Mấy ngày qua dư luận trong và ngoài nước bất bình về việc khởi tố vụ án bắt người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm. Khoan bàn đến tình tiết về lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà nội – đối với người dân ở đó và chữ ký cuả mấy vị đại biểu Quốc hội, bài viết này trước hết muốn đề cập đến một khía cạnh khác về lợi ích nhóm trong thời kỳ quá độ chuyển sang chế độ Dân chủ Tư bản. Những nhóm lợi ích như những chú thằn lằn mang thân hình phát triển kinh tế thị trường nhưng lại có đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Chiếc đuôi đặc biệt này hễ đứt ra rồi tự mọc lại và là đặc tính cố hữu điển hình của quốc nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích.
Việc nhân dân xã Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ nhà nước khiến chúng ta liên tưởng đến tiếng súng của gia đình anh Đoàn Văn Vươn mấy năm trước đây, báo hiệu những mâu thuẫn đối kháng không thể dung hòa giữa một bên là những nhóm lợi ích mang danh chính quyền địa phương hay quân đội, công an nấp dưới bóng những tàn lọng mỹ miều như dự án phát triển kinh tế hay an ninh quốc phòng, và một bên là những người nông dân chân lấm tay bùn muốn giữ gìn đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu của họ – giai cấp nông dân, một trong những giai cấp tiên phong, mà Đảng Cộng sản Việt nam tự cho mình là người đại diện theo như lý thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê. Như vậy những người nông dân thật thà chất phác như gia đình anh Đoàn Văn Vươn hay cụ Kình và nhân dân xã Đồng Tâm có lúc nào tự đặt câu hỏi phải chăng Đảng Cộng sản là người đại diện thực sự của họ khi đã làm ngơ để chính quyền và công an đến trấn áp thu hồi phương tiện sản xuất nông nghiệp, những thứ mà hơn nửa thế kỷ trước đây chính bản thân họ và bao thế hệ cha anh đã phải đổ xương máu đi theo cách mạng để giành lại (hay cướp được) từ tay Thực dân Phong kiến?
Không biết do vô tình hay cố ý, mà hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng cùng khẩu hiệu băng rôn của người dân xã Đồng Tâm về lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo “tài tình sáng suốt” của Đảng lan truyền trên mạng một cách chóng mặt, như một sự mỉa mai đối với những nhóm lợi ích hay một sự cầu xin bất lực của người dân trước sự đàn áp cưỡng chế đất của chính quyền và công an.
Việc chậm cải cách không kịp thay đổi đường lối chính trị và kinh tế, chấp nhận kinh tế thị trường tự do, bỏ đi cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong vấn đề công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về đất đai đã tạo thành lỗ hổng rất lớn về tư tưởng và luật pháp, khiến một số người có chức quyền lợi dụng để cưỡng chiếm đất đai của nông dân làm giàu bất chính. Sự lạm dụng quyền lực này khiến khoảng cách phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, tạo thành mâu thuẫn đối kháng khó dung hòa giữa chính quyền và người dân, gây bất ổn ngày càng cao về chính trị, kinh tế và xã hội. Ngoài hai vụ đấu tranh bạo động điển hình kể trên còn biết bao nhiêu vụ đấu tranh bạo động và bất bạo động của người dân trước sự cưỡng chiếm đất đai của các nhóm lợi ích đã và đang diễn ra trên khắp đất nước như vụ dân oan Dương Nội – Hà Đông và Văn Giang – Hưng Yên.
Thay vì tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những đường lối chính sách quản lý vĩ mô cho phù hợp, chính quyền các cấp lại tăng cường những xảo thuật tuyên truyền mị dân kiểu loa phường lạc hậu từ thời chiến tranh, và dùng bạo lực đàn áp sự phản kháng của người dân, tạo điều kiện cho những nhóm lợi ích từ những chú thằn lằn nhỏ ngày càng lộng hành tác oai tác quái thành những quái thú khủng long tham nhũng lớn. Qua việc bắt giam anh em Đoàn Văn Vươn và khởi tố những người dân Đồng Tâm, chính quyền địa phương và Trung ương muốn răn đe cảnh cáo nhân dân cả nước, nhưng khác nào như đem dầu đi dập lửa, lấy muối đắp đập ngăn sóng biển. Dù kết quả của việc khởi tố ra sao thì niềm tin của người dân đối với chính quyền và với Đảng Cộng sản vốn đã hiếm hoi như những hạt sương trong những buổi trưa hè nay lại càng cạn kiệt.
Đảng Cộng sản trong thời kỳ trước CM tháng Tám đã từng tập hợp những người con ưu tú dũng cảm và là người đại diện của giai cấp bần cố nông chiếm tới hơn 95% dân số Việt Nam lúc bấy giờ. Họ đã đóng góp một phần nhất định vào tiến trình lịch sử của dân tộc. Nhưng hoàn cảnh chính trị xã hội và kinh tế trong nước và thế giới hiện nay đã và đang thay đổi rất nhiều, đòi hỏi những người lãnh đạo phải đủ tâm, tầm, trí và dũng để cải cách đường lối, dân chủ hóa đất nước, chuyển hẳn nền kinh tế theo cơ chế thị trường tự do. Có như vậy Việt nam mới kiềm chế và ngăn chặn được những nhóm lợi ích, có cơ hội phát triển theo kịp thời đại.
Lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung và những vị đại biểu Quốc hội tuy không thể thay thế cho luật pháp nhưng nó đã từng đem lại cho người dân Đồng Tâm và nhân dân cả nước hy vọng về một đường lối cải cách mới của chính quyền các cấp theo hướng đối thoại, hòa giải và minh bạch. Xin đừng lấy Dã Tâm trị Đồng Tâm nếu không chính quyền sẽ vĩnh viễn đánh mất Nhân Tâm.
15/06/2017
H.T.L.T.
Bài viết là một comment trên trang FB Bauxite Việt Nam