JB Nguyễn Hữu Vinh
Ngày 4/7/2017 kỷ niệm 3 năm này thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Cột mốc đánh đánh dấu một chặng đường của một Hội được thành lập và phát triển trong một điều kiện hết sức ngặt nghèo và éo le. Nhìn lại một chặng đường đã bước qua, âu cũng là một cách để chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo ở phía trước.
Lập hội – quyền hiến định hay đảng định?
Có lẽ chỉ riêng ở các nước độc tài thì mọi câu chữ, ý nghĩa của Hiến pháp chỉ là một trò trang trí, mọi vấn đề xã hội, chính trị, đời sống… đều “đã có đảng và nhà nước lo”. Ở Việt Nam cũng tương tự, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 khi nhà nước Việt Nam Cộng sản mới cướp được chính quyền cho đến bản Hiến pháp hiện nay, tất cả đều ghi rõ rằng người dân có quyền tự do lập hội và tự do hội họp…
Thế nhưng, như đã nói ở trên, những điều đó chỉ nhằm trang trí cho đẹp một chế độ ra vẻ dân chủ mà nói theo cách của những người cộng sản, thì đó là “dân chủ giả hiệu” – Chỉ có điều, ở đây là dân chủ giả hiệu thật.
Chính vì vậy, mà mọi quyền của người dân dù đã được ghi cụ thể, tỉ mỉ liệt kê… nhưng điều hài hước là nó không bao giờ được thực hiện.
Sở dĩ có hiện tượng như vậy trong một chế độ luôn kêu gọi xây dựng Nhà nước pháp quyền như một sự lạ, thì ngược lại, những ai đã hiểu bản chất của nền chính trị cộng sản sẽ không thấy ngạc nhiên.
Bởi ngay sự tồn tại và hoạt động của Đảng Cộng sản đã chứa nhiều yếu tố thiếu minh bạch và… ngoài vòng pháp luật. Có thể bạn cho rằng điều này phi lý và “phạm thượng” ư? Xin mời đọc nguyên văn khoản 2 và 3 của Điều 4 quái gở của Hiến pháp:
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Về quy mô chung, cho đến nay, Đảng CS đã tồn tại cả gần thế kỷ, và luôn được hiến pháp yêu cầu “ hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Thế nhưng, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật về Đảng và Hội. Chưa có, bởi chưa làm. Cũng chẳng phải vì người ta bận để nghĩ ra những luật quái đản như bịt miệng công dân, bóp chết luật sư khi buộc họ phải tố cáo thân chủ là người thuê mình hay nghĩ ra trò “tăng thuế môi trường” nhằm cân bằng ngân sách… Mà chỉ vì nếu có luật thì cũng bằng trói tay đảng lại không còn được tự tung, tự tác trên sinh mạng người dân, vận mệnh đất nước.
Vì thế, chưa xa lắm, một ông tướng là Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết việc điều tra trinh sát đảng viên là bị cấm bởi “Chỉ thị 15” của Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Do vậy, tự đảng đã đặt chính mình và các đảng viên ra khỏi vòng pháp luật.
Và đó cũng chính là cái nôi cung cấp, nuôi dưỡng và bảo trợ hàng loạt những con sâu tham nhũng, ăn cắp của dân, cướp của công làm của riêng… rồi hạ cánh an toàn.
Chính vì việc có thể ngang nhiên đứng ra khỏi vòng pháp luật, để bảo vệ vị trí độc tài, độc trị của mình, hệ thống Quốc hội – được xác định là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước – dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản đã không thể đưa ra luật về Đảng, về Hội… nhằm ngăn chặn người dân sử dụng quyền được hiến định này.
Do vậy mà từ lâu, những ngôn từ ghi trong Hiến pháp Việt Nam đã không theo nghĩa thông thường, những quyền của công dân ghi ở đó không có ý nghĩa Hiến định mà chỉ có ý nghĩa Đảng định mà thôi.
Lập Hội – quyền của dân
Trước tình hình con ngáo ộp quyền lực cứ thực thi một cách bất minh và bất chính, người dân Việt bao năm qua chỉ như những đàn cừu được chăn dắt và hướng dẫn bởi một thể chế “đảng định” cho họ mà không thể đòi hỏi hơn những gì thuộc “ý đảng”. Bởi đáp ứng những đòi hỏi ấy đã có nhà tù và dùi cui sẵn sàng.
Tất cả mọi ý định hội, nhóm… ngoài ý đảng, nghĩa là không nằm trong sự quản lý giám sát chặt chẽ mà nói theo ngôn ngữ cộng sản rằng “đảng lãnh đạo tuyệt đối” thì đều được coi là “nhằm chống lại chính quyền nhân dân” – Lưu ý là cái “chính quyền nhân dân” này là của đảng.
Nói vậy không có nghĩa là trước đó không có các hội nhóm được thành lập. Hẳn nhiên là có, thậm chí nhiều hội, nhóm được thành lập còn oai dũng ngang một số các Bộ trong Chính phủ và được nuôi sống bằng ngân sách, tức là tiền thuế của người dân.
Thế nhưng các hội, nhóm ấy chỉ là những thứ bánh vẽ nhằm tạo ra những món sơn hào hải vị, thậm chí là cả món thịt chó, nhựa mận… trong mâm cỗ chay mà người dân được ép ăn hàng ngày. Thực chất đó chỉ là những cánh tay nối dài của đảng cộng sản nhằm khuynh loát xã hội mà thôi.
Và người dân hiểu rằng, chẳng mong chờ gì vào những cái gọi là hội hè ấy mà chỉ tổ làm thật nhiều, đóng thật nhiều thuế để cho một đám bâu xâu chia chác kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của họ.
Hoặc cũng có thể tự do lập các hội vô thưởng vô phạt, nhiều khi chỉ để là phục vụ nhu cầu mà người cộng sản hay gọi là “những ham muốn thấp hèn” như hội bia, hội rượu, hội đồng hương, hội chim cảnh… Tất cả cũng có thể, miễn là các hội ấy, chỉ chăm lo phục vụ các “nhu cầu thấp hèn” mà không màng tới chuyện quốc gia, chính trị hoặc quan tâm đến cộng đồng, xã hội, chính sách, mặc cho cán bộ đảng viên tham nhũng bán tài nguyên, mặc cho môi trường bị phá hoại, mặc cho Formosa xả thải giết dân, mặc cho Tàu Cộng xâm lấn biển đảo… là được.
Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm mỗi con người, ý chí tự do là quyền cơ bản, thiết thực và cũng là một ơn cao cả nhất mà Thiên Chúa đã trao cho con người luôn trỗi dậy và đòi hỏi.
Người dân Việt Nam bằng tất cả kinh nghiệm cuộc sống qua nhiều năm, từ nhiều đời dưới chế độ Cộng sản với “chuyên chính vô sản” – một cách gọi của việc sử dụng bạo lực để thực hiện các công việc xã hội – đã tạo nên một xã hội sợ hãi và sống trong dối trá, tê liệt mọi sự đòi hỏi và phản kháng.
Thế nhưng, khi một số trong họ, bằng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đến từ những đất nước “tư bản giãy chết” như mạng internet hay mạng di động đã giúp họ nhận thức được quyền của mình, có thể nói lên tiếng nói đòi tự do… thì tình hình đã khác.
Và người dân hiểu rằng: Họ có những quyền tự do cơ bản, và quyền đó khi đã bị cướp đi thì họ phải đòi lại, hoặc giành lấy. Hẳn nhiên họ cũng rất biết rằng tự do không ai cho không bao giờ.
Thế rồi một loạt các hội đã được thành lập.
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – Ba năm tồn tại và phát triển
Một trong các Hội được thành lập bởi khát vọng của người dân là Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
Sở dĩ điều đó được coi là một khát vọng, bởi ở đó đáp ứng được hai quyền cơ bản tối thiểu của người dân trong chế độ toàn trị độc tài: Quyền tự do lập Hội và quyền tự do báo chí, thông tin và ngôn luận.
Trong chế độ độc tài, nhất là chế độ độc tài cộng sản, việc áp chế một quyền cơ bản của người dân là quyền tự do ngôn luận trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng của đội ngũ đàn áp thuộc đảng. Bởi vậy, nhà cầm quyền đã lập ra và nuôi sống hàng ngàn tờ báo, đài phát thanh truyền hình… đủ loại. Thế nhưng dù ở đó có tất cả mọi thứ từ bạo lực, tình dục, cho đến tội ác thì vẫn thiếu một điều cần thiết nhất cho người dân: Sự thật.
Hệ thống báo chí được mệnh danh là “chiến sĩ thông tin của đảng” luôn đặt vị trí cai trị của đảng làm mục đích. Do vậy dàn báo chí ấy đã bất chấp tất cả những điều tối thiểu trong cuộc sống là nói lên sự thật. Khi cần thì dàn báo chí có thể dùng đủ mọi thủ thuật để bịa đặt, vu cáo… đủ cả. Miễn là đạt mục đích.
Chính vì thế, nhu cầu được có tiếng nói trung thực, xuất phát từ chinh nhu cầu của người dân.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được ra đời trong hoàn cảnh đó.
Hẳn nhiên, như đã nói ở trên, việc ra đời một Hội như khát vọng của người dân là một điều cấm kỵ. Do vậy, ngay từ khi thành lập ban đầu, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã gặp không ít gian truân, thử thách. Bởi tất cả bắt đầu từ tay không và từ những con người chỉ có giàu lòng nhiệt huyết.
Những khó khăn đó xuất phát từ hệ thống báo chí cộng sản cũng như hệ thống chính quyền, công an… là điều xảy ra như cơm bữa. Những ngôn từ được dành cho xưng tụng với Hội như “phản động”, “thế lực thù địch”… không thiếu. Có điều là những thứ đó không đánh lừa được ai. Bởi người dân đã quá hiểu cái trò cả vú lấp miệng em bấy lâu nay.
Mặt khác, hầu như người dân đã được mặc định rằng: Những gì báo đài nhà nước nói, thì hãy coi chừng có phần trăm sự thật nào trong đó?
Những khó khăn từ nội bộ Hội cũng không ít. Bởi hầu hết những người có tinh thần, giàu nhiệt huyết nhưng lại thiếu thốn đủ thứ về vật chất, thời gian và con người làm việc có kinh nghiệm. Đặc biệt với tư duy báo chí dân chủ, trái với báo chí độc tài, việc quản lý cũng như thống nhất là một vấn đề không dễ dàng.
Do vậy những trục trặc ban đầu là tất yếu. Đã có lúc Hội tưởng như đứng trước sự tan vỡ không tránh khỏi. Thế nhưng, nỗi khao khát một tiếng nói tự do, một diễn đàn độc lập đã vượt thắng tất cả.
Ba năm, con số hội viên đã tăng lên nhiều hơn, các hội viên cũng chững chạc hơn trong công việc, nghề nghiệp và cả tư duy, sự thống nhất.
Ba năm, với hai bàn tay trắng, vẫn tồn tại được một Hội nhóm ngày càng có tiếng nói có trọng lượng trên mặt trận truyền thông, đáp ứng dần nhu cầu của người dân và đất nước cần những tiếng nói trung thực vì quyền lợi người dân và cơ đồ đất nước.
Ba năm, trước bao sóng gió tơi bời vẫn tồn tại và phát triển một Hội nhóm đã từng là cấm kỵ, là khát khao của người dân Việt Nam.
Đó cũng đã là một thắng lợi to lớn.
Hẳn nhiên phải công nhận điều này: Ba năm đã qua, Hội chưa đủ tầm vóc như mong muốn của nhiều người trong và ngoài Hội, trong và ngoài nước vốn vẫn kỳ vọng nhiều vào một tiếng nói độc lập xứng tầm.
Phải chăng, kỷ niệm 3 năm ngày ra đời của Hội Nhà báo Độc lập, chúng ta kiểm đếm, xem xét lại tất cả những thiếu sót, hạn chế và những khó khăn hiện tại và trước mắt để tìm cách khắc phục đi lên, âu cũng là một việc cần làm vì sự phát triển chung của những hội nhóm, những con người mong muốn dấn thân cho Cộng đồng, xã hội và đất nước được trường tồn và phát triển.
Điều đó, cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Hà Nội, Ngày 4/7/2017
J.B N H.V.
Tác giả gửi BVN