Ngày 03/06/2010, tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Sans Frontières), trụ sở tại Paris công bố bản báo cáo: «Những cuộc điều tra nhiều hiểm nguy: Nạn phá rừng và các vụ ô nhiễm». Bản báo cáo lên án những hành động sách nhiễu, bắt bớ ngày càng nhiều trên thế giới nhắm vào các phóng viên điều tra về những vụ phá hoại môi trường. Trong phần nói về Việt Nam, bản báo cáo mô tả cách thức mà chính quyền Hà Nội tìm cách bóp nghẹt mọi tranh luận về tác hại của các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do một công ty Trung Quốc thực hiện.
Theo RSF, hồ sơ bauxite Tây Nguyên rất nhạy cảm đã khiến nhiều nhà báo và blogger Việt Nam bị bắt bớ, giam cầm. Bản báo cáo nhắc lại vụ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam, đã bị công an kêu lên «làm việc» trong suốt một tuần [22 ngày – BVN]để ép buộc ông từ bỏ việc điều hành trang này. Công an cũng đã khám xét nhà ông và tin tặc đã đánh phá trang Bauxite Việt Nam, khiến trang này đã nhiều lần thay đổi địa chỉ.
Theo đánh giá của Phóng Viên Không biên giới, trong một quốc gia mà đảng độc quyền ngăn cản sự hình thành của báo chí tự do, trang mạng này đã được 17 triệu người truy cập tính đến cuối năm 2009 và đã nhanh chóng trở thành một nơi trao đổi thông tin trên vấn đề bauxite, cũng như là nơi phản kháng chính quyền.
Báo cáo cũng nhắc lại chính là để bóp nghẹt cuộc tranh cãi chung quanh vấn đề này mà Chính phủ Việt Nam vào năm ngoái đã ra quyết định 97 hạn chế việc phản biện của các nhà khoa học và qua quyết định này buộc Viện nghiên cứu phát triển của Tiến sĩ Nguyễn Quang A phải đóng cửa.
Mặc dù bị ngăn cấm, nhưng giới blogger Việt Nam đã tham gia rất đông đảo vào việc điều tra và bình luận về tác hại của các dự án bauxite, bởi vì báo chí trong nước, do phải tự kiểm duyệt, chỉ đăng những ý kiến thuận lợi cho những dự án này.
TP
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100603-phong-vien-khong-bien-gioi-to-cao-viet-nam-ngan-cam-thong-tin-ve-tac-hai-cua-de-an