Quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm nói lên điều gì? – Phần I

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Mấy hôm nay, mạng xã hội ồn ã với một quyết định của Công an Hà Nội: Cơ quan điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, để điều tra về 2 tội danh.

Câu chuyện khởi tố và luật pháp Việt Nam

Việc công an khởi tố vụ án là chuyện thường ngày, bởi đây là công việc của họ. Thế nhưng, nếu chú ý đến những bất thường trong các vụ án, vụ việc khác nhau của hệ thống tố tụng ở Việt Nam thì có mà… cả năm không hết chuyện. Bởi việc khởi tố, bắt bớ hay xét xử nhiều khi chẳng theo bất cứ một nguyên tắc luật pháp nào ổn định. Thậm chí nhiều khi nó phụ thuộc vào sự ngẫu hứng hoặc ý định của một quan chức nào đó hay vụ việc ảnh hưởng đến những kẻ có chức có quyền đến đâu. Báo chí đã nêu vô vàn sự việc về bắt giữ, khởi tố, cho tự do… chẳng theo một nguyên tắc quy luật nào đã và đang lan tràn trong xã hội Việt Nam.

Thế nên mới có những câu chuyện, những ví dụ về hệ thống luật pháp VN đặc thù mà chắc ít nơi nào trên thế giới có thể tưởng tượng được.

Rằng thì là ở Việt Nam, hai thiếu niên đói quá cướp cái bánh mỳ ăn thì đã bị pháp luật nghiêm trị bằng 10 tháng tù. Mặc dù có những ông mang quân hàm tận Thiếu tướng như Nguyễn Văn Tuyên, đã tự bào chữa cho nạn trấn lột trên đường của CSGT thuộc hạ của ông rằng: “CSGT nhận dăm ba chục, một vài trăm ngàn thì sao có thể gọi là tham nhũng”.

Và rồi Đinh La Thăng, một người cũng chỉ 2 tay, 2 mắt và một cái đầu như người khác đã vi phạm “rất nghiêm trọng” với hàng ngàn tỷ đồng tiền của nhân dân tan biến bởi tham nhũng, bởi thất thoát, bởi nhiều lý do khác nữa… thì được chuyển làm Phó Ban kinh tế của đảng Cộng sản.

Thậm chí, có những cơ quan như Công an Quận Hoàng Mai, Hà Nội đã khởi tố vụ án chỉ vì… cho đủ chỉ tiêu (?), trong khi cũng thời điểm đó, việc tên Mai Xuân Toàn được bố là Mai Xuân Kỳ tổ chức vào chém người trong nhà người khác thì Công an Hoàng Mai đã bỏ qua không khởi tố vụ án tổ chức giết người và đột nhập trái phép chỗ ở công dân.

Ở Việt Nam, nơi mà “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, thì câu ca dao được đúc kết từ ngàn đời nay có dịp thể hiện khắp nơi: “Mèo tha miếng thịt thì đòi. Hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng”. Ở đó luật pháp chỉ là một trò chơi của những kẻ có chức có quyền nhằm phục vụ chính họ.

Vụ việc Đồng Tâm và dư luận xã hội

Vụ việc tại Đồng Tâm đã xảy ra cách đây 2 tháng. Ngày 15/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, một toán cảnh sát cơ động và cán bộ Huyện Mỹ Đức đã bị bà con Đồng Tâm bắt giữ gần chục ngày khi họ đến nhằm mục đích trấn áp người dân nơi đây để cưỡng chế cướp đất đai của họ giao cho một doanh nghiệp mang danh nghĩa “Quốc phòng”.

Sự việc đã đẩy lên mức đỉnh điểm bởi trước đó, nhà cầm quyền đã lừa bà con đi chỉ ranh giới đất và sau đó là sự bội ước, trở mặt bắt đi mấy người của họ một cách trái luật pháp.

clip_image002

Ông Kình bị đánh gãy chân, hiên vẫn không đi lại được

Khoảng một Trung đội cảnh sát cơ động đã hùng hổ kéo đến với súng đạn, quả nổ và nhiều thứ công cụ khác để trấn áp người dân. Kết quả là đã bị bà con bắt nhốt vào nhà văn hóa, nuôi cơm mất gần chục ngày.

Trước tình hình đó, nhà cầm quyền đã dùng nhiều biện pháp để nhằm khuất phục họ nhưng không kết quả như bắt giữ một số người dân có tiếng nói đấu tranh. Một trong số họ là cụ Lê Đình Kình hơn 80 tuổi với 55 tuổi đảng đã bị bắt và ném lên xe, bị đánh đến gãy xương chân. Tại khu vực dân cư Đồng Tâm, hàng đoàn hàng lũ các lực lượng cảnh sát, cán bộ, côn đồ bao vây. Nhiều trò khác được thi thố như thường làm là cắt điện, phá sóng, ngăn chặn sự đi lại thăm hỏi, cô lập… đối với người dân Đồng Tâm.

Tình hình căng thẳng và luôn luôn sẵn sàng bùng nổ tại Đồng Tâm, người dân rào làng canh gác và cảnh giác mọi thủ đoạn mà họ đã có kinh nghiệm qua mấy chục năm đã sống và trót tin tưởng vào người Cộng sản. Những thủ đoạn đưa ra đều bị vô hiệu hóa khi hàng chục ngàn người dân quyết tâm tử thủ nếu bị tấn công bằng bạo lực và nhóm con tin cũng cùng chung số phận với họ. Theo như lời cụ Lê Đình Kình kể lại, thì người dân Đồng Tâm xác định là họ sẵn sàng cho một Thiên An môn thứ 2.

Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những thông tin, hình ảnh và những thái độ của người dân khắp nơi trên thế giới ủng hộ người dân nơi đây. Mặc dù sóng bị phá, điện chập chờn… nhưng những điều đó không ngăn được những hình ảnh, lời nói của người dân Đồng Tâm lan truyền đi khắp thế giới.

Một anh hùng của dân?

clip_image004

Trước tình hình đó, xuất hiện hình ảnh Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ông ta nguyên là Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hà Nội.

Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến UBND Huyện ngồi rồi cho xe đến kêu người dân lên UBND huyện gặp gấp rút đã không được người dân hưởng ứng và việc gặp dân tại nơi an toàn nhất đã bị vỡ trận.

Vài hôm sau, khi việc bắt giữ các con tin đã khá lâu, thì ông Nguyễn Đức Chung đã kéo theo một đoàn luật sư, công an, đại biểu Quốc hội và bầu đoàn thê tử xuống Đồng Tâm, Mỹ Đức. Đoàn gồm có những nhân vật cộm cán như: Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương; Thiếu tướng Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Nguyễn Doãn Anh; Thiếu tướng Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an Hồ Sĩ Tiến; Đại diện Thanh tra Chính phủ; Ông Đỗ Văn Đương – Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hai ĐBQH Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng và một số luật sư…

Tại buổi gặp gỡ hôm đó, người ta chỉ thấy những hình ảnh tốt đẹp, nào hoa, nào cười, nào thăm hỏi cũng như các chiến sĩ CSCĐ bước ra về cúi đầu chắp tay vái tạ ơn những người dân Đồng Tâm đã cho họ ăn uống đầy đủ, chăm sóc cho họ những ngày qua.

Đặc biệt, một bản ghi nhớ, cam kết của chính tay ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Thiếu tướng Giám đốc Công an đã ký và điểm chỉ với nội dung như sau:

1. Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc “khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật”.

2. Cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

3. Cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm) theo quy định của pháp luật.

Không chỉ là chữ ký mà bản cam kết còn được chính ông Chung điểm chỉ, lăn tay và có xác nhận với đầy đủ con dấu quốc huy đỏ choét của UBND Xã Đồng Tâm.

Chắc chắn đến thế là cùng. Tin tưởng đến thế là cùng và chân thành đến thế là cùng.

Khỏi phải nói đến những tờ báo nhà nước, đến những lời lẽ của các cán bộ mang nặng tính bưng bô. Những lời hay ý đẹp được đưa lên hầu hết các mặt báo hết sức trịnh trọng. Ở đó, Nguyễn Đức Chung đã trở thành anh hùng, trở thành một nhân vật uy tín được lòng dân.

Những câu nói của Nguyễn Đức Chung được báo chí nhắc đi, nhắc lại không ngớt, rằng thì là “Chúng tôi kiên quyết đối thoại, không dùng biện pháp mạnh”, “Tôi sẽ giám sát thanh tra việc bắt cụ Lê Đình Kình”.

Hầu hết báo chí đều mở hết công suất nhằm đưa hình ảnh và việc làm của Nguyễn Đức Chung lên tận mây xanh.

Có lẽ ở thời điểm ấy, sự khao khát được đối thoại với một nhà nước luôn nắm chặt trong tay cây súng và chiếc dùi cui đã làm quá nhiều người háo hức mà không nhận thấy những âm mưu, những bước đi của ván bài định sẵn trong đó. Nói cách khác, họ đã mất cảnh giác và vội tin vào những lời đường mật của người cộng sản. Quan sát bản “Cam kết có chữ ký của ông Nguyễn Đức Chung, kèm theo chữ ký, lăn tay và đóng dấu, nhiều người tỏ ra tin tưởng và hân hoan.

Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi đã có băn khoăn và nghi ngờ về vụ “Cam kết” này. Trong một status viết trên Facebook chúng tôi đã nêu ý kiến như sau:

“… Tuy rằng theo quan sát của mình, thì việc Chủ tịch Thành phố cam kết nhiều điều, trong đó sẽ điều tra lại đất đai, không khởi tố người dân, cam kết điều tra lại ai đã đánh cụ Kình gãy xương… đã làm nức lòng nhiều người. Điều này, có một đảm bảo trước bàn dân thiên hạ là lời hứa đã công khai trước dân, họ có nghĩa vụ bảo vệ những nội dung đó.

Nhưng, điều đó cũng thể hiện một sự lộng hành hết sức ngang ngược của quan chức Cộng sản: Muốn bắt ai là bắt, thích thả ai là thả. Hệ thống luật pháp chỉ là đồ trang trí cho đẹp mà thôi.

Bởi theo suy nghĩ của mình, thì việc truy tố, chấm dứt truy tố… là việc của các cơ quan luật pháp chứ không phải là việc của Chủ tịch thành phố.

Hay vì anh Chung con từ Giám đốc Công an sang, nay là chủ tịch trên cả GĐ Công an TP nên anh nghĩ anh có quyền to hơn?

Theo mình thì anh Chung con chỉ cần xác nhận với tư cách Chủ tịch TP và nguyên GĐ Sở CAHN ông xác định rằng những hành vi của người dân Đồng Tâm vừa qua là chính đáng xuất phát từ lỗi của chính quyền. Do vậy ông sẽ đứng về phía người dân.

Chỉ cần vậy là đủ”.

Và chúng tôi nghi ngờ sự chân thực của nhà cầm quyền Hà Nội, mà ông Nguyễn Đức Chung là Phó bí thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Đại biểu Quốc hội…

Và diễn tiến sự việc cho thấy rằng điều chúng tôi nghi ngờ là có cơ sở.

(Còn tiếp)

Hà Nội, Ngày 18/6/2017

N.H.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.