Quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm nói lên điều gì? – Phần II

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Trong khi cả nước đang đau đáu với những nỗi lo về thảm họa Formosa miền Trung, nạn thực phẩm bẩn, kinh tế suy thoái… và muôn vàn nỗi lo thuế, phí các loại cứ vùn vụt tăng, trong khi đó, các cơ quan từ Quốc hội cho đến nhà nước cứ bình chân như vại mà chỉ nhăm nhăm tăng thu thuế thì chợt vụ việc Đồng Tâm lại bùng lên lần nữa với quyết định khởi tố vụ án của Công an Hà Nội.

Nhà nước “pháp quyền” hay “đảng quyền”

Trên mạng xã hội cho biết, cụ Lê Đình Kình đã có một cuộc trao đổi với chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua điện thoại. Trả lời trên đài BBC Tiếng Việt hôm 14/6, ông Lê Đình Kình nói rằng: “Tối hôm qua, sau khi có tin Ban An ninh Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm, tôi có gọi điện cho ông Chung”. “Ông Chung nói rằng bản cam kết mà ông ấy ký hôm 22/4 về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm là ông ấy ký chứ không có con dấu”. “Ông ấy nói là quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy”.

Ngay lập tức trên mạng và dư luận xã hội có những phản ứng mạnh mẽ. Ở đó có hai luồng dư luận chính:

– Khởi tố vụ án là đúng, như vậy mới đúng với nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền.

– Khởi tố vụ án là sai, bởi như vậy nhà cầm quyền Hà Nội đã nuốt lời hứa của mình được xác lập trước người dân. Hành động đó như đã tự liếm lại bãi nước bọt họ nhổ ra từ chính người đại diện của họ là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Thành phố – Người được Thành ủy giao cho giải quyết vụ việc Đồng Tâm.

Ở đây, chúng ta khó có thể thống nhất được rằng việc khởi tố là đúng bởi đây là “nhà nước pháp quyền” hay là sai bởi nhà nước này “không pháp quyền” mà chỉ có “đảng quyền”.

Bởi lẽ, nếu đây là một nhà nước pháp quyền, thì chắc chắn một điều là việc khởi tố vụ án người dân Đồng Tâm bắt 38 cán bộ nhốt lại là không cần thiết vì nó không xảy ra. Bởi cách đây cả chục năm, “nhà nước pháp quyền” đó đã phải khởi tố hàng loạt vụ án cướp đất, tham nhũng của các nhóm lợi ích, xâm phạm quyền lợi của người dân Đồng Tâm mà họ đi kiện đã chừng ấy năm thì đâu còn cơ sự này.

Bởi lẽ, nếu đây là một nhà nước pháp quyền, một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” như chính cái nhà nước này thường rêu rao, thì người dân không bị cướp trắng trợn đất đai bằng cái gọi là “an ninh quốc phòng” hoặc “sở hữu toàn dân”… buộc họ phải vùng lên chống trả các nhóm lợi ích cướp đi nguồn sống của họ và con cháu họ.

Vì thế, trước khi thống nhất rằng cần khởi tố vụ án này để “đảm bảo cho luật pháp được nghiêm minh” với người dân, thì xin các nhà bình luận, các luật sư hãy nhớ đòi hỏi nhà cầm quyền khởi tố ngay hàng loạt vụ án tham nhũng, cướp bóc tài sản người dân và bắt bớ, đánh đập trái phép người dân Đồng Tâm cái đã. Bởi họ cũng là con người, cũng có quyền bình đẳng và pháp luật cũng phải nghiêm minh với quan chức chứ không chỉ dành cho riêng họ.

Không có một cơ sở lý lẽ nào mà cái gọi là “pháp quyền” kia chỉ dành cho người dân, còn một số người có chức, có quyền ăn trên ngồi trốc của nhân dân thì nghiễm nhiên chỉ biết đến “đảng quyền”.

Cũng chính vì chỉ biết và hành động theo “đảng quyền” nên ông Nguyễn Đức Chung nghiễm nhiên “có quyền” cam kết với người dân có hoặc không khởi tố, truy tố họ. Bởi ông là Phó bí thư Thành ủy và là Chủ tịch Thành phố, đồng thời ông được Thành ủy giao cho việc giải quyết vụ Đồng Tâm. Mà trong chế độ độc tài cộng sản thì Thành ủy nghĩa là trên tất cả mọi cơ quan đoàn thể hoặc cơ quan quyền lực nào ở Thành phố này, kể cả Hiến pháp và luật pháp. Điều quái gở này đã được người dân Việt Nam mặc nhiên chấp nhận bao năm nay và thực tế nó vẫn hiện hữu.

Nghĩa là: Trên thực tế ông ta có đủ quyền lực để chấm dứt hoặc truy tố trả thù người dân ở đây.

Cũng chính vì thế, ông ta mới tự tin cầm bút viết và ký vào bản cam kết trước bàn dân thiên hạ và thò tay điểm chỉ vào đó.

Trong một bài viết khi vụ Đồng Tâm mới xảy ra đang căng thẳng, chúng tôi có bàn đến cái khó của nhà cầm quyền Hà Nội trong vụ Đồng Tâm. Ở đó chúng tôi đã dự đoán: “Thế nhưng, cũng có những lúc khi con bài bạo lực không tiện thi thố, thì con bài hòa hoãn được sử dụng. Phương cách “rút củi đáy nồi’ để hạ nhiệt đám quần chúng vốn thiếu sự hướng dẫn, lãnh đạo và nhất là thiếu đoàn kết, sau đó thì trở mặt khởi tố, đàn áp…

Nhiều vụ việc, người dân cứ tưởng những lời vàng ngọc từ những cán bộ chức cao, vọng trọng và uy thế thì sẽ được thực hiện như đinh đóng cột. Nhưng, chỉ cần người dân tin vậy rồi hạ nhiệt, rồi chia rẽ… là lúc các cán bộ lau mép, trở mặt và hệ thống nhà tù, công an, tòa án được khởi động theo lệnh của đảng”.

Và ở đây hôm nay quả đúng như vậy. Con bài “rút củi đáy nồi” đã thực hiện bởi UBND TP Hà Nội.

Vì đâu nên nỗi?

Việc ông Nguyễn Đức Chung đã ký bản cam kết với người dân Đồng Tâm và hôm nay thì nhà cầm quyền Hà Nội đã trở mặt để khởi tố những người dân ở đây, dù với bất cứ lý do nào, đều không thể giải thích một cách thuận nhĩ và không có điều gì có thể bao biện cho hợp lẽ đời và đạo trời.

Nếu như trước đây khi ông ta vào Đồng Tâm, để tươi cười ký bản cam kết đó rồi báo chí đưa ông ta lên tận mây xanh, thì khi TP HN khởi tố vụ án, uy tín và những lời trách móc, nguyền rủa đã hạ uy tín của ông ta đến tận cùng.

Bởi trong cuộc sống, sự lật lọng, tráo trở là điều không có ai ưa, từ trẻ con đến người lớn, từ miền núi đến miền xuôi và bất cứ dân tộc nào đều ghét đến thậm tệ, kể cả đứa bụi đời chứ chưa nói đến những kẻ quyền cao chức trọng.

Trả lời BBC Tiếng Việt, cụ Lê Đình Kình, một đảng viên 83 tuổi đời và 55 tuổi đảng – nghĩa là bằng tuổi bậc cha, chú của ông ta đã cay đắng nói: Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung “phản bội ý kiến và danh dự của chính ông ấy” và khiến “người dân phẫn nộ, Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng” sau khi thành phố quyết định khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ tại xã này.

Nhiều giải thiết được đặt ra để nhằm lý giải cho việc tráo trở đến không ngờ của Chủ tịch TP. Bởi dù gì đi nữa thì ông ta đang ở vị trí mà “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Nhiều suy diễn đang lan dần trong xã hội mà không có lời giải. Rằng thì là ông ta cũng chẳng muốn thế, nhưng thế của ông ta và bè phái đã không cho ông ta giữ được lời hứa.

Cũng qua mạng xã hội, thông tin cho biết trong cuộc điện thoại giữa ông Nguyễn Đức Chung và cụ Lê Đình Kình, ông Nguyễn Đức Chung đã thể hiện sự lật lọng hoặc ít nhất là không thật lòng khi ông nói: “Ông Chung nói rằng bản cam kết mà ông ấy ký hôm 22/4 về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm là ông ấy ký chứ không có con dấu.”

Như vậy, ông ấy đến với người dân Đồng Tâm với tư cách Chủ tịch Tp Hà Nội hay tư cách cá nhân?

Tôi thì tôi đồ chắc chắn rằng nếu không với cương vị Chủ tịch Tp Hà Nội, thì Nguyễn Đức Chung sẽ không bao giờ đến Đồng Tâm hôm đó. Bằng chứng là với vai trò Chủ tịch TP hẳn hoi, đi đâu có quân đông tướng mạnh trang bị tận răng mà hôm trước ông ta còn không dám vào Đồng Tâm lại ngồi ngay tại UBND Huyện chờ dân lên đó thôi. Vậy thì cái gọi là con dấu kia, có còn ý nghĩa nữa không khi chính người sử dụng nó, người có quyền lực đến tận nơi ký cam kết và còn lăn tay điểm chỉ?

clip_image002

Và điều hài hước là cụ Kình, một lão nông đã 83 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời mà với nhiều người ở tuổi đó thì đái cả quần còn không biết, vẫn nói một câu chí lý: “Nhưng ông Chung quên rằng, bản cam kết tuy không có con dấu nhưng ông ấy có lăn tay vào đó, và việc điểm chỉ còn đảm bảo hơn vì không ai có vân tay trùng nhau trong khi con dấu nào cũng có thể làm giả được”.

Nghe đến câu này, người ta chợt thấy rằng trong cuộc sống, nhận thức đâu có phải cần bằng cấp, tiến sĩ nọ kia hay cấp bậc chức vụ?

(Còn tiếp)

Hà Nội, Ngày 19/6/2017

N.H.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.