Minh Quân
Có một hiện tượng cũng khá lạ đời là với chính quyền cộng sản hôm nay, bất cứ cái gì trở thành nghị quyết, được “thông qua trăm phần trăm” trong các tổ chức mang danh đảng hay nhà nước, đều trở thành nỗi lo khủng khiếp của dân. Tìm hiểu kỹ, thì ra, không một nghị quyết “thắng lợi giòn giã” nào, của bất cứ đời ông Thủ tướng nào, mà trước sau lại không dẫn đến cùng một… kết quả, có thể nói là độc nhất vô nhị: chỉ có thua lỗ và thua lỗ trắng tay. Nhưng còn bao nhiêu hệ lụy kéo theo quá trình thua lỗ khủng khiếp ấy, nào người dân bị cưỡng chế đất đai, kéo nhau đi tha phương cầu thực; nào đất nước rước thêm những máy móc công nghệ lạc hậu đã bị thải loại của Tàu về phá hỏng môi trường, xả thải chất độc ra khắp nơi, khiến cho thêm một vùng đất chìm trong thảm họa: biển, trời, nguồn nước, thực phẩm… bị đầu độc; và cái gánh sau rốt là thêm một khoản tiền khổng lồ chồng vào món nợ đầm đìa mà ngót trăm triệu người đang è cổ ra gánh đã từ mấy chục năm nay.
Nhiều người từng đặt câu hỏi: Một chính quyền như thế thì đã đến lúc nên đặt cho nó mỹ từ gì cho xứng đáng? Đức Phật hay Chúa Trời giáng lâm chăng? E không được. Thiên thần hạ cố chăng? Cũng không được. Hoặc có khi là… hung thần gieo tai giáng họa chăng? Lại càng không xong. Thú thật, PV BVN đã từng đi phỏng vấn rất nhiều người mà mình ngẫu nhiên bắt gặp trên con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, song ai cũng lắc đầu, không ai biết nên chọn tên nào cho xứng cả. Thật khó nghĩ. Nhưng có điều này thì hầu như ai cũng thống nhất. Đó là một mối băn khoăn vương vấn mà không một người nào được phỏng vấn lại không dè dặt gạn hỏi lại chúng tôi: Không biết bao giờ thì các vị ấy… THĂNG THIÊN? Có vui không?
Bauxite Việt Nam
Vào những ngày cuối cùng của kỳ họp tháng 5 – 6 năm 2017 của Quốc hội Việt Nam, lại một “tin mừng” nữa nổi lên: báo đảng xác nhận “Chưa tìm ra gần 80% vốn thiếu hụt để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành”.
Trong số 23.000 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, hiện ngân sách mới bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án, tức chỉ đáp ứng được 21,7% nhu cầu.
“Tin mừng” ngay trước đó là “dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam không có trong chương trình điều chỉnh nội dung chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, nghĩa là chưa được Quốc hội xem xét ở kỳ họp này”.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017, giới chuyên gia nhà nước đã phải vò đầu bứt tai: Lấy đâu ra vốn đầu tư cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam khi cả ngân sách, ngân hàng và nhà đầu tư đều khát vốn?
Với sự thật trần trụi “chưa tìm ra gần 80% vốn thiếu hụt để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành”, nhóm lợi ích Bộ Giao thông Vận tải đã thất bại cay đắng dù đã “lobby” tối đa cho Chính phủ và Quốc hội để “rút rỉa” ngân sách cho kinh phí giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành – một dự án được quảng cáo “sẽ thay thế sân bay Tân Sơn Nhất”, và nếu được mưu đồ thành công thì đương nhiên sẽ giữ an toàn tuyệt đối cho 157 ha của sân golf Tân Sơn Nhất, quốc nạn lấn chiếm đất trái phép sân bay dân dụng mà công luận và nhiều đại biểu Quốc hội phải phản ứng dữ dội trong thời gian qua.
Đó cũng là lý do vì sao mà Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa – nhân vật trở nên quá trơ trẽn và tai tiếng với phát ngôn “không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc” (“phía Bắc” ấy chính là sân golf Tân Sơn Nhất của nhóm lợi ích Bộ Quốc phòng) mà đã bị công luận phản ứng dữ dội – rốt cục đã phải phác ra phương án “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành” tại kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017.
Thời điểm chốt con số cuối cùng cho dự án sân bay Long Thành là vào cuối năm 2015, tức cuối đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó, những nguồn vốn ODA “gối đầu” từ năm trước và cả năm trước nữa vẫn còn, do vậy nhóm lợi ích ODA không thể tránh khỏi ảo tưởng tình hình vẫn tiếp tục triển vọng vào những năm sau đó.
Nhưng cánh cửa ODA dành cho các dự án ‘khủng” bỗng dưng sập lại. Một trong những “nạn nhân” đầu tiên là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận với con số “vẽ” lên đến 20 tỷ USD, rốt cuộc đã bị Chính phủ của Tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dũng cảm” tuyên bố ngừng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu.
Giờ đây, vào lúc nền kinh tế đã “chắc suất” bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy, không phải là chục ngàn tỷ đồng, mà tìm ra một ngàn tỷ cũng đã khó.
Nhưng cứ như một thứ tạo phản ngược với tạo hóa, ngân sách càng khốn quẫn, phong trào chấm mút càng lao nhanh lên điểm cực đại như thể không còn có ngày mai.
“Hoang tưởng giai đoạn cuối” vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Chỉ có một nền ngân sách sụp đổ thì các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc-Nam mới tạm dứt mộng “nuốt ngân khố” của chúng.
Tập đoàn Him Lam và giới quan chức quốc phòng lẫn những quan chức “theo đóm ăn tàn” ODA giờ đây đang thực sự sa lầy – một bên là áp lực xã hội đòi trả sân golf về sân bay, còn bên kia là chẳng biết tìm đâu ra tiền để xây dựng sân bay Long Thành…
M.Q.
VNTB gửi BVN