Nguyễn Hải Hoành
Trong bài “Văn hóa chiến lược Trung Quốc và tranh chấp Biển Đông”, Giáo sư Miles Maochun Yu ở Học viện Hải quân Mỹ (US Naval Academy) viết: Trung Quốc đang tiến hành leo thang sức mạnh quân sự ở Biển Đông, gây ra cuộc xung đột nghiêm trọng mang tầm vóc lịch sử có thể lôi kéo một số cường quốc tham gia, kể cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và thậm chí Nga. Tác giả nhấn mạnh: cần phải thấy các hành động mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông tuân theo một logic nhất quán của lịch sử Trung Quốc và chúng có căn gốc sâu xa từ văn hóa chiến lược lâu đời của nước này, trong đó có cái gọi là “vương đạo”.
Vậy “vương đạo” là gì? Các thư tịch cổ Trung Quốc dường như không có từ “vương đạo”. Trong cuốn “Giấc mơ Trung Quốc”, đại tá Lưu Minh Phúc – một trong những phần tử diều hâu nhất trong giới học giả quân sự Trung Quốc hiện nay – dành hẳn một chương chiếm hơn 1/10 tổng số trang sách để nói về vấn đề này dưới tiêu đề Dùng tính cách Trung Hoa để xây dựng ‘Trung Quốc vương đạo’.
Theo quan điểm Nho giáo thì “vương đạo” hoặc học thuyết đế vương của Trung Quốc là đường lối dùng nhân nghĩa để cai trị thiên hạ; ngược lại với “bá đạo” là đường lối dùng vũ lực để cai trị thiên hạ. Người Trung Quốc coi học thuyết vương đạo là thành tựu trí tuệ của tổ tiên họ, nhằm đối lập với quan điểm của phương Tây dùng sức mạnh để giải quyết các mâu thuẫn. Bản chất văn hóa của “vương đạo” là nhân nghĩa đạo đức, tức là tuân theo nguyên tắc “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Điều mình không muốn thì chớ đem lại cho người khác)”, dùng nhân nghĩa đạo đức để cảm hóa chứ không ép buộc người ta; dùng lý lẽ để thuyết phục chứ không dùng sức mạnh trị người.
Sách Giấc mơ Trung Quốc ra sức chứng minh vương đạo là bản chất của nhà nước Trung Quốc, mấy nghìn năm qua nước này luôn thực hành “vương đạo” để dựng nước; dân tộc Trung Hoa văn minh, cao thượng, nhân từ chưa hề có tư duy chinh phục thế giới, chứng cớ là cả thế giới ngoài Trung Quốc ra không nước nào dùng Hán ngữ; từ đế quốc Tần cho tới nay Trung Quốc chưa hề xâm lược nước nào, lớn mạnh như thế mà không chiếm các tiểu quốc Việt Nam, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, ngược lại các hoàng đế Trung Quốc đối xử với vua các tiểu quốc như anh cả với em nhỏ, hậu quả khiến cho Trung Quốc khổ sở vì chế độ triều cống (cống một, hồi tặng mười)… Chẳng những không xâm lược nước khác mà do thực hành vương đạo nên từ đời nhà Tống trở đi Trung Quốc lại bị nước khác xâm lược, bị các nước nhỏ xung quanh coi thường…
Lưu Minh Phúc cho biết: năm 1924, trong diễn văn đọc tại hội nghị Thương nghiệp Kobe (Nhật), Tôn Trung Sơn nói: “Văn hóa phương Đông là vương đạo, văn hóa phương Tây là bá đạo”. Hồi ấy các đế quốc phương Tây đưa tàu chiến và súng lớn đến xâm lược và chia cắt Trung Quốc, Tôn Trung Sơn nhận xét như thế là đúng. Nhưng ngày nay tình hình đã khác, Trung Quốc không còn yếu hèn chịu để kẻ khác xâm lược nữa mà ngược lại Trung Quốc đang diễu võ dương oai đòi chiếm gần hết Biển Đông và thực sự từ năm 1974 trở đi đã dùng vũ lực chiếm một số đảo ở Biển Đông.
Giờ đây thuyết “thực hành vương đạo” được Trung Quốc dùng để bào chữa cho yêu sách quá đáng của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh giải thích phải làm thế vì các nước nhỏ xung quanh Biển Đông – đặc biệt là Philippines và Việt Nam – không tôn trọng Trung Quốc, nay cần phục hồi sự thần phục của mấy tiểu quốc ấy đối với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tự nhận họ luôn luôn thực hành vương đạo và chưa hề xâm lược nước ngoài cần được hiểu như thế nào?
Mọi người đều biết thủa ban đầu lập nước, quốc gia sau này được gọi là Trung Quốc chỉ nằm gọn trong vùng Trung nguyên ở trung-hạ lưu Hoàng Hà, tức tỉnh Hà Nam hiện nay, diện tích khoảng 160 nghìn km2. Trung Quốc ngày nay rộng 9,6 triệu km2, diện tích tăng gấp 60 lần. Rõ ràng đấy là kết quả của quá trình bành trướng và vũ trang xâm lược kéo dài trong hàng nghìn năm. Thí dụ Tần Thủy Hoàng “thống nhất thiên hạ” là kết quả của việc nước Tần đưa hàng chục vạn quân đánh chiếm 6 nước xung quanh. Đấy chẳng phải là xâm lược thì là gì? Dùng vũ lực gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài trong 10 năm, làm chết hàng triệu người sao có thể gọi là thực hành vương đạo? Rõ ràng là bá đạo!
Năm 214 TCN vua Tần lại cho đại quân vượt Lĩnh Nam chiếm đất của các dân tộc Bách Việt, nay là Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến và Bắc bộ Việt Nam, lập thành 3 quận. May sao dân tộc Lạc Việt quật cường và khôn ngoan tuy bị giặc ngoại xâm thống trị hơn 10 thế kỷ nhưng kiên quyết chỉ học chữ Hán, không học tiếng Hán, nhờ thế không bị người Hán đồng hóa. Cuối cùng khi gặp thời cơ, năm 938 Ngô Quyền lãnh đạo quân ta đánh tan quân Nam Hán. Từ đó Việt Nam thoát ra khỏi sự thống trị của Trung Quốc, trở thành một quốc gia, tuy về danh nghĩa là “phiên thuộc quốc” của triều đình phương Bắc, nhưng chỉ có quan hệ định kỳ triều cống mà thôi, còn đối nội đối ngoại đều độc lập. Trong nhiều thế kỷ sau đó, các vương triều Trung Quốc mấy lần cho quân xâm lược Việt Nam nhưng đều thất bại phải rút về, kể cả lần đại quân nhà Minh chiếm nước ta được 10 năm cuối cùng lại bị Lê Lợi đánh đuổi về nước.
Nếu không xâm lược, bành trướng thì Trung Quốc sao có được vùng đất Nội Mông Cổ rộng 1,183 triệu km2 và Tây Tạng rộng 1,202 triệu km2 (cộng lại chiếm gần 25% tổng diện tích Trung Quốc), vốn là nơi sinh sống của hai dân tộc Mông Cổ và Tây Tạng có nền văn hóa hoàn toàn khác với dân tộc Hán? Nhưng ngày nay Trung Quốc nói hai lãnh thổ ấy từ xưa đã thuộc về họ, dân tộc Mông Cổ và dân tộc Tạng là dân tộc thiểu số của Trung Quốc.
Tóm lại trong nhiều thế kỷ, bằng chính sách bành trướng, xâm lược, dân tộc Hán ở Trung nguyên đã mở mang bờ cõi của mình lên gấp 60 lần, trở thành một đế quốc quá lớn (rộng gần bằng cả châu Âu) và đông dân, vượt quá khả năng cai quản của các vương triều. Nước này thường xuyên có khủng hoảng chính trị, nội chiến, nông dân nổi lên khởi nghĩa với số lượng và quy mô lớn nhất thế giới. Các vương triều Trung Quốc tiêu hao hầu hết sức lực vào việc đối phó với các phe phái tranh giành quyền lực nội bộ cung đình và với nông dân các nơi nổi dậy cướp chính quyền. Đây là lý do vì sao sau khi mở rộng lãnh thổ hết cỡ, các vương triều Trung Quốc không còn sức đâu để đi chiếm thêm lãnh thổ, chứ không phải vì “dân tộc Trung Hoa không có tư duy xâm lược”, “Trung Quốc thực hành vương đạo”.
Ngay trong thế kỷ 20, Trung Quốc cũng có nhiều nội tranh hơn “ngoại tranh”. Như nội chiến giữa Quốc dân đảng với Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ 1927-1949, các rối loạn nội bộ sau đó, như các cuộc vận động chính trị, Cách mạng Văn hóa… đã làm hàng chục triệu dân chết vì đói ăn và bị hành hạ, nhiều chẳng kém số người chết trong kháng chiến chống Nhật.
Ngày nay sau khi trỗi dậy thành công, cơ bản không còn nội tranh lớn, Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “Thao quang dưỡng hối” (Giấu mình chờ thời), ngang nhiên đưa ra yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Vô lý nhất là họ tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển bên trong Đường 9 đoạn, tức độc chiếm hầu hết Biển Đông, và tự cho mình có quyền hành xử tại đây như trong lãnh thổ của mình, cấm đánh cá, cho tàu đâm chìm tàu cá của ngư dân nước khác, bồi đắp đảo nhân tạo, làm đường băng sân bay, dọa lập Vùng Nhận dạng phòng không, cho máy bay ngăn cản máy bay nước khác… Họ tuyên bố trước không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye, có nghĩa là phớt lờ luật pháp quốc tế. Các hành động của Trung Quốc đang gây ra căng thẳng chưa từng thấy tại Biển Đông, rất có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột quân sự, đang gây ra lo ngại cho các quốc gia trong vùng cũng như trên thế giới.
Đúng vào ngày TT Obama đến Hà Nội, Thời báo Hoàn cầu ra xã luận dưới tít “Obama không có cách nào biến Việt Nam thành Philippines” ngoài miệng là trình bày quan điểm của TQ đối với Việt Nam, thực ra là lên giọng bá đạo cảnh báo:
1. Việt Nam chớ có đối lập chiến lược với Trung Quốc; chỉ có quan hệ tốt với Trung Quốc thì Việt Nam mới giữ được Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội; chớ như Philippines đối đầu với Trung Quốc.
2. Việt Nam không còn gì nhiều để tranh chấp với Trung Quốc: Hoàng Sa mất hẳn vào tay Bắc Kinh từ 1974, là việc đã rồi không thể thay đổi; tại Trường Sa, Việt Nam cũng chỉ có vài hòn đảo đá; mấy giếng dầu Việt Nam đang khai thác đều không nằm trong Đường 9 đoạn.
3. Việt Nam phải cực kỳ thận trọng trong xử lý quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Nếu phong trào đòi nhân quyền và dân chủ trong nước lên cao thì Việt Nam hãy ngả về phía Bắc Kinh.
Tóm lại, cách hành xử của Trung Quốc rõ ràng là cách hành xử bá đạo, không thể nào gọi là vương đạo! Chừng nào còn hành xử như vậy thì Trung Quốc còn tự cô lập trước toàn châu Á và thế giới./.
N.H.H.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2016/06/20/trung-quoc-vuong-dao-hay-ba-dao/