Tiếng nói mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Paulus Lê Sơn

Ngày 3 tháng 7 trên tờ  Église d’Asie loan tin một cuộc phỏng vấn độc quyền về tình hình Giáo hội tại Việt Nam được thực hiện bởi  Ban biên tập Église d’Asie với người đứng đầu Giáo hội Công giáo, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bài phỏng vấn hầu như đề cập một cách chi tiết, tỉ mỉ đến các vấn đề rất nóng liên quan đến hiện tình của Giáo hội.

Ban biên tập Église d’Asie mạnh dạn đưa ra những câu hỏi trực diện mà các cá nhân, hội đoàn đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp. Từ các bloggers người Công giáo như Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến Linh mục Nam Phong bị cấm xuất cảnh, Linh mục và Giáo dân lên tiếng bảo vệ môi trường chống lại Formosa và đặc biệt các tu sĩ Đan viện Thiên An tại Huế bị đàn áp đánh đập.

Cách trả lời mạnh mẽ, quyết đoán, khôn ngoan, hi vọng Tin Mừng của vị chủ chăn, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh về các sự việc cho chúng ta thấy một sự tích cực không chỉ cho Giáo hội mà cho cả xã hội Việt Nam.

Ngài nói: “Chế độ Cộng sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập. Các “bloggers” bị coi như những người khiêu khích, chuyên xúi giục các vụ nổi loạn”.

Nói về Formosa, Ngài cho rằng “Không có gì đã thay đổi. Vì Chính phủ luôn luôn sợ phải thừa nhận sự thật liên quan tới vụ tai tiếng Formosa”.

Một sự hi vọng Tin Mừng được thắp lên từ chính sự lạc quan của Đức cha Giuse “Tôi lạc quan vì, sau một thời kỳ lâu dài chung sống, các thành phần xã hội đã tìm cách xích lại gần nhau. Người Cộng sản và Người Công giáo hiểu nhau tốt hơn trước khá nhiều”. Đó chính là nỗ lực và sự bền bỉ trong việc làm chứng của người Công giáo trở nên mỗi ngày một tích cực hơn.

Hôm thứ Năm 1 tháng Sáu 2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi đến Quốc hội bài nhận định, qua đó bày tỏ quan điểm của Hội đồng Giám mục về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016.

Đây là một quan điểm đồng nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện sự phản đối mạnh mẽ, “các nhận xét thành thực và thẳng thắn” của HĐGM Việt Nam cho rằng với đạo luật này, người ta thấy nhiều thụt lùi, chứ không phải tiến bộ, chỉ rõ:  có nhiều lãnh vực trong đó Giáo hội không có quyền dấn thân vào, như sức khỏe, giáo dục…

Trên tinh thần quan điểm của người đứng đầu Hội thánh Công giáo tại Việt Nam,  Đức cha Giuse nói rằng: “việc tham gia của các Giáo dân rất được các mục tử đánh giá cao. Đặc biệt khi họ dấn thân không điều kiện, nhất là tại các giáo xứ miền quê. Họ làm việc dễ dàng và không công, hoàn toàn tự nguyện. Thậm chí, đôi khi, còn có quá nhiều thiện nguyện viên. Mọi người đều khả dụng. Đó là cảm thức của Giáo hội ở Việt Nam. Bản thân tôi, tôi đánh giá cao việc tham dự của các Giáo dân”.

Đó như là một tín hiệu rõ ràng Ngài cổ võ và cầu nguyện cho tất cả sự dấn thân vì công ích chung cho Giáo hội và xã hội mà Giáo dân tham gia.

Một lần trong câu chuyện Đức tổng Giuse đối đáp với phía nhà cầm quyền, đại ý Ngài cho rằng trong một vườn hoa thì có rất nhiều loài hoa, mà hoa nào cũng đẹp, cũng có sắc vị riêng của nó, đều đáng quý như nhau.

Việc các thành phần trong Giáo hội Công giáo dấn thân cho xã hội,  cho quốc gia là một điều hết sức tự nhiên, được thực thi nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam thì các giá trị căn bản của tinh thần Công giáo lại bị nhà cầm quyền chặn đứng không thể đi sâu vào các cấu trúc cơ chế.

Ngay tại khu vực Đông Nam Á, đất nước Timor – leste non trẻ, thế nhưng người Công giáo nơi đây hy vọng Giáo hội có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề nhà nước, họ mong muốn Giáo hội sẽ tham gia vào việc biên soạn pháp luật tác động tới đời sống người dân.

Tiếng nói của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh cùng Hội đồng Giám mục Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Giáo hội và xã hội đã, đang diễn ra cho chúng ta thấy một hi vọng Tin Mừng lớn lao để đổi mới Giáo hội cũng như để góp phần canh tân đất nước Việt Nam một cách rốt ráo, toàn phần trong tương lai gần.

07.5.2017

P.L.S.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.