Nguyễn Đình Ấm
Câu nhận xét này khá phổ biến ở ngành hàng không Việt Nam (HKVN) nhất là từ thời ông Đinh La Thăng rồi ông Trương Quang Nghĩa làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Riêng tôi cũng thấy nhận xét của họ không sai.
Qua nhiều năm Bộ GTVT phụ trách ngành HKVN, chỉ thấy Bộ chỉ ký các văn bản do ngành HKVN đệ trình mà không có sáng kiến chỉ đạo gì để ngành HKVN phát triển, ngược lại chỉ thấy những chính sách, việc làm có hại cho ngành kinh tế này:
– Bộ GTVT không quan tâm chiến lược phát triển của ngành HKVN: Việc quá tải sân đỗ, kẹt xe tai hại chưa từng có ở sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) – cửa ngõ đường không số một của quốc gia – từ nhiều năm qua là có trách nhiệm chính của lãnh đạo Bộ GTVT. Từ những năm 2007 sân bay TSN đã bắt đầu thiếu sân đỗ nhưng không thấy Bộ GTVT có cảnh báo, nỗ lực gì hữu hiệu đòi hỏi nhà nước, quân đội, các cơ quan chức năng, quản lý… phải dành đất bên quân đội nhàn rỗi để làm sân đỗ. Trải qua 10 năm, đến nay không những không có nỗ lực gì mà Bộ trưởng GTVT đương nhiệm còn có hành vi mà dư luận nghi là “đi đêm” với các thế lực muốn bóp nghẹt sự mở rộng sân bay TSN. Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều ngày 8/6/2017 ông Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu: “Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay TSN về phía Bắc [khu sân golf, nhà hàng, khách sạn của đại gia quân đội – tác giả chú thích] là hoàn toàn không khả thi”.
Không hiểu ông này “nghiên cứu” kiểu gì mà vượt mặt cả nhưng chuyên gia về hàng không như ông Nguyễn Trọng Sành lãnh đạo quản lý bay ở TSN hơn 20 năm, cựu phi công Mai Trọng Tuấn, cựu phi công, phó tổng giám đốc TCT hàng không VN Nguyễn Thành Trung, cựu giám đốc sân bay TSN Phan Tương và đặc biệt phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng nhóm khảo sát, nghiên cứu các phương án mở rộng TSN trong đó đã “chốt” hai phương án trong đó có phương án 3b phát triển sang phía Bắc khu sân golf mà người am hiểu về HK đều công nhận là “tối ưu”. Ngay tại buổi họp thường trực chính phủ tối 12/6, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cũng quyết định khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng thứ 3 ở TSN. Như vậy việc dư luận nghi ông Bộ trưởng “có quà” trong vụ này liệu có oan? Tháng 3/2017, nghe nói ông còn ký với đại diện Bộ Quốc phòng phía quân đội cho mượn 21 ha đất để tạm thời để làm thêm sân đỗ cho sân bay TSN với điều kiện “khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì 21 ha đất phải trả cho quân đội” (?). Với tư cách gì mà ông Nghĩa ký văn bản thừa nhận đất sân bay TSN là của riêng quân đội? Trước đó ông TQN còn có một ý định “điên rồ” là yêu cầu nhà chức trách HKVN hạn chế các hãng bay để nhường khách cho tàu hỏa (?!). Ngành nào trì trệ thì Bộ trưởng phải có trách nhiệm tìm cách cải tiến phát triển nó chứ sao lại lấy biện pháp hành chính để hạn chế họat động của ngành khác? Ở đây ông cũng vi phạm luật hàng không vì theo luật này một trong những trách nhiệm lớn nhất của cục HKVN “là nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển ngành HKVN”…
– Dưới thời ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành HKVN râm ran bàn tán về chính sách, việc làm mang tính “phá hoại” ngành HKVN. Với ngành HK, cái quan trọng hàng đầu của nhà chức trách là vạch chiến lược phát triển hạ tầng, ban hành các chính sách, luật lệ để phát triển giao thông HK tuyệt đối an toàn, hiệu quả, còn trong lĩnh vực thương mại thì để các hãng HK tự do cạnh tranh trong khuôn khổ luật pháp… Thế nhưng làm Bộ trưởng GTVT từ năm 2011-2015 là thời kỳ sân bay TSN quá tải “cùng quẫn” hàng ngày, nhưng Bộ GTVT cũng không có nỗ lực nào để cùng cấp trên, các bộ ngành liên quan khắc phục mà chỉ hô hào xúc tiến dự án Long Thành chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Khi đại biểu Quốc hội chất vấn tại sao có sân golf trong sân bay để TSN bị quá tải… thì Bộ trưởng Đinh La Thăng chối bay: “Đại biểu chất vấn nhầm…”, tức khẳng định mình không có trách nhiệm gì về việc này. Các quan chức khác sợ mất ghế không dám đụng đến đặc quyền đặc lợi của nhóm lợi ích sân golf chứ Bộ trưởng GTVT sao có thể né tránh vấn đề cốt tử của ngành HK?
Thời kỳ gần đại hội 12, Bộ trưởng ĐLT công khai rùm beng nhận tin nhắn của mọi người phản ánh về phục vụ của ngành HKVN làm cục HKVN khốn khổ. Hàng ngày Bộ chuyển các tin nhắn xuống yêu cầu trả lời, giải trình nhưng không có địa chỉ người góp ý, tố cáo để trả lời, trong đó có những ý kiến “ba lăng nhăng” như: “Tôi đi máy bay nhiều, thấy tại sao khi thì máy bay hạ cánh đầu đường băng này, lần lại hạ cánh đầu đường băng kia, liệu có an toàn không…”.
Ở ngành HKVN, nạn “cửu vạn” buôn lậu hàng xách tay, chuyện sách nhiễu của hải quan, an ninh… như bệnh nan y không chỉ phá hoại nền kinh tế, bôi đen bộ mặt đất nước, mà đặc biệt nguy hiểm uy hiếp an ninh, an toàn HK, thì không thấy Bộ trưởng quan tâm thay đổi được gì mà lại chỉ “xông xáo” những việc vặt vãnh như giám sát, chỉ trích giá tô mì tôm ở sân bay, đặt bình nước miễn phí ở ga HK… rồi báo chí đăng rùm beng như việc “thương dân, yêu nước”. Nếu thật thực sự thương dân thì Bộ trưởng phải cho đặt bình nước miễn phí ở các bến, tàu xe đường dài, vì phần lớn khách là dân nghèo, đường xa vất vả, chứ khách đi máy bay thì nhàn hạ hơn do nhà ga, khoang máy bay có máy lạnh, nước uống rồi… Phải chăng Bộ trưởng biết khách đi máy bay có tiếng nói “nặng” hơn khách đi ô tô, tàu hỏa?
– Từ hơn chục năm trước ở ngành HKVN đã diễn ra không dưới 3 lần bàn về mở đường bay thẳng Bắc – Nam (“đường bay vàng”) lần nào cũng nghiên cứu, đo đạc… rồi khẳng định đường bay này phức tạp, không hiệu quả, không hãng HK nào chịu bay. Thế nhưng năm 2014 Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn yêu cầu ngành HK phải tổ chức thảo luận, đo đạc, bay thử… đăng báo rùm beng như một sự “quyết đoán, nhiệt huyết…”, kết quả vẫn như các lần trước mà tốn kém không biết bao nhiêu tỷ đồng. Nhiều cán bộ ngành HK than thở: “Biết việc này chỉ là để tuyên truyền nhưng ý kiến khác có khi toi với ông ấy!”…
– Năm 2012, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tham mưu với chính phủ cho sáp nhập toàn bộ các sân bay thuộc ba cụm cảng HK Bắc, Trung, Nam vốn phù hợp với hoàn cảnh thực tế đang hoạt động tốt thành TCT cảng HKVN để thành “tập đoàn” (ACV). Kết quả ACV thêm cồng kềnh, “vô thiên lủng” cán bộ cấp phó, cả nhiều tháng trời CBNV không có lương chính thức, trụ sở ở phía Nam đi lại nhiêu khê, tốn kém và lần đầu bị lỗ…
Đặc biệt, Bộ trưởng ĐLT “giết chết mọi ý nghĩ của bất cứ ai muốn vươn lên sự nghiệp bằng nhiệt huyết, tài năng” khi bổ nhiệm cán bộ cực kỳ tùy tiện: Hai cán bộ cỡ trưởng phòng (ban) không có trong quy hoạch, không trong cấp ủy sân bay, không có thành tích gì ghê gớm được ông ĐLT “thần tốc” bổ nhiệm lên giám đốc sân bay Nội Bài và phó giám đốc sân bay TSN, một người nguyên cỡ trưởng phòng đã bị kỷ luật đang không có việc cụ thể được bổ nhiệm chức phó giám đốc sân bay Nội Bài… Dư luận kinh ngạc tha hồ đồn đoán ông bổ nhiệm ông kia làm giám đốc sân bay Nội Bài do có vợ là “người nhà ông to ở chính phủ”, một người là con gái “rượu” ông rất to khác làm phó giám đốc sân bay TSN là để trang bị cho mình hai chiếc “ô hạt nhân”, còn người đang là nhân viên “bơ vơ” được bổ nhiệm làm phó giám đốc sân bay Nội Bài với cái giá “không dưới 5 tỷ”… Nói chung, rất nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ phi lý mà dân gian nghi là“ có mùi T”. Nếu nhân tố con người là quyết định thì chính Bộ GTVT đã tàn phá không thương tiếc ngành HKVN.
Cái gọi là “quyết đoán… trảm” của bộ trưởng ở đây là “quyết đoán trảm với cán bộ “tép” còn với cán bộ chức quyền to thì bao che, lờ trước những sai phạm lớn…
Dư luận trong ngành HKVN cũng kêu ca nhiều khi phải nộp tiền cho Bộ GTVT không theo chế độ nào, năm 2014 mỗi CBNV thuộc TCTHKVN phải nộp 2 ngày lương về Bộ, tổng cộng hơn 10 tỷ VNĐ, nghe nói để Bộ trưởng “tiếp khách báo chí” (?). Ngoài TCTHKVN có còn doanh nghiệp nào phải nộp “tô” nữa không, và bao nhiêu lần rồi? Việc này yêu cầu cơ quan chức năng xác minh kiểm tra xem có đúng không? Nếu có, những khoản tiền đó được sử dụng như thế nào?
Khó mà thống kê hết những khiếm khuyết, thất sách có hại đối với ngành HKVN của các lãnh đạo Bộ GTVT.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN