Cần ‘minh bạch’ về quân đội làm kinh tế

clip_image002

Ảnh: FB TRAN TIEN DUC – Nhà báo Trần Tiến Đức nhấn mạnh nhu cầu minh bạch các thông tin về làm ăn kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội trước người dân ở Việt Nam.

Việt Nam cần minh bạch về các hoạt động làm kinh tế của quân đội nước này để lộ trình ‘cải cách’ được thực hiện đúng đắn và hợp lý và người dân có được thông tin, theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm.

Từ Hà Nội, hôm 06/7/2017, nhà báo Trần Tiến Đức trước hết đưa ra quan niệm của ông về vai trò và chức năng của quân đội, ông nói:

“Tôi có đọc những ý kiến lấy thí dụ những bằng chứng lịch sử từ thời nhà Trần, các thời vua từ trước, đến khi hết chiến tranh, người ta [cho] binh sỹ về làm nông, nhưng tôi nghĩ thời đại mỗi thời một khác.

Thời này, quân đội phải chính quy hiện đại, phải tập trung vào việc tập luyện để bảo vệ Tổ quốc, và những cơ sở quốc phòng chủ yếu tập trung vào sản xuất là khí tài, vũ khí, quân trang v.v… để phục vụ cho việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội để bảo vệ đất nước – Nhà báo Trần Tiến Đức

“Thời này, có lẽ theo tôi hiểu, quân đội phải chính quy hiện đại, phải tập trung vào việc tập luyện để bảo vệ Tổ quốc, và những cơ sở quốc phòng chủ yếu tập trung vào sản xuất là khí tài, vũ khí, quân trang v.v… để phục vụ cho việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội để bảo vệ đất nước”.

‘Minh bạch thông tin’

Nhấn mạnh nhu cầu về tính minh bạch trong thông tin về các hoạt động kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói tiếp:

clip_image003

Ảnh: FB – Ở Việt Nam, khi nhà nước, trong đó có một bộ phận là quân đội, làm kinh doanh, thì tài nguyên quốc gia do nhà nước toàn quyền sử dụng và người dân không được biết về các cân nhắc lời lãi, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

“Về ngân sách như thế nào, tôi phải nói rằng chúng tôi không biết rõ được ngân sách quốc phòng của Việt Nam là bao nhiêu và ngân sách đó có đủ để chi cho những nhu cầu quốc phòng hay không. Cái đó người dân chúng tôi không được biết.

“Qua các con số dẫn ra về các doanh nghiệp quân đội, thì chắc chắn họ có đóng góp phần nào cho quốc phòng, nhưng vấn đề như tôi muốn nói là tính minh bạch của các thông tin đó như thế nào? Vấn đề minh bạch và trung thực về tình hình tài chính (như thế nào)?

Tôi đồng tình với ý kiến rằng đây là một việc tốt, khi chúng ta (Việt Nam) vẫn diễn ra những cuộc tranh luận như thế này, trước hay sau chúng ta cũng phải có hướng giải quyết – PGS. TS. Phạm Quý Thọ

“Cái đó trong Thông tư 182 năm 2016 do Bộ Quốc phòng ban hành cũng đã nêu rất rõ, chứng tỏ trong đó có những vấn đề và chúng ta biết là có những vụ tham nhũng liên quan đến quân đội mà trước đây cũng đã phải xử và sau này cũng có những tin đồn này nọ mà chắc cũng khó nói ra được.

“Tất nhiên, tôi đồng ý với ông Nguyễn Xuân Nghĩa là chuyện này không thể làm được ngày một, ngày hai, mà chắc chắn phải có một lộ trình; và trước hết tôi nghĩ rằng nó phải minh bạch từ những đầu vào, tức là từ đất đai sử dụng như thế nào? Có hợp lý hay không?

“Nếu là lấy đất của dân, phải đền bù rõ ràng như là vụ Đồng Tâm, chứ không thể nào nhập nhằng được, và tất cả nguồn đầu vào cũng phải tiến đến rất minh bạch, vậy những doanh nghiệp ấy đóng góp được gì cho quốc phòng, có thế chúng ta mới có thể có một lộ trình đúng đắn và hợp lý được”, nhà báo tự do nói với BBC.

‘Tranh luận là tốt’

Thời gian gần đây, truyền thông của Việt Nam, trong đó có báo Quân đội Nhân dân và báo Dân trí, đã đăng tải các thông tin giới thiệu các quan điểm khác nhau trong giới chức lãnh đạo quân đội, đảng và chính quyền về việc quân đội thôi làm kinh tế, hay vẫn tiếp tục như một nhiệm vụ ‘chính trị’.

Bình luận về diễn biến này, từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói với BBC:

clip_image004

Ảnh: FB PHẠM QUÝ THỌ – Cuộc tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam về quân đội có nên tiếp tục làm kinh tế hay không là một điều’tốt’, theo PGS. TS. Phạm Quý Thọ.

“Tôi đồng tình với ý kiến rằng đây là một việc tốt, khi chúng ta (Việt Nam) vẫn diễn ra những cuộc tranh luận như thế này, trước hay sau chúng ta cũng phải có hướng giải quyết. Sự việc nóng bỏng lên bắt đầu từ việc sân golf ở trong Tân Sơn Nhất, mà đất đó đã được giao cho Bộ Quốc phòng, dù trước đó nó có ở trong quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất.

“Sau đó Bộ Quốc phòng quản lý, bây giờ trước nhu cầu mới và phát triển của ngành hàng không Việt Nam, trong đó có hàng không dân dụng yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại, đi đến một quyết định của Thủ tướng và Chính phủ là quân đội tạm dừng, hay là thôi, không làm kinh tế nữa mà tập trung làm sao đó cho chuyên nghiệp.

“Tuy nhiên, sau khi ý kiến này được tung ra và được công khai trên các mặt báo rồi trong dư luận, thì lại có một luồng ý kiến ngược lại gần đây xuất hiện một cách khá mạnh mẽ cho rằng… là quân đội nhưng vẫn phải làm kinh tế và đó là một nhiệm vụ chính trị.

Việc này chỉ có ngã ngũ nếu mà ở trên chóp bu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hai phái ấy, phái nào thật sự ưu thế áp đảo, thì lúc đó sẽ thắng và có thể sẽ có cải cách gì đó một chút, nhưng cải cách ấy sẽ diễn ra một cách rất chậm chạp và khó khăn – TS. Nguyễn Quang A

“Đây là một suy nghĩ từ rất lâu rồi, từ khi quân đội của chúng ta (Việt Nam) là quân đội nhân dân, sau đó trải qua một thời kỳ chiến tranh rất là dài với một lực lượng rất hùng hậu và thậm chí rất nhiều trang thiêt bị do quân đội quản lý, thì đã xuất hiện việc vừa làm kinh tế và vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Đấy là tính chất lịch sử.

“Tuy nhiên, 30 năm đổi mới rồi, chúng ta đã chuyển từ một trạng thái từ chiến tranh, sau đó là giải quyết hậu quả sau chiến tranh và bây giờ chúng ta đang chuyển sang thời bình, trong lúc chuyển này, đôi lúc cũng có những tranh chấp biên giới, hải đảo, tuy nhiên chủ đạo vẫn là chuyển sang kinh tế thị trường, phải khẳng định như vậy.

“Khi chuyển sang kinh tế thị trường, không những kinh tế tuân theo kinh tế thị trường, mà người dân, chính phủ và chính quyền cũng dần dần phải tuân theo kinh tế thị trường,… “, chuyên gia về chính sách công nói với BBC.

Khi nào ngã ngũ?

clip_image006

Ảnh: FB NGUYEN QUANG A – Nếu có cải cách trong vấn đề quân đội thôi không làm kinh tế nữa, thì quá trình sẽ ‘rất chậm chạp’ và ‘khó khăn’, theo TS. Nguyễn Quang A.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng cuộc tranh luận này thực ra là một cuộc ‘đấu tranh nội bộ’ giữa các nhóm có quan điểm và lợi ích khác nhau ở trong đảng và quân đội mà hiện chưa ‘ngã ngũ’, ông nói:

“Qua cuộc thảo luận chủ yếu trên Quân đội Nhân dân và một số báo, có thể thấy rằng lực lượng có thể nói là bảo thủ muốn giữ nguyên trạng thái quân đội làm kinh tế bây giờ đã có một cuộc tấn công rất mãnh liệt để chống lại những tư tưởng có vẻ tiến bộ một chút là quân đội dừng hoạt động [kinh tế].

“Và việc này chỉ có ngã ngũ nếu mà ở trên chóp bu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hai phái ấy, phái nào thật sự ưu thế áp đảo, thì lúc đó sẽ thắng và có thể sẽ có cải cách gì đó một chút, nhưng cải cách ấy sẽ diễn ra một cách rất chậm chạp và khó khăn.

Cho đến năm 2025 như là Nghị quyết số 425 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, thì chắc chắn rằng không có bỏ hoạt động kinh tế của quân đội – TS. Hà Hoàng Hợp

“Còn ngược lại phe bảo thủ mà thắng thế, thì họ vẫn giữ nguyên và thậm chí họ nói đây là nhiệm vụ chính trị từ xưa đến nay rồi và thậm chí lại tăng cường hơn nữa.

“Thực sự ở đây người ta nói rất nhiều về các nhóm lợi ích, ở bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy các nhóm đó cạnh tranh, đấu tranh với nhau một cách rất quyết liệt, và từ bên ngoài xã hội, chúng ta cũng phải lên tiếng để làm sao góp sức vào việc thay đổi cho tốt hơn”.

Cũng về vấn đề này, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra ý kiến, ông nói với BBC:

“Nếu để đi đến một tiến bộ như là Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm nói thì cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa, ông Chiêm nói vào ngày 23/6 thì ngày 05/7 có bài của Thượng tướng Trần Đơn.

“Ông Chiêm cũng như là ông Đơn đều là Thứ trưởng, cùng là Thượng tướng, nhưng ông Đơn nằm trong Thường vụ Quân ủy (Trung ương), còn ông Chiêm chỉ nằm trong Chi ủy viên,

“Chuyện này có lẽ sắp tới Quân ủy phải họp thường xuyên, cần phải để ý xem (trong) các cuộc họp thì Bí thư Quân ủy, tức là Tổng Bí thư và các Ủy viên Thường vụ khác nói như thế nào.

“Thế còn cho đến năm 2025 như là Nghị quyết số 425 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, thì chắc chắn rằng không có bỏ hoạt động kinh tế của quân đội”, ông Hà Hoàng Hợp nêu nhận định.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40531720

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.