Ảnh: CHRISTINE NGUYEN – Chuyến bay chở ông Phạm Minh Hoàng (giữa) đáp tại sân bay Charles de Gaulle, Pháp sáng 25/6
Đáp xuống sân bay Charles de Gaulle, Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông “buồn nhưng chấp nhận sự thật vì không còn chọn lựa nào khác”.
Ông Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam ngay trong đêm 24/6, trên chuyến bay hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến Paris của Vietnam Airlines.
Giáo sư Hoàng, người mang song tịch Việt Nam và Pháp, nói rằng ông được Đại sứ quán Pháp thông báo tin bị trục xuất vào đầu tháng 6/2017.
Tháng 3/2016, vị giáo sư từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã bị câu lưu tại TP Hồ Chí Minh do tổ chức lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp.
Hôm 25/6, trong số những người ra đón ông Hoàng tại sân bay ở Paris có Đặng Xuân Diệu, cựu tù nhân lương tâm, người bị Việt Nam “cho đi chữa bệnh” hồi tháng 1/2017.
Ông Phạm Minh Hoàng (cầm bó hoa) được bạn bè đón ở phi trường (Hình: Facebook Michel Tran Duc/BVN mượn lại trên Người Việt).
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ sân bay Charles de Gaulle, Pháp, ông Phạm Minh Hoàng nói: “Có ba nhân viên an ninh đi theo tôi từ Tân Sơn Nhất đến tận sân bay ở Paris”.
“Khi về Pháp, trong người tôi không có hộ chiếu Việt Nam hay Pháp, mà chỉ có một tờ giấy mà an ninh Việt Nam gọi là “giấy quá cảnh”.
“Tôi biết rằng con đường của mình còn dài, ở nơi nào thì tôi cũng có thể đấu tranh cho nhân quyền và dân tộc” – giáo sư Phạm Minh Hoàng
‘Như một con vật’
Cảm giác bây giờ của tôi là rất buồn nhưng chấp nhận sự thật vì biết mình không còn chọn lựa nào khác”.
“Giờ thì những nỗ lực đấu tranh của tôi cũng như của mọi người trên mạng, của luật sư và của các tổ chức đã không thành”.
“Nhưng tôi biết rằng con đường của mình còn dài, ở nơi nào thì tôi cũng có thể đấu tranh cho nhân quyền và dân tộc”.
Ảnh: OTHER – Ông Phạm Minh Hoàng (phải) và Đặng Xuân Diệu ở sân bay Charles de Gaulle
Ông cũng kể thêm: “Đêm 23/6, tôi đang ở nhà riêng, mặc quần đùi, áo lá thì bị an ninh lôi ra khỏi nhà như một con vật và tống lên xe chuyển đến một trại giam ở tỉnh Long An”.
“Sau đó, người của Tổng lãnh sự quán Pháp đến gặp tôi và thông báo rằng những nỗ lực pháp lý của họ đã không thành trong việc ngăn quyết định trục xuất đối với tôi”.
“Họ nói trước sau thì tôi cũng phải lên máy bay về Pháp”.
“Trong trại giam, an ninh cũng đe dọa sẽ có những biện pháp gây ảnh hưởng đến đời sống của vợ con tôi ở Việt Nam”.
Giáo sư nói thêm rằng trước mắt, ông sẽ về nhà chị, em ruột đang sống ở Paris.
Đề cập về mối liên hệ với Đảng Việt Tân, ông Phạm Minh Hoàng nói với BBC: “Tôi bị kết án là theo Việt Tân, là thành viên của một tổ chức bị ghép tội khủng bố”.
“Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mình làm gì chứ không phải mình là ai”.
Trước đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người được ông Hoàng nhờ trợ giúp pháp lý trong vụ này, nói với BBC rằng “quyết định tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng là vi luật”.
Hôm 15/6/2017, trả lời truyền thông quốc tế về trường hợp của ông Hoàng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói: “Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam”.
Thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi hôm 25/6 cho biết: “Với việc tước đoạt quyền công dân của ông Phạm Minh Hoàng và buộc ông phải lên máy bay sang Pháp, Hà Nội có hành vi vi phạm công khai và đáng bị lên án trên toàn thế giới”.
“Với Việt Nam, hành động chưa có tiền lệ và gây sốc này vượt qua lằn ranh đỏ về quyền tự do ngôn luận, quyền quốc tịch, và thực thi các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản”.
“Không ai có thể chấp nhận việc Việt Nam có thể tước quốc tịch công dân nước họ đối với những người biểu lộ quan điểm chính trị không theo ý của Đảng Cộng sản cầm quyền”.