Phạm Toàn dịch
Russell Leigh Moses làm việc ở bộ phận Bắc Kinh của tờ báo WSJ trong cương vị nhà phân tích và Giáo sư về Chính trị Trung Hoa. Ông đang viết cuốn sách về vai trò quyền lực đang thay đổi trong hệ thống chính trị Trung Hoa.
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hành động như là hai đảng vậy.
Một đảng – cái đảng đứng ra xử lý vụ động đất ở Thánh Hải hồi tháng Tư – là một tổ chức quyết đoán, vô cùng giỏi trong việc huy động những nguồn lực hậu cần khổng lồ đem ra sử dụng. Thế mạnh của đảng này lộ ra khi có yêu cầu phải huy động sức mạnh vô cùng to lớn vào xử lý những đại thảm họa.
Một đảng kia – cái đảng đang tìm cách xử lý đường dây những vụ giết người ở trường học gần đây – là một đảng đang có thiên hướng đóng băng. Khi phải đối mặt với một cái gì đó phức tạp và bất định đặc trưng cho những xã hội hiện đại, thì công việc điều hành ở đây tỏ ra lúng túng, sa lầy. Trong vụ này, cần nhiều ngày để Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận rằng những vụ bắn giết có thể phản ánh một xung đột xã hội ngấm ngầm. Phản ứng của cái ĐCS thứ hai này nói chung vẫn là chủ trương tăng cường an ninh tốt hơn nữa cho nhà trường, chứ không thấy chiều hướng phải suy nghĩ lại một cách căn bản về đường lối chính sách với công chúng.
Thực ra thì chính là đài truyền hình Phụng Hoàng – chứ không phải các phương tiện truyền thông trong tay nhà nước – (trong một sự kiện hoàn toàn chẳng ăn nhập gì) đã nêu câu hỏi với Ôn Gia Bảo về những tấn thảm kịch nhà trường, và do đó đã tạo ra những phản ứng công khai đầu tiên của giới lãnh đạo. Khi trả lời phỏng vấn, ông Ôn cho rằng gốc gác của các cuộc giết chóc trong trường học rất có thể là do những căn bệnh xã hội đang tràn lan ở Trung Hoa. Nhưng cuộc phỏng vấn và những gì ông Ôn nói ra chật vật lắm mới thấy nhắc lại trên các phương tiện truyền thông do nhà nước nắm – đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy toàn bộ giới lãnh đạo tất yếu không đồng tình hoặc không biết họ đang cần phải hành động như thế nào.
Có chuyện gì ở đây vậy? ĐCSTQ đang trượt từ thế khỏe mạnh cường tráng sang tình trạng tê liệt sao?
Đâu có. Nhưng Đảng đang đứng trước một thách thức cơ bản: làm cách gì dung hòa hai quan điểm rất khác nhau về cung cách cai quản xã hội Trung Hoa. Kết quả của cuộc tranh cãi này sẽ là một tác động nghiêm trọng tới hình thù ĐCSTQ và sẽ hiện ra trong việc tìm người lãnh đạo kế tục đang diễn ra.
Có một quan điểm, ấy là Đảng phải tiếp tục đứng trên đỉnh của trò chơi chính trị ở Trung Hoa và vai trò vị trí đó phải hiện rõ trong các chiến dịch cứng rắn có tổ chức và trong cách sử dụng những lời lẽ chung chung vô thưởng vô phạt: nói cách khác là áp dụng chính sách kiểu cũ đã có từ thời Cộng sản mới nắm quyền.
Đi đầu thế lực này là Bo Xilai người đứng đầu đảng bộ ĐCSTQ tỉnh Trùng Khánh. Ông này hết sức nổi tiếng trong việc đánh mạnh vào nạn tham nhũng kèm theo sự khua chiêng trống rùm beng của giới truyền thông tại thành phố của ông. Ông ta dùng bộ máy của Đảng ở đây để nhào nặn xã hội – một chiến lược kêu gọi các cán bộ hãy coi những thách thức xã hội chính là do Đảng gây ra, cái đảng không có nguyện vọng mang tính thể chế để vung được cây gậy to tổ bố. Những ông cán bộ này tin rằng cần thiết phải có những nhà lãnh đạo mạnh thì mới có cải cách Đảng thật sự; họ coi ông Bo xứng đáng với lá phiếu bầu của mình.
Ông Bo có tạo ra một hình ảnh dân túy lòe loẹt nào đó trong chiến dịch chống tham nhũng. Ông lập luận rằng, để có thể thanh xuân hóa nền đạo đức của các công dân trẻ Trung Hoa, thì cần nhấn mạnh vào các giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống hiện đại, và có thể tìm thấy điều đó trong nền văn học Trung Hoa và di sản săn hóa Trung Hoa. Ông cho rằng có thể xây dựng được công bằng xã hội. Nhưng cung cách tiến đánh nạn tham nhũng của ông lại hợp với mô hình của Mao, và hấp dẫn những ai thích thú được thấy kẻ giàu có và quyền lực bị chà xuống gót chân.
Những quan điểm của ông Bo lại bị Li Yuanchao trưởng ban Tổ chức Đảng cai quản toàn bộ nhân sự Đảng chống lại. Ông Li và các đồng minh cho rằng Đảng không cần mạnh hơn, mà chỉ cần thông minh hơn thôi. Quan điểm này coi các cuộc thanh trừng và các khẩu hiệu là chuyện cũ kỹ đối với một quốc gia bây giờ đã mới mẻ lên rất nhiều. Đảng cần tỏ ra là một tấm gương điều hành xã hội bằng cách tạo ra những người điều hành có tài năng, chứ không bằng cách dạy cho dân sống đạo đức và ngay thẳng. Đảng không cần khích lệ ai hết, Đảng chỉ cần hiệu quả thôi.
Cuộc tranh cãi dâng cao vào thời điểm Đảng chịu áp lực vì một thứ bất ổn xã hội. Càng ngày càng có nhiều công dân Trung Hoa khao khát có một Đảng dùng các chính sách xã hội để bảo vệ nhân dân. Có những công dân đã hết kiên nhẫn với những cuộc tranh cãi lý luận tìm cách làm cho Đảng mạnh hơn lên. Những người này đòi các quan chức phải bảo vệ được họ trước nạn giá cả nhà cửa leo cao như tên bắn, phải tăng cường hệ thống giáo dục tụt xuống chỗ sâu thẳm như hũ nút và xem xét toàn bộ hệ thống y tế vô cùng què quặt. Với những người này thì, cho dù Đảng cai quản xã hội bằng cây gậy hay cây bút chẳng mấy quan trọng, cứ thực sự cai quản là được: họ mong Đảng hãy chú ý tới các mối quan tâm rộng lớn của xã hội chứ đừng chú ý tới mối quan tâm hạn hẹp là sự sống còn của riêng Đảng.
Chưa thấy rõ lắm các cán bộ Đảng sẽ đáp ứng lại những tiếng la hét xã hội đó ra sao, vì đây là một lãnh thổ chính trị mới mẻ với Đảng. Và cũng không rõ cả ông Bo hoặc ông Li nghĩ gì về việc coi quần chúng như là thế lực to lớn quyết định chính sách của Đảng, chỉ biết là cả hai phe của hai ông đều có ít chọn lựa.
Quan trọng hơn cả, đó là cuộc tranh cãi hiện thời đang đi ngược lại với việc bàn bạc tìm người kế tục ông Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong khi nhiều nhà quan sát vẫn cứ nghĩ rằng tiến trình tìm người kế tục là chuyện đã giải quyết xong, thì vẫn có lắm lý do để nghĩ khác hẳn với chuyện đó. Như ta vừa thấy gần đây, Đảng tỏ ra rất giỏi trong việc xử lý khủng hoảng nhưng lại vẫn đang loay hoay xử lý các vấn đề xã hội. Ai sẽ điều hành nước Trung Hoa chỉ là một phần nhỏ của cả một vấn đề to thuộc về cung cách nước Trung Hoa được cai quản ra sao.