh tế hay không.
Vào ngày 07/07, Hôm 07/7/2017, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được báo Thanh Niên dẫn lời nói:
“Phấn đấu làm sao có nhiều Viettel nữa. Điều này chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn”.
Hôm 23/06, báo chí Việt Nam trích lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu nói Quân đội Việt Nam ‘không làm kinh tế nữa’.
Trong cuộc họp có mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Chiêm nói nhiệm vụ của Quân đội nay là “tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân”.
Có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó có liên quan đến vấn nạn tham nhũng nên Trung Quốc đã cho quân đội thôi làm kinh tế
Tướng Lê Mã Lương
Sau phát biểu của Tướng Lê Chiêm, báo chí Việt Nam trích lời Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng qua nghiên cứu ông thấy “trong thực tiễn quân đội của nhiều nước trên thế giới đều không tham gia làm kinh tế”.
“Trước đây quân đội Trung Quốc cũng tham gia làm kinh tế. Tuy nhiên sau khi thấy có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó có liên quan đến vấn nạn tham nhũng nên nước này đã cho quân đội thôi làm kinh tế” – tướng Lê Mã Lương được trang Đất Việt hôm 27/06 trích lời cho hay.
Ông cũng nói: “Khi quân đội không làm kinh tế, các chiến sĩ sẽ dành được rất nhiều thời gian để nâng cao thể trạng, thể lực, tri thức quân sự”.
Hiện chưa rõ cuộc thảo luận này sẽ đi đến đâu vì đây không phải là lần đầu tiên quan điểm “quân đội, an ninh thôi tham gia làm kinh tế” đã được nêu ra.
Hồi tháng 1/2007, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Quân đội đã nói về hoàn cảnh lịch sử để “Quân đội cũng như công an cũng phải tham gia làm kinh tế, thương mại” nay đã không còn phù hợp:
“Thời điểm từ năm 1975 đến 1990 thì việc này là cần thiết. Nhưng nếu cứ kéo dài đến thời điểm này rõ ràng là không còn phù hợp nữa. Vì quân đội hay công an cũng thế thôi, đều có nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng là phải tập trung bảo đảm an ninh quốc gia”.
Vào thời điểm đó, ông Lê Khả Phiêu nói “dứt khoát năm 2007 phải làm những khâu cơ bản” trong việc chuyển giao các doanh nghiệp quân đội, công an sang cho Nhà nước.
Hơn 10 năm sau khi ông Phiêu phát biểu, vấn đề này không chỉ vẫn còn đó mà còn lớn hơn trước.