Trịnh Kiên
Nghị viện của Việt Nam và Nghị viện của các nước khác đều có một số chức năng chủ yếu:
– Lập hiến, lập pháp,
– Quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia,
– Giám sát hoạt động của Chính phủ.
Các văn bản luật do Nghị viện thông qua đều có tác động lan rộng và lâu dài đến các quan hệ xã hội, nhưng ở nước ta, các văn bản đó có đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống xã hội hay không lại còn là một khoảng cách giữa văn bản và trên thực tế. Về chức năng giám sát cũng vậy. Khoảng cách đó lớn hay nhỏ tùy thuộc rất lớn vào cách bầu cử và tổ chức Nghị viện, cách thức và quy trình thông qua dự luật của Nghị viện.
Hiện nay, ở các nước, việc lựa chọn mô hình Nghị viện tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố có tính quyết định là yếu tố cấu trúc nhà nước và quan điểm của các nhà chính trị. Chẳng hạn: Thể chế đại nghị và thể chế bán-tổng thống (hoặc thể chế tổng thống lưỡng tính) được xem là có nhiều ưu điểm nhưng cả 2 thể chế này chỉ hoạt động hiệu quả ở trường hợp có một Nghị viện mạnh. Xem như vậy, việc lựa chọn thể chế là quan trọng nhưng việc lựa chọn mô hình Nghị viện cũng không kém phần quan trọng. Có một Nghị viện mạnh thực sự đại diện cho lợi ích của nhân dân là sự cần thiết của mọi quốc gia.
Vì vậy, xin giới thiệu với bạn đọc một số mô hình Nghị viện của các nước khác, những ưu điểm và những hạn chế của chúng, để tham khảo, cùng nhau góp phần xây dựng Nghị viện nước ta trở thành một Nghị viện mạnh, thực sự đại biểu cho lợi ích của nhân dân, để làm đầy đủ trách nhiệm của người dân đối với Tổ Quốc và với chính mình và để không còn phải nghe những lời chỉ trích như một vị chủ tịch Quốc hội đã từng buộc tội chúng ta: “Quốc hội là của dân. Dân quyết sai thì dân chịu chứ ai chịu!”.
Nội dung bài này gồm:
A- Một số cách tổ chức Nghị viện của các nước trên thế giới.
B- Sơ lược về Nghị viện Hoa Kỳ
C- Sơ lược về Nghị viện Pháp và quyền lực của Tổng thống Pháp.
D- Nét đặc trưng của Nghị viện CHXHCN Việt Nam.
____________________
A- MỘT SỐ CÁCH TỔ CHỨC NGHỊ VIỆN CỦA CÁC NƯỚC TRÊN THÉ GIỚI
Trước hết về tên gọi: Trong trường hợp Nghị viện chỉ có một viện thì Viện đó thường được gọi là Quốc hội (tiếng Pháp là Assemblée nationale). Nếu có 2 viện thì trong đó, một viện gọi là Hạ Viện (hoặc gọi là Viện Dân biểu, tiếng Anh là House of Representatives), Viện kia gọi là Thượng Viện (tiếng Anh là Senate, dịch là Viện Nguyên Lão, tiếng Pháp là Sénat), còn tên chung của cả 2 là Nghị viện. Ngoài ra còn có một số tên gọi khác, chẳng hạn Đức gọi Thượng Viện là Hội đồng liên bang. Nga gọi Hạ Viện là Viện Duma.
Hiện nay, các nước trên thế giới thường tổ chức Nghị viện gồm 1 viện hoặc 2 viện.
Tính đến năm 2014, trong số 245 quốc gia trên thế giới có 163 quốc gia có Nghị viện 1 viện, 82 quốc gia có Nghị viện 2 viện.
Nhìn chung, các nhà nước liên bang thường có Nghị viện 2 viện, trong đó có Liên bang Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Liên bang Đức, Canada, Brasil, Mehico, Malaysia… Các nhà nước đơn nhất thường có Nghị viện 1 viện, chẳng hạn Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp, Bungary, Hungary, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iraq, Angola, Sudan…
3 yêu cầu căn bản của chế độ dân chủ đại diện mà Nghị viện phải đáp ứng
1- Nghị viện phải là cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân, tức là đại diện cho lợi ích của các giai cấp, của các tầng lớp, lợi ích của các địa phương, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế giữa các bộ phận dân trong xã hội.
Để thực hiện yêu cầu này, tuyệt đại đa số các Nghị viện 1 viện và Hạ Viện của Nghị viện 2 viện (tức là Viện dân biểu) đều do nhân dân bầu ra thông qua cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu và trực tiếp (trừ Trung Quốc, Ấn Độ, Yemen, Indonesia kết hợp bầu với bổ nhiệm người vào Nghị viện).
2- Hoạt động lập pháp của Nghị viện phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống xã hội, phục vụ cho lợi ích của xã hội.
3- Phải thiết lập cơ chế giám sát hoạt động của chính Nghị viện, bảo đảm ngăn ngừa hành vi lạm dụng quyền lập pháp của chính Nghị viện.
Kinh nghiệm của một số quốc gia: Khi Hoa Kỳ mới giành được độc lập vào năm 1776, “học thuyết quyền tối cao của Nghị viện” của nước Anh đã có ảnh hưởng tới mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ áp dụng mô hình chế độ Nghị viện của Anh, dẫn đến hoạt động của Nghị viện Hoa Kỳ lấn áp nhánh hành pháp và nhánh tư pháp. Từ đó các nhà lập hiến Hoa Kỳ nhận ra rằng cùng với cơ chế kiềm chế đối trọng giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, còn cần phải lập cơ chế kiềm chế thẩm quyền rất lớn của chính Nghị viện. Mô hình Nghị viện 2 viện của Hoa Kỳ ra đời từ đó. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ đã được nhiều nước theo thể chế Tổng thống và nhiều nước khác tham khảo, vận dụng trong khi thiết lập Nghị viện.
Sự ra đời chế độ Nghị viện 2 viện ở các quốc gia Phương Tây
Lịch sử hình thành chế độ Nghị viện 2 viện (còn gọi là Lưỡng viện) bắt đầu từ nước Anh quân chủ lập hiến, vào thế kỷ thứ 14. Ở đa số các quốc gia Phương Tây, Nghị viện 2 viện được thiết lập theo học thuyết tam quyền phân lập của nhà triết học Pháp là Charles Louis Montesquieu (1689-1755) vào thời kỳ khai sáng. Khi đó Montesquieu sống trong xã hội quân chủ, có vua chúa, quý tộc và bình dân. Quan điểm của Montesquieu là cả 2 tầng lớp quý tộc và bình dân đều được tham gia thực hiện quyền lập pháp. Quyền lập pháp được giao cho 2 cơ cấu: một bên là đại biểu của quý tộc, một bên là đại biểu của dân chúng (là bình dân). Từ đó hình thành Nghị viện có 2 viện. Mỗi bên đều có Nghị viện để thảo luận riêng theo quan điểm và lợi ích của mình. Mặt khác, việc thành lập Nghị viện 2 viện còn để tạo ra sự cân bằng từ bên trong, để 2 bên đối trọng nhau trong quá trình lập pháp, loại trừ khả năng Nghị viện lạm dụng quyền lực lập pháp của chính mình. Thượng Viện là sự bổ sung cho Hạ Viện. Điều này đặc biệt cần thiết trong các nền Cộng hòa, ở đó Nghị viện luôn luôn có vị trí chủ đạo, có thể lấn át nhánh hành pháp và nhánh tư pháp.
Sau này, các nhà lập pháp ở Châu Âu chia xã hội thành 2 tầng lớp: lớp bình dân và lớp ưu tú (élite – là lớp có tài sản và có học). Hạ Viện là viện của lớp bình dân, Thượng Viện là viện của lớp ưu tú. Các dự luật đều phải thông qua 2 viện.
Việc thiết lập Nghị viện ở các nhà nước Liên bang còn có một lý do riêng. Khi bầu theo tỉ lệ số dân, bang lớn có số dân đông hơn sẽ có nhiều đại diện hơn bang nhỏ có số dân ít hơn. Điều này dẫn đến không bình đẳng về tiếng nói giữa các chủ thể trong Nghị viện. Thiết lập Nghị viên 2 viện là giải pháp để bảo vệ sự bình đẳng về tiếng nói của các bang trong Nghị viện, không phân biệt bang lớn hay bang nhỏ.
Có nhiều cách thành lập Thượng Viện: Hoặc bầu cử trực tiếp (như ở Hoa Kỳ, Ba Lan, Achentina, Italia, Mehico, Thụy Sĩ…), hoặc bầu cử gián tiếp (như ở Pháp, Nhật Bản…), hoặc bổ nhiệm (như ở Gioocdani do Vua bổ nhiệm). Ngoài ra còn có vài hình thức khác, như kết hợp giữa bầu và bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ của Hạ Viện thường là 2 năm. Nhiệm kỳ của Thượng Viện có thể là 6 năm, hoặc 9 năm (ở Pháp).
B- SƠ LƯỢC VỀ NGHỊ VIỆN HOA KỲ
Hoa Kỳ là nhà nước liên bang, theo thể chế tổng thống, đa đảng.
Nghị viện Hoa Kỳ có dạng Nghị viện 2 viện. Hạ Viện (House of Representative, còn gọi là Viện Dân biểu) và Thượng Viện (Senate – Viện Nguyên lão). Cả 2 Viện này đều có quyền lực trong quy trình thông qua các dự luật. Thành viên của Hạ Viện gọi là Dân biểu được ấn định theo tỷ lệ dân số. Mỗi Dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử, có nhiệm kỳ 2 năm. Thành viên của Thượng Viện gọi là Thượng nghị sĩ. Mỗi bang có 2 Thượng nghị sĩ, không ấn định theo tỷ lệ dân số, nhiệm kỳ 6 năm. Thành viên của 2 Viện đều được dân bầu trực tiếp.
Trong quy trình thông qua các dự luật, 2 viện có quyền ngang nhau.
Quyền hạn và giới hạn quyền hạn của Nghị viện Hoa Kỳ
– Quyền hạn của Nghị viện Hoa Kỳ được quy định ở Khoản 8 điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó có những quyền hạn quan trọng nhất là:
Đánh thuế và thu thuế, vay mượn, quy định về thương mại giữa các bang và với nước ngoài, đúc tiền và in tiền, thiết lập các Tòa án trực thuộc Tối cao Pháp viện, phát triển và duy trì quân lực, tuyên chiến.
– Khoản 9 điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định giới hạn thẩm quyền của Nghị viện, như không được đình hoãn quyền công dân khiếu nại trong thời gian bị bắt giữ (trừ trường hợp tham gia phiến loạn), không được thông qua luật cho phép bắt giữ mà không xét xử, không cho phép thông qua luật có tính hồi tố.
– Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập nguyên tắc phân quyền với quyền lực được phân bố cho 3 nhánh là hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nhánh lập pháp được quy định theo mô hình Nghị viện 2 viện, để bảo đảm nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau và cân bằng quyền lực trong bản thân nhánh lập pháp.
– Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Viện Dân biểu (tức Hạ Viện) bầu Chủ tịch Viện Dân biểu. Chủ tịch Viện Dân biểu thường là lãnh tụ của đảng đa số. Chủ tịch Thượng Viện đương nhiên là Phó Tổng thống.
Các nhóm vận động hành lang
– Ở Hoa Kỳ, các Nghị sĩ thường đệ trình các dự luật theo yêu cầu của những nhóm vận động hành lang (lobbyist). Các nhóm vận động hành lang vận động nghị sĩ để thông qua hoặc bác bỏ những dự luật có ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Các nhóm này có thể làm việc cho các công ty, các tổ chức chính trị, chính quyền liên bang hoặc chính quyền nước ngoài. Năm 2005, ở Hoa Kỳ đã có 35.000 người (ba mươi lăm ngàn) đăng ký làm vận động hành lang.
Trình tự lập pháp ở Nghị viện Hoa Kỳ
– Ở Hoa Kỳ, các dự luật trước tiên phải được xem xét bởi các Ủy ban thường trực của Nghị viện. Mỗi ủy ban có thẩm quyền về một lĩnh vực (ví dụ ủy ban ngân sách, ủy ban nông nghiệp…). Viện Dân biểu có 20 ủy ban. Thượng Viện có 16 ủy ban.
Mỗi dự luật phải trải qua một số giai đoạn xem xét ở mỗi Viện. Khi dự luật được xem xét ở một ủy ban, ủy ban này có thể tổ chức các cuộc điều trần, thu thập chứng cứ để xem xét dự luật. Các ủy ban cũng có thể sửa đổi dự luật nhưng chỉ có toàn thể Thượng Viện hoặc toàn thể Viện Dân biểu mới có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ dự luật. Khi ủy ban đệ trình lên, dự luật sẽ được toàn Viện xem xét. Tại đây, dự luật có thể được sửa đổi rồi biểu quyết bằng cách bỏ phiếu chấp nhận hay bác bỏ. Sau khi dự luật được 1 Viện thông qua, nó được gửi đến Viện kia xem xét. Để 1 dự luật trở thành luật, văn bản của dự luật phải được cả 2 Viện đồng thuận.
Quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ
Sau khi được cả 2 Viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống. Tổng thống có thể ký ban hành để trở thành luật, hoặc phủ quyết, gửi trả lại Nghị viện kèm theo lời phản kháng. Tổng thống cũng có thể không ký ban hành, cũng không phủ quyết. Ở trường hợp bị Tổng thống phủ quyết, dự luật chỉ có thể trở thành luật khi cả 2 Viện biểu quyết với 2/3 (hai phần ba) số phiếu để vô hiệu hóa sự phủ quyết của Tổng thống. Ở trường hợp Tổng thống không phủ quyết, cũng không ký thì Hiến pháp Hoa Kỳ đã qui định sau 10 ngày, dự luật sẽ tự động trở thành luật. Nhưng nếu Nghị viện chấm dứt kỳ họp trong khoảng 10 ngày này thì dự luật không trở thành luật. Đây gọi là trường hợp pocket veto.
Tạo thế cân bằng trong chính phủ
– Ngoài chức năng lập pháp, một trong những chức trách khác của Nghị viện Hoa Kỳ là điều tra, giám sát nhánh hành pháp. Nghị viện có thể mở các cuộc điều tra, thu thập thông tin, phục vụ cho công việc lập pháp, kiểm tra tính hiệu quả của các đạo luật đã được ban hành và để tra vấn phẩm chất, thành tích của các thành viên và các viên chức của nhánh hành pháp, nhánh tư pháp trong hệ thống tam quyền phân lập của chính phủ.
– Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền cho Viện Dân biểu (tức Hạ Viện) luận tội các viên chức liên bang, kể cả hành pháp và lập pháp, về các tội hối lộ, nhận hối lộ, tội hình sự, hạnh kiểm xấu và tội phản quốc. Thượng Viện có quyền xét xử các vụ luận tội. Đã có 2 Tổng thống bị luận tội là Andrew Johnson (1868) và Bill Clinton (1999).
– Hiến pháp Hoa Kỳ dành riêng cho Thượng Viện một số quyền: Tổng thống không thể bổ nhiệm các viên chức chính phủ, thẩm phán, những viên chức cao cấp khác mà không có sự cố vấn và đồng ý của Thượng Viện. Tổng thống chỉ có quyền phê chuẩn các Hiệp ước khi có sự đồng thuận của 2/3 (hai phần ba) Thượng Viện.
C- SƠ LƯỢC VỀ NGHỊ VIỆN PHÁP VÀ QUYỀN LỰC CỦA TỔNG THỐNG PHÁP
Cộng hòa Pháp là nhà nước theo thể chế bán-tổng thống, đa đảng.
Nghị viện Pháp (tiếng Pháp là Parlement francais) có 2 viện, gồm Hạ Viện (gọi là Quốc hội, Assemblée nationale) và Thượng Viện (Sénat). Hiện nay (2017), Quốc hội có 577 Dân biểu, Thượng Viện có 348 Thượng nghị sĩ. Trong Quốc hội có 5 chính đảng.
Ở Pháp, từ “Nghị viện” đã xuất hiện rất sớm, từ cách mạng Pháp ở thế kỷ thứ 19, thời kỳ quân chủ lập hiến 1830-1848.
Chức năng và quyền hạn của Nghị viện Pháp
1- Thông qua luật do Chính phủ đệ trình hoặc do các Viện thuộc Nghị viện đệ trình.
2- Sửa đổi hoặc thu hồi luật.
3- Tuyên bố chiến tranh.
4- Đưa ra tình trạng giới nghiêm, sau khi bàn luận và thông qua Hội đồng bộ trưởng.
5- Giám sát công việc của chính phủ.
6- Chất vấn thành viên chính phủ.
7- Bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ tại Hạ Viện.
8- Phê duyệt chính sách chung của chính phủ tại Thượng Viện.
Thể thức bầu Nghị viện ở Pháp
– Dân biểu tức là đại biểu Hạ Viện được bầu theo phổ thông đầu phiếu trực tiếp và thông qua 2 vòng bầu cử. Mỗi khu vực bầu cử được chia thành nhiều quận với số dân trung bình khoảng 105.600 cử tri. Mỗi Dân biểu có thể giới thiệu người thay thế mình trong trường hợp có thể trở thành Bộ trưởng chính phủ.
– Thượng nghị sĩ được bầu theo cách phổ thông gián tiếp, thông qua các đại cử tri bầu. Ở Pháp, đại cử tri bao gồm các thành viên Hội đồng vùng, tỉnh, đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ Thượng Viện Pháp là 6 năm, cứ 3 năm bầu lại 1/2 số Thượng nghị sĩ.
– Bầu cử Nghị viện Pháp năm 2017 vẫn thực hiện theo 2 vòng vào ngày 11/6 và ngày 18/6/2017 và theo cách bầu phổ thông đầu phiếu đơn danh đa số. Tại vòng 1, ứng cử viên nào đạt trên 50% tổng số phiếu bầu và tương đương 25% tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó thì trúng cử ngay. Nếu không có ứng cử viên nào trúng cử vòng 1 thì 2 ứng cử viên về đầu sẽ tự động được tham gia vòng 2. Nhưng bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó cũng được vào vòng 2.
Ở vòng 2, ứng cử viên nào thu được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử Dân biểu Hạ Viện.
Thể thức bầu này có lợi cho những đảng lớn, bất lợi cho các đảng nhỏ là các đảng mà các ứng cử viên khó đạt 12,5% số phiếu ở vòng 1 vì vậy các đảng nhỏ vẫn đòi phải bầu Hạ Viện theo thể thức đại diện tỷ lệ (PR).
Theo đài Pháp RFI ngày 12/6/2017, tại vòng 1 ngày 11/6/2017, đảng cánh trung Cộng hòa tiến bước và các đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron là thành phần muốn đổi mới các hoạt động chính trị của nước Pháp đã thu được 32,22 % số phiếu là số phiếu cao nhất ở vòng 1, cao hơn tất cà các đảng phái tả và đảng phái hữu truyền thống.
Họp Nghị viện Pháp
– Ngoài những phiên họp thường lệ, Nghị viện có thể có kỳ họp bất thường theo một chương trình nghị sự cụ thể, do Thủ tướng đề nghị hoặc do đa số thành viên của Hạ Viện.
-Thủ tướng là người duy nhất có quyền yêu cầu triệu tập một kỳ họp mới của Nghị viện trong thời hạn 1 tháng, kể từ khi kỳ họp bất thường bế mạc. Ngoài các kỳ họp đương nhiên, các kỳ họp bất thường của Nghị viện phải được triệu tập, khai mạc và bế mạc theo quyết định của Tổng thống.
Bầu Tổng thống
Kể từ khi nền Cộng hòa thứ 5 được thành lập vào năm 1958, người dân Pháp không trực tiếp bầu Tổng thống mà bầu thông qua các đại cử tri. Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1965, việc bầu cử Tổng thống được chính thức tổ chức theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
Lương của Tổng thống Pháp hiện nay là 14.910 euros/ tháng (theo website http://elysee.fr).
Quyền lực của Tổng thống Pháp
– Quyền của Tồng thống Pháp được ghi trong Hiến pháp như sau:
* Công bố các đạo luật. Tổng thống có thể triệu tập một phiên họp Hội đồng lập hiến trước khi ký thông qua 1 đạo luật.
* Bổ nhiệm 1 số chức vụ quan trọng trong chính phủ (với sự phê chuẩn của Nội các).
* Bổ nhiệm 3 trong 9 thành viên của Hội đồng lập hiến, trong đó có Chủ tịch Hội đồng.
* Tiếp đón Đại sứ nước ngoài.
* Giảm nhẹ tội các tội phạm (không ân xá).
– Không giống với nhiều Tổng thống của các quốc gia Châu Âu khác, Tổng thống Pháp có nhiều thực quyền, nhất là về ngoại giao. Tuy Thủ tướng và Nghị viện điều hành việc lập pháp, Tổng thống có nhiều ảnh hưởng quan trọng, chính thức và theo thông lệ. Tổng thống là chức vụ cao nhất nước, cao hơn tất cả các chức vụ khác. Quyền quan trọng nhất của Tổng thống Pháp là chọn Thủ tướng. Nhưng ở Pháp, chỉ Nghị viện mới có quyền bãi nhiệm chính phủ của một Thủ tướng nên Tổng thống thường chọn một Thủ tướng được đa số thành viên Nghị viện tán thành.
– Tuy nhiên thực quyền của Tổng thống không phải là quyền ghi trong Hiến pháp mà phải dựa vào sự ủng hộ của Thủ tướng và Nghị viện. Khi phần đông Nghị viện không tán thành chính sách của Tổng thống thì dẫn đến tình trạng “Chính phủ đồng sinh” (cohabitation), quyền lực của Tổng thống lúc này bị giới hạn.
– Khi phần đông thành viên Nghị viện cùng quan điểm với Tổng thống thì Tổng thống đóng được vai trò tích cực hơn và Tổng thống điều khiển chính sách của chính phủ. Ở trường hợp này, nếu chính phủ không được dân tán thành thì Thủ tướng sẽ bị thay đổi.
D- NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA NGHỊ VIỆN CHXHCNVN
Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước đơn nhất, duy nhất 1 đảng, theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
– Quốc hội CHXHCNVN kế thừa Quốc hội VNDCCH nên lịch sử của Quốc hội CHXHCNV được tính từ khóa 1 là ngày 6/1/1946, đến nay đã trải qua 13 khóa và 8 đời Chủ tịch Quốc hội.
– Dạng thức Nghị viện: Nghị viện 1 viện, gọi là Quốc hội.
– Theo Hiến pháp 2013, Quốc hội CHXHCNVN có 3 chức năng chủ yếu: Lập hiến và lập pháp; Quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia; Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
– Quốc hội có 11 Ủy ban và Hội đồng, gồm: Ủy ban thường vụ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban pháp luật, Ủy ban tư pháp, Ủy ban kinh tế, Ủy ban tài chính-Ngân sách, Ủy ban quốc phòng và an ninh, Ủy ban văn hóa-giáo dục-thanh niên-thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban khoa học-công nghệ và môi trường, Ủy ban đối ngoại.
Cơ cấu tổ chức nhân sự của Quốc hội
Căn cứ điều 4 Hiến pháp 2013, Chủ tịch Quốc hội được Ban chấp hành trung ương ĐCSVN đề cử. Trên 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên ĐCSVN. Các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, của các thành phố trực thuộc trung ương thường là ủy viên trung ương đảng, kiêm bí thư tỉnh ủy hoặc bí thư thành ủy. Trong Chính phủ thuộc nhánh hành pháp, 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN. Từ Thủ tướng đến Bộ trưởng thường là ủy viên trung ương hoặc ủy viên Bộ chính trị, kiêm đại biểu Quốc hội. Trong Tòa án tối cao thuộc nhánh tư pháp 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN, chiếm giữ Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao và Chánh án tòa án tối cao, cũng tham gia đại biểu Quốc hội. Quyền lực của ĐCSVN không những bao trùm Quốc hội thuộc nhánh lập pháp mà còn bao trùm toàn bộ 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Lãnh đạo Quốc hội
Đảng cộng sản lãnh đạo Quốc hội thông qua Đảng đoàn Quốc hội, trong đó gồm các đảng viên cộng sản nắm các vai trò trọng yếu trong Quốc hội: Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội.
Đảng đoàn Quốc hội chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Bộ chính trị, Ban bí thư của ĐCSVN.
Bộ chính trị ĐCSVN chỉ định các chức vụ Bí thư, Phó bí thư và các ủy viên Đảng đoàn của Quốc hội.
6 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng đoàn Quốc hội
1- Lãnh đạo Quốc hội thực hiện đúng đường lối, chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN.
2- Thực hiện các nghị quyết của ĐCSVN về tổ chức, cán bộ, quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo phân công, phân cấp của Bộ chính trị.
3- Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN trong hoạt động của Quốc hội.
4- Được triệu tập đảng viên hoặc đại diện đảng viên ở các đoàn đại biểu Quốc hội, để bàn chủ trương, biện pháp thực hiện nghị quyết của ĐCSVN trong Quốc hội.
5- Báo cáo, kiến nghị với cấp ủy có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với đảng viên là đại biểu Quốc hội vi phạm nguyên tắc kỷ luật Đảng trong hoạt động quốc hội.
6- Chịu trách nhiệm trước Bộ chính trị, Ban bí thư về những đề xuất và các quyết định của Đảng đoàn.
– Ngoài ra tùy những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ chính trị hay thuộc Ban bí thư của ĐCSVN mà Đảng đoàn quốc hội phải trình lên xin ý kiến, chẳng hạn:
* Với những vấn đề mà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội có ý kiến khác với ý kiến Bộ chính trị trước khi Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội biểu quyết thông qua thì phải trình lên xin ý kiến của Bộ chính trị.
* Với những kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Ban bí thư quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội thì phải trình lên xin ý kiến của Ban bí thư.
Nguồn tư liệu tham khảo:
– “Về mô hình nghị viện của các nước” của PGS TS Vũ Hồng Anh, Viện Lập pháp.
– “Nghị viện Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam”, Bách khoa toàn thư Wikipedia tháng 5 năm 2017.
T.K.
Tác giả gửi BVN