Rất cần tiếng nói của lương tri

LÊ THANH PHONG

Có điều gì đó thật chua chát trong câu nói của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nhưng đó là điều rất thực. Đôi khi cũng cần nghe một lời nói thực để đắp vá vào những lỗ hổng niềm tin đã bị thất thoát.

Sự thật đây là gì? Các trường hợp bổ nhiệm người nhà, “bổ nhiệm thần tốc” hay cả gia đình dòng họ làm quan trong một tỉnh được nêu ra cụ thể, bằng chứng rành rành, nhưng khi giải trình, thì tất cả đều “đúng quy trình”. Chịu, cứ đổ cho cái ông “quy trình” thì coi như xong“.

Vâng đúng là “xong”, đối với thể chế đã ngập ngụa trong tham nhũng – tham nhũng đủ loại từ lớn đến nhỏ, từ vật chất đến tinh thần, ăn không chứa thứ gì – này, nhưng với cả dân tộc thì chưa xong đâu.

Xin nói chắc với các ngài “Ông Dân” (chữ dùng của Tú Mỡ) như vậy. Cái ngày thanh toán mọi chuyện cho thật xong đang chờ tất cả chúng ta ở phía trước.

Bauxite Việt Nam

clip_image002

Việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh – giữ chức vụ Phó trưởng Phòng, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thanh Hóa – sai hàng loạt quy định, trong đó vi phạm rất nhiều quy định về tiêu chuẩn, trình độ.

“Chúng ta có thể thanh tra giám sát các thủ tục được gọi là đúng quy trình ấy, nhưng lương tri của những người làm công tác tổ chức cán bộ là thứ không ai có thể giám sát được”, đó là ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khi bàn về những vụ “bổ nhiệm thần tốc” tại diễn đàn Quốc hội.

Người ta đã nói đến vai trò giám sát của Quốc hội, nhưng lần đầu tiên có một đại biểu đặt vấn đề giám sát lương tri của con người. Con người cụ thể ở đây là [lương tri của] cán bộ làm công tác tổ chức.

Một công trình xây dựng bị hư hỏng, kiểm tra bằng các biện pháp kỹ thuật, có thể biết được chất lượng xây dựng, phát hiện công trình bị “rút ruột”. Một vụ việc thưa kiện của công dân xảy ra, có thể nghiên cứu hồ sơ để tìm hiểu bản chất sự việc, cho nên có nhiều vụ án oan sai được giải mã. Một chính sách ban hành có được thực thi nghiêm túc hay không, bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát, có thể xác định được trách nhiệm của cá nhân, đơn vị.

Nhưng đố ai có thể giám sát được lương tri của con người. Có điều gì đó thật chua chát trong câu nói của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nhưng đó là điều rất thực. Đôi khi cũng cần nghe một lời nói thực để đắp vá vào những lỗ hổng niềm tin đã bị thất thoát.

Sự thật đây là gì? Các trường hợp bổ nhiệm người nhà, “bổ nhiệm thần tốc” hay cả gia đình dòng họ làm quan trong một tỉnh được nêu ra cụ thể, bằng chứng rành rành, nhưng khi giải trình, thì tất cả đều “đúng quy trình”. Chịu, cứ đổ cho cái ông “quy trình” thì coi như xong.

Sự thật ở đây là gì? Có rất nhiều thứ đúng quy trình nhưng không lương thiện, là không đúng với những giá trị đạo đức mà con người xác lập và thừa nhận, là xa lạ với tiếng nói của lương tri. Kiểm điểm lại nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đất nước, sẽ thấy có lắm thứ chúng ta phải trả giá vì nó được thực hiện và cam kết bởi những quy trình.

Khi người lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ bằng sự trong sáng của lương tâm, sự công bằng của tuyển chọn, sự quyết tâm tìm người tài để phục vụ đất nước, thì đó là quy trình đúng nhất, cho dù nó không thể định lượng được. Bởi vì nó là quy trình của lương tri.

Với những quy trình được định lượng bằng những gạch đầu dòng của thủ tục, hồ sơ mang tính quy định như bằng cao cấp chính trị, thời gian công tác, bằng cấp chuyên ngành, bỏ phiếu tín nhiệm…, cũng không thể chọn ra người có năng lực nếu không có tiếng nói của lương tri.

Thế mới hay, thiếu vắng tiếng nói của lương tri thật là kinh khủng.

L.T.P.

Nguồn: (http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/rat-can-tieng-noi-cua-luong-tri-672997.bld)

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.