Vi Yên
Ảnh: VnExpress – Zing.
Có ý kiến cho rằng, lời hứa của tướng Nguyễn Đức Chung không có giá trị pháp lý, và ông cũng không có thẩm quyền trong các hoạt động điều tra để có thể quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm, rằng để đảm bảo tiêu chí của một nền pháp quyền, cơ quan điều tra cần phải độc lập khỏi sự chi phối của cơ quan hành pháp, và rằng hành động truy tố của CA Hà Nội lần này là đúng đắn theo các nguyên tắc pháp quyền.
Song cách lập luận như thế liệu có thực sự chính đáng? Và có nơi nào mà pháp quyền sinh ra là để bảo vệ cho chính quyền không? Hay, một cách tổng quát hơn, thế nào là một nền pháp quyền?
Thế nào là một nền pháp quyền chính đáng
Một thể chế được coi là có pháp quyền thì phải đảm bảo cả tiêu chuẩn hình thức lẫn thực chất. Xét về mặt hình thức, nhà nước và cá nhân phải tuân thủ theo các thủ tục pháp luật. Song, bản chất của nền pháp quyền chính là nhằm ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền, qua đó bảo vệ lợi ích của người dân. Quan trọng nhất vẫn là tiêu chuẩn về thực chất, vì rốt cuộc thì thủ tục chẳng qua chỉ để đảm bảo cho chính cái bản chất ấy được thực thi.
Một thể chế dù thực hiện khắt khe các tiêu chuẩn hình thức song không đảm bảo tiêu chuẩn thực chất, thì không nên nói rằng nó sở hữu một nền pháp quyền. Thậm chí ta có thể hiểu rằng thể chế này đang sử dụng cái mỹ từ “pháp quyền” như một đôi găng nhung để bảo vệ cho bàn tay sắt giấu bên trong nó.
Ở Việt Nam, rõ ràng toàn bộ quyền lực nằm trong tay đảng Cộng sản: Đảng có địa vị tối cao, đứng trên luật, và sử dụng pháp luật để cai trị. Các cơ quan khác nhau – như hành pháp, lập pháp, tư pháp – chỉ là các công cụ được Đảng thiết lập nhằm phục vụ các chức năng mà Đảng giao cho. Một nền chính trị như vậy, dù có đảm bảo tiêu chuẩn hình thức đến mấy, thì vẫn không thể được coi là một nền pháp quyền.
Tại sao có thể tuyên bố chắc nịch như vậy? Bởi cái tính hình thức đó được sinh ra nhằm phục vụ cho lợi ích của Đảng, chứ không phải là để kiểm soát quyền lực của giới cai trị và bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân. Nó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần pháp quyền rằng, một nhà nước pháp quyền phải đảm bảo người dân có khả năng chống lại sự tuỳ tiện của chính quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện diện trong mọi ngõ ngách của đời sống chính trị và pháp lý Việt Nam. Ảnh: Viện Kiểm sát Bắc Giang.
Đồng Tâm: Bất công chồng lên bất công
Quay lại trường hợp ở Đồng Tâm, chúng ta có thể thấy rằng người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi bắt giữ một số người của chính quyền khi phải tự bảo vệ chính họ trước bạo quyền. Và cũng có thể cho là ông Chung đã lạm quyền khi cam kết một điều không thuộc thẩm quyền của ông. Như vậy, giao dịch giữa ông Chung và người dân đã vi phạm tiêu chuẩn về hình thức. Vậy thì để đảm bảo thủ tục pháp quyền, ông Chung phải bị luận tội lạm quyền, còn người dân phải bị khởi tố.
Song câu hỏi đặt ra là: Liệu tuân theo thủ tục pháp quyền như thế có thực sự đảm bảo tính công bằng hay không? Và có đáng để chúng ta đấu tranh cho một thứ pháp quyền thuần túy hình thức như thế?
Thứ nhất, như lập luận ở trên, chúng ta đã thấy rằng Việt Nam không sở hữu một nền pháp quyền chính đáng. Người dân luôn ở thế yếu hơn và không có khả năng chống lại sự tùy tiện của các cơ quan công quyền: họ còn biết trông cậy vào công cụ nào để bảo vệ chính mình khi mà kẻ đẩy họ vào đường cùng lại là những người có thừa quyền năng để đem họ ra truy tố?
Thứ hai, quan trọng hơn, chính là về những nguồn cơn đã dẫn đến hành vi của người dân Đồng Tâm. Đó là quá trình đối xử bất công kéo dài xâm phạm các lợi ích của họ, là những hành vi bạo lực đối với họ khiến họ phải phản kháng. Rõ ràng ở đây họ là người bị hại trước nhất, không một thứ “thủ tục pháp quyền” nào được thực thi ngay từ đầu, và rồi họ phải phản kháng để tự bảo vệ mình, vì vậy mà họ bị coi là có tội. Điều này là hoàn toàn bất công. Và một nền pháp quyền giả tạo như vậy hoàn toàn không đáng cho chúng ta theo đuổi.
Nên hay không nên ủng hộ thực hiện lời hứa của ông Chung? Ảnh: Zing.
Cần áp dụng tinh thần pháp quyền thực chất
Để tạo dựng một nền pháp quyền chính đáng, chúng ta nên ủng hộ thực thi bản cam kết của ông Chung. Có như vậy mới đảm bảo được tiêu chuẩn thực chất của pháp quyền.
Khi mà quyền lợi của người dân bị xâm phạm, chính quyền giải quyết không công bằng, thậm chí còn sử dụng đến bạo lực, thì người dân có quyền nổi dậy để bảo vệ chính họ. Trong trường hợp này, chính quyền đã xâm phạm tới quyền lợi của người dân trước tiên, do đó chính quyền mới là phía sai trái, mới đáng bị kết tội.
Việc ông Chung đại diện cho chính quyền đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân cho thấy rằng quyền lực của chính quyền đã bị giới hạn khi gặp phải sức phản kháng của người dân. Thêm vào đó, các quyền lợi của người dân được bảo toàn. Đó mới chính là tinh thần của pháp quyền: kiểm soát sự cai trị, giới hạn quyền lực nhà nước, và bảo vệ lợi ích của người dân.
Vụ việc lần này ở Đồng Tâm khá giống với tinh thần của giới quý tộc Anh cách đây hơn 800 năm. Khi bị chính quyền đối xử tùy tiện, giới quý tộc Anh đã nổi dậy, ép vua Anh phải ký kết Đại Hiến chương Magna Carta – ghi rõ cam kết bảo vệ các quý tộc và cá nhân không bị bắt giam. Nội dung chính của bản Hiến chương nêu lên tinh thần tôn trọng các quyền không thể xâm phạm của con người, và đây chính là nền tảng của nền pháp quyền Anh.
Điều này cũng tương tự như khi nước Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Do bị đối xử bất công, người Mỹ đã nổi dậy chống lại luật pháp Anh, và tuyên bố trở thành quốc gia độc lập với tuyên ngôn nổi tiếng:
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ”.
Dù thủ tục tố tụng có được thực thi khắt khe đến thế nào thì chúng vẫn là thứ vô ích và không đáng được bảo vệ khi mà chính quyền hãy còn giữ thế độc tôn nắm giữ quyền lực, và lợi ích của người dân hãy còn bị xâm phạm đến mức họ phải chống lại luật pháp để bảo vệ chính mình. Muốn gầy dựng một nền pháp quyền chính đáng, thứ chúng ta cần theo đuổi chính là tinh thần của nó.
Như vậy, trường hợp ở Đồng Tâm với cam kết giữa người dân và ông Chung, hay nói rộng hơn là thỏa ước giữa người dân và chính quyền, là một bằng chứng cho thấy dấu hiệu của pháp quyền. Và việc thực thi bản cam kết này chính là một bước tiến để bắt đầu hiện thực hóa tinh thần pháp quyền thực chất.
V.Y.
Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/06/khoi-to-va-loi-keu-goi-thuong-ton-mot-thu-phap-luat-bat-cong/